Không còn là dự cảm hay dự đoán vào cuối năm 2017, mà sự nghiệt ngã đã hóa thân vào năm 2018 một cách lộ hình rõ mồn một: Năm máu lửa.
Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73.
Chưa đầy một tháng sau Tết Nguyên Đán 2018, đã nổi lên bốn sự kiện và vụ việc lớn trong “chính trị nội bộ”: đầu tiên là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng được Tổng Bí thư Trọng đặc cách bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư và do đó đã vươn lên thành nhân vật “dưới một người, trên vạn người,” quyền lực chỉ sau tổng bí thư; 3 ngày sau đó là chính Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, thay mặt Tổng Bí Thư Trọng, chỉ đạo xử lý vụ “Mobifone mua AVG”; và cũng chỉ 3 ngày sau là vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, chính thức mở màn chiến dịch “cải tổ Bộ Công an.” Cuối cùng nhưng còn lâu mới kết thúc, đó là phiên xử “tập hai Đinh La Thăng” - vụ 800 tỷ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã không cánh mà bay ở Ngân hàng Đại Dương.
Chưa kể một chuyên án khác đang âm thầm biến thành đại án mà rất có thể biến diễn thành một trận bắt bớ nhiều quan chức ở Đà Nẵng và cả cấp trung ương trong không bao lâu nữa: vụ Vũ “Nhôm”.
Ông Trọng đã hành động đúng theo “chủ nghĩa nhân văn chống tham nhũng”, hay vắn tắt là “nhân văn trước tết” của ông khi đề cập vụ “xử nặng nề” Đinh La Thăng sau tết. Và khi một cái tết nguyên đán lễ lạt cúng khấn và bỉ bôi quan chức đã trôi qua, sẽ chẳng còn “nhân văn” gì nữa.
“Người đốt lò vĩ đại” - một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam cất tiếng ca ngợi tổng bí thư của giới đảng - đang khuấy đảo mọi thứ sau tết. Cái lò vụt nóng rực, phả hơi nóng hừng hực lên nhiều gương mặt đờ đẫn như mất hồn đang không biết khi nào sẽ bị tống vào lò.
Chỉ “cải tổ” hay còn “thay máu”?
Hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ Công An - Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ “Nhôm”) và Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa - vào những tháng đầu năm 2018 cho thấy đòn “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng đang giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là “bất khả xâm phạm” này.
Bộ Công an - một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực - nhưng đang có tướng công an bị bắt và được Tổng Bí thư Trọng chủ trương công khai cho báo chí và dư luận theo cách “vạch áo cho người xem lưng”, rất có thể sẽ bị ông Trọng tiến hành “thay máu” trong thời gian tới.
Dù vẫn còn giữ vai trò “thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng”, nhưng Bộ Công an đã lộ ra những dấu hiệu bị giảm sút nghiêm trọng đặc quyền “bất khả xâm phạm”, nếu so sánh thực trạng của cơ quan này với Bộ Quốc phòng và Tổng cục 2.
Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng “cải tổ” Bộ Công an Việt Nam. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng của tướng Ngô Xuân Lịch có vẻ ít được “nhắc nhở” hơn. Khác với ngành công an, Bộ Quốc phòng tỏ ra thành tâm hơn đôi chút trong việc sắp xếp lại quân đội, đặc biệt là khối kinh tế quốc phòng mà trước đó đã bị rất nhiều tai tiếng.
Sau tết nguyên đán năm 2018, thông tin về đề án “cải tổ Bộ Công an” càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trương 7 (có thể diễn ra vào tháng Năm năm 2018), để hội nghị này sẽ “chốt” kế hoạch sắp xếp lại Bộ Công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ Công an.
Trong khi đó, cứ sau mỗi tháng lại hiện thêm những dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã nắm quyền lực một cách thực chất trong việc chỉ đạo Bộ Công an, khác hẳn vai trò mờ nhạt của ông Trọng vào năm 2016 khi ông ta phải “tự tham gia” Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng Mười năm đó.
Cũng xuất hiện ngày càng dày hơn những đồn đoán và tin tức chưa kiểm chứng về một vài lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an sẽ phải “ra đi” trước hay trong Hội nghị trung ương 7. Cơ sở của tin tức này trở nên có chân đứng hơn khi đồng thời xảy ra ba vụ Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Thanh Hóa và AVG mà ít nhất sẽ liên quan đến trách nhiệm quản lý cán bộ và ký tá của lãnh đạo Bộ Công an.
Việc Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị bắt ngay sau chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng và cùng trong ngày 11/3/2018 đã cho thấy đây là lần thứ hai liên tiếp, ông Trọng thành công với phương châm “việc cần làm ngay”, tức Bộ Công an phải triển khai chỉ đạo của ông Trọng ngay lập tức.
Lần thành công đầu tiên về “việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Trọng là sự kiện bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào ngày 8/12/2017: sáng họp đảng để chỉ đạo bắt, chiều họp quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu, và đến chiều muộn thì chính thức thông báo “đã bắt Đinh La Thăng” cho báo chí (nhưng có thể ông Thăng đã bị bắt từ những ngày trước).
Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ là một bằng chứng cho thấy tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam” đã bị xóa bỏ, mà còn là lần đầu tiên chứng tỏ hiệu ứng quyền lực thực sự của Nguyễn Phú Trọng đối với Bộ Công an - điều mà những đời tổng bí thư gần đây như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đã không với tới được.
Đòn đánh mang tính quyết liệt hiếm có của tổng bí thư đảng cầm quyền vào Bộ Công an vào đầu năm 2018 mang một nét gì đó của dĩ vãng 5 năm trước ở Trung Quốc. Vào những năm 2013 và 2014, sau khi đã xử gọn Bạc Hy Lai là Bí thư tỉnh Trùng Khánh và là ủy viên bộ chính trị, Tập Cận Bình đã tiến tới hành động “thay máu” Bộ Công an Trung Quốc, với nhân vật tiếp theo Bạc Hy Lai cũng là một ủy viên bộ chính trị - Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang. Chu Vĩnh Khang đã bị bắt, để sau đó Tập Cận Bình chính thức trở thành “bộ trưởng thứ nhất Bộ Công an”.
Nếu một số cựu thần của đảng phát ra cái nhìn “cấp ủy viên bộ chính trị như Đinh La Thăng mà còn bị bắt và xử tù thì cấp tướng có là cái gì”, thì khi cơ quan “thanh kiếm và lá chắn” như Bộ Công an mà còn bị ông Trọng “làm thịt”, thân phận các bộ ngành và tỉnh thành khác chỉ là “con sâu cái kiến”.
Cũng có thể hiểu là nếu cấp ủy viên trung ương chỉ thuộc loại ‘ruồi”, thì cấp ủy viên thường vụ tỉnh thành chỉ nên được xem là “muỗi”.
Liệu có diễn ra một cơn địa chấn “đốt lò” trên diện rộng tên khắp Việt Nam - hiện tượng tương đồng với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn ở Trung Quốc mà đã mang lại kết quả đến 1,3 triệu quan chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị “bóc lịch”?
Cơn địa chấn sắp đến
Động thái Tổng Bí thư Trọng bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương là đầy ẩn ý thâm sâu.
Với cả hai chức vụ song hành trên, ông Trần Quốc Vượng sẽ không còn cần đến động tác Ủy ban Kiểm tra trung ương làm tờ trình gửi Thường trực Ban bí thư mỗi khi muốn đề xuất kỷ luật quan chức nào như trước đây, mà trong một số trường hợp và có thể nhận được sự cho phép của Tổng bí thư Trọng, ông Vượng - trong vai trò Thường trực Ban bí thư và trên tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, sẽ “quyết luôn”.
Trước đây, thông thường Ủy ban Kiểm tra trung ương phải kiểm tra đối tượng quan chức - đảng viên vi phạm, sau đó hoàn thành kết luận kiểm tra rồi làm tờ trình gửi Thường trực Ban bí thư xin ý kiến chỉ đạo, không chỉ với đối tượng thuộc loại “có máu mặt” tức vào hàng ủy viên trung ương hay bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban ngang cấp bộ không phải ủy viên trung ương, mà kể cả đối với các ủy viên thường vụ tỉnh ủy; thành ủy và tỉnh ủy viên lẫn thành ủy viên.
Gần đây đã xuất hiện thông tin chính thức về việc trong năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Vượng sẽ tiến hành những cuộc kiểm tra đến tận cấp quận, huyện, thay vì chỉ kiểm tra đến cấp tỉnh, thành như trước đây. Theo đó, khối lượng công việc của cơ quan Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ tăng vọt so với trước, kéo theo một danh sách rất dài các quan chức - đảng viên dự kiến sẽ bị kỷ luật và bị cho “nhập kho”.
Có lẽ đó là một trong những nguồn cơn chính yếu mà đã khiến Tổng bí thư Trọng quyết định phân quyền cho Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng. Thậm chí, có thể hình dung một cơ chế cởi nới và thông thoáng đến mức là Ban bí thư sẽ được “quyết” xử lý kỷ luật không chỉ đối với các quan chức cấp tỉnh, thành mà còn có thể ra thông báo kỷ luật luôn cấp ủy viên trung ương đảng mà không cần xin ý kiến tổng bí thư, hoặc chỉ cần thông báo cho tổng bí thư về vụ việc kỷ luật đó.
Trong thực tế, với cả hai chức vụ song hành vừa Thường trực Ban bí thư vừa Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Trần Quốc Vượng đã vươn lên trở thành nhân vật không chỉ “số 2 trong đảng” mà còn là nhân vật có thực quyền thứ hai trong bộ máy “đảng và nhà nước ta”, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng có thể nhìn rõ ý đồ của Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy Trần Quốc Vượng trở thành “Vương Kỳ Sơn Việt Nam” để phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc được xem là “chống tham nhũng” của ông Trọng.
Vương Kỳ Sơn là ủy viên thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương. Từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư vào năm 2012 và chủ tịch nước vào năm 2013, Vương Kỳ Sơn đã chính thức trở thành cánh tay mặt của Tập trên mặt trận “đả hổ diệt ruồi”, trở thành nỗi sợ hãi đến mất ngủ của rất nhiều quan chức tham nhũng. Trong thực tế, Vương Kỳ Sơn được đánh giá là nhân vật quyền lực thứ hai trong đảng, chỉ sau Tập Cận Bình. Nhưng Vương Kỳ Sơn còn qua mặt Tập bằng vào kỷ lục số lần bị ám sát hụt.
Nếu không có gì khác hơn hoặc biến động, về thực chất sẽ là cơ chế “Vượng diệt ruồi muỗi, Trọng diệt hổ” ở Việt Nam.
Chiến dịch “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng cũng vì thế đầy hứa hẹn sôi sục và quay quắt, cùng “cái lò” của ông hứa hẹn tỏa ra hơi nóng khủng khiếp trong năm 2018 này.
Sau Đinh La Thăng, rất có thể sẽ là những cái tên quan trọng khác của giới quan chức - những “khúc củi” vừa khô vừa tươi - bị tống vào “lò”.
Tin xấu đối với các đối thủ chính trị và đối tượng tham nhũng của ông Trọng là vào năm 2018, có lẽ bản “danh sách tử thần” của ông Trọng đang và sẽ ngày càng dài ra, bắt buộc Ủy ban Kiểm tra trung ương - cơ quan duy nhất được ông Trọng khen ngợi công khai “làm việc gì ra việc nấy” - phải hoạt động hết công suất, và Trần Quốc Vượng - dù muốn hay không - cũng phải trở thành “Vương Kỳ Sơn Việt Nam”.
Còn tin rất xấu là vào đầu năm 2018, Nguyễn Phú Trọng dường như muốn phát đi thông điệp “chống tham nhũng công bằng”, thay cho “chống tham nhũng một bên” trước đây. Nếu trong nửa đầu năm 2018, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn - nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016 - bị tống vào “lò” trong vụ “Mobifone mua AVG” và do vậy có thể “theo chân” Đinh La Thăng ra tòa, quan điểm “chống tham nhũng cả phe ta” của ông Trọng sẽ bắt đầu được chứng thực và trở nên nỗi kinh hoàng cho tất cả các phe.
Phạm Chí Dũng