NGHỆ THUẬT RỜI BỎ BÀN ĐÀM PHÁN

Minh Pham

Những nét tương đồng giữa Tổng thống Trump và Reagan!

Hôm qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên Air Force One về nước thì Bắc Hàn mới tổ chức họp báo tại khách sạn Melia (Hà Nội) lúc hơn 12h khuya!

Có rất ít ký giả quốc tế và Việt Nam tham dự vì sự kiện diễn ra quá đột ngột.

Buổi họp báo lại không nói tiếng Anh, không phiên dịch qua tiếng Việt. Mặc khán phòng trống vắng, Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho vẫn bắt đầu buổi họp báo.

Ông Ri giải thích nguyên nhân khiến hai bên không thể đạt được thỏa thuận:

“Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất có tính thực tiễn tại cuộc gặp lần này. Nếu Mỹ dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận nhắm vào nền kinh tế Bắc Hàn nói chung và cuộc sống của người dân Bắc Hàn nói riêng, chúng tôi sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất hạt nhân tại Yongbyon."

Bắc Hàn muốn Mỹ dỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận áp đặt lên nước này, tuy nhiên phía Mỹ dứt khoát yêu cầu phải loại bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân trên toàn quốc, như đề nghị của Trump ở hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore.

"Chính vì yêu cầu này mà thỏa thuận đã không thể đạt được", ông Ri nói thêm.

“Trong suốt cuộc gặp thượng đỉnh này, chúng tôi đã nhấn mạnh ý định của mình về một cam kết dừng dài hạn các cuộc thử hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa để giúp Mỹ hạ thấp các quan ngại. Nếu hai bên có thể hợp tác trong suốt quá trình xây dựng lòng tin này, nó sẽ giúp thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa ở tốc độ nhanh hơn."

Khi những người cộng sản "cam kết" bằng miệng và kêu gọi "xây dựng lòng tin" trên giấy thì dĩ nhiên ai cũng phải dè chừng. Đó là chưa kể, ngay chính trong phòng họp, "lòng tin" đó đã ít nhiều bị xói mòn sau bài kiểm tra của ông Trump, khi ông bất ngờ đề cập tên một cơ sở hạt nhân gần Yongbyon, do tình báo Mỹ phát hiện mà Bắc Hàn không công bố, cũng cần phải bị dỡ bỏ. Cả phái đoàn Bắc Hàn tá hỏa, ngạc nhiên nhìn nhau vì điều này nằm ngoài dự tính ban đầu.

Sau phút chần chừ thì ông Kim không đồng ý, chỉ chấp nhận phá bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc dỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận của Mỹ.

Ông Trump bất bình, lập tức đứng dậy bỏ đi đầy dứt khoát. Không chỉ gây mất lòng tin qua việc không thành khẩn khai báo các cơ sở hạt nhân, phía Bắc Hàn còn leo thang mặc cả đầy phi lý. Với ông Trump, như thế là đủ để kết thúc đàm phán.

Nguyên tắc đàm phán mà ông Trump đang áp dụng với Kim Jong Un khá tương đồng với cách mà Tổng thống Reagan đã vận dụng trong các cuộc đàm phán giải giáp hạt nhân với Gorbachev, dựa trên một câu tục ngữ Nga đơn giản:

“Doveryai, no proveryai”, có nghĩa là: “tin tưởng, nhưng phải xác minh”.

Vâng, lời hứa của lãnh đạo Liên Xô là vô nghĩa nếu không qua xác minh, điều này cũng đúng trong trường hợp của Bắc Hàn. Kim Jong Un, cùng với cha và ông nội cai trị Bắc Hàn trước đó, có một kỷ lục dài về những lần thất hứa.
Ông Trump cũng thừa biết điều đó từ sự nghiệp kinh doanh từng trải của mình, rằng nếu không có thỏa thuận ràng buộc, không có hình phạt rõ ràng đối với vi phạm và phương pháp xác minh, lời hứa của lãnh đạo Bắc Hàn là vô giá trị.

Ông Trump cũng đang theo đuổi một cách khôn ngoan chính sách của Tổng thống Reagan về:

“Hòa bình thông qua sức mạnh" - cả về năng lực quân sự và tiềm lực kinh tế. Ông biết rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đã có hiệu quả để tạo áp lực lên một nền kinh tế Bắc Hàn mong manh và dễ vỡ, điều này tạo cho ông một vị thế mạnh mẽ tại bàn đàm phán.

Trong thực tế, con dấu của tổng thống Mỹ có hình một con đại bàng ở chính giữa, một chân kẹp chặt nhành ô liu tượng trưng cho hòa bình, và chân còn lại kẹp chặt những mũi tên tượng trưng cho chiến tranh.

Tổng thống Reagan trong những năm 1980 và Tổng thống Trump hiện tại đang chìa ra nhành ô liu hòa bình trước tiên, với hi vọng rằng sẽ không cần đụng tới mũi tên chiến tranh.

Tuy nhiên, cả hai ông đều không hề e ngại trong việc làm cho các đối tác của họ nhận thức được rằng nước Mỹ có khả năng, và ý chí, để tự vệ nếu bị khiêu khích.

Tại hội nghị thượng đỉnh Reykjavick (Iceland) về giải trừ hạt nhân, Tổng thống Reagan đã bỏ ra khỏi bàn đàm phán vì Gorbachev muốn Mỹ chấm dứt Sáng kiến ​​phòng thủ chiến lược (SDI) - chương trình phòng thủ hỏa tiễn được ví như “Chiến tranh giữa các vì sao”.

Giữ quan điểm SDI là bất khả thương lượng, Reagan đã từ chối thảo luận thêm, đứng dậy và bước ra ngoài. Truyền thông lúc đó coi hội nghị như là một thất bại vì không có thỏa thuận nào được ký kết, tuy nhiên lập trường mạnh mẽ của Tổng thống Reagan đã giúp dời các cuộc đàm phán về phía trước để rồi nó lại tiếp tục một thời gian ngắn sau đó.

Hiệp ước về các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) rốt cuộc đã được Reagan và Gorbachev ký vào năm 1987, giải trừ toàn bộ lớp vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Reagan đã cam kết đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu, và ông chọn thà là không thỏa thuận hơn là chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ làm suy yếu nước Mỹ. Với chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trước tiên" (America First),
Tổng thống Trump rõ ràng đang làm những điều tương tự.

Tổng thống Reagan hiểu tầm quan trọng và hiệu quả của những cuộc hội kiến trực tiếp và tin rằng không có gì là không thể giải quyết nếu hai nhà lãnh đạo chịu ngồi xuống bàn đàm phán để thảo luận về những bất đồng, cũng như mục tiêu chung giữa họ.

Tổng thống Trump cam kết sẽ có một cuộc đối thoại trực tiếp lần nữa với Kim Jong Un, đây sẽ là một cột mốc ngoại giao có tầm quan trọng toàn cầu.

Lịch sử đang đánh giá Ronald Reagan là một trong những tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ, trong khi Donald Trump vẫn đang viết nên những kỷ lục trong nhiệm kỳ tổng thống của mình mà lịch sử cuối cùng sẽ phán xét ông.
Bằng cách tham khảo sự thành công về ngoại giao và thương lượng của Tổng thống Reagan để dõi theo, Tổng thống Trump cũng đã khôn ngoan lựa chọn một nhà lãnh đạo xuất sắc để cạnh tranh.