Đâu là giới hạn tự do dân chủ ở Mỹ?

Nguyễn Quang Duy

Ngày 6/1/2021, liên danh Joe Biden và Kamala Harris đã được Quốc Hội công nhận là bên thắng cuộc, qua các phương tiện truyền thông tôi được chứng kiến ngày lịch sử này học hỏi được khá nhiều điều về tự do và dân chủ tại Mỹ.

Chuyện buồn đã xảy ra…

Biểu tình là quyền tự do biểu đạt chính kiến được Tu chính án thứ nhất bảo vệ, nhưng bạo động và bạo loạn là vi phạm luật pháp quốc gia.

Thật đáng buồn khi 1 người bị bắn chết, 5 người khác chết chưa rõ lý do (trong số có cả cảnh sát) và nhiều người cả hai phía bị thương khi đoàn biểu tình xông vào Quốc Hội.

Hạ Viện do đảng Dân Chủ nắm đa số đã quy trách nhiệm cho ông Trump “kích động nổi loạn” và đã bỏ phiếu luận tội ông lần thứ hai. Ông Trump phủ nhận cho biết ông luôn lên án bạo lực chính trị.

Lạ một điều là hằng ngàn người biểu tình, tại một nơi được cho là an ninh nhất nước Mỹ, nhưng lại không thấy giới chức có thẩm quyền sửa soạn để đối phó với thành phần sách động bạo loạn thì thật là khó hiểu.
Chưa kể tới nhiều đoạn phim cho thấy chính cảnh sát đã mở cửa Quốc Hội để những người biểu tình đi vào.

Cuộc điều tra đã bắt đầu, tôi tin rằng nhiều câu hỏi sẽ sớm được trả lời và người phạm tội sẽ bị luật pháp trừng phạt.

Ngày 10/1/2021, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh treo cờ rủ trong vòng 3 ngày trên toàn quốc để tưởng niệm tinh thần phục vụ và vinh danh sự hy sinh của hai sĩ quan thiệt mạng trong biến cố xảy ra tại Quốc Hội.

Ý thức của người biểu tình…

Cũng qua các phương tiện truyền thông tôi đã từng quan sát những biểu tình tại các quốc gia Đông Âu và Liên Xô, khi người dân xông vào Quốc Hội là ngày tàn của các thể chế độc tài cộng sản.

Nhưng điều làm tôi suy nghĩ là ngay sau lời lên án những người gây bạo loạn và kêu gọi người biểu tình “về nhà” của Tổng thống Trump “…hãy về nhà ngay, chúng ta cần phải ôn hòa, phải tôn trọng luật pháp, trật tự và tuân theo những người đang thi pháp luật…” thì đoàn biểu tình tự động giải tán.

Đại đa số những người tham gia biểu tình đều ôn hòa và bất bạo động, một tập thể có ý thức tôn trọng trật tự và luật pháp quốc gia, có lòng yêu nước, yêu tự do và yêu dân chủ quá xứng đáng để tôi học hỏi.

Trước Quốc Hội 6 tiểu bang tranh chấp cũng có những cuộc biểu tình nhỏ ôn hòa ủng hộ ông Trump và các dân biểu nghị sĩ thách thức cử tri đoàn nhưng chỉ được vài tờ báo địa phương đưa tin.

Thật đáng tiếc, hầu như báo chí và những người khác chính kiến chỉ tập trung vào ông Trump và một số nhỏ những người biểu tình xông vào Quốc Hội rồi kết luận về tự do và dân chủ tại Mỹ.

Dân chủ qua tranh luận…

Ngày hôm ấy, một cuộc tranh luận chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đã diễn ra cả về số lượng tiểu bang bị thách thức, đến số nghị sĩ và dân biểu tham gia thách thức, cũng như nội dung việc tranh luận.
Các chính trị gia của đảng Cộng Hòa được chia làm hai bên rõ rệt:

Phía ủng hộ thách thức dẫn đầu là Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, một luật sư chuyên về Hiến Pháp đã 9 lần tham gia tranh tụng trước Tối Cao Pháp Viện, bao gồm lần tranh chấp bầu cử 2000 giữa ông George Bush và ông Al Gore.
Ông cho biết cuộc thăm dò của Reuters và Ipsos gần đây cho thấy 39% người Mỹ vẫn tin rằng cuộc bầu cử có gian lận, niềm tin này thể hiện ở 67% cử tri đảng Cộng Hòa, 17% cử tri đảng Dân chủ và ở 31% những cử tri độc lập.
Các tòa án và cả Tối cao Pháp Viện đã có cơ hội để giải quyết các tranh chấp nhưng đều từ chối, nếu không được giải quyết thì sự ngờ vực sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ, đe dọa tính hợp pháp của bất kỳ chính quyền nào kế nhiệm.

Vai trò dân cử Quốc Hội là bảo đảm việc bầu cử phải công bằng và đáng tin cậy, vì thế từ xa xưa đã có tiền lệ tranh luận về các hành vi gian lận trong bầu cử.

Cuộc bầu cử tổng thống 1877 giữa ông Rutherford Hayes và ông Samuel Tilden, có ba tiểu bang Florida, Louisiana và Nam Carolina bị cho là có gian lận, Quốc Hội khi ấy đã không coi những người phản đối cử tri đoàn là phá hoại nền dân chủ.

Quốc hội đã chỉ định một Ủy ban bầu cử, gồm 5 nghị sĩ Thượng Viện, 5 dân biểu Hạ viện và 5 thẩm phán Tối cao Pháp Viện trong vòng 10 ngày xem xét và giải quyết các tranh chấp giữa đôi bên.

Sau khi xem xét, Ủy ban xác nhận có gian lận bầu cử nên từ chối phiếu cử tri đoàn và xác nhận ông Rutherford Hayes làm tổng thống thứ 19 của Hoa Kỳ, tạo tính hợp hiến và hợp pháp cho Chính Quyền của ông Hayes.
Phía chống lại thách thức có Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell Lãnh đạo Đa số Thượng Viện, ông cho biết cuộc bầu cử nào cũng xảy ra gian lận và bất thường, nhưng lần này các cáo buộc vì không đủ bằng chứng nên đều bị tòa án bác bỏ.

Theo ông Hiến Pháp chỉ cho phép các thành viên Quốc Hội vai trò có giới hạn, nếu vượt qua sẽ làm hỏng nền Cộng Hòa:
“Nếu cuộc bầu cử này bị lật chỉ vì những cáo buộc từ bên thua cuộc, nền dân chủ của chúng ta sẽ đi vào vòng bế tắc, đất nước chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận một cuộc bầu cử nữa, cứ bốn năm một lần sẽ là một cuộc tranh giành quyền lực bằng bất cứ giá nào.”

Diễn biến cho thấy có tới một nửa thành viên thuộc đảng Cộng Hòa, trong đó nhiều người tuyên bố ủng hộ ông Trump và tin rằng có bất thường trong cuộc bầu cử, nhưng họ vẫn đặt lợi ích đảng phái bên trong quyền hạn mà Hiến Pháp và nền Cộng Hòa cho phép để chấp nhận phiếu cử tri đoàn và công nhận liên danh Joe Biden và Kamala Harris thắng cử.

Ngay sau đó, ông Trump tuyên bố chấp nhận quyết định của Quốc Hội, ông cho biết sẽ bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực một cách có trật tự, đồng thời ông kêu gọi hàn gắn và hòa giải.

Luận tội “chính trị”…

Nhưng chính trị không đơn giản như ông Trump nghĩ, tại Hạ Viện đảng Dân chủ đã thông qua Nghị Quyết kêu gọi ông Mike Pence sử dụng Tu chính án thứ 25 tước quyền tổng thống của ông Trump nhưng ông Pence đã từ chối.
Đảng Dân chủ tại Hạ Viện đã thông qua thủ tục luận tội và truất phế ông Trump với lý do ông đã cố tình “kích động bạo lực lật đổ chính quyền Hoa Kỳ”, nhưng Thượng Viện do đảng Cộng Hòa nắm đã từ chối mở phiên tòa.

Theo ý kiến của tôi, đây chỉ là một trò chơi chính trị “vi hiến” vì theo Tu chính án Thứ nhất của Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận tòa án chỉ truy tố những ai có hành vi bạo lực chứ không thể truy tố những ai phát biểu ý tưởng của mình.

Sau ngày 20/1/2021, ông Trump không còn là tổng thống nhưng ảnh hưởng “chính trị” của ông Trump còn rất lớn, khi ấy đảng Dân Chủ đã Thượng Viện có thể sẽ mở phiên tòa luận tội ông.

Nhưng không phải dễ 2/3 số nghị sĩ Thượng Viện sẽ đồng ý là ông Trump có tội, việc luận tội nếu không thành cũng đặt ông vào vị trí của một tổng thống với hai lần bị Quốc Hội luận tội.

Trước sự kiện lịch sử này theo nhận xét của tôi đảng Cộng Hòa những người bảo thủ sẵn sàng chấp nhận thua cuộc để bảo vệ Hiến Pháp, còn đảng Dân Chủ phe cấp tiến vẫn chỉ xem Hiến Pháp là luật chơi và bằng mọi giá sẵn sàng chơi tới cùng và như thế chính trị nước Mỹ càng ngày càng chia rẽ hơn.

Tự do ngôn luận bị đe dọa

Ngày 6/1/2021, khi những người biểu tình xông vào Quốc Hội Facebook và Tweeter đã xóa video kêu gọi những người biểu tình giải tán và khóa tài khoản của Tổng thống Trump.

Sau đó Twitter đã cấm vĩnh viễn tài khoản @realDonaldTrump, còn Facebook có thể cũng theo chân Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản ông Trump với lý do có nguy cơ “kích động bạo lực”.

Có những điều ông Trump nói, có những việc ông Trump làm tôi không đồng ý, nhưng không phải vì thế mà tôi chấp nhận Twitter và Facebook “bịt miệng” ông Trump hay “bịt miệng” bất cứ ai.

Hành động của họ không chỉ là vi phạm quyền tự do biểu đạt của ông Trump, nó còn vi phạm trầm trọng quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin của hằng tỷ người khắp thế giới những người cần thông tin liên quan đến ông Trump.

Là một người nghiên cứu và viết báo tôi thấy cần bảo vệ tự do ngôn luận, tôi tin rằng hành động của Twitter và Facebook là không thể chấp nhận được.

Việc kiểm duyệt thông tin chỉ có thể xảy ra ở các quốc gia độc tài thiếu dân chủ, việc chấp nhận “bịt miệng” một tổng thống Mỹ vô hình trung tạo thêm quyền lực cho các đại công ty truyền thông ngày càng trở nên những công cụ phục vụ độc quyền và độc tài.

Là tư nhân nên có quyền ?

Nhiều người cho rằng Twitter và Facebook là những công ty tư nhân, họ phải được đối xử như những doanh nghiệp tư nhân thay vì bắt họ phải tôn trọng tự do ngôn luận, điều này thiếu thuyết phục bởi vì:

Thứ nhất, Mạng xã hội (Internet) là phát minh của Chính phủ Mỹ đưa ra cho công chúng sử dụng nhằm giúp thế giới ngày càng mở rộng hơn về mọi mặt, nhất là về tự do ngôn luận và thông tin;

Thứ hai, theo Đạo luật khuôn phép trong Truyền thông (47 U.S.C. § 230) được Quốc Hội Mỹ ban hành năm 1996, thì Twitter và Facebook là những trang web hay diễn đàn nơi mà chủ trang web không phải chịu trách nhiệm trước luật pháp, về thông tin của các bên thứ ba đăng tải.

Nếu tôi viết một bài đăng trên một tờ báo mà vu khống hay mạ lỵ bên thứ ba, thì bên thứ ba có thể kiện cả tôi lẫn tờ báo, cũng bài ấy được đăng trên các trang mạng hay Facebook thì bên thứ ba theo Đạo Luật này chỉ có quyền kiện tôi.

Hay có những người đưa những thông tin kỳ thị giới tính, chủng tộc, tôn giáo, hay những thông tin sai hoặc cố tình kích động chống đối chính phủ thì Twitter và Facebook không bị trách nhiệm trước pháp luật.

Chỉ có pháp luật của nước Mỹ mới có quyền phán xét việc ông Trump hay bất cứ ai làm là vi phạm pháp luật.

Chính Đạo luật này giúp những người sáng lập các công ty tư nhân như Twitter và Facebook trở thành những người giầu nhất trên thế giới;

Thứ ba, không gian mạng chẳng khác gì các dịch vụ công cộng, nơi mọi người đều có quyền như nhau trong việc tiếp cận dịch vụ của Twitter và Facebook nếu họ muốn;

Thứ tư, tôi tôn trọng những luật riêng của Twitter và Facebook trong việc quản lý và điều hành, nhưng không phải vì thế mà họ có quyền “kiểm duyệt” tư tưởng của những người khác chính kiến hay “quyết định đường lối biên tập định hướng thông tin”;

Thứ năm, đã là công ty tư nhân Twitter và Facebook cần độc lập với chính trị, bằng không sẽ trở thành những công cụ phục vụ chính trị, không khác gì các công cụ thông tin ở các quốc gia độc tài cộng sản;

Thứ sáu, tôi có một thời gian tin rằng Twitter và Facebook là hai công ty của Mỹ, một quốc gia có truyền thống cổ vũ tự do ngôn luận, niềm tin của tôi càng ngày càng bị “sứt mẻ” và đó là bài học bắt tôi phải suy nghĩ kỹ nhất trong những ngày qua.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
15/1/2021