Miến Điện: Nền Dân Chủ Bấp Bênh

Bài viết này là của một đảng viên Việt Tân, anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm. Hy vọng qua những kinh nghiệm từ Miến Điện này, đảng Việt Tân cũng sẽ có những bước đi mềm mỏng hơn, không đẩy địch thủ vào chân tường để đem lại thay đổi nhanh hơn và mạnh hơn cho Việt Nam.
Nhìn từ xa, kết quả cuộc bầu cử 8/11/2015 tại Miến Điện với ngọn hải đăng Aung San Suu Kyi toả sáng khắp đất nước đã đem đến sự phấn khởi, lạc quan nơi những người ngoại cuộc. Miến Điện đã thật sự dân chủ?

Sau khi được trả tự do vào năm 2010, Miến Điện bắt đầu có những thay đổi ngoạn mục về chính trị với những đợt trả tự do hàng loạt cho các tù nhân chính trị, đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đắc cử một số ghế trong quốc hội (bầu cử bổ túc, 2012). Tuy thế bà Aung San Suu Kyi đã liên tiếp khuyến cáo quốc tế về một sự lạc quan cần thận trọng. Tại chuyến công du ngoại quốc đầu tiên sau gần một phần tư thế kỷ bị kềm giữ, tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Thái Lan hôm 2/6/2012, bà nói “Lạc quan là điều tốt nhưng [chuyện Miến Điện] thì cần lạc quan một cách thận trọng.”

Với kết quả thắng cử 86% các ghế tranh cử trong kỳ tuyển cử quốc hội 8/11/2015, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã nắm giữ quá bán số ghế tại quốc hội. Trong một thể chế dân chủ thông thường đạt hơn 50% số ghế đã đủ để có thể tự lèo lái quốc gia theo chính sách của đảng mình. Tuy nhiên tình hình Miến Điện không thật sự rõ nét như thế. Hay nói cách khác, tình hình chính trị Miến Điện chưa thật sự dân chủ như chúng ta nghĩ.

HIẾN PHÁP 2008 VÀ SỰ CHÈN CHÂN CỦA QUÂN ĐỘI

Vào năm 2008, ngay sau trận bão Nagis xảy ra, đảng cầm quyền USDP (phe quân đội) đã tiến hành trưng cầu dân ý cho bản hiến pháp 2008. Nội dung bản dự thảo duy nhất này do phe quân đội áp đặt và kết quả trưng cầu được chế độ cho hay có 98% người dân bỏ phiếu với 94% tán đồng. Diễn tiến của cuộc bỏ phiếu cùng với kết quả gần như tuyệt đối được giới quan sát quốc tế (và nội địa Miến Điện) chỉ trích là bất thường, thiếu minh bạch.

Bản Hiến Pháp 2008 quy định hai điều căn bản:

- 25% tổng số ghế trong quốc hội được dành riêng cho quân đội. Với sự độc quyền chỉ định của vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội, không thông qua bầu cử phổ thông. Số còn lại, 75% số ghế mới do người dân trực tiếp đi bầu.

- Để thay đổi bất cứ một điều khoảng nào trong Hiến Pháp, dù là một dấu chấm hay dấu phẩy, đều phải có hơn 75% quốc hội tán thành. Tức là cho dù hết tất cả các dân biểu dân cử đồng ý cũng chưa đủ. Phải có sự đồng ý của quân đội thì việc tu chính mới được thông qua. Hay nói cách khác Quân Đội có quyền phủ quyết bất cứ đề nghị tu chính nào.

Thêm vào đó, điều khoảng 59(f) quy định không một cá nhân nào được phép làm tổng thống khi họ có vợ chồng hoặc con là người mang quốc tịch ngoại quốc. Giới quan sát cho rằng điều khoảng này được thêm vào nhằm mụch đích ngăn chặn viễn cảnh bà Aung San Suu Kyi sẽ nắm giữ vai trò này (bà có 2 con mang quốc tịch Anh).

Với hai điểm căn bản trong Hiến Pháp 2008 và điều khoảng 59(f) nói trên, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi dù sẽ nắm đa số tại quốc hội vẫn không thể thực thi một quyền căn bản nhất là chỉ định người - bà Aung San Suu Kyi - giữ vai trò tổng thống theo ý muốn của họ.

HỘI ĐỒNG QUÂN ĐỘI VÀ AN NINH QUỐC GIA

Vai trò Tổng Thống trong guồng máy chính trị Miến Điện hiện nay dù là người đứng đầu nền Hành Pháp của quốc gia nhưng trên thực tế vẫn không phải là vai trò quan trọng tối cao.

Thực tế bên cạnh nội các, Miến Điện còn có Hội Đồng Quân Đội và Anh Ninh Quốc Gia. Dù vị Tổng Thống tương lai, thuộc đảng NLD, là chủ tịch hội đồng này nhưng với 11 thành viên thì đã có đến 6 (quá bán) trực thuộc phe quân đội. Sáu vai trò này gồm 3 vị bộ trưởng Quân Đội, Nội Chính và Biên Giới (các bộ thuộc nội các nhưng do Quân Đội chỉ định), Tổng Tư Lệnh, Phó Tổng Tư Lệnh Quân Đội và một Phó Tổng Thống (cũng do quân đội chỉ định).

Như thế, bất cứ mọi vấn đề hệ trọng liên quan đến quốc gia đều phải được sự thông qua của quân đội.
Mặt khác, trái với các nền dân chủ thông thường trên thế giới khi quân đội nằm dưới sự điều đồng của chính quyền dân sự thì tại Miến Điện, quân đội là một thực thể riêng biệt. Vai trò Tổng Tư Lệnh Quân Đội không nằm trong tay Tổng Thống mà nằm trong tay vị tướng lãnh cao cấp nhất (thay vì chỉ là Tổng Tham Mưu như chúng ta thường thấy tại các quốc gia khác).

LẠC QUAN NHƯNG THẬN TRỌNG

Vào ngày 2/12/2015 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi đã đích thân đến tư dinh của cựu tướng lãnh Than Shwe, người đã từng ban lệnh cầm tù bà gần 2 thập niên qua.

Tướng Than Shwe giữ vai trò Tổng Thống, cai trị Miến Điện với bàn tay sắt từ năm 1992 đến 2011, một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Miến Điện. Tuy thế, nhiều người cho rằng chính ông là kiến trúc sư của lộ đồ thay đổi chính trị của Miến Điện ngày nay. Một lộ độ mà có người gọi nó là lộ đồ “dân chủ hoá Miến Điện” nhưng cũng không ít giới đấu tranh chính trị nội địa cho đó là lộ đồ “hạ cánh an toàn” của giới tướng lãnh. Dù đã về hưu, bàn giao vai trò Tổng Thống cho Thein Sein, nhưng Than Shwe vẫn là Thái Thượng Hoàng và được coi là tiếng nói nặng ký trong phe quân đội hiện nay. Người có đủ thẩm quyền và uy thế để kết nối mọi thành phần trong quân đội.

Cuộc gặp gỡ này đã được sắp xếp qua trung gian ông Nay Shwe Thway Aung, một tác nhân chính trị quan trọng đồng thời lại là cháu nội của tướng Than Shwe. Kết thúc cuộc họp, cả hai đã đồng ý để ông Nay Shwe Thway Aung phổ biến một phát biểu của chính mình về cuộc họp này. Bàn Aung San Suu Kyi nói bà không nuôi lòng thù hận hay trả thù và muốn gặp tướng Than Shwe để thảo luận những hợp tác cần có với quân đội nhằm xây dựng một Miến Điện phú cường.

Trong khi đó, phát biểu của tướng Than Shwe lại mang nhiều ẩn ý khiến quần chúng Miến Điện không khỏi bàn tán. Ông nói:
“Hiển nhiên bà [Aung San Suu Kyi] sẽ là người lãnh đạo tương lai của quốc gia sau cuộc thắng cử vừa qua. Tôi sẽ ủng hộ bà ấy với tất cả mọi khả năng của tôi nếu bà ấy làm việc nhằm xây dựng đất nước này.”

Bên cạnh những lời phát biểu nói trên, ông Nay Shwe Thway Aung, người sắp xếp cuộc gặp, đã đăng tải một tấm hình trên Facebook của mình đã khiến mạng xã hội Miến Điện dậy sóng. Bức hình chụp một mặt của tờ tiền giấy 5000 kyat trên đó có 3 chữ ký quan trọng, của tướng Than Shwe, tướng Then Shein và của bà Aung San Suu Kyi.

Điều cần nói đến ở đây là tướng Than Shwe đã ký vào tờ tiền này vào năm 2009, chữ ký của Thein Sein ký năm 2012. Và chữ ký thứ ba của bà Aung San Suu Kyi được ký mới đây vào ngày 19/11/2015. Theo ông Nay Shwe Thway Aung, đây là “những chữ ký được ký khi họ đang là hay sắp là người lãnh đạo quốc gia.”

Liệu đây có phải là chỉ dấu của thêm một nhượng bộ của phe quân đội? Liệu đó có phải là chữ ký của 3 vị tổng thống kế nhiệm nhau của Miến Điện, Than Shwe - Thein Sein - Aung San Suu Kyi? Người dân Miến Điện lại một phen dậy sóng với nhiều đồ đoán xen lẫn lo âu và hy vọng. (Trong khi đó giới đấu tranh dân chủ không kỳ vọng ở sự nhượng bộ rốt ráo như vậy trong khoảng thời gian ngắn 3 tháng trước ngày nhậm chứt tổng thống sắp tới.)

Với những đan xén, chèn chân, của Quân Đội trong hệ thống chính trị, dù thắng cử vẻ vang, đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi đang có những bước đi thận trọng để sử dụng được sức mạnh của lá phiếu mà người dân Miến Điện trao cho họ và cùng lúc không đẩy phe quân đội vào chân tường để họ phải có những phản ứng tiêu cực lật ngược bàn cờ dân chủ bấp bênh này.
---
(Rangoon 12/12/2015)