Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|
Trong buổi gặp gỡ cử tri huyện Củ Chi, TP.HCM ngày 9 tháng Năm, 2021 ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu nguyên văn như sau: “Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng và nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên nếu ‘dân chủ tào lao,’ không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn.”
Nhóm từ “dân chủ tào lao” mà ông Phúc dùng đã làm dậy sóng trên cộng đồng mạng và đa số đều phê phán cách dùng chữ của ông.
Đối với vấn đề dân chủ, những người cộng sản chỉ phân biệt được 2 loại theo lý thuyết đấu tranh giai cấp: Dân chủ tư sản người bóc lột người và dân chủ xã hội chủ nghĩa là loại dân chủ ưu việt nhất (?). Hóa ra ông Phúc đề cập đến nhóm từ “dân chủ tào lao” để ám chỉ những người đòi hỏi sự thay đổi, tức đòi hỏi chế độ phải thực thi nền dân chủ trong đó quyền dân phải được tôn trọng.
Ông Phúc lý luận rằng những cơ chế pháp luật mà Hà Nội đang kiểm soát, áp dụng để quản lý xã hội hiện nay là hoàn toàn dân chủ, nên đã giữ được trật tự và ổn định chính trị tốt đẹp. Bây giờ những ai đòi thay đổi thể chế ấy là làm mất kỷ cương, phép nước, là hành động “dân chủ tào lao!”
Dĩ nhiên cái kỷ cương và phép nước ấy phải đặt trên bộ luật hình sự của Hà Nội mà trong những năm gần đây đã “phát huy hiệu quả” tối đa bằng những bản án tù thật nặng đối với những người bất đồng chính kiến. Quan điểm chính thức của Hà Nội là dân chủ ban cho nhân dân Việt Nam phải xuất phát từ ngọn roi của Bộ Công An, người bảo vệ đảng, bảo vệ “dân chủ xã hội chủ nghĩa” quyết liệt nhất.
Bình thường người ta nói đến dân chủ chính hiệu, dân chủ giả hiệu, dân chủ đa đảng, dân chủ đa nguyên mà chưa bao giờ nghe ai nói “dân chủ tào lao.” Cho nên khi nghe ông chủ tịch nước xử dụng nhóm từ lạ lùng này, người ta thấy não trạng ông Phúc hoàn toàn không hiểu biết gì về ý nghĩa của hai chữ dân chủ.
Dân chủ hiểu theo định nghĩa căn bản là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, mà nhà nước chỉ là người đại diện do dân bầu ra để quản lý xã hội theo đúng pháp luật đặt ra. Do đó những gì đi ngược lại nền tảng này là phản dân chủ.
Dưới chế độ CSVN, tuy họ tự hào Việt Nam là đất nước “dân chủ gấp vạn lần” so với chế độ dân chủ tự do ở các quốc gia phương Tây; nhưng rõ ràng là ở các quốc gia này kỷ cương, phép nước và pháp luật đều dựa trên ý chí đồng thuận của người dân. Đó là những nền dân chủ chính hiệu hay dân chủ chính danh, hoàn toàn trái ngược với loại dân chủ áp đặt của chế độ cộng sản.
Từ khi cướp được chính quyền ở miền Bắc năm 1945 và thống trị trên cả nước sau tháng Tư, 1975, mọi quyền lực đều tập trung vào tay đảng CSVN và các lãnh tụ đảng cai trị đất nước như những ông vua của một triều đại phong kiến mới. Người dân chỉ có quyền ngồi chờ để được đảng ban phát, từ việc ăn ở, việc nói năng, ngay đến cái cao xa hơn như dân chủ tự do, đảng cho đến đâu dân chỉ biết đến đấy. Nếu có ai có ý kiến ngược lại hay hành động phản kháng lập tức bị công an bắt giữ và truy tố ra tòa.
Có vô số tội sẵn sàng gắn lên đầu nhân dân, nào là “âm mưu lật đổ chế độ,” “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa,” “lợi dụng quyền tự do ngôn luận”… vì người dân bị gán ghép là đã vi phạm mệnh lệnh độc tài của một thiểu số quyền lực. Đó cũng là cách duy nhất mà nhà nước cộng sản “xem trọng” ý kiến đóng góp của nhân dân như lời ông Phúc nói.
Vì thế suy cho cùng, phát biểu “dân chủ tào lao” từ cửa miệng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy não trạng của thành phần lãnh đạo hiện nay chẳng hiểu một chút gì về dân chủ hay còn gọi là “người dân làm chủ đất nước” mà họ rêu rao trong mỗi khi tổ chức bầu cử.
Nếu không nổ sảng thì còn đâu là “Phúc nổ” để người dân nhắc đến?
Phạm Nhật Bình
XEM THÊM: