10 cách đơn giản đối phó với biến đổi khí hậu

Trong một phúc trình mới được công bố hồi tháng 9/2018, các nhà khoa học môi trường hàng đầu thế giới đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc nhất từ trước đến nay: đó là những hành động của chúng ta hiện nay không đủ để đạt được mục tiêu giữ để Trái Đất chỉ ấm lên 1,5 độ C. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa.

Biến đổi khí hậu là có thực là điều mà khoa học đã xác định, và chúng ta đã bắt đầu chứng kiến nó tác động đến cuộc sống của chúng ta như thế nào.

Nó làm tăng khả năng Miami và những nơi khác bị ngập lụt, đe dọa hàng triệu người sinh sống dọc theo Sông Brahmaputra ở đông bắc Ấn Độ và làm gián đoạn sự giao phối, sinh sản của của động thực vật.

Do đó chúng ta không cần phải hỏi biến đổi khí hậu có đang xảy ra hay không - hay liệu có phải con người là nguyên nhân hay không - mà cần phải hỏi là: 'Chúng ta có thể làm gì?'

Vậy chúng ta có thể làm gì?

1. Điều quan trọng nhất mà nhân loại phải làm trong những năm tới là gì, và điều đó có ý nghĩa thế nào với cá nhân tôi?

Mục tiêu số một? Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu hỏa, khí thiên nhiên và thay thế chúng bằng các nguồn nhiên liệu tái sinh và sạch hơn, trong khi phải tăng cường tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng.

"Chúng ta đến cuối thập kỷ tới cần phải cắt giảm gần phân nửa lượng phát thải CO2 (45%)," Kimberly Nicholas, phó giáo sư về khoa học bền vững tại Trung Tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững thuộc Đại học Lund (LUCSUS), Thụy Điển, nói.

Getty Images

Con đường hướng tới sự chuyển đổi đó bao gồm những quyết định hàng ngày mà bạn có thể dễ dàng làm được - chẳng hạn như lái xe và đi máy bay ít hơn, chuyển sang nhà cung cấp năng lượng 'xanh' và thay đổi cách thức bạn ăn uống, mua sắm.

Đương nhiên, đúng là biến đổi khí hậu không thể được giải quyết chỉ bằng việc thay đổi thói quen mua sắm hay lái xe của bạn - mặc dù nhiều nhà khoa học đồng ý rằng những điều này là quan trọng, và chúng có thể gây ảnh hưởng đến người khác khiến họ cũng thay đổi.

Những thay đổi cần thiết khác chỉ có thể được thực hiện ở quy mô hệ thống như cải cách chính sách trợ giá cho các ngành năng lượng và thực phẩm dùng khích năng lượng hóa thạch, hay đặt ra những quy định và những ưu đãi mới cho cách ngành nghề nông nghiệp, quản lý chất thải và kiểm soát tình trạng phá rừng.

Một ví dụ hay về tầm quan trọng của việc này có liên quan đến các chất làm lạnh. Một nhóm vận động gồm các nhà nghiên cứu, các doanh nhân và tổ chức phi chính phủ gọi là Drawdown đã nhận thấy rằng loại bỏ chất HFC - loại hóa chất sử dụng trong tủ lạnh và điều hòa - là chính sách có hiệu quả số một để làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Đó là vì chất này làm nóng bầu khí quyển nhiều hơn khí CO2.

Tin tốt là chúng ta đã có tiến bộ toàn cầu trên lĩnh vực này; hai năm trước 170 quốc gia đã đồng ý bắt đầu giảm dần tiến tới xoá bỏ việc sử dụng khí HFC vào năm 2019.

Điều này là quan trọng bởi vì chúng ta cần 'những thay đổi chưa từng có trong tất cả mọi khía cạnh của xã hội để đối phó với biến đổi khí hậu, bản phúc trình của IPCC cho biết.

"Tất cả mọi người sẽ phải tham gia," Debra Robert, đồng chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nhóm phụ trách soạn thảo bản phúc trình, nói.

2. Tôi có thể tác động đến việc làm thay đổi cách quản lý hay trợ giá các ngành công nghiệp không?

Bạn có thể. Mỗi người chúng ta cần phải thực thi quyền của mình với tư cách là công dân và người tiêu dùng, Robert và các chuyên gia khác nói, để gây sức ép cho các chính phủ và các công ty qua đó đem đến những thay đổi cần thiết mang tính hệ thống.

Một cách khác ngày càng được các trường đại học, các nhóm tôn giáo và thậm chí mới đây còn ở quy mô toàn quốc thực hiện là chuyển các nguồn tiền ra khỏi các hoạt động gây ô nhiễm - chẳng hạn tránh mua cổ phiếu của các hãng năng lượng hóa thạch, hay các ngân hàng đầu tư vào các ngành công nghiệp phát thải nhiều.

Bằng cách loại bỏ các công cụ tài chính của ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch, các tổ chức có thể vừa có hoạt động về khí hậu vừa thu được những lợi ích kinh tế.

3. Ngoài ra, đâu là hành động thiết thực nhất mà tôi có thể làm?

Một nghiên cứu hồi năm 2017 mà ông Nicholas thuộc Đại học Lund là đồng tác giả đã xếp hạng 148 hành động cá nhân về biến đổi khí hậu theo mức độ tác động của nó.

Đi lại không dùng xe hơi là hành động hiệu quả hàng đầu mà mỗi cá nhân có thể làm.

Xe cộ gây ô nhiễm nhiều hơn so với các cách đi lại khác như đi bộ, đạp xe hay sử dụng giao thông công cộng.

Getty Images

Ở các quốc gia công nghiệp hóa như các nước châu Âu, từ bỏ xe hơi có thể giúp giảm 2,5 tấn CO2 - tức là khoảng một phần tư của tỷ lệ phát thải trung bình hàng năm (9,2 tấn) mà mỗi cá nhân ở các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gây ra.

"Chúng ta nên lựa chọn những phương tiện hiệu quả hơn và, mỗi khi có thể, chuyển ngay sang xe điện," bà Maria Virginia Vilarino, đồng tác giả của chương viết về giảm nhẹ nguy cơ trong phúc trình của IPCC, khuyên.

4. Nhưng không phải năng lượng tái tạo cực kỳ đắt đỏ sao?

Thật ra, năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang trở nên ngày càng rẻ trên khắp thế giới (tuy chi phí cuối cùng còn tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể ở địa phương).

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (Irena) cho thấy tính đến năm 2020, một vài loại năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều nhất như năng lượng mặt trời, địa nhiệt, sinh học, thủy điện và gió bờ biển sẽ có giá ngang ngửa hoặc rẻ hơn năng lượng hóa thạch.

Getty Images

Một số dạng năng lượng tái tạo giờ đây đã hiệu quả hơn về chi phí.

Chẳng hạn như chi phí cần thiết cho việc sản xuất các tấm năng lượng mặt trời ở quy mô nhà máy đã giảm 73% kể từ năm 2010, khiến cho năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng rẻ tiền nhất cho nhiều hộ gia đình ở Mỹ Latin, châu Á và châu Phi.

Ở Anh, năng lượng gió bờ biển và mặt trời đã cạnh tranh được với khí đốt và cho đến năm 2025 sẽ trở thành nguồn sản xuất điện có giá thành rẻ nhất.

Một số người chỉ trích cho rằng những giá thành này là chưa tính chi phí hòa dòng điện tái sinh vào hệ thống điện - nhưng những bằng chứng mới nhất cho thấy chi phí này là 'vừa phải' và có thể xoay sở được đối với lưới điện.

5. Nếu thay đổi chế độ ăn thì tôi có tạo ra sự khác biệt không?

Đây cũng là khác biệt rất lớn nữa. Thật ra, sau năng lượng hóa thạch, ngành công nghiệp thực phẩm - nhất là ngành thịt và ngành sữa - là một trong những nhân tố gây ra biến đổi khí hậu nhiều nhất.

Nếu dồn gia súc lại thành một quốc gia thì chúng sẽ là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

Getty Images

Ngành sản xuất thịt góp phần vào tình trạng ấm lên toàn cầu qua ba con đường.

Trước hết, quá trình ợ ở bò khi tiêu hóa thức ăn thải ra rất nhiều khí methane, một khí gây hiệu ứng nhà kính.

Thứ hai, chúng ta nuôi chúng bằng những nguồn thực phẩm như lúa mì hay đậu nành vốn khiến cho quá trình trở nên rất không hiệu quả.

Và cuối cùng, chúng cũng cần rất nhiều nước, phân bón vốn thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, và nhiều diện tích đất đai - một số diện tích được lấy từ những khu rừng bị tàn phá, một nguồn phát thải khí carbon khác.

Bạn không cần phải ăn chay hay ăn rau củ để tạo ra sự khác biệt: hãy cắt giảm dần dần và trở thành một người ăn uống linh hoạt. Bằng cách giảm phân nửa lượng protein động vật mà bạn tiêu thụ, bạn có thể giảm lượng carbon phát thải từ chế độ ăn uống của bạn đến hơn 40%.

Cách làm ở quy mô lớn hơn sẽ như là cấm ăn thịt trong toàn bộ cơ quan, như công ty chia sẻ văn phòng WeWork đã thực hiện trong năm 2018.

6. Thói quen đi máy bay của tôi tai hại như thế nào?

Máy bay chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, và chúng ta vẫn chưa tìm ra lựa chọn thay thế ở quy mô lớn.

Mặc dù một số nỗ lực ban đầu trong việc dùng tấm pin năng lượng mặt trời để bay vòng quanh thế giới đã có thành công, chúng ta vẫn còn mất hàng thập kỷ mới có được các chuyến bay thương mại sử dụng năng lượng mặt trời.

Một chuyến bay khứ hồi xuyên Đại Tây Dương bình thường có thể thải ra khoảng 1,6 tấn CO2, theo nghiên cứu của Nicholas - gần bằng lượng phát thải trung bình hàng năm trên đầu người ở Ấn Độ.

Điều này cũng làm nổi bật sự bất bình đẳng của biến đổi khí hậu: mặc dù tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, chỉ có một bộ phận nhỏ dân số có thể đi máy bay bay và thậm chí còn ít người hơn có thể bay thường xuyên.

Có những nhóm các nhà khoa học và công chúng đã quyết định từ bỏ đi máy bay hay bay ít hơn. Các cuộc gặp ảo, đi nghỉ mát ở những nơi gần và sử dụng tàu hỏa thay vì đi máy bay đều là những cách giảm phát thải khí carbon.

7. Tôi có nên mua sắm khác đi?

Rất nên. Đó là bởi vì tất cả những thứ mà chúng ta mua đều thải ra khí carbon, hoặc do cách chúng được sản xuất, hoặc do cách chúng được vận chuyển.

Ví dụ, ngành may mặc chiếm khoảng 3% lượng phát thải CO2 do sản xuất trên toàn cầu, chủ yếu là do sử dụng năng lượng để sản xuất quần áo. Tốc độ như vũ bão của biến đổi thời trang càng khiến phát thải tăng lên do quần áo bị bỏ đi chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.

Vận chuyển quốc tế, bao gồm vận chuyển hàng hải và hàng không, cũng có tác động.

Getty Images

Hàng hóa vận chuyển từ Chile và Úc đến châu Âu hay ngược lại thường phát thải nhiều hơn hàng hóa sản xuất tại chỗ. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy do một số quốc gia trồng trọt trái mùa trong những nhà kính thâm dụng năng lượng - do đó cách tốt nhất là ăn thực phẩm vừa được sản xuất tại chỗ vừa theo mùa vụ.

8. Tôi có nên cân nhắc mình nên có bao nhiêu con hay không có luôn?

Nghiên cứu của Nicholas kết luận rằng có ít con hơn là cách tốt nhất để không góp phần làm biến đổi khí hậu, với gần 60 tấn CO2 được giảm hàng năm. Tuy nhiên kết quả này lại gây tranh cãi - và nó dẫn đến những câu hỏi khác.

Câu hỏi đầu tiên là liệu bạn có phải chịu trách nhiệm về phát thải của con cái bạn. Câu hỏi nữa là những đứa trẻ đó được sinh ra ở đâu.

Nếu phải chịu trách nhiệm về phát thải của con cái bạn, thì bố mẹ bạn có chịu trách nhiệm về phát thải của bạn hay không? Còn nếu bạn không chịu trách nhiệm thì chúng ta sẽ suy nghĩ thế nào về về việc càng có nhiều người thì phát thải càng nhiều?

Chúng ta cũng thể đặt câu hỏi liệu có con cái có phải là quyền con người không thể chối cãi hay không? Và chúng ta có thể hỏi liệu việc sinh con có nhất thiết có phải là điều xấu trong vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu hay không: các thách thức mà chúng ta đang phải đối diện có nghĩa là chúng ta cần thêm nhiều người trong các thế hệ tương lai để giúp giải quyết vấn đề chứ không phải ít hơn.

Đó là những câu hỏi khó mang tính triết học - và chúng tôi sẽ không tìm cách trả lời trong khuôn khổ bài viết này.

Getty Images

Điều chúng ta biết là không có hai người nào xả ra cùng một lượng khí thải như nhau.

Mặc dù trung bình mỗi người thải ra khoảng 5 tấn CO2 mỗi năm, mỗi quốc gia có hoàn cảnh rất khác nhau: các nước phát triển như Mỹ và Hàn Quốc có mức phát thải trung bình (16.5 tấn và 11,5 tấn mỗi người ở hai nước này) cao hơn các nước đang phát triển như Pakistan và Philippines (khoảng 1 tấn mỗi người).

Ngay cả trong phạm vi một quốc gia thì những người giàu cũng có lượng phát thải nhiều hơn những người nghèo vốn ít có khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ hơn.

Do đó, nếu bạn xem xét câu hỏi này thì bạn cần phải nhớ rằng đó không phải là vấn đề bạn có bao nhiêu con cái mà là bạn đang sống ở nước nào.

9. Nhưng nếu chỉ có mình tôi hành động, chẳng hạn như ăn bớt thịt đi, hoặc ít sử dụng máy bay hơn, thì có thể thay đổi được bao nhiêu?

Thật ra, không chỉ có mình bạn. Các nhà khoa học xã hội đã nhận thấy rằng khi một người có quyết định theo hướng bền vững thì những người khác cũng sẽ làm theo.

Có một số ví dụ sau đây:

Khách hàng tại một quán ăn ở Mỹ nếu được cho biết rằng 30% người Mỹ đã bắt đầu ăn ít thịt hơn thì sẽ nhiều khả năng gấp đôi là họ sẽ gọi một bữa ăn không có thịt.

Một khảo sát trực tuyến cho thấy trong số những người nói rằng họ có quen ai đó đã từ bỏ đi máy bay vì biến đổi khí hậu, phân nửa nói rằng chính vì vậy mà họ cũng đi máy bay ít hơn.

Ở California, các hộ gia đình nhiều khả năng sẽ lắp các tấm pin mặt trời ở những khu vực đã có người lắp pin mặt trời.

Những người chuyên vận động người khác lắp đặt các tấm pin mặt trời sẽ đạt tỷ lệ thành công cao hơn tới 62% nếu như họ cũng lắp đặt các sản phẩm đó tại ngôi nhà của mình

Các nhà khoa học xã hội tin rằng đây là do chúng ta luôn luôn đánh giá những người xung quanh ta đang làm gì và chúng ta sẽ điều chỉnh suy nghĩ và hành động một cách tương ứng.

Khi mọi người nhìn thấy láng giềng của họ có hành động bảo vệ môi trường như tiết kiệm năng lượng, họ sẽ rút ra rằng những người như họ cũng coi trọng tính bền vững và do đó họ cảm thấy có nghĩa vụ phải hành động.

10. Sẽ ra sao nếu tôi không thể không đi máy bay hay giảm đi xe lại

Nếu bạn đơn giản là không thể thực hiện những thay đổi cần thiết này thì hãy xem xét cách cân bằng lại sự phát thải của mình với một dự án xanh đáng tin cậy - một công cụ khác trong hộp công cụ của bạn để bù đắp cho chuyến bay hay chuyến xe mà bạn không thể không đi.

Công ước Khí hậu Liên Hiệp Quốc có lưu trữ hồ sơ của hàng chục dự án trên khắp thế giới mà bạn có thể đóng góp.

Cho dù bạn là một nhà nông trồng cà phê tại Colombia hay là một chủ sở hữu nhà tại California, tình trạng thay đổi khí hậu đều có tác động đến cuộc đời bạn.

Nhưng điều ngược lại cũng là điều chính xác: những hành động của bạn sẽ có ảnh hưởng tới Trái Đất trong những thập niên tới - giúp làm nó tốt đẹp lên, hoặc khiến nó trở nên xấu đi.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-46674908

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.