Đã có tin cận nhất và đáng tin cậy về chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Carlyle A. Thayer, chuyên gia của Học viện quốc phòng Austalia và cũng là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về Việt Nam, cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ vào cuối tháng 5/2017 sẽ được sắp xếp để bàn về đẩy mạnh quan hệ song phương và thu hẹp những điểm bất đồng, hoặc những vấn đề bất đồng sẽ không được đưa ra bàn thảo trong chương trình nghị sự.
Như vậy, chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc đã không thực hiện được vào cuối tháng 4/2017 hoặc đầu tháng 5/2017, theo một thông tin trước đó của ông Murray Hiebert - cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ.
Lý do về độ trễ của chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc rất có thể là phía Mỹ “bận rộn” vào đầu tháng Năm mà chỉ có thể tiếp ông Phúc vào cuối tháng Năm.
Nếu không đi Mỹ vào đầu tháng Năm, ông Phúc đã bỏ lỡ một cơ hội đáng kể để củng cố hình ảnh của mình trong nội bộ đảng cầm quyền tại Việt Nam, ngay trước hội nghị trung ương 5.
Có lẽ một kinh nghiệm quý giá mà Thủ tướng Phúc đặc biệt tham khảo là trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng. Vào tháng Bảy năm 2015, ông Trọng đã có một chuyến thăm Hoa Kỳ và mang được cam kết “Mỹ đồng ý để Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP” về nước. Chính hứa hẹn này, dù đến thời Trump đã không cánh mà bay, đã khiến vị thế chính trị của ông Trọng “nâng lên một tầm cao mới” trong ban chấp hành trung ương đảng của ông, trở thành một trong những cơ sở quan trọng để ông Trọng giành chiến thắng trước thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng và tái đắc cử tổng bí thư.
Giờ đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đang được Tổng bí thư Trọng “chấm” để thay thế ông Trọng, nếu ông Trọng “nghỉ” giữa nhiệm kỳ vào năm 2018. Những hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 và hội nghị trung ương 6 dự kiến vào tháng 10/2017 có thể sẽ “gợi ý và thăm dò uy tín” của một số ứng cử viên tổng bí thư. Nếu đạt được một kết quả khả quan trong chuyến đi Mỹ, Thủ tướng Phúc sẽ tràn trề hy vọng “qua mặt” được các ứng cử viên khác là Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang.
Nhưng ông Phúc cần phải đạt được gì?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu và mối quan tâm đầu tiên và trên hết của Việt Nam vẫn là Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), sau đó mới là những chủ đề về “xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương” và “giao lưu” quân sự - quốc phòng Việt - Mỹ ở khu vực Biển Đông.
Chưa kể một vấn đề lớn mà ông Phúc phải “xử lý” là sau 15 năm thực hiện BTA mà đã khiến phi mã giá trị giao thương Việt - Mỹ đến hàng trăm lần, chính quyền của Tổng thống Trump đang tiến hành rà soát lại toàn bộ BTA này. Việc rà soát này cũng nằm trong tổng thể lời lên án của Trump về 16 quốc gia có thương mại song phương “gây hại” cho kinh tế Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ BTA hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt hẳn.
Nhưng một bức tường quá cao vẫn dựng đứng phía trước cung đường đi Mỹ của Thủ tướng Phúc. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam chịu nhân nhượng bất kỳ nội dung nào trong “gói cải thiện nhân quyền” mà người Mỹ, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, đặt lại.
Để chẳng nên ngạc nhiên nếu chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới của Thủ tướng Phúc sẽ rất tương đồng với đợt “vận động quốc hội châu Âu” đã qua của Chủ tịch Ngân: chỉ có tiếng, không có miếng.
Minh Quân