Lẽ ra mình không quan tâm gì đến bầu cử quốc hội. Nhưng vụ bắt những người tự ứng cử gần đây khiến mình để ý hơn. Hai người tự ứng cử bị bắt mới đây là ông Trần Quốc Khanh ở Ninh Bình và ông Lê Trọng Hùng ở Hà Nội. Cáo buộc của cơ quan an ninh với hai người này là làm, phát tán những tài liệu, vật phẩm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Vật phẩm mà những người này tàng trữ là cuốn hiến pháp hiện hành của chính nhà nước CHXHCN Việt Nam. Những cái gọi là tài liệu, phát ngôn của họ chính là những ý kiến, quan điểm của họ đưa ra nhằm thu hút cử tri, giới thiệu quan điểm của mình. Đây là việc bình thường của thế giới tiến bộ, khi ai đó muốn ra ứng cử đại diện cho nhân dân, họ phải trình bày lập trường, quan điểm của mình để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho họ. Muốn thế họ thường đưa ra những quan điểm mới, những lập trường khác biệt so với những thứ cũ.
Bắt những người tham gia ứng cử đại diện cho nhân dân, với lý do họ đưa ra những quan điểm, đường hướng phát triển đất nước không giống những người lãnh đạo, vu cáo họ chống phá nhà nước, đấy là người ta gọi là đàn áp trắng trợn những người khác biệt về quan điểm.
Những kỳ bầu cử trước những người tự ứng cử còn được ra tổ dân phố để hiệp thương giới thiệu, dù họ bị loại ngay từ vòng đầu vì hiệp thương do người của đảng đứng ra tổ chức. Tuy đó là gian lận nhưng nó còn tử tế hơn hiện nay, cách thức gạt bỏ người ứng cử còn qua tổ dân phố chứ không bắt bớ thẳng tay như bây giờ.
Lý do đảng CSVN bắt người tự ứng cử trắng trợn bất chấp điều tiếng như vậy, do tình hình chính trị thế giới biến động, phương Tây phải lo đối phó với dịch bệnh và sự phân hoá nội tại, sức mạnh và ảnh hưởng của nước độc tài Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh quốc tế như vậy, cơ hội quan tâm đến dân chủ Việt Nam khó mà được nhiều. Ngoài ra việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử tổng bí thư lần ba, những cái gọi là trường hợp đặc biệt của đảng đã phá vỡ mọi quy tắc luật lệ tiêu chuẩn bầu cử, ứng cử. Một khi đã trắng trợn vi pham quy chế ứng cử, bầu cử để được lợi cho mình, thì việc trắng trơn hại người khác được áp dụng là điều không có gì lạ.
Một tổ dân phố số 6 của một phường Quan Thánh có đến 9 người được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội, trong đó có 7 uỷ viên BCT. 100% dân chúng ở tổ dân phố này đều nhất trí biểu quyết tín nhiệm bằng hình thức giơ tay.
Thật khôi hài là cử tri của tổ 6 này nhận xét là 9 vị ứng cử kia đều tham gia họp tổ dân phố đầy đủ và nghe ý kiến của nhân dân.
Thử hình dung xem, một cuộc họp tổ dân phố có đến 7 uỷ viên BCT, một uỷ viên trung ương đảng, một uỷ viên thường trực quốc hội diễn ra như thế nào ? Nội dung cuộc họp tổ dân phố ấy bàn đến những vấn đề gì? Mỗi một uỷ viên ít nhất kèm theo một thư ký, một bảo vệ nữa. Họp tổ dân phố như vậy khác nào họp Bộ Chính Trị.
Thế này khác nào cả xóm làm đại biểu quốc hội.
Chuyện cả xóm vào quốc hội có, thì chuyện cả lò vào quốc hội cũng sẽ có.
Trong báo cáo ứng cử đại biểu quốc hội khoá 15 có hai trường hợp đáng chú ý, đó là Lò Việt Phương và Lò Thị Việt Hà. Đây là hai anh em ruột ở Sơn La, họ con ông Lò Văn Long và con bà Tòng Thị Phóng.
21 tuổi ông Lò Việt Phương đã được biên chế nhà nước, trở thành công chức, cán bộ từ năm 1994. Từ cuối tháng 12 năm 2018 đến tháng 10 năm 2020 ông Phương được thăng chức đến 4 lần. Tức trong vòng 22 tháng, chia ra khoảng 5 tháng ông Phương được thăng chức một lần. Đến nay ông là vụ trưởng vụ dân nguyện của quốc hội. Sở dĩ vì quy định phải vụ trưởng mới được tiêu chuẩn ứng cử đại biểu quốc hội, thế nên hai đưa con của bà Phóng được phóng lên chức như tên lửa. Chính đích thân bà Phóng đã can thiệp điều chuyển những người khác đi để còn mình thế vào cho kịp mùa gặt ghế quốc hội.
Lò Thị Việt Hà được dự tính làm phó chủ nhiệm uỷ ban giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội, tương đương hàm thứ trưởng. Lò Việt Phương dự đính làm phó ban dân nguyện trung ương tương đương hàm tổng cục trưởng. Như vậy những trình tự sẽ bị bỏ qua những bước uỷ viên chuyên trách, uỷ viên thường trực... một cái đạp vào cái gọi là quy trình nhân sự 5 bước, chặt chẽ, khoa học và dân chủ của đảng đang rêu rao.
Ngoài hai anh em Lò Việt Phương và Lò Thị Việt Hà là con đẻ của bà Tòng Thị Phóng ra, còn có hai trợ lý của bà Phóng là Cao Mạnh Linh, Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đươc giới thiệu vào ứng cử đại biểu quốc hội và sẽ chiếm giữ những chức vụ chủ chốt trong quốc hội khoá tới đây.
Vậy ngoài chuyện cả xóm vào quốc hội, cả lò vào quốc hội là đến chuyện cả ổ vào quốc hội.
Thấy chuyện bắt bớ người tự ứng cử, vu cáo họ tội nọ kia. Nên phác thảo vài thông tin cho bà con nhân dân hiểu thêm về cái gọi là bầu cử người đại diện nhân dân. Chứ thực lòng chán lắm rồi, không muốn nói gì đến cái trò này.
Người Buôn Gió