Ảnh Nhà trọ dành cho công nhân
Đó là lời than thở của ông Nguyễn Xuân Phúc sau 5 năm giữ chức thủ tướng, người vừa được quốc hội khóa cũ bầu lên làm chủ tịch nước và đang chờ quốc hội khóa mới bầu lại cho đúng quy trình.
Tuần trước, khi đến tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, ông Nguyễn Xuân Phúc trong tư cách là ứng cử viên quốc hội khoá 15, đã đề cập về “dân chủ tào lao” vô tình phô bày kiến thức hạn hẹp về dân chủ của mình. Một tuần sau đó, ông Phúc đến thăm cử tri huyện Hóc Môn và tỏ ra ưu tư cho giai cấp tiên phong của đảng: “Nhà cho công nhân quá ít, trong khi nhà bán cho người giàu thì quá nhiều.” Ít ra ông cũng nêu lên được một thực tế trong tình trạng xã hội hiện nay, trong đó thành phần công nhân là những người bị đảng cầm quyền bóc lột tận tình và chịu nhiều thiệt thòi so với những thành phần khác.
Ông Phúc mới vừa rời chức vụ cũ khoảng 1 tháng mà tỏ ra mau quên trách nhiệm của mình trong 5 năm làm thủ tướng. Đó là làm sao cho công nhân, nói chung là người nghèo có đời sống khá hơn, có thể dành dụm tiền để mua nhà với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền mà nhiều quốc gia đều có chính sách thích hợp với tình trạng phát triển của đất nước mình. Nay không còn làm thủ tướng mới lên tiếng không khác những cán bộ về hưu, chứng tỏ ông Phúc chỉ dám nói khi không còn tại chức. Điều này phản ảnh sự mị dân của một lãnh đạo cộng sản, làm rõ bộ mặt giả nhân giả nghĩa của cả một hệ thống cai trị.
Chỉ cần nhìn lại những vụ cướp đất của dân với giá rẻ rồi bán lại với giá cắt cổ của các ông chủ bất động sản, phía sau đều có bóng dáng của cán bộ cao cấp trong đảng. Trong vụ án cướp đất Thủ Thiêm là vụ điển hình nhất của tập đoàn vô sản lưu manh Lê Thanh Hải-Tất Thành Cang, cùng với các đại gia ngành nhà đất chúng đã bỏ túi hàng chục tỷ đô-la trên nỗi đau khổ của hàng chục ngàn dân nghèo Thủ Thiêm mất đất mất nhà.
Vì thế để thu hồi lại vốn đút lót cho cán bộ là lãnh đạo các ban, các ngành trong bộ máy tham ô, các công ty của các đại gia bất động sản sau khi xây dựng những chung cư cao cấp phải bán lại với giá cao. Thử hỏi ai là người sẵn tiền để mua những căn nhà giá cao này, nếu không phải là cán bộ, thân nhân cán bộ và những kẻ làm giàu nhờ móc ngoặc với cán bộ có chức quyền. Còn bà con dân oan mất đất, công nhân với đồng lương rẻ mạt làm sao có tiền mà mua.
Vì thế, ông Phúc đã nói lên một thực trạng của đất nước Việt Nam, nhưng ông chỉ dám nói một nửa và không dám chỉ rõ nguyên nhân gây ra tình trạng bất công ấy. Đề cương chính trị của đảng CSVN từ trước đến nay luôn đề cao “liên minh công nông,” trong đó công nhân là giai cấp tiên phong, giai cấp lãnh đạo “cuộc cách mạng vô sản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong quá khứ, đảng CSVN đã lợi dụng xương máu của công nhân và nông dân đẩy họ vào cuộc đấu tranh giành quyền lực với lời hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng sau khi làm chủ đất nước, đảng phủi tay, biến công nhân trở thành “người chủ không” của xí nghiệp nhà nước, ngồi nhìn cán bộ cộng sản làm giàu.
Bây giờ không còn là “tể tướng” đầu triều mà chỉ còn ở chức vụ ngồi chơi xơi nước thì ông Phúc cứ tố tiếp những thực trạng sai trái trong xã hội mà chính ông đã cố tình bưng bít trong 5 năm làm thủ tướng. Hãy chờ xem, mèo còn khóc chuột chứ chưa thôi!
Phạm Nhật Bình