Nguyễn Thanh Tú phục vụ cho ai?

Hôm 26 Tháng 8, 2016 vừa qua, trên đường đi “tìm công lý” cho thân phụ là cố ký giả Đạm Phong, Nguyễn Thanh Tú đã đăng ký với cơ quan thuế vụ ở Cali công ty tên là“ Vienam Canh Tan Cach Mang Đan”, (lưu ý, chữ cuối tên của công ty đó là DAN, không có mẫu tự G, phóng ảnh phía dưới).

Tên đăng ký này nếu không để ý sẽ tưởng là trùng tên với Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng . Đăng ký xong Tú gửi thông báo (số 18) cho biết, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Việt Tân (của Tú) đã trở thành một thương hiệu (Trade Mark) được cầu chứng tại tòa (Register in court).

 

Việc này tương tự như một người làm khai sinh cho con tên là DƯƠN rồi cấm người khác lấy tên DƯƠNG, một tên mà người ta đã sở hữu trước đó.

Chuyện này có lẽ chỉ là chuyện hòn sỏi ném ao bèo. Tuy nhiên, chuyện nào nó ra chuyện đó. Vì vậy cũng nên phân tích rạch ròi ở đây.

Trong vấn đề này có hai phần: a) Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Đảng Việt Tân, tên tiếng Anh là VN Reform Party, và b) Chuyện Nguyễn Thanh Tú đi “tìm công lý”.

Đảng Việt Tân: Những yếu tố  cần xét đến về danh xưng và thực thể của tổ chức này

Trước hết cần phải xác định rằng, những người Việt Nam ở trong và ngoài nước đứng lên đấu tranh trong mục tiêu chấm dứt chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, hầu có điều kiện để canh tân đất nước và con người Việt Nam, họ không cần phải xin phép ai, hoặc phải được chính phủ nào cho phép, thì mới đấu tranh cho các mục tiêu vừa kể. Trong hơn 3 thập niên qua, rất nhiều người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã làm việc đó mà không cần phải có sự “cho phép” của chính phủ Mỹ, Canada, Úc, Pháp, v.v....

Những người có cùng lý tưởng, cùng mục tiêu đấu tranh như vừa kể sẽ tập họp với nhau thành những tổ chức đấu tranh hoặc đảng phái chính trị như đảng Phục Hưng, Đảng Đại Việt, Quốc Dân Đảng, miễn sao hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia nơi mình cư trú. Đảng Việt Tân cũng chỉ là một trong những tập hợp đấu tranh hoặc đảng phái chính trị đó của người Việt sau khi đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh.

Trong thông cáo báo chí ngày 27 Tháng 8 vừa qua, ngay ở điểm đầu tiên  Đảng Việt Tân đã xác định rằng “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân), tức Vietnam Reform Party, là danh xưng chính thức của tổ chức chúng tôi. Đây là một thực thể có tư cách pháp nhân trong dạng unincorporated association, hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới từ năm 2004.”

Nội dung của Thông Cáo nói trên cho thấy là Đảng Việt Tân được bảo vệ bởi Common Law (tạm dịch là Thông Luật hay Luật Chung) của Hoa Kỳ và được Hiến Pháp Hoa Kỳ công nhận.

Bên cạnh đó, Việt Tân là một đảng chính trị của người Việt Nam, không hề có mục tiêu cạnh tranh với các đảng chính trị tại Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào khác. Mà chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu đã nêu ở trên.

Vì vậy, vấn đề pháp lý của Đảng Việt Tân không cần thiết phải bàn thêm.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng hơn, liên quan đến danh xưng Đảng Việt Tân, là thực tế hoạt động của thực thể đấu tranh này không chỉ đối với người Việt Nam, mà còn đối với chính phủ của nhiều quốc gia tiên tiến khác, cũng như với truyền thông quốc tế.

Đối với người Việt Nam thì những ai quan tâm đến vấn đề đấu tranh cho dân chủ Việt Nam ít nhiều đều đã biết những hoạt động đấu tranh của Đảng Việt Tân, đặc biệt là qua những bài viết tấn công đảng này của Việt Cộng, vì thế không cần phải nêu ra ở đây.

Đối với chính phủ của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới thì lãnh đạo Đảng Việt Tân đã từng gặp và nói chuyện. Ví dụ lãnh đạo Đảng Việt Tân đã từng được mời vào toà Bạch Ốc, vào quốc Hội Canada, quốc hội Úc, hoặc tiếp xúc với giới chức hữu quyền của EU hay bộ ngoại giao của một số quốc gia Âu Châu để vận động cho nhân quyền Việt Nam. Đảng viên Việt Tân cũng đã nhiều lần điều trần tại các quốc hội Mỹ, Úc, Canada cũng như làm việc chung với các tổ chức NGO quốc tế trong một số vấn đề liên quan đến Việt Nam. Chẳng hạn như mới đây một số cán bộ Đảng Việt Tân đã cùng với các NGO và nghị sĩ Đài Loan tổ chức họp báo và thuyết trình về vụ ô nhiễm môi trường ở miền Trung do công ty Formosa Đài Loan gây ra hôm đầu tháng 8.

Giới truyền thông quốc tế như AFP, Reuters, v.v... trong nhiều bài viết liên quan đến dân chủ, nhân quyền Việt Nam vẫn thường đăng tải quan điểm của Đảng Việt Tân về vấn đề liên hệ.

Vì thế, nếu Đảng Việt Tân là một tổ chức “bất hợp pháp” (như Nguyễn Thanh Tú kêu rêu) thì chắc là chính phủ các nước Mỹ, Úc, Canada và nhiều nước Âu Châu đều đều “mù”, nên họ mới mời lãnh đạo của một tổ chức “bất hợp pháp” vào những cơ chế quyền lực cao nhất của quốc gia họ.

Nguyễn Thanh Tú đi “tìm công lý”?

Đây là vấn đề cần được quan tâm ủng hộ trong sự trong sáng của nó, chứ không phải theo cách “đi tìm”  mà Tú đang thực hiện.

Đối với việc một số ký giả Việt Nam vị bắn giết hơn 30 năm về trước, trong đó có cố ký giả Đạm Phong, thì trách nhiệm đều tiên và duy nhất là thuộc thẩm quyền của Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI). FBI không phải là cơ quan hữu danh vô thực, đó là một trong những cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới. Họ đã bỏ ra 15 năm để điều tra nhưngvẫn không có kết quả.

Trong một bài báo viết về vấn đề này, nhà báo Bùi Văn Phú đã cho biết, “hai thám tử Napoleon Hendrix và Earl Sanders của sở cảnh sát San Francisco không tìm ra manh mối và kết luận vụ án mạng liên quan đến tiền bạc, chứ không mang mầu sắc chính trị. Thực ra lúc đó cũng đang có tranh giành quyền lợi tài chánh qua các dịch vụ chuyển tiền và gửi hàng về Việt Nam giữa các tổ chức Việt kiều Yêu nước ở Mỹ và Canada và Lâm có thể là nạn nhân của những tranh chấp này.”

Cũng có một giả thuyết khác cho rằng, vào thời gian đó, khi khí thế chống cộng đang bừng bừng trong cộng đồng người Việt, có thể người của việt cộng gài trong các cuộc vượt biên đã ra tay rồi đổ vấy cho các tổ chức của người Việt Nam, để nhà cầm quyền Hoa Kỳ vào cuộc hầu phá vỡ khí thế đấu tranh dạo đó. Nếu xét về sở trường khủng bố của việt cộng tại miền Nam Việt Nam trước đây (nay vẫn được báo chí CSVN tung hô), thì giả thuyết này có độ khả tín cao.

Dù gì đi nữa thì xét về mặt chứng cứ và pháp lý tội phạm đều cho thấy cáo buộc của Nguyễn Thanh Tú về trách nhiệm tổ chức Mặt Trận trong cái chết của bố ông ta chỉ là sự cáo buộc hồ đồ. Nhất là qua một số bài viết và phỏng vấn, ông thuật lại rằng những kẻ hăm doạ gia đình ông đều xưng là “Mặt Trận”. Ở một đất nước pháp trị như Hoa Kỳ mà kẻ đi thực hiện điều phi pháp lại tự vỗ ngực xưng tên thì khó ai tin được kẻ gian đó thành thật và kẻ tin vào điều đó thực sự chỉ là kẻ ngây thơ.

Kết luận

Sau gần 40 năm nằm im bỗng nhiên Nguyễn Thanh Tú viết rất hăng sau khi cuốn phim “Khủng bố ở Little Saigon”được trình chiếu vào tháng 11 năm 2015, dàn dựng bởi AC Thompsom qua sự cố vấn của tay thân cộng Tony Nguyễn ở Oakland, trùng với nơi mà Tú lập công ty mạo danh Đảng Việt Tân.

Trên con đường viết lách gọi là “đi tìm công lý” cho thân phụ, Tú miệt mài đánh phá hầu hết các tổ chức, cơ quan truyền thông, hoặc các nhân vật có những đóng góp nổi bật cho công cuộc đấu tranh chống bạo quyền CSVN hiện nay như, Đảng Việt Tân, Đài RFA, SBTN, VOICE, ... dân biểu liên bang Loretta Sanchez, thượng nghị sĩ tiểu bang Jannet Nguyễn,...Đến nay thì Tú ra thông báo tiếm danh Đảng Việt Tân và còn cấm tổ chức này không được dùng tên của mình nữa. 

“Công lý” đâu chẳng thấy, chỉ thấy một vài số báo Nhân Dân của việt cộng trích dẫn những điều Tú viết như là “bằng chứng” để “kết án” những tổ chức và cá nhân nêu trên là những “thành phần xấu”, ra sức  “phá hoại đất nước Việt Nam”.

Như vậy, việc làm của Nguyễn Thanh Tú phục vụ cho ai thì đã rõ.

Trần Văn Quyền