Nỗ Lực Con Người và Chính Quyền Ma Quỷ

Đến với quê hương tôi, nói với quê hương tôi, lời yêu thương đậm đà

Sống với quê hương tôi, chết với quê hương tôi, một ngày cho đời vui

(Đến với quê hương tôi – Bùi Công Thuấn)

Hình LS Nguyễn Văn Đài sau khi bị hành hung.
.

Có người bảo rằng học giả Fukuzawa Yukichi vĩ đại vì đã khai sáng và biến đổi người dân Nhật từ tâm thức của những nông nô trở thành những người Nhật ái quốc. Chỉ bằng cách truyền bá tư tưởng, ông đã vực dậy dân tộc ông, tạo tiền đề cho một Nhật Bản bị tàn phá, kiệt quệ trở thành một cường quốc trên thế giới.

Thật ra, sự biến đổi kỳ diệu tại Nhật không phải là phép lạ đến từ một người mà là sự tổng hợp công sức rất lớn của từng người dân Nhật. Họ đã thay đổi chính mình để góp phần biến đổi một đất nước cằn cỗi trở thành một quốc gia cường thịnh. Nếu dân Nhật cũng như dân ta, nếu chính phủ Nhật cũng lãnh đạm với trí thức và nguyện vọng của dân như lãnh đạo nước ta; thì cho dù Nhật có đến mười Fukuzawa Yukichi vĩ đại cũng không xoay chuyển nỗi tình trạng của Nhật Bản. Có khi quốc gia này cũng đi ngược giòng tiến hóa như nước ta -- sau 40 năm "xây dựng và phát triển", Việt Nam nay còn đứng sau cả Lào và Campuchia trên nhiều lãnh vực!

Người dân Nhật đã biết dừng lại và biết lắng nghe. Họ lắng nghe và nhìn xem thân phận mình có liên quan đến thân phận của người chung quanh như thế nào; để từ đó nương vào nhau giúp cho chính mình và thế hệ của mình vươn vai đứng dậy. Dân ta chưa nhìn ra sự liên hệ đó, thấy người bị đánh, bị hiếp đáp vẫn cứ nghĩ là mình vô can.

Sáng 23/3 nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đi tác nghiệp, anh bị ba kẻ lạ mặt chận đường hành hung. Điều bất nhẫn khi nghe anh thuật lại sau đó với một phóng viên là hiện tượng những con người VN vô cảm với nỗi đau, với cái ác. Đỗ Doãn Hoàng bảo trong lúc anh vùng vẫy, kêu cứu, anh nhìn thấy từng người một, đi ngang qua một cách thờ ơ, dửng dưng. Không một ai tiếp cứu, ngoại trừ một cậu bé. Giữa cuộc phỏng vấn đó, anh dừng lại, nghẹn lời khi nhắc đến cậu bé ấy.

Không lẽ phải đợi ở trong tình trạng tuyệt vọng như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chúng ta mới thấy ra rằng giữa chúng ta và mọi người, mọi sự vật đều có liên hệ với nhau. Không lẽ phải đợi tên quan tỉnh cướp mất đất của mình rồi mình mới sống mái với hắn. Khi con người sống cạnh cái tai ác, cái trái ngang của xã hội mà vẫn xem đó là điều bình thường thì thật ra anh hàng xóm tuy mất đất, nhưng chúng ta đã đánh mất chính mình.

Nhà báo Hoài Nam, cựu phóng viên báo Thanh Niên kể lại rằng khi anh phanh phui vụ rau bẩn vào siêu thị năm 2014, anh đã bị hợp tác xã rau “nhờ công an vào cuộc”. Và khi công an gởi giấy đến tòa soạn, cả tổng biên tập và các phóng viên đều sợ run. Bởi khi xảy ra chuyện nhà báo bị hành hung thì cơ quan, hay Hội Nhà báo cũng chả làm được gì, ngoài việc ra công văn đề nghị… “công an” điều tra. Do đó, anh nhắc các đồng nghiệp phải biết cách tự bảo vệ mình!

Làm người tử tế ở VN ngày nay thật cô đơn. Làm phóng viên lại càng cô đơn hơn nữa. Khi phóng viên bị đánh hội đồng, người dân quay mặt; chẳng biết kẻ đánh họ là côn đồ hay công an; và toàn bộ nhân viên tại tòa soạn đều bất lực. Cuối cùng thì mọi người đành chịu ăn rau “bẩn” vì chính mỗi người chúng ta đã tạo nên cái chính quyền “côn đồ” này.

Những cuộc đấu tố của tổ dân phố dành cho các ứng cử viên độc lập cũng cho thấy sự thờ ơ của chúng ta đối với xã hội và hiện trạng của đất nước. Kết quả sơ bộ của cái gọi là “lấy ý kiến cử tri về một số ứng cử viên đại biểu quốc hội” được tìm thấy như sau: Luật sư Võ An Đôn được 29/86, ca sĩ Lâm Ngân Mai 3/82, anh Đỗ Anh Tuấn 11/127, ca sĩ Mai Khôi 28/63, cô Nguyễn Trang Nhung 1/63, ... Chắc chắn những "ứng viên tự do" khác, trong những ngày tới, cũng sẽ phải đối mặt với những màn đấu tố. Những ủng hộ viên của họ sẽ vẫn phải đứng ngoài phòng họp và vẫn có thể bị ném mắm tôm bất kỳ lúc nào, trong khi hầu hết chúng ta -- những người dân thuộc các tổ dân phố liên hệ -- đều xem "đó là chuyện của người khác".

Ứng cử viên Hoàng Dũng cho rằng anh và các ứng viên tự do khác có thể vẫn vượt qua được vòng lấy ý kiến cử tri này nếu người dân chung quanh có ý thức về chính trị. Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng việc gặp khó khăn trong vòng lấy ý kiến cử tri của các ứng viên khác phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của cư dân trong tổ dân phố người ta sinh sống. Nếu cư dân trong tổ dân phố là những người nhận thức rất cao về chính trị thì các ứng viên đó hoàn toàn có thể vượt qua vòng lấy ý kiến cử tri này.”

Rõ ràng nếu muốn thay đổi điều gì đó lớn lao, muốn thay đổi được cách suy nghĩ của các cư dân trong tổ dân phố hay trên cả nước, trước tiên sự thay đổi đó phải bắt đầu từ chính mình. Hoàng Dũng và hơn 100 ứng cử viên tự do đã và đang nỗ lực làm điều đó. Đây cũng là điều mà Fukuzawa Yukichi đặc biệt lưu ý, ông luôn nhấn mạnh về đặc tính quan trọng của sức mạnh cá nhân và sự độc lập. Nguyên tắc nổi tiếng của ông là "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân". Một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào chính phủ. Ông kêu gọi dân Nhật tự tin vào sức mạnh của chính mình và làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ”.

Những phát biểu mới đây khi từ nhiệm của một số lãnh đạo cao cấp đã cho thấy sự bất xứng của họ trong vai trò lãnh đạo. Trước khi rời ghế Thủ Tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã khuyên các cán bộ khác ráng sống làm người tử tế, ông Hùng và ông Sang thì lại nói về dân chủ, về quyền lợi của dân, về nỗi lo của người nghèo… Thử hỏi khi còn đương nhiệm tại sao họ không thực hiện những điều trên? Ông Hùng ở đâu mà để cho cái cơ cấu của đảng ông hành dân đến độ mà ông gọi là cay nghiệt và độc ác? Phải chăng chính các ông cũng chịu hèn chỉ vì sợ mất ghế, sợ các đồng chí của mình, và sợ Trung Quốc?

Nếu muốn độc lập dân tộc, muốn bảo vệ chủ quyền đất nước, người dân VN phải giành lại lá phiếu của chính mình từ tay đảng. Nếu không, sẽ tiếp tục có những lãnh đạo CS khi buông dao thì nói lời tử tế trong khi những kẻ ác khác lại nhập dòng hung bạo.

Người dân VN ngày nay đã nhìn ra đâu là đồ thật, đồ giả. Và cuộc chiến sống-còn này là cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái xấu xa và những điều tốt đẹp. Hãy nói với quê hương bằng những lời yêu thương thật thà; hãy sống chết với đất nước như bao thế hệ đã sẵn sàng trả giá bằng chính tuổi thanh xuân hay tính mạng của mình. Và hãy kiên định cùng nhịp bước với từng người ứng cử viên vừa bị loại, như Trang Nhung: “Tôi sẽ vẫn tiếp tục hành trình này, hành trình cho một Việt Nam dân chủ, tiến bộ và hùng cường. Hành trình còn rất gian nan, nhưng đó là phép thử cho sự can trường, nghị lực và nhiều phẩm chất cần thiết khác!”

Xin được nhắc lại một điều mà Fukuzawa Yukichi luôn khẳng định: “ngay cả chính phủ - ma quỷ hay thánh thần gì nữa - cũng có thể bị sụp đổ bởi nỗ lực của loài người”. Câu nói của ông bỗng dưng làm chúng ta chợt xúc động khi nhớ đến những vệt máu trên mặt, trên cổ của những người anh em.

Xin cầu chúc tất cả các ứng viên tự do giữ vững niềm tin, và giữ niềm vui trong lòng dù có bị chặn ở bất cứ chặng đường nào của cuộc bầu cử phi lý này. Nỗ lực của các bạn đang lan tỏa và lan tỏa mãnh liệt./.