GNsP (22.06.2015) – Ngày 15/6/2015, báo Tuổi Trẻ Online đưa tin về việc trả lời phỏng vấn của Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình liên quan đến “quyền im lặng”. Khi lấy ví dụ về vụ án Hồ Duy Hải ở bưu điện Cầu Voi, ông Bình đã để lộ nhiều điều gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Nhân dịp này, phóng viên GNsP có cuộc phỏng vấn Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT, hiện phụ trách Phòng Công lý-Hoà bình DCCT Sài Gòn về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Cha, trước đây, Cha đã có ý kiến về phát biểu của ông Trương Hòa Bình- chánh án TANDTC- rằng “không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải”. Nay, Cha có ý kiến như thế nào về phát biểu của một Ông Bình khác là Nguyễn Hòa Bình- viện trưởng VKSNDTC- về vụ án Hồ Duy Hải ạ?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Chắc Bạn muốn nói tới phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, theo đó, ông Phó Giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng này nói: “Tôi nói ví dụ như vụ Hồ Duy Hải thì chúng tôi đã kết luận rồi, sau khi lập đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của cơ quan Quốc hội, Ban Nội chính trung ương, tòa án, công an và nghiên cứu của các chuyên gia độc lập thì kết luận cuối cùng là không oan mặc dù trong vụ việc này có sai sót trong quá trình điều tra.
Trước diễn đàn Quốc hội, tôi không muốn đề cập đến vấn đề cụ thể, nhưng nay bạn hỏi thì tôi xin nói một chi tiết cụ thể để dư luận được rõ.
Ví dụ, có ý kiến nói rằng tại sao cơ quan điều tra không thu hồi cái thớt? Tôi đồng ý rằng đây là sai sót của cơ quan điều tra. Nhưng cũng phải thông cảm với cơ quan điều tra rằng tại thời điểm khám nghiệm hiện trường thì không ai có thể hình dung được cái thớt đó là hung khí.
Cái thớt lúc đó chỉ là đồ vật như rất nhiều đồ vật tại hiện trường. Chỉ sau này bắt được hung thủ thì hung thủ mới khai ra là nạn nhân chạy, hung thủ túm chân nạn nhân bị ngã, cái thớt rơi xuống nên hung thủ cầm thớt đập vào đầu nạn nhân, sau đó lấy dao cắt cổ nạn nhân.
Nếu như có cái dao ở đấy mà cơ quan điều tra không thu mới là khuyết điểm lớn, nhưng trong tình huống đó không ai nghĩ cái thớt là hung khí”.
Nói như vậy, một là ông Hòa Bình tiến sĩ này “mù luật”, mà dân gian hiện nay hay nói là “không mở miệng thì không ai biết mình ngu, còn nói ra thì thiên hạ không còn nghi ngờ gì nữa”. Hai là ông này biết, nhưng như ông Hòa Bình chánh án, ông cứ nói lấy được, kiểu “miệng nhà quan…”, hay “tao có quyền…”, bất chấp mọi việc, mọi người.
Phóng viên: Thưa Cha có thể nói rõ hơn ý “mù luật” và “miệng nhà quan” của ông Nguyễn Hòa Bình này ạ?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Thứ nhất, Luật qui định những nguyên tắc cơ bản: “không ai bị coi là có tội…”, nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nguyên tắc “chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm cơ quan tiến hành tố tụng”. Luật cũng qui định “Lời nhận tội của bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án…”. Mà “chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự , thủ tục Luật định”. “Cái thớt” được xem là “chứng cứ” (vật chứng) nếu nó có thật và được thu thập, bảo quản…theo đúng trình tự, thủ tục Luật định.
Cụ thể ở đây, Hải – như ông Bình nói- chỉ sau này “hung thủ khai cầm thớt đập vào đầu nạn nhân…” Lời khai này của Hải có phù hợp “chứng cứ” khác (duy nhất), là “cái thớt” hay không? “Cái thớt” ra chợ mua về là không có thật, không được thu thập, bảo quản theo trình tự Luật định về “vật chứng”. Như vậy, lời khai nhận tội “cầm thớt đập vào đầu nạn nhân” không có thể được coi là chứng cứ kết tội Hải.
Mặt khác, cơ quan điều tra đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản, về nghĩa vụ chứng minh tội phạm, về suy đoán vô tội… Tại sao Hải khai “cầm thớt đập vào đầu nạn nhân”, nhưng cơ quan điều tra- do không chứng minh được có cái thớt (vật chứng)- lại không “suy đoán vô tội” là không chấp nhận lời khai này của Hải, mà lại “suy đoán có tội” là mua ngay cái thớt ở chợ mang về để cho “phù hợp” lời khai của Hải???
Nói đến đây tôi thấy Bà Lê Thị Nga- đại biểu QH- đã có câu trả lời ông Bình này chính xác là: “Việc dùng mọi biện pháp (kể cả vũ lực) buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội, rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa – đây là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua, vụ kết tội Huỳnh Văn Nén cùng 5 người khác trong gia đình giết bà Dương Thị Mỹ, vụ Nguyễn Thanh Chấn và vụ Trần Văn Đỡ ở Sóc Trăng là ba vụ điển hình”.
Và: “Việc lãnh đạo liên ngành tư pháp trung ương tại báo cáo 38/BC-VKSTC ngày 27-3-2015 kiên trì bảo vệ bản án kết tội Hồ Duy Hải trên cơ sở chủ yếu căn cứ vào lời khai nhận tội của Hải mà bỏ qua hàng loạt vi phạm rất nghiêm trọng về nội dung và tố tụng, theo tôi, cũng là một minh chứng rõ ràng của xu hướng suy đoán có tội” – bà Nga nói.
Cần nhắc lại là lời khai nhận tội “cầm thớt đập vào đầu nạn nhân” của Hải (nếu có) chỉ có “chứng cứ khác” chứng minh là “cái thớt” được mua về. Những chứng cứ khác (lời khai nhân chứng) chỉ nhằm xác nhận có cái thớt ở bưu điện, ở hiện trường và “giống” cái thớt được mua ở chợ về. Nếu “cái thớt” không được coi là vật chứng, là chứng cứ thì lời khai của Hải không có chứng cứ khác “phù hợp” thì lời nhận tội này không được coi là chứng cứ. Đó là qui định của Luật.
Thứ hai là, ông Bình này nói: “Nhưng cũng phải thông cảm với cơ quan điều tra rằng tại thời điểm khám nghiệm hiện trường thì không ai có thể hình dung được cái thớt đó là hung khí…Nếu như có cái dao ở đấy mà cơ quan điều tra không thu mới là khuyết điểm lớn, nhưng trong tình huống đó không ai nghĩ cái thớt là hung khí”. Như vậy, ý ông này cho là khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi thấy “vết thương ở cổ nạn nhân có vết cắt” nên “không thu dao mới là khuyết điểm lớn”. Thế ông trả lời sao ngay khi khám nghiệm tử thi nạn nhân Hồng đã xác định: nạn nhân Hồng bị nhiều tổn thương vùng đầu, mặt, cằm…như “dập da đầu vùng đỉnh…bầm tụ máu thái dương trái, đỉnh trái…tụ máu dưới da đầu vùng trán…rách da vùng mắt, mắt trái sưng nề, thâm quầng, …vết bầm tụ máu trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái…”, như vậy mà cơ quan điều tra chỉ thu giữ 3 thứ là “một số dấu vết đường vân; một số sợi tóc dính trong lọc rác của bồn rửa; một đôi dép xốp màu trắng”, còn “tấm thớt gỗ” trên đầu nạn nhân lại không thu giữ??? Chẳng lẽ “dép xốp màu trắng” có “ý nghĩa” gây ra các vết thương kể trên cho nạn nhân hơn “tấm thớt gỗ”?
Thứ ba, “Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS…” là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, một trong các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm– theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC- chứ không phải là “khuyết điểm” lớn, nhỏ , hay “sai sót” gì ở đây.
Ngoài ra, ông này chỉ “dám” ví dụ đến “sai sót” cái thớt, mà không dám ví dụ đến “con dao”, đến “dấu vân tay”… hay những “vi phạm khác”. Hay ông Bình chưa đọc hồ sơ? Sao ông không ví dụ đến những “Chứng cứ, tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án” (như lời khai, giám định dấu vân tay cũa những người nghi can được triệu tập trước Hải?) “hoặc bị sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch hồ sơ vụ án” (như Biên bản ghi lời khai nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu; Nguyễn Thị Huệ; Nguyễn Kim Chi; Đặng Thị Liên; Nguyễn Thị Bích Ngân; Huỳnh Thị Kim Tuyền;…) mà Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC xác định đây là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự”, một trong những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.
Tôi muốn nhắc lại lần nữa là cả 2 ông quan Hòa Bình- là người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm- đều sử dụng các “khái niệm” không có trong Luật như “sai sót”, “khuyết điểm lớn”, “thiếu sót”… để cố tình che giấu các “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, để cố tình bao biện cho hành vi “không kháng nghị GĐT” theo thẩm quyền luật định.
Phóng viên: Thưa, Cha có ý kiến gì về việc Mẹ và Dì của Hải đang cùng ông Nguyễn Trường Chịnh (bố tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng) đang đi “kêu oan” ngoài Hà Nội?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Thực sự, tôi rất cảm thông, ái ngại và chia sẻ với gia đình các tử tù việc “bất đắc dĩ” họ phải “lăn lộn”, đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, để có mặt tại Hà Nội kêu oan cho con cháu mình. Thời tiết khắc nghiệt trong những ngày này, chi phí đi lại, ăn trọ…ở Hà Nội thực sự là những thử thách đối với thân nhân Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng nói riêng và dân oan nói chung. Tôi cầu chúc cho họ đạt được ý nguyện minh oan cho con cháu. Tôi mong những người có trách nhiệm, nếu còn lương tâm, sớm xem xét và giải quyết nguyện vọng chính đáng của họ.
Phóng viên: Xin cảm ơn Cha.
Theo tinmungchonguoingheo.com