Linh mục Nguyễn Duy Tân|
Minh Châu - VNTB|
Nước mắt của đau khổ hay của tình yêu thương, tự nó là ngôn ngữ. Một thứ ngôn ngữ không có văn phạm. Vì nước mắt là ngôn ngữ không có văn phạm nên ai cũng có thể đọc được. Người giàu khóc. Kẻ nghèo cũng thế. Người trí thức, kẻ quê mùa, ai cũng có lúc khóc.
Nước mắt và đau khổ hay yêu thương hoặc bi phẫn đều là ngôn ngữ chung. Người từ phương đông cũng có thể gặp kẻ từ phương tây trong ngôn ngữ ấy. Mình có nước mắt và thấy người khác có nước mắt.
Tôi muốn nói đến giọt nước mắt của linh mục Nguyễn Duy Tân đã chảy không giấu diếm ở sau buổi Thánh Lễ nhận nhiệm sở mới của ngài, là Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, sáng 17-05-2019. Tôi là người ngoại đạo, và cũng ứa lệ vừa yêu thương, vừa bi phẫn khi nghe bè bạn kể lại rằng đây là một Thánh Lễ lạ lùng nhất mà họ đã chứng kiến.
Cô MC Lê Nguyễn Phương Trâm của kênh Amen TV, có lời nhận xét thật buồn: “Đây là Thánh lễ nhận nhiệm sở mới nhiều điều ngộ nghĩnh. Các cha được mời không được đồng tế. Chỉ có người của Trung tâm mới được quay phim, chụp hình. Không cho cha Tân nói lời chia tay. Khách mời không được dùng cơm trưa, ngay cả cơm hộp tại Trung tâm cũng không được”.
“Điều tôi thắc mắc là khi vào nhà thờ tôi thấy cha Paulo Lộc Dòng Chúa Cứu Thế ngồi phía dưới. Chút nữa có thêm một cha xách túi đựng áo Lễ cũng ngồi như vậy. Tôi tự hỏi sao các cha không lên đồng tế? Hóa ra là có yêu cầu các cha được cha Tân mời không được đồng tế trong Thánh lễ này.
Lễ xong cha con chụp hình lưu niệm trao nhau những lời cầu chúc thì nước mắt cha rơi. Khi ra nhà thờ để lên nhà khách cha đã khóc và khóc thật nhiều... Cha con chúng tôi chia tay nhau trong nước mắt, nước mắt của sự yêu thương, nước mắt của niềm hy vọng nước mắt của sự ủi an... không ai có thể cầm được nước mắt... Có lẽ hôm nay là ngày buồn nhất của cha chăng?”. Một người bạn khác trong đoàn, kể trong nước mắt.
“Trong các Tin mừng, Chúa Giêsu cũng khóc. Chúa Giêsu mang lấy thân phận của chúng ta, Ngài trở thành một người trong chúng ta, và vì điều này, nước mắt của chúng ta được kết hợp trong nước mắt của Người. Người thực sự mang lấy những giọt nước mắt. Khi Người khóc, Người thu nhận và cách liên đới, lau đi tất cả nước mắt của thế giới”.
Trên trang của Trung tâm mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế có bài viết với đoạn trích như trên khi tường thuật linh mục José Tolentino Mendonça, giảng thuyết viên tuần tĩnh tâm dành cho Đức Thánh Cha và giáo triều Roma, với bài suy niệm thứ 6, tựa đề “Nước mắt nói lên cơn khát” đăng trên Vatican News 21-02-2018 [trungtammucvudcct.com/tinh-tam-giao-trieu-bai-6-chua-giesu-don-nhan-tat-ca-nuoc-mat-cua-the-gioi/?hpag=174].
Nước mắt là ngôn ngữ chung. Nhưng ‘đọc’ được không có nghĩa là ‘hiểu’ được. Từ ‘đọc’ được đến ‘hiểu’ được vẫn còn là chặng đường dài. Dòng nước mắt này không có văn phạm để đọc, nhưng lại có văn phạm để hiểu. Văn phạm để hiểu những dòng nước mắt của đau khổ là con tim.
Nhìn một người khóc, tôi biết đó là nước mắt. Tôi đã ‘đọc’ được. Nhưng tôi có hiểu dòng nước mắt đó không lại là một chuyện khác. Ðã bao lần tôi thấy người khóc, nhưng tôi vẫn bình thản. Ðã bao lần tôi thấy nước mắt chảy, nhưng chẳng có nghĩa gì đối với tôi. Cũng có những lần tôi không muốn nhìn nước mắt chảy. Nước mắt đau khổ là ngôn ngữ chẳng cần học cũng thấy, nhưng chẳng bao giờ hiểu nếu không học. Ðể hiểu dòng nước mắt đó phải có con tim của yêu thương và tâm hồn của chia sẻ.
Tôi không theo đạo Công giáo. Với tôi, nước mắt của linh mục Nguyễn Duy Tân dường như mang nhiều ẩn ngữ, cả khổ đau, yêu thương, bi phẫn và… bất lực. Bởi lâu nay linh mục Nguyễn Duy Tân, được biết đến là người luôn dấn thân, mạnh mẽ lên tiếng cho những ai bị áp bức bất công, và ngài luôn thẳng thắn đứng về phía sự thật, bất chấp cường quyền, bạo lực. Thế rồi ngài đã nhận được bài Sai của phía bề trên Công giáo để đi về phụ việc ở Núi Cúi, nơi ngài không còn giáo dân như ở giáo xứ Thọ Hòa…
Những ngày này có quá nhiều chuyện xảy ra ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn có thể khiến nhiều người rơi nước mắt. Trong buổi tiệc đêm chia tay linh mục Trương Hoàng Vũ nhận nhiệm sở mới, đã có cả giọt nước mắt rơi của vị linh mục duy nhất còn ở lại phòng Công lý và Hòa bình (chỉ một ngày sau đó, vị mục tử ấy cũng không còn ở phòng Công lý và Hòa bình này nữa!) và nhiều tình nguyện viên.
Nỗi đau đã nói bằng nước mắt, thì để hiểu, cũng cần trả lời bằng nước mắt. Nhưng người ta chẳng thể trả lời được bằng nước mắt, nếu người ta không học yêu thương và chia sẻ.
Tôi tin rằng khi linh mục Lê Quang Uy lúc chia sẻ những dòng sau đây, có lẽ chính ngài cũng phải nuốt nước mắt (trích): “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18). Kính thưa Thầy Giêsu. Chắc Thầy buồn ghê lắm khi đang giữa bữa Tiệc Vượt Qua với các Môn Đệ, đã thốt lên lời trích dẫn từ câu Thánh Vịnh 41, 10: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con”.
Chúng con hôm nay cũng xót xa thấm thía điều ấy khi nhiều lần chúng con cũng bị chính người tin cậy thân tình nhất trong gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm bạn của mình, lại bất ngờ phản bội, lại trở mặt lật lọng, chơi xấu tệ hại, khiến chúng con không đỡ nổi. Chúng con chỉ biết tự an ủi rằng chúng con đã được cùng là nạn nhân với Thầy, chịu chung nỗi đau này với Thầy để học biết phải bao dung tha thứ là thế nào… Amen”.
Lời nói thì dễ, quà tặng cũng có thể mua. Khóc thì thật khó, vì nước mắt là mức độ rung cảm sâu xa nhất của con tim, và cũng chính vì chỗ đó, nước mắt là hồng ân.
Minh Châu - VNTB
Giọt nước mắt của chủ chăn
www.viettin.de/node/853