Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|
Trong nhiều năm gần đây, chuyện rác ở Việt Nam bỗng trở thành một câu chuyện dài khó ngửi được các cơ quan truyền thông trong nước loan tải mà chính quyền chưa có biệp pháp giải quyết thỏa đáng.
Cuối năm 2010, người dân 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn, thủ đô Hà Nội dựng lều bạt chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Lý do họ không chịu nổi mùi hôi thúi trong vòng bán kính 500 mét từ nơi ở và cách giải quyết của nhà thầu. Trong khi đó “nhà máy đốt rác lớn nhất Hà Nội” được Hà Nội quảng cáo rầm rộ từ năm 2017 đến nay lại vừa mới xin lùi ngày khánh thành đến tháng Năm, 2021, lần này thì đổ thừa cho Covid-19.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ loan tin về việc rác không biết từ đâu mà mọc ra hàng đống đống ở Thành Hồ. “Chân cầu, bãi đất trống, mặt tiền đường… bỗng nhiên trở thành bãi rác lớn, thậm chí có nhiều bãi rác còn nằm chễm chệ ngay bên dưới bảng cấm đổ rác.” Cách diễn tả của một tờ báo quốc doanh cho thấy đây không còn là những hành động vứt rác bừa bãi mà là vấn nạn của một phong cách sống vô trách nhiệm. Chắc chắn không chỉ ở Hà Nội và Thành Hồ mà còn nhiều nơi khác đang diễn ra tình trạng này mà người ta chán quá không muốn đưa ra.
Thế nhưng mặc cho tình trạng rác tràn ngập thành phố, Chủ Tịch UBND Thành Hồ Nguyễn Thành Phong tuyên bố chắc như đinh đóng cột trong một cuộc hội thảo ngày 5 tháng Năm vừa qua: “Đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế tài chính của Châu Á, chất lượng đời sống cao, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD/năm, là điểm đến toàn cầu.” Tầm nhìn này cho thấy là giới lãnh đạo Việt Nam chỉ hướng vào yếu tố vật chất, không chú trọng gì đến sự xuống cấp của lối sống “mackeno” trong xã hội từ khi Việt Nam chính thức mở cửa ra bên ngoài.
Trở lại sự kiện rác mọc tự nhiên đầu đường cuối phố đã làm khổ rất nhiều nhân viên vệ sinh, vì cứ lâu lâu lại phải mở chiến dịch thu gom rác mà họ gọi là “rác vô chủ.” Nhưng với một số lượng rác vô chủ tăng lên hàng ngày cho dù có đặt bảng cấm, các công ty vệ sinh môi trường đôi khi cũng chịu thúc thủ. Tình trạng dọn dẹp vừa xong thì rác tiếp tục xả ra ngày hôm sau là vì sao?
Thứ nhất, Việt Nam không có hệ thống giải quyết rác thải, từ việc thu gom đầu tiên tới công đoạn cuối cùng, phân loại chế biến rác đúng quy trình trong một xứ văn minh. Vì thế về phía người dân, chính họ cũng không biết giải quyết rác ra sao, ngoài hành động dễ dàng nhất: Vứt rác ra đường mặc cho người khác chịu đựng mùi hôi thối.
Thứ hai, sự giáo dục về ý thức công dân không có. Đây là trách nhiệm ở nhà trường, ngay từ lúc trẻ bước vào mẫu giáo cho đến khi trưởng thành. Và sự giáo dục ấy phải tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác mới mong có những công dân văn minh đúng nghĩa. Nền giáo dục Việt Nam hoàn toàn bỏ qua môn công dân giáo dục, thay thế bằng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê pha trộn chủ nghĩa yêu nước chỉ nhằm mục đích đào tạo những lớp người tuyệt đối trung thành với đảng Cộng Sản và dễ sai bảo.
Thứ ba, quan trọng hơn, trong nhiều năm qua cái đặc chất “mặc kệ nó” (mackeno) đã nhiễm nặng trong con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa lấy mạnh được yếu thua làm thước đo trong xã hội công dân. Do vậy người ta thản nhiên vứt rác ngoài công lộ, coi đó như chuyện không động chạm đến ai và không ai đụng chạm đến mình.
Thứ tư, nhà nước, người quản lý xã hội chưa bao giờ quan tâm đến vệ sinh môi trường, đến đời sống người dân tốt xấu ra sao mà họ chỉ khoán trắng cho các công ty vệ sinh. Bởi vì vấn đề môi trường sống của dân không thể làm chết đảng, nên ngân sách nhà nước không cần bỏ ra cải thiện môi trường mà đảng chỉ cần dành tiền nuôi bộ máy công an để kiểm soát và đàn áp phản động.
Ở một khía cạnh khác, giải quyết vấn đề rác thải không chỉ là chuyện phải làm của các quan chức nhà nước có trách nhiệm mà còn là sự kèn cựa nhau ăn rác và chia chác sao cho đồng đều. Cho nên người ta có thể nói trên thì quan chức ăn rác, dưới thì nhân dân tự do xả rác cũng không sai.
Rõ ràng xã hội Việt Nam ngày nay là một thùng rác, trên rác dưới rác.
Phạm Nhật Bình
https://viettan.org/rac-thanh-ho/?fbclid=IwAR2460qsBDVW0Av2EVdNC79zilwlW...