Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|
“Năm 2020, chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục,” đó là một trong những lời phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị trực tuyến của chính phủ với các tỉnh, thành phố vào ngày 28 tháng Mười Hai, 2020 về cái gọi là thành công trong mục tiêu kép: Ngăn chặn dịch Covid-19 và giữ nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Tương tự, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã đăng đàn chỉ đạo, nói về triển vọng của Việt Nam khi bước qua năm 2021. Ông Trọng hết lời tán dương cái triển vọng đang còn phía trước và nó vô cùng sáng chói. Ông hãnh diện với con số báo cáo của Tổng Cục Thống Kê đưa ra, GDP Việt Nam tăng 2,91%, là thành tựu kinh tế đặc biệt nhất vào năm 2020, trong khi các quốc gia trong khối ASEAN thì khốn đốn vì Covid-19. Ông Trọng cũng không quên nhắc lại những kết quả to lớn ấy có được là nhờ vào sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng và “tính ưu việt” của xã hội chủ nghĩa.
Còn theo báo cáo của IMF khi so sánh 4 nền kinh tế của Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam thì Thái Lan là quốc gia tệ nhất, tăng trưởng âm -10,9%, Philippines -9,9%, Malaysia -6,1%. Trong khi đó Việt Nam lại tăng 2,8%.
Nếu trở về năm 2019, GDP của Việt Nam đứng sau Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Phi Luật Tân thì năm 2020 với GDP tăng trưởng dương, người ta đổ xô cho rằng Việt Nam đang vượt qua những nước này. Tức là trước khi Covid-19 hoành hành thế giới, Việt Nam còn đứng hàng thứ sáu sau Indonesia, Singapore, Mã Lai, Thái Lan, và Phi Luật Tân thì triển vọng sang năm 2021 hoặc 2022 Việt Nam có thể vươn lên hàng thứ ba về tiềm năng phát triển trong thứ tự của Khối ASEAN. Báo chí lề đảng và nhiều quan chức CSVN cũng vin vào đó để đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 là 6,5%.
Trong thực tế, đó chỉ là những con số nhảy múa trên các bảng thống kê của các viện nghiên cứu quốc tế, tổng hợp từ các con số xuất khẩu và nhập khẩu được báo cáo. Nó không nói lên thực lực kinh tế của một quốc gia, dựa trên sức đóng góp của người dân và các doanh nghiệp tư nhân. Trong nhiều năm qua nền kinh tế Việt Nam tuy có phát triển và GDP có gia tăng hàng năm, nhưng nếu nhìn kỹ vào các con số thống kê người ta mới thấy rõ rằng sở dĩ Việt Nam có được tăng trưởng là nhờ vào 75% hàng xuất nhập khẩu của các công ty vốn nước ngoài, điển hình như Công ty Samsung chiếm 1/4 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Và nếu năm 2021 hay 2022 Việt Nam có thực sự vượt qua Thái hay Phi cũng chính là nhờ vào hoạt động kinh doanh của các công ty FDI. Tức là kinh tế Việt Nam luôn luôn phải dựa vào nguồn vốn đầu tư và máy móc kỹ thuật cao hơn nội địa từ bên ngoài. Khác với Thái Lan và Phi Luật Tân, sức mạnh nền kinh tế tuy vẫn cần thu hút vốn đầu tư FDI nhưng dựa vào chính sức mạnh của các công ty tư nhân.
Bức tranh kinh tế Việt Nam được lãnh đạo đảng và nhà nước tô màu hồng và báo đài quốc doanh thổi phồng thành hiện tượng có một không hai, nhưng trong thực tế hoạt động của những công ty Việt Nam còn quá yếu sau hơn 30 năm khập khiễng đổi mới. Những công ty quốc doanh và tư nhân Việt Nam thua kém các doanh nghiệp FDI ngay trong việc sử dụng kỹ thuật máy móc sản xuất thứ cấp và năng suất lao động công nhân thuộc hàng thấp nhất. Tiềm năng vươn lên cũng không có vì đảng CSVN không hề quan tâm mà chỉ sống với những con số lạc quan trên mây.
Trong một năm dịch bệnh kéo dài, tuy Việt Nam chưa tới 1.500 người lây nhiễm, nhưng có đến 64% công ty tư doanh nhỏ và vừa đang ngoắc ngoải phải ngưng sản xuất hay đóng cửa do thiếu sự hỗ trợ của chính quyền. Mỗi ngày có khoảng 8.500 doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa và khai phá sản vì chống chọi không nổi. Bên cạnh đó một lực lượng lao động 31 triệu người tuổi từ 15 trở lên đang không có việc làm hoặc thất nghiệp từng phần vì thiếu việc làm. Hàng chục ngàn bà con tiểu thương buôn bán tại những chợ truyền thống như Chợ Bến Thành (Sài Gòn), Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) phải đóng sạp chạy xe ôm hay tìm việc khác.
Có thể nói là đại dịch Covid-19 đã và đang tác động thực sự lên nền kinh tế và đang gây rất nhiều khốn đốn cho người dân mà lãnh đạo CSVN chỉ nhìn vào con số xuất nhập khẩu của FDI mà thôi.
Thật vậy, nhìn vào con số thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ là 58 tỷ Mỹ Kim trong năm 2020 cho thấy là GDP của Việt Nam đã tăng trưởng nhờ vào sự xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ai thực sự hưởng lợi từ con số thặng dư mậu dịch từ Hoa Kỳ, nếu không phải là những công ty FDI mà chủ là Nam Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Doanh nghiệp Việt Nam hưởng không tới ¼ trong con số thặng dư này!
Cho nên tiềm năng kinh tế của Việt Nam nếu có vượt qua được Thái Lan hay Phi Luật Tân trong những năm tới, đó là nhờ vào vốn đầu tư nước ngoài FDI, tức chính sách kinh tế “dựa vào sức người.” Mặc dầu được tiếp sức bằng cách hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung, nhưng sự dựa dẫm này chỉ tạm thời, không có cơ hội lâu dài vì không có nội lực.
Trong khi đó những quốc gia như Thái Lan, Phi Luật Tân, Malaysia dù gặp khó khăn trong một giai đoạn nhất định nào đó, nhưng khi đã giải quyết được đại dịch trong nước và nội lực kinh tế được củng cố, các quốc gia này sẽ phát triển trở lại một cách nhanh chóng.
Đây mới là bài học mà đảng CSVN cần phải học: Đó là trả lại thực quyền kinh doanh, quyền sở hữu cho người dân chứ không phải chỉ lo rêu rao “lót ổ đại bàng,” tức chỉ trông mong vào sức người.
Hay nói khác đi, khao khát phát triển kinh tế, đất nước hùng cường là khao khát chính đáng nhưng không thể bỏ qua cải cách thể chế chính trị độc quyền, tức tháo gỡ những rào cản duy ý chí đang kéo lùi cỗ xe kinh tế Việt Nam.
Nhưng với lối tư duy xơ cứng đi theo con đường mòn kinh tế chỉ huy của lãnh đạo cộng sản, không ai mong Việt Nam sớm chói sáng trên thương trường quốc tế.
Tác giả Phạm Nhật Bình: Nhà Bình Luận thời sự Việt Nam và Thế Giới.