Phạm Minh Hoàng
Tôi đã từng viết nhiều bài để vinh danh các tù nhân lương tâm: Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Anh Trương Minh Đức, anh Bắc Truyển, chị Thúy Nga, em Trần Hoàng Phúc, em Minh Hạnh, anh Lê Đình Lượng,… Tôi viết một cách rất tự nhiên vì chỉ tường thuật lại những hình ảnh, những kỷ niệm mà chúng tôi đã từng sống, từng trao đổi với nhau, từng gặp nhau trước hoặc sau khi vào tù.
Nhưng hôm nay, ngồi trước máy tính tôi không biết phải bắt đầu như thế nào, vì “đối tượng” mà tôi muốn đề cập đến là người tôi chưa từng gặp: Sinh viên Phan Kim Khánh, người vừa được trao giải thưởng Lê Đình Lượng 2020. Tôi xin lấy ý từ bài phỏng vấn em trên SBS Tiếng Việt.
“Tôi sinh ra ở làng quê nghèo, nơi mà những người thân của tôi phải dậy từ sớm trước cả tiếng gà gáy. Họ là những người vất vả nhất mà tôi từng thấy thế nhưng tôi cũng thấy họ là những người nghèo nhất mà tôi từng gặp…
Tôi sinh ra ở nơi mà mỗi người trẻ như tôi được đi học đại học là niềm vinh dự cho cả gia đình dòng họ. Họ học giỏi và ra được trường, nhưng họ chẳng xin được việc.
Tôi đi học, được chơi với những người bạn mới, họ đưa tôi đi tới những nơi sang trọng mà ở quê tôi chỉ nghĩ nó tồn tại trong phim, họ đưa tôi đi ăn những món ăn đắt tiền nếu quy giá cũng bẳng cả đàn gà bà tôi nuôi mỗi năm. Họ cho tôi những lọ nước hoa mà tôi vừa dùng vừa thấy tiếc mùi hương giá cả cân gạo.
Tôi yêu chính trị, bạn bè tôi nói tôi là chính trị gia, là người có ước mơ vĩ đại này nọ…! Nhưng với tôi, làm chính trị không phải để đạt được cái gì to tát như đại biểu quốc hội, bộ trưởng, chủ tịch này nọ…! Với tôi làm chính trị đơn giản là san cho con đường của các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của bà con nông dân quê tôi được lúa cấy lên tươi tốt. Đơn giản là cho người với người sống yêu thương nhau!…
Tôi muốn thay đổi những nghịch lý ở trên. Nông dân được hưởng những thành quả lao động một cách xứng đáng, thanh niên đi học có công ăn việc làm, trẻ em được đi trên những con đường đẹp, người công nhân không phải ở trong những khu trọ tồi tàn, v.v.
Để làm được điều đó, cái tôi cần không phải là những mối quan hệ với người này người kia, không phải là bằng cấp, tiền bạc. Tôi cần tri thức, cần sự giáo dục, cần niềm tin.” (hết trích)
Đọc đến đây tôi đã xác định rõ “cái tội” của sinh viên Khánh là “yêu chính trị.” “Tội” của em là đã dám thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền. “Tội” của em là “san cho con đường của các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của bà con nông dân cho lên những cây lúa tươi tốt. Đơn giản là cho người với người sống yêu thương nhau…”
Nhìn khuôn mặt khắc khổ của ông bà Phan Kim Dung và Đỗ Thị Lập là bố mẹ Khánh cũng như nhìn ngôi nhà tranh cũ, rất cũ của gia đình dễ dàng nhận thấy dấu ấn của cuộc mưu sinh khắc khổ gian truân hiện rõ trên gương mặt sạm nắng gió của những nông dân hiền lành chất phác sống ở vùng trung du Phú Thọ. Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả là từ những khuôn mặt khắc khổ gian truân ấy lại phát ra những ý tưởng sáng ngời và những lời động viên hữu hiệu: “Con chẳng làm gì sai. Con hãy đọc Kinh Thánh và tin vào những điều mình làm.”
Các nhà hoạt động dân chủ viếng thăm, hỗ trợ tinh thần gia đình sinh viên Phan Kim Khánh, người bị nhà cầm quyền bắt giữ tháng trước đó vì những hoạt động tranh đấu cho một đất nước tốt đẹp hơn (bố mẹ Phan Kim Khánh đứng thứ tư và thứ năm, tình từ trái). Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Người ta bắt Khánh vào tháng Ba, 2017 và kết án 6 năm tù giam cộng thêm 4 năm quản chế đúng vào lúc mà hàng trăm nghìn những sinh viên trẻ Hong Kong, rồi hàng chục vạn người trẻ Hàn Quốc xuống đường biểu tình. Và ngay lúc này trong tù chắc em cũng nghe được tiếng hô vang dội của sinh viên và học sinh Thái Lan đang phản đối những người cầm quyền phải trao trả quyền lực độc lập về cho nhân dân. Có lẽ tâm trạng của Khánh lúc bây giờ là thấy xót xa cho sự im lặng trong thân phận bé mọn của giới trẻ và sinh viên Việt Nam mình.
Cá nhân tôi, tôi đã từng nhiều lần tiếp xúc và trao đổi với các sinh viên của mình, tôi thấy trong các em che giấu một cái gì đó nó vừa uẩn khúc, vừa bất mãn. Tôi tưởng tượng ra như những cánh tay bị trói chặt, hay nói đúng hơn là những bộ óc bị đóng khung, kềm kẹp bởi cuộc sống cơm áo gạo tiền. Cho dù đa số các em vẫn cam tâm giữ thái độ “mũ ni che tai” thậm chí còn làm “tai mắt” cho nhà cầm quyền mỗi khi ghé thăm “thầy cũ,” nhưng tôi vẫn có một niềm tin vào các giới trẻ.
Hình ảnh của ngày mùng 1 và mùng 8 tháng Năm, 2016 trong vụ Formosa, của ngày 10 tháng Sáu, 2018 chống Dự Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng là những thí dụ điển hình. Đúng là những cuộc biểu tình này đã bị đàn áp thô bạo ngay trong trứng nước, đúng là 1/3 dân Hong Kong xuống đường trong hơn một năm trời nhưng đến nay mọi chuyện đã coi như chấm dứt, Hoàng Chi Phong, Chu Đình, Jimmy Lai đều bị bắt. Nhưng ngược lại, ở Tunisia, chỉ một người bán hàng rong như Bouazizi tự thiêu cũng đủ làm sụp đổ một thành trì vững như bàn thạch của Ben Ali. Đúng là hàng triệu người đã xuống đường ở Venezuela nhưng Maduro vẫn ngang nhiên ngự trị nhưng ngược lại, từ cổ chí kim cũng chưa có dân tộc nào nửa thế kỷ sau vẫn không chịu khuất phục cường quyền như dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước.
Cái “thiếu” của chúng ta là một mồi lửa, một chất xúc tác, một biến cố ngẫu nhiên với một tầm vóc khiêm tốn. Và những “cái đó” có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào và trong bất cứ môi trường nào. Đó là chưa kể ngay trong những giờ phút này, lúc nhiều người trong/ ngoài nước còn đang trông ngóng và xào xáo về cuộc bầu cử ở Mỹ, thì ngay trên đất nước Việt Nam, hàng chục, hàng trăm những cuộc tiếp xúc, hoạt động của những người đấu tranh bằng tuổi của Phan Kim Khánh vẫn diễn ra một cách âm thầm và bình thường.
Trong vài ngày tới được, nhà cầm quyền sẽ mang ra xử nhà thơ Trần Đức Thạch, các nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng. Tất cả 3 nhân vật này đều đã từng cầm súng và cầm bút để bảo vệ chế độ. Rõ ràng là dưới mặt biển trầm lặng, đang có những đợt sóng ngầm. Những đợt sóng này có thể đến từ giới chạy Grab, giới tiểu thương, giới nông dân, giới trí thức và đặc biệt là giới trẻ, giới của tuổi Phan Kim Khánh,
Để kết thúc bài viết về một người chưa từng gặp, tôi viết lại câu nói của em: ”Tôi muốn thay đổi những nghịch lý trong cuộc sống. Tôi cần tri thức, cần sự giáo dục, cần niềm tin. Vì thế tôi chọn làm chính trị. Vì thế tôi yêu chính trị, tôi sống và chết cùng chính trị.”
Em phải sống để thực hiện giấc mơ bình thường của mình, Khánh nhé.
Phạm Minh Hoàng