Trân Văn
Các viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam đã, đang và có lẽ sẽ còn nói rất nhiều về việc duy trì, củng cố, phát triển niềm tin nơi nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chính phủ nhưng trong sự kiện Đồng Tâm, niềm tin là một thứ xa xỉ phẩm.
Ảnh Dân làng đối mặt với cảnh sát, công an.
Đối thoại… khó
Sáu ngày sau khi dân chúng xã Đồng Tâm rào làng, bắt giữ cảnh sát, công an, viên chức làm con tin, khoảng 3 giờ 30 chiều 20 tháng 4, tờ Dân Trí cho biết, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã lên đường tới huyện Mỹ Đức để giải quyết vụ Đồng Tâm.
Chừng một tiếng 30 phút sau, tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết, ông Chung đến Mỹ Đức để “đối thoại” với dân chúng xã Đồng Tâm nhưng họ không chịu tới. Một Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức bảo với phóng viên tờ Pháp Luật TP.HCM rằng, lời mời của Chủ tịch thành phố Hà Nội đã được chuyển đến dân chúng xã Đồng Tâm bằng nhiều “kênh” nhưng không có ai đáp ứng.
Người ta không rõ tại sao hệ thống công quyền không loan báo rộng rãi lời mời của ông Chung qua hệ thống truyền thông của nhà nước – “kênh” chính thống.
Trong ngày 20 tháng 4, hệ thống truyền thông của chính quyền Việt Nam chỉ công bố tin duy nhất, có tính chính thức liên quan đến sự kiện Đồng Tâm là “Việt Nam sẽ giải quyết vụ Đồng Tâm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”. Tin do bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao công bố với báo chí quốc tế.
Sau khi sự kiện Đồng Tâm bùng phát, “đối thoại” là hai từ được cả công chúng, báo giới lẫn các viên chức đã nghỉ hưu hoặc đang tại nhiệm nhắc đi, nhắc lại trong nhiều ngày vừa qua. Người ta đề cập đến “đối thoại” với hy vọng vụ nổi loạn này sẽ kết thúc có hậu.
Sau khi vào Đồng Tâm, tiếp xúc với dân chúng tại đó, một số phóng viên khẳng định, dân chúng Đồng Tâm tha thiết được nói, được lắng nghe trong một cuộc “đối thoại thật sự công khai”. Chẳng riêng dân chúng, báo giới mà ngay cả các viên chức trong hệ thống công quyền cũng thúc giục hệ thống công quyền Việt Nam nên tổ chức ngay một cuộc đối thọai như vậy.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khẳng định với VTC News rằng, ông “không bao giờ tin những người dân ở Đồng Tâm là thế lực thù địch, là những kẻ chống phá chính quyền”! Ông Dũng nhận định, dân chúng Đồng Tâm “có lý khi họ đòi hỏi được đối thoại với cấp chính quyền mà họ chưa mất niềm tin”. Theo ông Dũng cả chính quyền lẫn những người dân ở Đồng Tâm đều cần một lối thoát và “lối thoát đó chính là đối thoại.” Qua tờ Người Lao Động, hai đại biểu quốc hội đượng nhiệm là Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng cũng kêu gọi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội nên sớm “đối thoại” với dân chúng Đồng Tâm.
Tuy đại diện cho một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” nhưng ông Chung không đến Đồng Tâm – nơi những người nổi loạn đang cầm giữ con tin và tử thủ. Ông Chung chọn trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức. Chủ tịch thành phố Hà Nội không đến với dân mà “vời” họ đến.
Có thể chuyện ông Chung “vời” dân đến bất thành vì nó diễn ra sau khi tờ Tuổi Trẻ “tự ý đục bỏ” bài “Vào tâm bão Đồng Tâm”. So với một số bài tường thuật cùng đề tài thì “Vào tâm bão Đồng Tâm” có hai điểm khác: Thứ nhất, cho biết dân Đồng Tâm đã khiếu nại, tố cáo ròng rã năm năm mà không có cấp nào thèm ngó ngàng, giải quyết. Thứ hai, dân Đồng Tâm đối xử với các con tin rất tốt, ngoài việc cho ăn, uống (chi phí lên tới cả triệu/ngày), con tin còn được cung cấp thuốc lá, được chăm sóc y tế,…
Chuyện ông Chung “vời” dân đến bất thành còn vì theo tường thuật của một số facebooker, đêm 19 tháng 4, “du đãng” (những kẻ lạ mặt mặc thường phục, trang bị mã tấu, gậy gộc) tìm cách xâm nhập Đồng Tâm, dân Đồng Tâm tìm thấy súng, đạn ở nơi để mền, gối cho con tin và điện đột nhiên bị… ngắt.
“Đối thoại” là đủ?
Tối 20 tháng 4, facebooker Vu Hai Tran - một luật sư từng vào Đồng Tâm tiếp xúc với dân chúng, hy vọng có thể làm cầu nối giữa dân chúng với chính quyền – cho biết, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch huyện Mỹ Đức đã gọi điện thoại cho báo với ông rằng, chính quyền huyện Mỹ Đức đã gửi giấy, mời 100 người dân Đồng Tâm đến hội trường Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức để gặp Chủ tịch thành phố Hà Nội vào lúc 16 giờ nhưng “bà con Đồng Tâm chưa đến.”
Facebooker Vu Hai Tran kể thêm là ông đã gọi điện thoại cho một vị cao niên ở Đồng Tâm để hỏi lý do, vị cao niên này trả lời, dân Đồng Tâm đã mời Chủ tịch thành phố Hà Nội đến Đồng Tâm vì hội trường Ủy ban nhân dân xã có thể chứa đến 200 người. Cũng theo lời facebooker Vu Hai Tran thì nếu Chủ tịch thành phố Hà Nội ngại đến Đồng Tâm thì dân Đồng Tâm còn ngại hơn khi được mời đến hội trường Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức bởi họ “đã bị lừa nhiều lần rồi”.
Vị cao niên mà facebooker Vu Hai Tran trò chuyện nói thêm, dân Đồng Tâm hoan nghênh Chủ tịch thành phố Hà Nội đến với họ và “bảo đảm không thể có chuyện gì xảy ra”.
Có lẽ cần phải nhắc lại, sáng 15 tháng 4, hệ thống công quyền đã mời cụ Lê Đình Kình và một số đại diện dân chúng xã Đồng Tâm tham dự việc cắm mốc, phân ranh giữa “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng”. Sau đó thì ông cụ 82 tuổi này bị quật ngã, thảy lên xe cùng bốn người khác. “Biện pháp nghiệp vụ” ấy là giọt nước cuối cùng làm tràn ly phẫn nộ, dân chúng Đồng Tâm nổi loạn.
Sau khi dân chúng Đồng Tâm phóng thích 15 cảnh sát cơ động mà họ đang cầm giữ, thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tuyên bố, việc trả tự do cho bốn người dân Đồng Tâm, bị bắt ngày 15 tháng 4 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” không phải là “thỏa hiệp” để “trao đổi” 15 cảnh sát cơ động, cho dù 15 cảnh sát cơ động này chỉ có thể trình diện thượng cấp sau khi bốn người dân Đồng Tâm đã về với gia đình của họ. Ông ta khẳng định, sở dĩ Công an Hà Nội “thay đổi biện pháp ngăn chặn” (cho tại ngoại) vì cả bốn “đã nhận thức được hành vi sai trái của mình”.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bổ sung thêm, ngoài vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, Cục Điều tra Hình sự của Bộ Quốc phòng cũng đã nhập cuộc bằng việc khởi tố hai vụ án, một “chống người thi hành công vụ”, một “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”. Lịch sử tư pháp Việt Nam chưa bao giờ có sự “phối hợp đẹp” đến mức cần “viết thành sách” để giải thích tại sao như vậy (?).
Sau một ca mổ, điều trị chấn thương do bị quật ngã, cụ Lê Đình Kình – người được xem như linh hồn của cuộc đối đầu đòi công lý tại xã Đồng Tâm - đang nằm trong phòng hồi sức. Nếu những tuyên bố của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội được thực thi (nghiêm trị những kẻ chủ mưu, những người cầm đầu, xuyên tạc sự thật để kích động gây rối), cũng như tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao thật sự là chủ trương của chính phủ (xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật), chỗ cụ Kình cư trú chắc chắn không phải là tư gia của cụ.
Thiên Hạ Luận
Theo voatiengviet.com