“Báo chí phải ngừng khai thác thông tin tội ác câu khách”: đó là thông điệp mà Thứ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn đưa ra cho báo chí trong nước như một giới hạn cuối cùng.
Trong cuộc họp với các báo tuần này, ông thứ trưởng được mô tả như rất “bức xúc” trước tình trạng hàng loạt tờ báo trong thời gian qua đã ào ạt khai thác tin tức từ những vụ án giết người với mục đích câu khách. Người ta có cảm tưởng như mọi tội lỗi đều được trút lên đầu đám nhà báo tội nghiệp, đồng thời cũng là những người được Bộ Thông tin và Ban tuyên giáo nắm chặt và dạy dỗ trong bao lâu nay.
Ông đã hỏi các nhà báo có mặt trong buổi họp rằng: các bạn nghĩ gì khi mỗi sáng cầm tờ báo, thấy tràn lan những thông tin man rợ được báo chí thêu dệt thêm? Dĩ nhiên, những người có mặt chẳng cần nghĩ gì vì lâu nay họ quen để cho nhà nước nghĩ thay trong mọi vấn đề thuộc về tin tức. Mặc dù đây là một tình trạng mà các báo không thể chối cãi, nhưng đó là kết quả của một thực trạng mà đáng lẽ trong cương vị một người thứ trưởng, ông Tuấn phải biết.
Thực trạng xã hội đó bùng nổ gần như khắp nước không phải không có lý do. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8/2015 tại Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị, Yên Bái liên tiếp xảy ra những vụ án giết nhiều người trong cùng gia đình. Nguyên nhân gây ra những vụ “thảm sát” theo các báo tường thuật, chỉ vì những lý do rất cỏn con khiến dư luận bàng hoàng đặt nhiều câu hỏi.
Không cần là một nhà xã hội học, người ta cũng nhìn ra một xã hội mà nhân tính con người đang đảo lộn đến tận cùng. Từ những vụ bình thản đánh đập người trộm chó đến chết, tới hàng loạt vụ trọng án gần đây, dường như sự mất nhân tính đã trở thành phổ biến.
Nhưng cũng không ai ngạc nhiên. Sau 40 năm cai trị đất nước, chế độ đã biến đổi nhanh chóng những con người hiền hòa trở thành vô cảm, không còn phân biệt thiện ác. Trong xã hội, nhìn đâu cũng thấy cảnh bạo lực và chính lực lượng công an của nhà nước chứ không ai khác, là kẻ thủ ác mà hiếm khi bị pháp luật trừng trị. Họ là tấm gương đen tối cho kẻ xấu nhìn vào soi chung.
Sự kiện các báo đua nhau khai thác tin tức các vụ án không chỉ để câu khách thông thường, mà họ nghĩ đây là một khu vực an toàn nhất vì những tin loại này có vẻ vô thưởng vô phạt. Nắm quyền sinh sát toàn bộ báo chí quốc doanh trong tay, nhưng ông thứ trưởng có vẻ quên những gì Phó ban tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng tuyên bố hồi tháng 6/2015.
Báo chí Việt Nam là một nền báo chí “4 sợ” lẫn “4 không”. Sợ viết sai, sợ nói sai, sợ bị đánh giá, sợ bị quy chụp quan điểm; nên không tìm hiểu, không nghiên cứu, không viết, không phản ảnh. Tránh né mọi đề tài chính trị xã hội “nhạy cảm”. Và thay vào đó, những vụ cướp của, giết người, hiếp dâm xảy ra hàng loạt trong xã hội chính là những đề tài để các báo khai thác tự do, an toàn mà không phải sợ điều gì.
Trong lãnh vực này, nhà báo có thể moi tin ở công an điều tra, tha hồ tung hoành với những tình tiết có thể giúp tờ báo bán chạy. Hơn là ngồi chờ tin tức về sức khỏe ông Phùng Quang Thanh từ bộ đưa xuống để viết theo đúng từng câu chữ. Chẳng qua đó cũng chỉ là một cách phản ứng của báo chí để lấp đầy khoảng trống của tin tức một chiều mà ngày nay không còn ai muốn đọc.
Một xã hội không lành mạnh dĩ nhiên dẫn tới một loại báo chí càng ngày càng thiên về “lá cải” để thỏa mãn thị hiếu quần chúng. Bất kể những lời rao giảng về đạo đức nghề nghiệp hay trách nhiệm với cộng đồng, mục tiêu mà đảng đề ra cho báo chí “xây dựng lòng tin vào đảng” chỉ còn là lời nói suông.
Mặt khác, có thể nói chính vì báo chí bị nắm quá chặt, bị định hướng quá nặng nề nên tình trạng báo chí quốc doanh sa lầy vào việc khai thác các vụ giết người rùng rợn để câu khách chỉ là hệ quả tất yếu. Đó là nhu cầu phải có độc giả để sống vì độc giả lâu nay đã hầu như quay lưng với loại tin tức một chiều khô cằn. Đây chính là cơ hội tốt để các báo sinh tồn bằng cách cùng nhau lao vào tận tình khai thác những chi tiết giật gân nhất.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cuối cùng phải đưa pháp luật ra răn đe, đòi “xử lý nghiêm khắc những cơ quan báo chí vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí”. Nhưng cách giải quyết của ông thật ra cũng không giải quyết được gì. Đây chỉ là một kiểu định hướng trong quản lý, khi bộ cảm thấy sự xé rào hay quá đà thì đe dọa dùng luật lệ để đưa báo chí trở về lề đảng.
Gốc rễ của sự sai lầm đối với báo chí không được những người cầm đầu Bộ TT-TT nhìn thấy. Báo chí là công cụ của đảng để vo tròn bóp méo trong tay nên nền tảng của đệ tứ quyền hay yếu tố tự do của báo chí đã bị triệt tiêu từ đầu và chỉ còn trên văn bản hiến pháp làm mẫu. Cho nên dù có mang cả tổng biên tập ra tòa, dù có siết chặt sợi dây thòng lọng quanh cổ họ, khuynh hướng “lá cải” vẫn tồn tại dưới hình thức này hoặc hình thức khác.
Điều tốt hơn hết, nhà nước cộng sản cần trả lại vai trò đích thực của đệ tứ quyền cho xã hội pháp quyền, trong đó độc giả là người phán xét cuối cùng, chứ không phải nhà nước. Chỉ khi nào báo chí được hoàn toàn tự do, phẩm chất của báo chí không cần bàn tay phù thủy của Bộ 4T cũng nhanh chóng được khôi phục và nâng cao.
Nhưng đó là một ước mơ và ước mơ ấy chỉ có thể thành hiện thực khi sự độc quyền chính trị ra đi.