Vào đầu tháng 8 vừa qua, truyền thông lề đảng rộn rã ca ngợi người đứng đầu chính phủ CSVN về lời tuyên bố “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà.”
Thông điệp của ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra chắc như đinh đóng cột, không có vẻ gì là một lời nói bịp hay tùy hứng như của nhiều lãnh đạo cộng sản trước đây. Và thật ra, ông Phúc cũng chỉ nói lên một tình trạng rất bình thường của hầu hết các quốc gia mà những nhà cai trị đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Ở đó trong tinh thần dân làm chủ, người ta chọn trong giới tinh hoa của đất nước những người xứng đáng nhất đứng ra nắm vận mệnh quốc gia. Nhiệm kỳ phục vụ của họ cũng được ấn định minh bạch bởi luật pháp được thông qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử.
Câu hỏi đặt ra là, ở Việt Nam sự chọn lựa nói trên thì sao? Nói cách khác là Việt Nam đang chọn người tài hay chọn người thân và chọn như thế nào?
Đương nhiên, khi ông Phúc, người đứng đầu bộ máy chính quyền nói thì cán bộ cấp dưới cũng đua nhau hợp ca bài "chọn người Tài". Cho dù khi cất giọng cả người xướng lẫn người họa đều cảm thấy ngượng mồm.
Ngượng vì chính ngay trong giai cấp lãnh đạo, từ trước đến nay chưa bao giờ tuân thủ nguyên tắc công bằng dân chủ trong tuyển chọn. Họ bỏ qua điều quan trọng nhất: muốn chọn người tài thì phải có nguyên tắc thi tuyển trong hệ thống dân chủ. Từ thời xưa, các triều đình nước ta đều căn cứ vào kết quả các kỳ thi để bổ nhiệm người ra làm quan, không có tình trạng làm “quan ngang”. Không có thi tuyển làm sao người tài xuất hiện?
Thế nhưng suốt nhiều chục năm trong cơ chế đảng lãnh đạo độc quyền, nguyên tắc thi tuyển để tìm người tài hầu như làm cho lấy có. Một vài địa phương hô hào thi tuyển công chức cũng chỉ để làm màu mè cho câu chuyện cải cách nửa mùa.
Đầu năm 2016, chưa ai quên câu chuyện của Luật Sư Lê Đình Vinh, Giám đốc một công ty luật ở Hà Nội đã trúng tuyển vào chức vụ Hiệu Trưởng trường Đại Học Luật Hà Nội trong một kỳ thi tuyển do Bộ Tư Pháp tổ chức. Thế nhưng sau đó dư luận ngỡ ngàng khi biết người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng lại là một ông Vụ trưởng của Bộ chứ không phải Luật Sư Vinh. Vậy chế độ chọn người tài hay chọn người thân?
Ngay như ở cơ quan lập pháp, cứ 5 năm một lần đáng lẽ người dân được quyền chọn người đại diện cho mình nhưng đảng đã chỉ tay chọn trước. Bầu cử quốc hội vì vậy trở thành một vở tuồng thao túng bởi chế độ mà 500 đại biểu trúng cử không ai khác hơn các đảng viên cộng sản đã được cơ cấu trước. Đó là cách chọn người tài vào cơ quan quyền lực to nhất nước, căn cứ vào tiêu chuẩn đảng viên có tài gật đầu khi đảng ra lệnh gật.
Đối với đảng cộng sản,vấn đề nhân sự không chỉ quan trọng trong bộ máy đảng mà còn là một chính sách được đặt lên hàng đầu trong các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương. Chính sách ấy được mô tả là phải phù hợp với quyền lợi sinh tồn của đảng, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Đó là lý do khiến người dân mỉa mai “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ” để mô tả cái hệ thống bổ nhiệm quan chức cai trị hiện nay. Hay nói khác đi từ hàng chục năm qua, bộ máy hành chánh CSVN vận hành dưới một câu thần chú "Nhất thân, Nhì quen, Tam quyền, Tứ chế". Cuối cùng cái gì “không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền” trở thành chân lý.
Nhất thân tức là trong thân tộc là ưu tiên số một để tiếp tục cấy hạt giống đỏ trong bộ máy cai trị. Chính quan điểm như vậy mới có chuyện Nguyễn Minh Triết, con trai Nguyễn Tấn Dũng mới 25 tuổi đã được đưa vào ghế Tỉnh uỷ viên tỉnh Bình Định. Hay con trai của Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải cũng chỉ bằng tuổi ấy đã leo lên chức Tổng giám đốc công ty bia rượu Sabeco. Và còn biết bao chuyện con cái của lãnh đạo cộng sản khác không ngoi lên bằng tài mà được đẩy thẳng vào ghế lãnh đạo bằng thế lực của người cha. Điển hình như gần đây Trần Tuấn Anh, con trai cựu chủ tịch nước Trần Đức Lương, nhẹ nhàng bước lên ghế Bộ trưởng Bộ Công Thương hay Nguyễn Xuân Anh, con trai cựu Chủ tịch ủy ban kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi một bước trở thành bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng.
Sau yếu tố thân tộc, việc “đề bạt” bổ nhiệm tiến đến chọn người quen biết để tạo thành băng đảng, phe nhóm. Chúng tạo thành một mạng lưới chằng chịt trong các cơ quan nhà nước từ trên xuống dưới với mục đích chia chác quyền lợi với nhau. Thời gian vừa qua, nhiều vụ bổ nhiệm tràn lan ở cấp tỉnh bị phanh phui tạo ra một cú sốc lớn trong dư luận.
Ngày xưa một người làm quan cả họ được nhờ, nhưng ngày nay cả nhà bí thư Triệu Tài Vinh tỉnh Hà Giang đều trở thành quan, từ em trai, em gái, em rể, vợ cũ không sót một ai. Hay khôi hài như Cục trưởng Cục Thuế Vũng Tàu, ký quyết định bổ nhiệm vợ vào chức vụ Phó cục trưởng dưới quyền mình. Tất cả những hành động ấy cuối cùng đều được biện minh bằng lá bùa “đúng quy trình”, gắn thêm cái mác đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận… sau khi nhận tiền đút lót.
Cả bộ máy tham ô đã vận hành như vậy, nối tiếp nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác và người ta ngụy biện cho đó là đúng quy trình.
Điều trớ trêu là không mấy ai trong đảng, kể cả dân gian biết hay nhìn thấy “ông đúng quy trình” ấy mặt mũi dài ngắn ra sao. Nhưng khi đã nói đúng quy trình thì tất cả những gì sai nguyên tắc luật lệ thông thường nhất đều là chuyện hợp pháp dưới ánh sáng mặt trời.
Do đó, khi Việt Nam được dẫn dắt liên tục bởi bóng ma “đúng quy trình” và những thành phần bất tài, vô hạnh cha truyền con nối, thì xã hội ngày càng rối loạn, kinh tế ngày càng tan hoang, biển đảo ngày càng mất dần… nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm.
Việt Nam hiện nay trở thành một cái túi nợ khổng lồ của quốc tế nhưng vẫn nổi tiếng là một quốc gia từ kém phát triển chuyển sang… không chịu phát triển. Còn những cái nhất đạt được thì không sao kể hết, từ uống bia rượu nhiều nhất đến phá thai nhiều nhất, từ tham nhũng hạng nhất đến đàn áp người dân tàn bạo nhất
Với cách tuyển chọn thể hiện tính cách quyền lực gia đình như thế, khi một thái tử đảng lên ngôi cán bộ cấp dưới lại nhìn nhau hỏi: “Đồng chí ấy là con đồng chí nào?”. Một câu hỏi tuy nhẹ nhàng nhưng đã nói lên một sự thật đầy hổ thẹn của một triều đình dân chủ giả hiệu. Từ đó ngay trong nội bộ của bộ máy cầm quyền cũng hình thành nhiều phe phái tranh nhau ngôi thứ và lợi lộc, làm bùng lên những màn đấu đá kịch liệt có khi đến đổ máu.
Rốt cuộc ông Phúc nêu lên vấn đề chọn người Tài hay người Thân xem ra chỉ là sự lên đồng trong khoảnh khắc. Bởi ông Phúc biết chắc là không giải quyết đươc gì, dù có chọn được người tài đưa vào làm việc trong guồng máy tham ô hết thuốc chữa.
Nói cách khác là CSVN rất sợ chọn người tài và có tâm huyết vì khi thay đổi bộ máy quản lý nhà nước bằng cách thực sự chọn người Tài đức chính là phá vỡ cái cơ chế lâu nay nuôi giữ quyền lực độc tôn của đảng. Không dễ gì đảng chấp nhận người Tài mà không hội đủ hai yếu tố đảng tịch và thân quen để giao quyền cai trị.
Cho nên dù các cây bút tuyên giáo ra sức ca ngợi “chọn người tài” cũng chỉ là trò đánh trống mua vui trong khi cả bộ máy đảng và chính phủ đang chìm đắm trong những vấn đề nhức nhối không lối thoát.