Xi-Trump-Putin: Trục nóng chiến tranh và quyền lực

Liệu chiến tranh thế giới hoặc nguyên tử có thể xảy ra?

Tin tức dồn dập trong những ngày qua cho người ta cảm tưởng một cuộc chiến thế giới có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Sự căng thẳng do những động thái quân sự của Tổng thống Donald Trump, bắt đầu với lệnh phóng 59 trái Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria hôm mồng 6/4/2017 để cảnh báo và trừng phạt chính phủ Bashar al-Asad tội đã thả bom hóa học xuống người dân ngày 4/4/2017, giết hại 87 người Syria gồm nhiều trẻ em. Ngày 13/4/2017, Hoa Kỳ đã thả trái bom lớn chưa từng có - nặng tới 21.600 pounds và được mệnh danh “Mẹ của mọi trái bom”, vào vùng rừng núi A Phú Hãn, nơi được cho là sào huyệt của quân khủng bố ISIS.

Nhưng điểm nóng hơn đang chực chờ bùng nổ, với nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đó là Bắc Hàn. Tổng thống Trump đã liên tục lên tiếng cảnh báo lãnh đạo Bắc Hàn về các vọng động của lãnh đạo Kim Jong-un gần đây như: nhiều lần bắn hỏa tiễn khiêu khích về phía đồng minh Nhật Bản của Hoa Kỳ, dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân... Lời qua tiếng lại giữa thủ lãnh hai nước khiến tình hình càng trở nên căng thẳng.

Bình Nhưỡng đổ tội cho Washington đã gia tăng thách đố và đe dọa, không những bằng lời mà còn gởi đoàn tàu chiến hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trực chỉ bán đảo Triều Tiên (ngày 8/4/2017). Hoa Kỳ cũng thao dợt tập trận với Nam Hàn trong hình thức biểu dương lực lượng lớn nhất chưa từng có. Không lực Hoa Kỳ cũng đã dàn trận với đủ mọi loại chiến đấu cơ tân tiến trên đất Nhật - một cuộc không tập lớn nhất để gởi thông điệp nghiêm trọng tới Bắc Hàn.

TT Trump đã công bố hôm 13/4: “Mỹ sẽ đánh phủ đầu nếu Bắc Hàn vọng động.” Kim Jong-un trả đũa: “Bắc Hàn đang trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến.”

Hội đàm Xi-Trump và sóng gió Triều Tiên

TT Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, sau cuộc gặp mặt đầu tiên trong 2 ngày 6 và 7 tháng 4, đã đưa ra những thông điệp hòa hoãn bất ngờ giữa đôi bên. Đi ngược lại hẳn những lời lẽ cáo buộc của ông Trump đối với Trung Quốc suốt hơn 1 năm qua là “thao túng tiền tệ và cướp công ăn việc làm của Mỹ,” ông Trump ngày 13/4 đã tuyên bố “Trung Quốc không phải là kẻ thao túng tiền tệ”, “chấp nhận chính sách ‘Một Trung Quốc’”, và thậm chí còn khen ông Tập là một người bạn “dễ thương.”

Chi tiết cuộc hội đàm không được tiết lộ, nhưng điểm chính đại cương mà ông Trump công bố là đã yêu cầu Trung Quốc kềm chế đàn em Bắc Hàn của mình để đổi lại mối thương giao Mỹ-Trung tốt đẹp.

Ngày 7/4, từ khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump, ông Tập đã ra lệnh Trung Quốc đuổi tất cả tầu hàng chở than đá của Bắc Hàn về nước, khoảng 2 triệu tấn hàng đã bị trả về. Dù quyết định đình chỉ nhập cảng than Bắc Hàn đã được đưa ra từ ngày 19 tháng 2, như một phần trong nỗ lực thực thi những chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào nước này vì đã thử nghiệm phi đạn đạo tầm trung, nhưng ông Tập đã ban lệnh như một cử chỉ nhấn mạnh sự hợp tác đối với ông Trump.

Than đá là nguồn lợi tức lớn nhất của Bắc Hàn và cũng là sợi dây thao túng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, do đó Trung Quốc trong thời gian qua vẫn tiếp tục mua than đá từ Bắc Hàn dù nhu cầu nhập cảng than không còn do việc sản xuất thép đã bị sụt giảm trầm trọng.

Trung Quốc cũng điều động 150,000 quân tới sát biên giới Bắc Hàn http://www.businessinsider.de/china-150000-troops-north-korea-xi-trump-2... hôm 9/4 và điều thêm 25,000 quân ngày 13/4. Ông Tập cũng kêu gọi họ Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân để được sự bảo vệ của Trung Quốc, đồng thời đặt toàn quốc trong tình trạng báo động chiến tranh.


Căng thẳng Mỹ-Bắc Hàn tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây.

Ông Trump đã tweet hôm 12/4 rằng “Bắc Hàn đang tìm kiếm rắc rối,” và dọa nhiều lần: “Nếu Trung Quốc không thực hiện phần nhiệm của mình để kềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, thì Mỹ vẫn có thể đơn phương giải quyết.” Bắc Hàn cũng cho rằng lời tuyên bố của ông Trump năm ngoái “Sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un, có thể cùng ăn hamburgers” chỉ là miệng lưỡi, và hứa sẽ “đáp trả” mọi ý đồ tấn công của Mỹ.

Liệu chiến tranh có thể nổ ra với Bắc Hàn?

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu chiến tranh nổ ra, thiệt hại sẽ vô cùng khủng khiếp vì Bắc Hàn có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân.

Tuy là một quốc gia nghèo đói, nhưng Bắc Hàn lại dồn tài nguyên vào việc phát triển vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân và hóa học. Họ có chừng 350 hỏa tiễn có thể bắn vào Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng có khả năng tấn công Hawaii bằng bom nguyên tử có sức mạnh ngang với vụ Mỹ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki trong Chiến tranh thế giới thứ II, và có thể tới Hawaii bất ngờ trong vòng chưa đầy 20 phút.

Một đe dọa nữa của Bình Nhưỡng là khả năng sử dụng tàu ngầm để tấn công bằng hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân, và loại tầu ngầm này có khả năng biến mất mà không thể dò tung tích. Năm 2015, có 50 chiếc biến mất, khiến Seoul và Tokyo rất lo ngại.

Trước nguy cơ thảm họa của cuộc chiến với Bắc Hàn, mà chắc chắn nước gánh chịu hậu quả lớn nhất là Nam Hàn, các quốc gia có tầm ảnh hưởng trong vùng đều kêu gọi một giải pháp hòa bình. Nam Hàn và Nhật Bản đều yêu cầu Hoa Kỳ phải thông báo trước nếu muốn khai pháo.


Kim Jong-un có thể đang sửa soạn tấn công hạt nhân từ một tàu ngầm bí mật.

Dù Hoa Kỳ có khả năng tiêu diệt chế độ Bình Nhưỡng về quân sự, việc làm này cũng khó lòng thực hiện vì Trung Quốc muốn bảo vệ đồng minh Bắc Hàn làm trái độn để ngăn ngừa khối thân Mỹ gồm Nam Hàn và Nhật Bản trở nên hùng mạnh, và nằm sát nách. Bình Nhưỡng sụp đổ còn tạo ra làn sóng tị nạn tràn vào Trung Quốc, vốn đã quá tải dân số. Cũng chính vì vậy mà Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để kềm chế Bắc Hàn, và đã gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng kể cả việc ủng hộ tăng cường cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

Tình hình Biển Đông và xung khắc Mỹ-Trung

Trước đây, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã từng mạnh miệng lên án Trung Quốc về vấn đề xây dựng cảng biển, phi đạo, cơ sở hạ tầng quân sự... trên các hòn đảo tranh chấp hầu kiểm soát Biển Đông, thì nay ông đã nhẹ giọng hẳn theo hướng đổi chiều của TT Trump.

Vì nhu cầu hợp tác để kềm chế Kim Jong-un, xung khắc Mỹ-Trung đang được xoa dịu, và đây là cơ hội để Trung Quốc tiếp tục bành trướng thế lực trong vùng Đông Nam Á. Dù không ngừng mục tiêu xâm lược và kiểm soát, Trung Quốc sẽ tạm giảm thái độ gây hấn trắng trợn trên Biển Đông để ông Trump yên tâm về con đường hàng hải, nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu đường dài là chiếm lĩnh ảnh hưởng trong vùng Á Châu và từng bước, đẩy lùi thế đứng của Hoa Kỳ. So với ông Trump, họ Tập giảo quyệt, mưu mô hơn nhiều, và sẽ dư kiên nhẫn cũng như có nhiều chiêu trò để đưa ông Trump vào mê hồn trận.

Hai lãnh đạo cũng đều quan tâm tới mối lợi thương giao, và sẵn sàng bỏ qua những khác biệt về nhân quyền, môi trường, chủ quyền của các quốc gia khác... để cùng hợp tác buôn bán.

Giấc mơ giao hảo Mỹ-Nga liệu có còn?

Ông Donald Trump luôn khen ngợi và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với lãnh tụ Nga Vladimir Putin trong suốt thời gian tranh cử, và ngay cả những ngày tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ông Putin cũng đã là một trong những người đầu tiên gọi điện thoại chúc mừng chủ nhân mới của Tòa Bạch Ốc. Chủ trương của ông Trump là một mối giao hảo mới giữa hai quốc gia, một điều mà các vị tổng thống tiền nhiệm của ông đều đã mong muốn và học những bài học thực tế cay đắng.

Tuy nhiên, sau cuộc tấn công Syria ngày 6/4 vừa rồi, thái độ đôi bên đã đổi khác. Ông Trump và cả hai đại diện ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại sứ Nikky Haley tại Liên Hiệp Quốc, đều đã lên án Nga đồng lõa trong vụ tấn công hóa học của chế độ Asad, dù ông Trump có nhẹ nhàng hơn khi cho rằng Nga có thể không biết trước vụ tấn công này, nhưng đã ủng hộ một chế độ xấu.

Ông Tillerson, nguyên chủ tịch tập đoàn ExxonMobil có buôn bán với Nga, và từng được Putin tặng huân chương danh dự, đã tuyên bố trong buổi họp với khối NATO hôm 31/3 là “hành động xâm lược Ukraina của Nga năm 2014 đã làm lung lay nền tảng an ninh và ổn định tại châu Âu.”

Ông khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối với Nga của chính phủ tiền nhiệm như duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi nào Moscow tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minks cho miền đông Ukraina (2015) và trả lại Crimea cho Kiev.

Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis cũng đã không ngần ngại cáo buộc Nga “vi phạm luật Quốc Tế tại Crimea” và “can thiệp vào các cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia.”


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại cuộc họp báo chung ở Tòa Bạch Ốc hôm 12/04/2017. Ảnh: CNN

Ngày 12/4 trong dịp gặp gỡ với Chủ tịch NATO, TT Trump cũng quay 180 độ về quan điểm đối với tổ chức đồng minh quan trọng này. Ông phủ nhận lời tuyên bố trước đây của mình là “NATO không còn hợp thời”, và nhìn nhận Hoa Kỳ cần sự hỗ trợ của các đồng minh trong khối NATO. Không thấy ông lên giọng “đòi nợ” NATO phải đóng thêm tiền cho các nỗ lực chung.

Thế nhưng, theo ghi nhận của AFP, những thay đổi trên được đưa ra trong bối cảnh của một bầu không khí nặng nề đang đè nặng lên Tòa Bạch Ốc. Các ủy ban của Quốc Hội và FBI đang chính thức điều tra vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 đã khiến cho ông Trump ít nhiều chùng bước trong việc thúc đẩy bang giao với Nga hiện nay.

**

Tóm lại, tình hình thế giới nhiều phần sẽ gia tăng các hoạt động quân sự, nếu không là một cuộc chiến toàn diện có thể bùng nổ như nhiều người e ngại. Tình hình này không mấy lạc quan cho những đồng minh chiến lược cột trụ của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu, Khối NATO trong nhiều thập niên qua.

Hơn lúc nào hết sau gần 100 ngày lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump đã thấm mệt và thấy rằng cần phải có những ứng xử chừng mực. Viễn cảnh này có thể sẽ đưa đến một áp lực mới là ông Trump sẽ phải tiếp tục duy trì phần lớn các chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Obama cho đến khi ông Trump định hình được chính sách riêng của mình.

Nguồn: http://www.viettan.org/Xi-Trump-Putin-Truc-nong-chien.html