Câu thơ của Tản Đà:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.
Chuyện bóng đá
Cuối cùng thì đội tuyển U23 VN đã chia tay Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á (AFC U-23 Championship) với kết quả Á quân. Và nhận được giải Fair-play.
Trước trận chung kết, tôi cũng như rất nhiều người Việt trong và ngoài nước khác, mong đội U23 VN thắng, không phải vì “lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc” gì đó như ai đó nói, mà với lý do khác: để bao nhiêu người không thất vọng mà làm chuyện gì xuẩn ngốc hoặc lại quay sang chì chiết, trách móc các cầu thủ và cả ông huấn luyện viên người Hàn quốc! Nếu VN thắng, phản ứng vui mừng quá mức của nhiều người Việt sẽ làm thế giới sửng sốt (như họ đang sửng sốt từ đầu giải tới giờ vì điều đó). Nhưng nếu VN thua, những phản ứng tiêu cực của nhiều người Việt chắc chắn sẽ còn làm cho thế giới...kinh ngạc, không hiểu nổi hơn!
Đã nói rồi, U23 vào tới chung kết giải bóng đá U23 châu Á, điều đó đáng khen thôi. Trước khi bắt đầu giải vô địch bóng đá U-23 châu Á, người Việt chắc chẳng dám hy vọng VN sẽ vào đến tứ kết, chứ đừng nói đến chung kết. Người Việt mừng, cũng tốt thôi. Tuy nhiên, đã có quá nhiều lời khen rồi, đó là chưa kể báo chí VN như lên đồng với những câu giật tít quá lố, không tỉnh táo. Trong đó bị chỉ trích nhiều là những câu như “thế nước mạnh, vận nước đang lên”, hoặc “Không thể tin nổi! U23 VN đặt cả châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời”, (Trí thức Trẻ)!...
Đám quan chức lãnh đạo thì vớ ngay lấy cơ hội, vơ vào, đẩy lên hơn nữa. Ông Thủ tướng thì “nổ: "với tinh thần quả cảm, ý chí và bản lĩnh của con người Việt Nam... đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên vào vòng bán kết U23 châu Á"! Ông HLV Lê Thụy Hải thì bảo "U23 VN là những anh hùng của dân tộc”…
Trên facebook có nhiều người vì vui quá cũng mơ hơi xa, ví dụ: "...Duyên Anh đã đánh đúng vào mẫu số chung nhỏ nhất của người Việt (đam mê túc cầu) để gầy dựng lại một giấc mơ lan toả từ túc cầu qua đến sự tự tin làm được và làm thành ở mọi việc!
…Đây là một đội Việt Nam chiến thắng trên những lộ trình gồ ghề khúc khuỷu với khí phách và tố chất tạo ra huyền sử loại David đánh ngã Goliath.
Không biết các em sẽ thắng hay thua chung kết AFC Cup nhưng những gì các em đang thở, đang biến giấc mơ Bồn Lừa và giấc Mơ Thành Người Quang Trung gần thành hiện thực!...”
Có chắc gì thắng trong bóng đá thì sẽ "làm được và làm thành ở mọi việc!", đặc biệt là khi còn chế độ độc tài đảng trị ở VN? Có chắc gì thắng vài trận bóng đá là "đang biến giấc mơ Bồn Lừa và giấc Mơ Thành Người Quang Trung gần thành hiện thực!"?
Những lời nói đó đều là quá lố, và có hại, trước hết là cho chính các cầu thủ, nếu họ không tỉnh táo.
Bóng đá dù sao, cũng chỉ là bóng đá. Đừng nâng bóng đá lên thành quá mức, hay tâng bốc các cầu thủ quá mức. Điều quan trọng nhất ở đây là đội tuyển U23 VN đã vượt qua được những giới hạn trước đó, tức là chỉ lẹt đẹt trong những giải đấu khu vực Đông Nam Á.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong một trận bóng đá, điều quan trọng nhất, còn hơn cả chiến thuật của huấn luyện viên, kỹ thuật, tài năng của từng cầu thủ và của toàn đội, là yếu tố tâm lý. Đội tuyển VN từ trước tới giờ khi đi thi đấu bên ngoài, dù chỉ mới là giải khu vực như SEAGames, tâm lý không ổn định, nhất là trước đội Thái Lan, hễ thua một cái là mất tinh thần luôn, một phần do thiếu tự tin, một phần bị sức ép từ sự cuồng nhiệt và lòng mong đợi quá lớn từ cổ động viên nước nhà. Đội U23 lần này đã cho thấy tâm lý rất vững vàng, tinh thần thi đấu ngoan cường, dù bị dẫn trước hay bị trọng tài xử ép vẫn không mất tinh thần, đó là điểu quan trọng.
Nhưng ở một tầm nhìn lớn hơn, bóng đá hay thể thao nói chung, cũng không khác gì văn học nghệ thuật, muốn phát triển ngoạn mục thì phải có những yếu tố sau: Thứ nhất, một môi trường tự do, tôn trọng thể thao/nghệ thuật, không bị định hướng, kiểm soát, gò ép bởi một chế độ độc tài; thứ hai, những người lãnh đạo nhà nước có tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, yêu thể thao/nghệ thuật, có tầm nhìn xa, có chiến lược đầu tư lâu dài hoặc chí ít lả để cho tư nhân, những cá nhân, cơ quan có lòng với thể thao/nghê thuật nhảy vào đầu tư cho tài năng, chứ không phải “xây nhà từ nóc” như bóng đá VN lâu nay; thứ ba, môi trường làm thể thao/nghệ thuật phải được bảo vệ bởi luật pháp và tinh thần thượng tôn pháp luật để tạo nên một môi trường cạnh tranh sòng phẳng, ở đó tài năng thực sự có thể vươn lên và tỏa sáng và hoàn toàn không có đất cho bọn tham nhũng, bọn đạo văn, bọn ăn cắp hay bọn mua độ, bán độ, bọn cơ hội, háo danh, con ông cháu cha v.v…
Bóng đá dù sao, cũng chỉ là bóng đá. Cuộc vui qua rồi, hãy trở lại thực tại, với một nước VN xét về nhiều mặt đều thua xa các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến chậu Á và thế giới.
Cho nên những ngày qua giữa rừng lời khen ngợi, có vài người viết bài cảnh tỉnh, nhắc nhở cũng là không thừa. Không phải nhắc người dân chung chung mà là nhắc cái bọn con gái cởi truồng đi ngoài phố để ăn mừng, nhắc báo chí đừng có lên đồng, tung hô quá mức, thế giới nhìn vào người ta cười cho, và nhắc các ông lãnh đạo đừng có mượn cái chuyện bóng đá, dùng bóng đá để cổ xúy cho dân quên đi bao nhiêu chuyện thất bại của nhà cầm quyền, bao nhiêu bất công, phi lý, oan trái của chế độ.
Thế nhưng chỉ có thế mà người Việt cũng cãi nhau, giữa người ngây ngất khen ngợi và những người tìm cách lưu ý thực chất của vấn đề. Một vài người đã phải rút bài, đính chính vì bị bao nhiêu người khác vào comment mắng cho cái tội dám nhắc nhở khi người ta đang vui!
Hình như chúng ta đang có thói quen cái gì cũng nâng lên thành tầm quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân vào, dùng nhân dân làm cái bình phong?
Dễ tổn thương vì chuyện nhỏ nhưng lại ơ hờ những chuyện lớn
Thêm một ví dụ nữa. Chuyện ông thầy dạy Anh Văn Daniel Hauer nói đùa sao đó đụng chạm tới ông tướng Võ Nguyên Giáp bị bao nhiêu người chửi, rồi báo chí VN cũng có những bài chỉ trich, giảng đạo đức, ví dụ như báo Giáo dục VN còn giật tít “Việt Nam không có thầy cô nào thiếu văn hóa, nhân cách méo mó như Daniel Hauer”, rằng “Trước chiến thắng của U23 Việt Nam, Daniel Hauer đã có bình luận vô cùng tục tĩu, xúc phạm nghiêm trọng đến vị Anh hùng dân tộc mà dân tộc Việt Nam tôn kính.”
Nhà văn, facebooker Nguyễn Đình Bổn viết:
"Phản biện" báo Giáo dục!
Tôi không binh vực ông Dan, khi "dám" ví "bộ phận nhạy cảm" của mình với đầu tướng Giáp, nhưng nói rằng VN không có thầy cô giáo nào "thiếu văn hóa, nhân cách méo mó" hơn thì e sai bét. Rất nhiều thầy cô gáo tại VN bẩn thỉu hơn Dan triệu lần về tư cách nghề nghiệp cũng như tư cách công dân. Tôi đưa một vài ví dụ:
- Hiệu trưởng Sầm Đức Xương tại Hà Giang mua dâm học trò mình và dắt học trò cho quan chức mua dâm, sau đó trước tòa đòi cởi quần. Nhân cách méo mó không?
- Thầy giáo Nguyễn Hữu Lai, Bắc Ninh, bí thư đoàn trường, hiếp dâm 11 trẻ em là học sinh cấp 1 dưới 9 tuổi. Nhân cách tên này ra sao? Còn nhiều lắm, nào là đổi tình lấy điểm, nào là đưa giáo viên đi mời rượu quan khách... kể không hết cái nhân cách méo mó của các "ông thầy" tại VN đâu.
Nên sờ lại gáy mình trước khi nói người.”
Sau đó anh Nguyễn Đình Bổn còn cho thêm một ví dụ khác. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Vượng, thuộc đại học Kinh tế TPHCM, ngành xây dựng Đảng, trong vụ “Diễn biến mới vụ án giáo sư tố "chân dài" lừa 17 tỉ đồng” (Người Lao động). Ông giáo sư tố người đẹp lừa ông 17 tỷ đồng, hóa ra giữa hai người có quan hệ tình cảm kéo dài cả chục năm trời, và đây là một vụ “chia tay đòi quà”.
Trở lại vụ nhiều người Việt rồi báo chí nhà nước chỉ trích, nặng nề ông thầy Daniel Hauer.
Tôi cũng không bênh vực gì Daniel Hauer, rõ ràng Daniel Hauer đã sai khi sống và làm việc ở VN 5 năm trời, lấy vợ Việt, nói tiếng Việt, phần nào hiểu được văn hóa Việt mà không biết rằng nước này là một nước không có tự do ngôn luận, và có những điều cấm kỵ không được đụng đến ví dụ như ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp hay đề cập đến đa nguyên đa đảng hay sao. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là lối suy nghĩ, tư duy cái gì cũng nâng lên thành tầm quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân vào là rất sai.
Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp là lãnh tụ, là tướng của đảng cộng sản, đảng cộng sản phong họ là “cha già dân tộc”, là “anh hùng dân tộc”, thậm chí là…thánh. Nhưng xét theo góc độ lịch sử, họ cũng chỉ là những nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử, có đúng có sai, có công có tội. Sau này khi lịch sử được viết lại một cách trung thực, công bằng, khách quan, chứ không phải thứ lịch sử tô vẽ, bị bóp méo do đảng và nhà nước cộng sản viết nên và bắt người dân phải học theo, tin theo bao nhiêu năm qua, những góc khuất, công tội của họ sẽ được bạch hóa và đánh giá một cách đầy đủ. Và họ cũng chỉ là những con người, tại sao phải tôn thờ như là thánh? Đó là chưa kể có phải tất cả mọi người VN đều yêu quý ông Hồ ông Giáp hay không.
Cái lối suy nghĩ đó là hệ quả của một nền giáo dục tuyên truyền nhiều năm dài. Và chúng ta đã bị ảnh hưởng mà không biết. Chưa kể, lối suy nghĩ, phản ứng đó thể hiện sự chưa trưởng thành của một dân tộc.
Người Việt nói chung dễ vui (đến phát rồ) và dễ buồn (đến mất cả tinh thần) chỉ vì những chuyện như đội nhà thắng thua một trận bóng đá; dễ nổi khùng, bị xúc phạm vì một câu nói đùa hay câu chê bai của một người nước ngoài. Nhưng lại hầu như không có phản ứng gì đáng kể trước những điều lẽ ra phải buồn phải đau như vị thế của VN trên thế giới, cái nhìn của thế giới nói chung đối với VN, sự lạc hậu của đất nước, nỗi cơ cực của nhân dân, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề hay nguy cơ lệ thuộc (kể cả mất nước vào tay Trung Cộng)…Đối với những vấn đề chính trị xã hội, quyền tự do, quyền con người thì người Việt nói chung lại có sức chịu đựng vô cùng giỏi! Điều đó hoàn toàn trái ngược với người dân nhiều nước khác.
Chúng ta cũng chẳng thấy nhục khi hai chữ VN thường xuyên bị gắn với những tin tức, câu chuyện tiêu cực, không hay trên thế giới, hoặc đáng xấu hổ, ví dụ như nhiều người Việt kể cả du học sinh, quan chức bị bắt quả tang ăn cắp ở Nhật, các cô gái Việt đua nhau lấy chồng Đài chồng Hàn, một số cô bị bắt khi đang làm gái mại dâm ờ Singapore, người Việt xếp hàng xin đi làm thuê ở nước ngoài theo chủ trương “xuất khẩu lao động” của nhà nước VN v.v…
Chỉ khi nào không dễ bị tổn thương vì những chuyện nhỏ và thực sự thấy đau thấy nhục, hoặc phẫn nộ vì những chuyện lớn lao hơn, lúc đó chúng ta mới hy vọng rằng VN sẽ thay đổi được số phận của đất nước, dân tộc, để không còn là một quốc gia lạc hậu, đi sai đường, một dân tộc hèn kém nữa, và lúc đó VN sẽ thắng, không chỉ trong một giải bóng đá, báo chí nước ngoài sẽ nhắc đến và khen ngợi VN không chỉ vì một trận bóng đá, người Việt sẽ điềm tĩnh hơn nhiều khi thắng thua một trận bóng bởi vì chúng ta còn có nhiều cái khác để tự hào. Chúng ta cũng không dễ nổi khùng khi bị người nước ngoài đùa cợt hay chê bai, chỉ trích, vì chúng ta biết VN có những điểm mạnh khác./.