“Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ”

 

Tiền lương không tăng theo tỷ lệ thuận với lạm phát, tiền lương vẫn nằm trong tỷ lệ nghịch với giá điện và xăng. Nhà ở xã hội vẫn nằm trên giấy nhường ưu tiên cho những dự án nhà ở – biệt thự – khu nghỉ dưỡng cao cấp. Môi trường làm việc vẫn không được biết đến ở khía cạnh không có bạo lực thể xác và ngôn ngữ cũng như lạm dụng tình dục.

Nhân công giá rẻ – một lợi thế lớn của Việt Nam trong việc lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam từ thị trường Trung Quốc khi mà giá nhân công ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với giá nhân công ở Trung Quốc.

Đắng cay đời nữ công nhân may

Giá nhân công rẻ đem lại nhiều lợi lộc cho giới đầu tư. Hãy cứ thử nhẩm tính một đôi giày Nike hay một cái quần jeans Levi’s có giá bán lẻ 100 đến 200 euros ở châu Âu (tức 2,7 tới 5,2 triệu đồng Việt Nam) thì giá gia công chỉ từ vài xu cho tới dưới một euro. Chưa kể đến các nhãn hiệu cao cấp khác cũng được sản xuất ở Châu Á với giá bán trên dưới 1000 euro mà giá nhân công vẫn không thay đổi. Đây chính là điều mà những người quan tâm đến nhân quyền và công bằng trong xã hội cho là bóc lột sức lao động của người dân ở các quốc gia thứ ba.

Dù lương căn bản ở Việt Nam đã được tăng lên, nhưng mức lương khoảng 5 triệu đồng một tháng của công nhân các nhà máy may khi chưa tăng ca vẫn không đủ sống.

Đã có cảnh báo về việc một nửa nữ công nhân may Việt Nam phải đối mặt với bạo lực nơi làm việc sau khi tổ chức Fair Wear Foundation, một đối tác của các thương hiệu quần áo bền vững, phỏng vấn 763 nữ công nhân may Việt Nam. 43% người được phỏng vấn cho hay họ đã bị bạo hành hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong mười hai tháng qua. Nữ công nhân có thể bị quản đốc đánh vô tay bạn hay chủ đòi tình để đổi lấy sự thăng tiến.

Hai triệu người hiện đang làm việc trong các nhà máy dệt may tại Việt Nam, 80% trong số đó là phụ nữ. Hầu hết trong số họ là người nông thôn đi lên thành phố để làm việc ở các khu công nghiệp. Hai phần ba nữ công nhân may có con nhỏ và một nửa số các bà mẹ phải bỏ con lại ở quê để lên thành phố làm một trong những công việc được trả lương thấp nhất trong xã hội. Những người phụ nữ gốc nông dân này là nhóm người dễ bị tổn thương hơn vì không có an sinh xã hội.

Thương mại phải đi đôi với kinh doanh có trách nhiệm?

Các cuộc phỏng vấn của Fair Wear Foundation được thực hiện bên ngoài nhà máy để tránh bị ảnh hưởng từ phía các nhà quản lý cũng như câu trả lời theo ý muốn của xã hội. Công nhân may tăng ca thường xuyên và hầu như phải làm việc 60 giờ một tuần, cao gấp gần gấp đôi so với mức giờ lao động chuẩn, nhưng không tăng ca thì không đủ sống. Việc đối mặt với bạo hành và quấy rối trong công việc còn đôi khi song hành cả với tiền tăng ca không được thanh toán.

Ông giám đốc tổ chức Fair Wear Foundation cho biết cũng đã chuyển nghiên cứu của họ cho Bộ Lao Động của Việt Nam trong đó có nhấn mạnh đến vấn đề tiền lương và quấy rối tình dục nơi làm việc nhằm giúp cho bộ chủ quản và các ban ngành liên quan trong việc sửa đổi Luật Lao động theo tiêu chuẩn ILO. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ đưa ra quyết định vào tháng 6 năm nay về một hiệp ước chống lại bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Báo cáo cũng cho biết rằng “mặc dù chính quyền Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh rằng nước này đạt chỉ số cao về tham gia lao động của nữ giới và giáo dục công bằng, nhưng quấy rối hoặc lạm dụng tình dục là phổ biến.” Điều đó cũng được chứng minh từ kết quả nghiên cứu bởi vì, ngoài việc quấy rối tại nơi làm việc, một nửa số phụ nữ được phỏng vấn nói rằng họ đã bị quấy rối trên đường về nhà hoặc đi làm.

Kết quả nghiên cứu này cũng đã được trình cho Thủ Tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến công du Việt Nam hồi đầu tháng 4 tại Hà Nội nhằm yêu cầu Mark Rutte phải “liên kết quyền lao động với quan hệ thương mại tốt hơn. Thương mại phải đi đôi với kinh doanh có trách nhiệm.”

Ai cho tôi công lý nơi làm việc

Quyển sách về “Công lý nơi làm việc” ở Việt Nam đã khám phá ra rằng công nhân ở Việt Nam nói riêng và công nhân châu Á nói chung là những người thụ động.

“Lực lượng lao động nữ đơn giản (vì không biết gì đến quyền lợi của mình), giá nhân công rẻ, và không bao giờ gây phiền hà. Họ làm việc chăm chỉ và biết tuân phục” là mồi câu được sử dụng để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài đến để khai thác sức lao động giá rẻ và gia tăng đầu tư trong nước.

Công nhân may đã từng có các cuộc đình công lớn tự phát buộc giới chủ phải thoả mãn các yêu cầu về lương bổng nhưng rồi nhanh chóng xẹp xuống. Tuy nhiên họ vẫn là những người thụ động, sợ mất việc làm, chấp nhận bị đối xử tệ và hơn hết không được phép biểu tình vì chính quyền sợ ảnh hưởng đến nhà đầu tư cũng như làm nguy hại đến một hình ảnh một Việt Nam ổn định – an toàn. Công đoàn lại vô tích sự không đóng một vai trò gì trong việc bảo vệ quyền lợi của công nhân.

“Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ”

Ngày 5/5 vừa qua ông Phúc lên tiếng về việc lao động giá rẻ không phải là hướng phát triển lâu dài. Ông thủ tướng hoàn toàn đúng nhưng ông chỉ đề cập đến lực lượng lao động kỹ thuật cao còn những người lao động như các nữ công nhân may lại không được đưa vào chương trình nghị sự.

Nên nhớ rằng xuất khẩu dệt may và da giày Việt Nam vẫn chiếm áp đảo so với các ngành nghề khác. Ngay cả công nhân làm việc cho Samsung, có mức đóng góp xấp xỉ 30% thu nhập GDP cho Việt Nam cũng không phải là công nhân kỹ thuật cao và vẫn chỉ là những người công nhân trong dây chuyền lắp rắp.

Ông Phúc cũng đề cập đến cải thiện tiền lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, nhà ở xã hội, môi trường làm việc cho công nhân. Nhưng tiền lương không tăng theo tỷ lệ thuận với lạm phát, tiền lương vẫn nằm trong tỷ lệ nghịch với giá điện và xăng. Nhà ở xã hội vẫn nằm trên giấy nhường ưu tiên cho những dự án nhà ở – biệt thự – khu nghỉ dưỡng cao cấp. Môi trường làm việc vẫn không được biết đến ở khía cạnh không có bạo lực thể xác và ngôn ngữ cũng như lạm dụng tình dục.

Tháng 6 nếu thêm một điều khoản của ILO được đưa ra về vấn đề bạo lực và quấy rối tình dục nơi làm việc, cộng với vấn đề “bạo lực và quấy rối tình dục nơi làm việc” vào chương trình nghị sự ở châu Âu, hi vọng chính quyền độc đảng sẽ học hỏi được cách phát triển bền vững dựa vào từ các giá trị nhân bản đơn giản nhất trở đi.

Phương ThảoViệt Nam Thời Báo