Hội nghị Trung ương 4 đảng CSVN Khóa XII chấm dứt sau sáu ngày làm việc, đã cho ra đời Nghị quyết 4 “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành ngày 30/10.
So với nội dung là “Ba vấn đề cấp bách” và “Bốn nhóm giải pháp thực hiện” của Nghị quyết 4, Khóa XI (2012), lần này lời lẽ cũng không khác mấy, tuy cách diễn giải hiện tượng con bịnh có phần đầy đủ hơn.
Ngoài phần mở đầu theo thông lệ với những luận điểm được lập đi lập lại một cách nhàm chán, dư luận chỉ quan tâm đến nội dung của 27 biểu hiện được cụ thể hóa qua ba nhóm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Đặc biệt trong phần nội bộ đảng, nghị quyết cũng nhấn mạnh đến 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Đây là lần đầu tiên ông Trọng cố nêu ra một cách chi tiết những hiện tượng mà hầu hết các đảng viên đều mắc phải, không phải mới đây mà đã từ lâu. Có thể nói “suy thoái” khởi đầu từ khi Đảng bước vào thời kỳ đổi mới kinh tế mà vẫn giữ nguyên tắc chỉ đạo của tư duy xã hội chủ nghĩa. Từ thân phận các nhà quản lý kinh tế bao cấp ăn chưa đủ no bỗng một sớm một chiều, cơ hội làm ra tiền xuất hiện như một phép lạ từ trên trời rơi xuống. Được khuyến khích bởi quyền lực vô giới hạn, giai cấp cầm quyền đua nhau lao mình vào lối sống của tầng lớp quan lại mới, kéo theo những tha hóa về tư tưởng là điều không tránh khỏi.
Nhìn chung, 3 biểu hiện đầu tiên của 3 nhóm có thể coi như những đầu mối, từ đó đẻ ra vô số “tội” cụ thể của đảng viên cộng sản mà bình thường ai cũng nhìn thấy.
Trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, điều được nói tới trước tiên là “thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lê”. Đây chính là hướng thoát đặc biệt của tư tưởng những người được đào tạo trong một khuôn khổ bó hẹp của lý thuyết cộng sản khi lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới tư bản, dù chỉ qua hình thức kinh tế.
Do có sự so sánh qua thời gian, đây cũng chính là đầu nguồn phát sinh ra những “suy thoái” khác, theo cách nói của Nghị quyết 4. Từ “thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa” sẽ đi dần tới “phủ định chủ nghĩa cộng sản” là một diễn biến hiển nhiên khi đổi mới chính trị không theo kịp đổi mới kinh tế. Đó là điều mà lãnh đạo đảng CSVN lo sợ nhất khi đứng trước một thời kỳ quyết định cho sự tồn tại của mình. Ra sức kêu gào chống diễn biến cũng chỉ là một hành động vô ích khi tư tưởng đảng viên đã không còn thấy chủ nghĩa Mác-Lê là ưu việt như đảng đã từng dạy dỗ.
Hiện nay tham nhũng là một vấn nạn được nói tới nhiều nhất nhưng càng nhắc đến nó tham nhũng càng lan tràn và trở thành một hiện tượng hiển nhiên như con ngựa chứng bất kham. Cho dù đã lập biết bao ban bệ chống tham nhũng từ trung ương xuống tận địa phương, tham nhũng vẫn ngày càng ăn sâu vào bộ máy cai trị.
Vấn nạn ấy cũng là hình thức cao nhất đại diện cho những biểu hiện về “suy thoái đạo đức” của cán bộ đảng viên ngay trong lối sống và thái độ hành xử quyền lực. Nó dẫn đầu cho 9 biểu hiện của nhóm thứ hai được mô tả như đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động đen tối của cán bộ nhà nước. Trong các doanh nghiệp, sự cấu kết lẫn nhau giữa nhà nước và tư nhân núp bóng tạo thành lợi ích nhóm bòn rút của công dưới mọi hình thức. Công tác chống tham nhũng đề ra rầm rộ nhưng bị vô hiệu hóa bởi những cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương quốc doanh là chủ đạo hoang phí và tiêu tiền như nước. Môi trường tha hóa lớn lên từ đây với biết bao cơ hội đục khoét theo chiều hướng làm nghèo đất nước, làm giàu cá nhân.
9 biểu hiện cuối cùng được đảng CSVN quan tâm nhiều nhất trong thời gian gần đây là những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hiện tượng rõ nét nhất và cũng mấu chốt nhất chính là sự phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng", “phi chính trị hóa” quân đội. Những diễn biến này có thể coi như hệ quả tất yếu của điều đầu tiên của nhóm 1 là suy thoái về tư tưởng chính trị.
Nhưng từ tự diễn biến đến tự chuyển hóa có thể coi như con đường tất yếu của tư tưởng con người khi tiếp nhận các luồng tư tưởng khác tốt hơn. Chủ nghĩa cộng sản cũng chỉ là một trào lưu tư tưởng có lúc được đón nhận như một phương pháp giải quyết nhưng nay đã bị vượt qua như biết bao trào lưu tư tưởng khác của nhân loại. Đảng không thể làm gì hơn để ngăn chận đà chuyển hóa trong tư tưởng đảng viên ngoài cách vận dụng kỷ luật đã trở nên lỏng lẽo.
Nhìn chung 27 chứng bịnh được đảng tự chẩn đoán chỉ là những phát hiện mang tính hình thức bề ngoài. Lâu nay việc chữa trị không khác nào trị bệnh ghẻ ngoài da mà chưa hề có phương pháp nào chữa tận gốc. Có thể nói là đảng CSVN chưa bao giờ muốn chữa trị mà còn tạo điều kiện để nuôi dưỡng, giúp phương tiện cho con bệnh nặng hơn. Vì cái gốc ấy nằm ở tổ chức đảng trị chỉ cho phép chống tham nhũng sao cho “đánh chuột đừng đễ vỡ bình” vì đó là “ta đánh vào ta”.
Hệ thống chính trị độc tài nằm trong tay một thiểu số là vấn nạn lớn nhất đi ngược lại nền móng dân chủ nhân quyền của toàn thế giới. Là đảng cầm quyền duy nhất đứng trên cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể chế độc tài đã tạo ra tình trạng quyền lực thiếu kiểm soát nên mọi căn bệnh hầu như vô phương cứu chữa.
Thêm nữa, nguyên tắc bất di bất dịch của đảng là khi một đảng viên phạm tội người này chỉ bị truy tố hình sự sau khi có sự đồng ý của đảng. Điều này cho thấy đảng luôn luôn là cái vỏ bọc, là chỗ ẩn nấp an toàn cho mọi loại tội phạm là đảng viên.
Trong hầu hết các trường hợp gọi là “sai phạm”, đảng viên chỉ bị một hình thức kỷ luật nội bộ nhẹ nhàng. Gần đây, tình trạng đảng loay hoay tìm cách kết tội một cựu bộ trưởng sao cho đúng “quy trình”.
Tóm lại, việc đảng CSVN công bố 27 căn bệnh của đảng viên trong Nghị quyết 4 lần này chỉ là sự bày hàng để xoa dịu sự bất mãn của đảng viên các cấp trước tệ nạn tham nhũng ngày trở nên tồi tệ. Nhưng đây cũng là báo hiệu của con bệnh ung thư mãn tính đang ở vào giai đoạn cuối, trước khi tan rã nếu đảng CSVN không thay đổi hệ thống chính trị thoái hóa hiện nay.
Phạm Nhật Bình