Nước Vệ triều nhà Sản, năm thứ 70
Vệ Kính Vương năm thứ tư.
Trăm Xanh tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên con đò, người lái đò mặt xanh như tàu lá, khuôn mặt dường như làm bằng đá, không có một nét cử động nào. Đôi cánh tay chèo mái đò lướt êm trên dòng sông đen thẫm nước chảy cuồn cuộn. Xung quanh là một khoảng âm u, nhờ ánh sáng của những con đom đóm bay quanh đò mà Trăm Xanh nhận ra mình đang ở một chỗ mà ông chưa đến bao giờ.
Trấn tĩnh một lúc, ông nghe thấy văng vẳng bờ bên kia tiếng khóc của vợ con mình, nghe kỹ một lúc thấy lời ai oán về cuộc đời nghiệt ngã đã khiến số phận ông kết cục bi thảm. Tiếng khóc của vợ con xa dần, lúc được, lúc mất rồi mất hẳn. Trăm Xanh ngồi dậy, hỏi người lái đò.
- Đây là đâu rồi.?
Người lái đò không mở miệng, nhưng rõ ràng âm thanh từ phía người đó thoát ra gằn tiếng khô lạnh.
- sông Mê.
Trăm Xanh giật mình, lâu lắm rồi không ai nói với ông bằng giọng coi thường như vậy, có lẽ phải đến vài chục năm, khi ông mới bắt đầu gia nhập Sản Hội. Buổi kết nạp, tên bí thư chi bộ Sản cũng gằn giọng nhắc nhở ông phải tuyệt đối trung thành với Sản Hội, âm tiết câu nói của hắn cũng y như tên lái đò này. Mỗi điều hắn giỏi hơn tên lái đò là hắn nói tràng giang đại hải mà âm điệu cũng khô lạnh như tiếng đục đá, kém chăng là bọt mép hắn sùi ra, mắt long sòng sọc, chẳng giữ vẻ lanh lùng bất động như gã lái đò.
Vỗ trán nghĩ một lúc, Trăm Xanh biết mình đã rời khỏi cõi trần, trên đường đến cõi âm ty, đang bắt đầu đi qua con sông Mê. Qua con sông này là hồn không nhớ đường về nhập xác. Vậy là chết. Ông tự hỏi mình chết rồi mà vẫn ngủ mơ sao.? Mấy chục năm theo nhà Sản, thuyết học tân tiến từ những nhà lý luận cao siêu về chủ nghĩa duy vật, hiện thực. Làm gì có chuyện âm ty, địa ngục nào.
Đò kịch một tiếng làm ông thoát khỏi mớ hoài nghi chủ thuyết Sản để về thực tại, người lái đò vẫn giọng lạnh lùng.
- Trả tiền đò.
Trăm Xanh loay hoay sờ bên mình, từ khi làm quan trấn thủ đất Quảng đến này, rồi theo lệnh Vua ra kinh thành làm đại tướng quân Nội Chính, có bao giờ ông phải dùng đến tiền đâu. Ông đi đâu cũng có tuỳ tùng, trợ lý, ông cần gì tự chúng mang đến cho ông. Tiền nước Vệ thậm chí nhiều năm ông còn chả nhìn thấy. Ông định tháo cái đồng hồ Omega vỏ vàng khối đưa tên lái đò, đang loay hoay tháo thì tên lái đò gắt.
- Tiền đò người nhà nhét trong miệng chứ có ở tay đâu mà tìm đó.
Trăm Xanh thò tay vào miệng, không thấy đồng nào. Thì ra lúc khâm liệm, tay Đại Thần Nghị Chính Tổng Nhân Sự Tôn Dưa đã chỉ đạo không nhét tiền đò vào miệng ông. Hắn bảo làm thế là mê tín, không đúng tinh thần cách mạng khoa học hiện đại của nhà Sản. Cay đắng, Trăm Xanh đành tháo chiếc đồng hồ quý giá gắn bó nhiều năm đưa cho tên lái đò.
Gã lái đò nhìn Trăm Xanh luyến tiếc chiếc đồng hồ, bèn nói.
- Không có tiền thì thôi, ta chỉ hỏi vậy, năm ngoái có người qua đây, đã trả luôn cho người rồi. Người lên bờ, cứ theo hướng đom đóm bay mà đi là đến chỗ của người.
Trăm Xanh cúi đầu cảm ơn, lên bờ lững lờ bước như chân dẫm vào mây, theo ánh đom đóm đến một cổng thành có đề ba chữ.
Quỷ Môn Quan.
Xanh dợm bước, tưởng mình nhầm chỗ, định lùi lại. Lính gác trông thấy chạy tới xốc nách nói.
- Đã đến đây rồi thì còn đường nào khác nữa mà đi.
Xanh giơ tay khua khua phân trần.
- Tôi là mệnh quan triều đình, lẽ nào vào nơi cửa quỷ sống.
Lính gác cười nhạt nói.
- Quan lại triều đình nhà Sản, chỉ có vài cửa này thôi. Không tin vào trạm tra sổ là biết.
Đến trạm gác, lính giở sổ, soi đuốc cho Xanh đọc. Sổ ghi rằng
Nguyễn Trăm Xanh, người đất Quảng, năm 27 tuổi nhập Sản Hội, được làm quan 35 năm. Hơn 30 năm làm quan xứ Quảng, tính tình hà khắc , độc đoán phá mồ mả, làm hại chết giáo dân xứ Gò Dâu. Đính kèm đơn tố cáo của người bị hại. Gia sản do tham nhũng giàu nhất nhì miền Trung. Về công lao có được ghi nhận cải cách chính sách, tiện lợi cho dân, gần gũi bá tính, có nhiều công trạng mở mang đường sá, công trình công cộng, giáo dục, y tế có lợi cho dân. Công tội chưa định nặng nhẹ. Đưa vào phòng đợi, chờ ngày phán xét. Khi chưa đến ngày đó, miễn cho phải đeo gông, đóng cùm.
Lính gác mở cổng thành, dẫn Xanh đi xuống những bậc thang ướt đẫm rêu. Đến một khoảng trống thấy bao nhiêu tù nhân đang đeo gông, chân bị xiềng, trên đầu tù nhân nào cũng đội một hòn đá, to nhỏ tuỳ người. Lính gác bảo Xanh cứ đợi đây để tìm quản phòng đợi lấy chìa khoá. Xanh mỏi mệt, thấy đống đá to chất đó, hòn nào cũng ghi tên người, lựa được hòn to nhất không có tên ai mới đặt mình ngồi nghỉ.
Xanh xem đồng hồ, tính theo dương gian bấy giờ mới vừa hết Ngọ, đám tù được nghỉ, ngồi quanh sân. Xanh nhác thấy một kẻ quen quen, bèn lại gần chào. Kẻ ấy ngước đầu nhìn lên, Xanh nhận ra đó là Báu Mã. Xanh cứng lưỡi không biết nói gì ú ớ, Báu Mã thở dài.
- Rút cục thì cũng gặp ông ở đây, ông chậm mất mấy tháng .
Xanh thấy Mã nói giọng lành, nên cũng hết lo, mới cất lời.
- Sao ông biết tôi sẽ xuống đây chậm ?
Mã cười đau đớn.
- Tôi còn biết ông không có tiền đò nữa cơ.
Xanh điếng người giây lát, rồi vòng tay tạ Báu Mã.
- Tôi vì mệnh Vua, khiến ông thế này, thực là áy náy.
Báu Mã đỡ Xanh dậy an ủi.
- Tôi cũng vì phò Chúa mà ra nông nỗi này, đâu phải nguyên cớ chỉ do ông cả.
Xanh đưa tay sờ cái gông gỗ nghiến nặng trịch trên cổ Báu Mã hỏi.
- Sao ông đeo gông nặng thế này.
Báu Mã não nề.
- Tôi làm quan bộ Hình, tính chất công việc chỉ làm điều ác , đâu có cơ hội ra những quyết sách làm điều tốt cho dân, ông cứ nhìn đống đá quanh đây mà xem, toàn cho quan bộ Hình nhà Sản hết cả đấy. Hòn đá tôi đội ban nãy mới là tính cái vụ đàn áp nông dân phủ Thiên Trường, cái gông này là tội lừa người lấy gan....còn các tội khác Diêm Vương chưa xét đến, cũng chỉ nay mai là thêm hình phạt nữa thôi.
Xanh ngẩn người thốt.
- Tội hại đồng môn, giết giáo dân là theo luật lệ nhà Sản, có vua ban. Lẽ nào cũng phải chịu phạt.
Báu Mã cười nhếch mép.
- Tôi cũng theo chỉ dụ Chúa ban, nào có tự nghĩ ra đâu.
Xanh hoài nghi.
- Vua, Chúa là thiên mệnh trời ban, lẽ nào xuống chỉ , chúng ta phận quan lại làm theo, lại bị phạt.
Mã nghe tiếng kẻng báo, đứng dậy vòng tay cáo từ, lúc nhờ Xanh đặt hộ hòn đá lên đầu, Mã chỉ đống đá nói.
- Vua, Chúa tiếm ngôi, bất nhân, bất nghĩa. Trời nào cho thiên mệnh, cái hòn đá to ông ngồi là để Vua và Chúa ai xuống trước thì đội đấy.
Trăm Xanh chợt ngộ, hối hận khóc oà, ôm lấy Báu Mã nói.
- Chúng ta cả đời lầm lạc, theo phường bá đạo, để đến lúc này không biết kêu ai. Xin ông bỏ qua chuyện ngày xưa.
Mã nặng nhọc vì gông, xiềng, đá hổn hển trả lời.
- Tôi đã trả tiền đò cho ông rồi đấy thôi.
Theo FB Người Buôn Gió