Mặc dù đã qua một phần tư thế kỷ, nhưng những người thường theo dõi biến chuyển chính trị tại Đức không thể nào quên được hình ảnh các cuộc biểu tình đòi Tự do, Dân chủ của người dân thuộc miền Đông Đức (DDR) cũ vào năm 1989. Đặc biệt những hình ảnh các cuộc thắp nến biểu tình thầm lặng, ôn hòa vào mỗi tối thứ hai trong tuần bắt đầu tại thành phố Leipzig là một ngày không thể nào quên được cho người dân Đức. Những cuộc biều tình này còn được gọi là „Biểu tình ngày thứ hai“ (Montagdemonstration) đóng góp một phần không nhỏ trong việc phá vỡ bức tường ô nhục Berlin, lật đổ chế độ Cộng sản vô thần để lập nên một trang sử mới cho một nước Đức thống nhất. „Biểu tình ngày thứ hai“ đầu tiên[1] tại Leipzig rồi lan tràn sang các thành phố lớn khác về sau này là cảm hứng cho những cuộc biểu tình cũng được mệnh danh là „Biểu tình ngày thứ hai“ nhằm đòi hòa bình, chống Mỹ gây chiến tranh tại Iraq của các tổ chức được gọi là Thiên Tả tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tuy nhiên những cuộc „Biểu tình ngày thứ hai“ „nhái“ kể trên không thể nào so sánh được với những cuộc „Biểu tình ngày thứ hai“ gây cơn sốt cho hàng trăm triệu người trên thế giới vào mùa thu 1989.
Ngày 4.9.1989 cuộc biểu tình đầu tiên về sau được gọi là „Biểu tình ngày thứ hai“, xảy ra tại Leipzig sau buổi Thánh lễ cầu nguyện cho Hòa bình truyền thống chỉ thu hút chừng vài trăm người tham dự với năm biểu ngữ nhằm đòi hỏi nhà cầm quyền Đông Đức phải nới rộng quyền tự do đi lại, tự do báo chí và tự do tụ tập. Một trong năm tấm biểu ngữ nêu trên về sau trở thành biểu tượng cho Tự Do Dân Chủ tại Đức được ghi là „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ ("Für ein offenes Land mit freien Menschen") do hai phụ nữ chuyên tranh đấu cho dân quyền tại Đông Đức, Katrin Hattenhauer[2] và Gesine Oltmanns giăng lên. Mặc dù chỉ xuất hiện được chừng ít phút nhưng tấm biểu ngữ cũng được thu vào ống kính của các phóng viên quốc tế, trước khi bị an ninh Đông Đức dùng sức mạnh cơ bắp giật mất. Hình ảnh hai người phụ nữ can đảm đồng tác giả cùng tấm biểu ngữ lịch sử liền được loan truyền trên phần Tin Thế Giới khắp thế giới. Tinh thần „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ của Katrin Hattenhauer và Gesine Oltmanns thực hiện tốt vai trò vạch mặt chế độ Cộng sản độc đoán và gây hứng khởi, hy vọng cho hàng trăm triệu người khác.
Cũng nhờ vậy, ban đầu, từ chỉ với vài trăm người đòi hỏi „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ trong „Biểu tình ngày thứ hai“ đầu tiên tại Leipzig, rồi cứ mỗi ngày thứ hai này sang ngày thứ hai khác đã có hàng trăm ngàn người tham dự „Biểu tình ngày thứ hai“ được tổ chức trên một số thành phố lớn khác cho đến ngày Bức tường Ô Nhục Berlin bị giật sập.
Không riêng Katrin Hattenhauer và Gesine Oltmanns đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng ôn hòa tạo nên lịch sử tại Đông Đức, mà còn có nhiều phụ nữ khác nổi bật không kém trong giai đoạn đấu tranh chống lại chế độ Cộng sản Đức. Bärbel Bohley và Jutta Seidel được biết đến như là hai người phụ nữ thuộc nhóm phụ nữ lập nên tổ chức chính trị đối lập đầu tiên vào thập niên 80. Tổ chức lấy tên „Diễn Đàn Mới“ (Neue Forum) gồm 30 người trong đó đa số là phụ nữ được thành lập vào ngày 08.9năm 1989 trong căn nhà của bà Katja Havemann. Bärbel Bohley và Jutta Seidel sau đó đòi hỏi công khai nhà cầm quyền Đông Đức phải cấp giấy phép để „Diễn Đàn Mới“ trở thành một đảng chính trị.
Mãi cho đến nay, các nhà quan sát và phân tích chính trị vẫn còn thú vị khi đi tìm một câu trả lời cho những câu hỏi vẫn mãi còn bỏ ngỏ: Tại sao phụ nữ lại đóng một vai trò chính trong cuộc cách mạng ôn hòa lật đổ chế độ Cộng Sản tại Đông Đức? Đây là những người phụ nữ can đảm sẵn sàng hy sinh tất cả cho đại cuộc là điều không cần bàn đến nhưng tại sao những phụ nữ trẻ „tay yếu chân mềm“ lại chọn con đường đấu tranh gian nan như vậy? Liệu họ có can đảm hơn nam giới hay phải chăng đây là một thủ thuật chính trị hay là nước cờ chiến thuật đưa phụ nữ ra trước „đầu sóng ngọn gió“ nhằm giảm bớt sức đàn áp của chế độ?
Ngay chính những người trong cuộc như Katrin Hattenhauer và Gesine Oltmanns cũng không nghĩ rằng họ sẽ đi vào lịch sử khi đưa ra câu khẩu hiệu „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“, được xem là động lực cho phong trào đòi Dân chủ tại Đông Đức, tạo thêm sức mạnh và niềm tin cho quần chúng khi đối đầu trực diện với lực lượng an ninh thâm hiểm. Họ không nghĩ rằng họ đang làm chính trị - nhưng nếu có đi chăng nữa thì cũng không có gì là xấu -mà chẳng qua họ chỉ muốn phản đối, chỉ muốn đòi lại cái quyền sống mà Thượng Đế đã ban cho họ.
Nhìn ra toàn thế giới người ta dễ dàng nhận ra, một xã hội cởi mở và tự do là điều kiện thiết yếu để tạo nên sức mạnh và sự thành công lâu dài của một đất nước. Nhìn lại đất nước Việt Nam sau hơn hai mươi lăm năm được gọi là „đổi mới“ nhưng xã hội ngày càng ù lì, kinh tế hoàn toàn bế tắc, người dân bị nhà nước dùng vũ lực đàn áp cướp đất nhà cửa, các quyền tối thiểu của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật không những không được tôn trọng mà ngày càng bị chà đạp nhiều hơn. Xem ra cái tinh thần „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ vẫn rất cần thiết phải gióng lên hơn bao giờ hết.
Phương Tôn
Tháng 9.2014
[1] Cuộc biểu tình đầu tiên tập hợp ba thành phần tham dự: Những nhà đấu tranh Dân quyền muốn sống trong một đất nước Dân chủ nhưng họ không muốn bỏ sang Tây Đức. Trong cuộc biểu tình này nhóm người này hô vang „Chúng tôi ở lại đây“ (Wir bleiben hier) ngược lại với nhóm thứ nhì là những nhà tranh đấu Dân quyền thất vọng, không nhìn thấy tương lai dưới chế độ Cộng sản, họ muốn thoát khỏi Đông Đức càng sớm càng tốt. Trong cuộc biểu tình này họ hô to „Chúng tôi muốn đi ra ngoài“ (Wir wollen raus). Nhóm thứ ba là nhóm truyền thông phương Tây, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến lan truyền tình hình chống đối tại Đông Đức ra thế giới.
[2] Trong lần „„Biểu tình ngày thứ hai“ lần thứ nhì, Katrin Hattenhauer bị mật vụ Đông Đức (Stasi) bắt cóc đem về nhốt tại trung tâm điều tra của Stasi