Trong cuộc xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Huawei (Hoa Vi) là một công ty bị kẹt giữa hai lằn đạn. Hoa Kỳ cáo buộc Huawei bị nhà nước Trung Quốc khống chế. Sử dụng các thiết bị của Huawei chẳng khác nào giao trứng cho ác. Hoa Kỳ ra lệnh cấm không dùng các thiết bị viễn thông của Huawei trong lãnh vực điện thoại di động, liên lạc viễn thông, công nghệ 5G tại Hoa Kỳ. Huawei là ai, đã làm gì để rơi vào tầm nhắm của chính phủ Hoa Kỳ?
Cách đây 10 năm thương hiệu Huawei, vẫn còn là một cái tên xa lạ đối với thế giới. Vào năm 2009, công ty điện thoại Teliasonera của Thụy Điển muốn thiết kế mạng lưới di động 4G tại các thành phố lớn ở Bắc Âu. Thay vì chọn Ericsson hay Nokia, họ quyết định chọn Huawei, một công ty mà ít ai biết đến bên ngoài Trung Quốc. Cũng trong năm đó, Huawei trúng thầu để thiết kế lại và thay thế mạng di động của Na Uy. Huawei hoàn tất công trình đúng thời hạn và chi phí. Năm đó là năm mà tên tuổi Huawei lên như cồn trong ngành viễn thông.
Mười năm sau đó, người ta cho rằng nhờ vào sự hỗ trợ hàng tỉ đô la của chính quyền Trung Quốc, Huawei đã trở thành công ty thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với số thu hơn 100 tỉ đô la từ các cơ sở hoạt động trên 170 quốc gia.
Quan trọng hơn hết, theo đánh giá của nhiều giới, Huawei đang dẫn đầu trong công nghệ 5G – một kỹ thuật đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của thế kỷ 21 khi mà mọi sinh hoạt trong đời sống, ngành nghề đi xuyên qua mạng. Sự kiện đó dẫn đến mối quan tâm lớn về vai trò của Huawei và câu hỏi đặt ra là: Huawei phục vụ cho ai – khách hàng hay nhà nước Trung Quốc?
Công ty Huawei được thành lập năm 1987 bởi ông Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), một kỹ sư và cựu chiến binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông Ren Zhengfei rời quân đội lúc 39 tuổi để làm việc cho xí nghiệp quốc doanh Shenzhen Electronics trong 4 năm. Sau đó ông vay được 8 triệu đô từ ngân hàng nhà nước và lập công ty Huawei với 14 nhân viên. Khởi đầu công ty chỉ nhập các thiết bị chuyển mạch (switches). Đến năm 1990, Huawei bắt đầu tự chế bộ chuyển mạch riêng của mình. Tuy nhiên thay vì hợp tác với một công ty nước ngoài như các doanh nghiệp khác, Huawei đầu tư thật nhiều vào việc nghiên cứu để tự chế biến sản phẩm riêng của mình. Trong thời gian đó, Huawei có khoảng 500 nhân viên làm về nghiên cứu và phát triển, trong khi chỉ có 200 nhân viên trong khâu sản xuất.
Đến năm 1993, Huawei tung ra thiết bị chuyển mạch đầu tiên và quân đội là khách hàng đầu tiên ký hợp đồng để Huawei thiết kế mạng viễn thông cho quân đội. Hợp đồng đó giúp Huawei vượt qua các đối thủ cạnh tranh lúc bấy giờ. Huawei cũng vận động chính quyền để ra chính sách ưu đãi cho kỹ nghệ viễn thông nội địa. Đến năm 1996, chính quyền Trung Quốc điều chỉnh chính sách kỹ nghệ, ưu tiên cho các công ty viễn thông nội địa, đẩy lùi các công ty nước ngoài.
Những năm sau đó, Huawei được rảnh tay để bành trướng thị trường nội địa. Huawei bán sản phẩm với giá thật rẻ để loại trừ cạnh tranh, đôi khi còn đề nghị phục vụ miễn phí cho các cơ quan nhà nước. Đến năm 1998, Huawei đã chiếm thị trường ngang với công ty Shanghai Bell, một hợp doanh với nước ngoài.
Cùng lúc với lấn chiếm thị trường nội địa, Huawei cũng phát triển mạnh trên thị trường thế giới nhờ bán sản phẩm với giá rẻ hơn so với các thương hiệu khác. Cũng nhờ vào khối lượng nhân viên và nhân công rẻ tại Trung Quốc, cũng như hỗ trợ tài chánh từ chính quyền mà Huawei có thể kéo giá thành sản phẩm xuống thấp. Tính đến nay, Huawei chiếm gần 30% thị trường thiết bị viễn thông trên thế giới. Tính riêng trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, con số đó lên 43% và tại châu Mỹ La-tinh là 34%.
Huawei đã từng bị cáo buộc là đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ – như trong vụ năm 2000 đánh cắp mã nguồn phần mềm thiết bị định tuyến (router) của Costco. Tuy thế, giới chuyên gia cũng công nhận là Huawei có đầu tư rất nhiều trong lãnh vực nghiên cứu và phát triển từ những ngày đầu. Hiện nay vì là công ty tư không bị bó buộc bởi các cổ đông, Huawei hàng năm đổ khoảng từ 15 đến 20 tỉ đô la vào lại lãnh vực nghiên cứu. Có khoảng 80,000 nhân viên làm việc trong nhánh nghiên cứu của Huawei.
Trong thời gian mà Huawei còn đang phải chạy theo để bắt kịp công nghệ 3G và 4G, các đối thủ cạnh tranh như Ericsson và Nokia đang dẫn đầu trong kỹ nghệ và cho rằng phải mất một thời gian lâu Huawei mới có thể cạnh tranh lại, vã lại Ericsson và Nokia cần phải khai thác tối đa công nghệ 3G/4G để lấy lại vốn đầu tư. Vì thế mà họ chủ quan và không đầu tư nhanh chóng vào công nghệ 5G. Đến khi Huawei qua mặt về công nghệ 5G thì đã trễ rồi.
Hiện nay Huawei đang dẫn đầu trên thế giới về số lượng bằng phát minh sáng chế liên hệ đến công nghệ 5G. Nhiều kỹ sư của Huawei luôn hiện diện trong các buổi họp mặt để định hình tiêu chuẩn 5G. Huawei đã có những kỹ thuật 5G vừa phát sóng đi xa vừa với tốc độ nhanh. Huawei đang có 30 hợp đồng để thiết kế mạng lưới 5G ở nhiều nơi trên thế giới, và còn nhiều quốc gia đang sắp ký hợp đồng xây dựng.
Đó chính là lý do khiến Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc sẽ khai thác mạng 5G trong vấn đề tình báo. Trong nhiều thập niên qua các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã khai dụng tối đa ưu thế của các công ty Hoa Kỳ trong lãnh vực viễn thông toàn cầu để thu thập thông tin. Nay khi ưu thế này bị xói mòn và Huawei đang trong đà lên ngôi vị thống trị công nghệ 5G trên toàn cầu, Hoa Kỳ dùng biện pháp ngăn cấm sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei tại đây. Ngoài ra Hoa Kỳ còn cáo buộc Huawei đã vi phạm luật cấm vận với Iran cũng như đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ. Vào tháng Mười Hai năm ngoái, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ra lệnh bắt giữ bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), con gái của ông Ren và là giám đốc tài chánh của Huawei.
Hoa Kỳ còn áp lực các quốc gia đồng minh như Úc, Nhật để cấm sử dụng thiết bị của Huawei. Nhưng một số quốc gia khác Anh, Đức vẫn còn đắn đo trước vấn đề tẩy chay thiết bị Huawei và hệ lụy của nó. Một số quốc gia như Thái, Nam Hàn vẫn xúc tiến với việc thiết kế mạng 5G dùng công nghệ của Huawei. Ấn Độ thì không đáp ứng lời kêu gọi tẩy chay của Hoa Kỳ.
Các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ chưa được thuyết phục hoàn toàn bởi cáo buộc của Hoa Kỳ về vai trò của Huawei trong các hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Hoa Kỳ chưa đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy Huawei hợp tác với tình báo Trung Quốc. Một số chuyên gia chỉ ra cho thấy có thể các thiết bị của Huawei có lỗi phần mềm và dễ bị hack hơn là Huawei cố tình gài cửa sau cho tin tặc nhà nước vào. Các chuyên gia khác cho rằng nỗi lo sợ đối với thiết bị của Huawei là quá đáng. Vì hầu hết các thiết bị viễn thông của Tây phương ít nhiều đều có cơ phận sản xuất bên Trung Quốc. Ngoài ra dùng hay không dùng thiết bị Huawei trong mạng viễn thông thì cũng không ngăn được việc tin tặc nhà nước tìm cách xâm nhập, như bấy lâu nay.
Vai trò đi đầu của Huawei trong công nghệ 5G sẽ giúp cho các công ty Trung Quốc có lợi thế về lợi nhuận, về tầm ảnh hưởng trong các quốc gia đang phát triển tại Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ Latin. Nói cách khác trong thế giới đang phát triển, Trung Quốc đang quốc tế hóa các tiêu chuẩn công nghệ của Trung Quốc.
Trong trận đấu 5G sắp tới, liệu Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương có bắt kịp Huawei và Trung Quốc không?
Hoàng Thuyên
Dựa vào bài viết “The improbable rise of Huawei” của Keith Johnson, Elias Groll, tạp chí Foreign Policy, 3 tháng 4, 2019