I.MƯỢN BÓNG NHÂN DÂN
Theo tin được xác minh về sau, thì Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (TQ) diễn ra từ 23 – 31/ 7/ 1921. Nhưng không biết từ đâu, lại lấy ngày 1/7/1921 làm ngày thành lập?
Như vua chúa TQ thời xưa bịa ra thần thoại xuất hiện rồng rắn báo hiệu sự lên ngôi, ở mặt khác như thừa nhận của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Gorbachev lúc đương nhiệm – “Cả đời các bạn chỉ được nghe những điều giả dối” – thì có quyền hoài nghi cả 2 cột mốc về sự ra đời của ĐCSTQ.
Nhưng cần gì thời điểm chính xác. Sau 100 năm, hay xấp xỉ 100 năm thì các loài vật đều “thành tinh”. Đứng xếp hàng rồng rắn cách nhau 1 m, thì ĐCSTQ với 95 triệu đảng viên sẽ là “con rắn khổng lồ dài 95.000 km”, 15 lần dài hơn Vạn lý trường thành (6.259 km).
Đứng đầu “con rắn khổng lồ dài 95.000 km” là ông Tập Cận Bình. Ngày 1/7/2021 ông Tập đã có bài phát biểu tại Thiên An Môn về sự “thượng thọ” 100 năm của ĐCS TQ. Trong đó có 4 điểm cần để ý:
1.Xây dựng Quân đội Trung Quốc hùng mạnh.
Minh chứng là cuộc trình diễn khai mạc với các phi cơ bay theo hình con số 100. Ông Tập khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang.
Ngân sách quốc phòng TQ năm 2020 đạt 252 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ (772 tỷ USD) vượt xa ngân sách quốc phòng Nga (61,2 tỷ USD), và sẽ tăng đến 6,8% trong năm 2021. Trung Quốc đang xây hàng trăm hầm ngầm chứa tên lửa đạn đạo ở Tân Cương. Số lượng đầu đạn hạt nhân của TQ (350) đã vượt qua Pháp (290) lên vị trí thứ 3 thế giới. TQ đặt mục tiêu rút ngắn khoảng cách với Nga (6.500) và Mỹ (6.185). Riêng về số lượng tàu chiến (777) và tàu ngầm (79) thì Trung Quốc đã vượt qua Mỹ (490, 69) và Nga (605,64). Quân đội TQ về thực lực đang xếp vị trí thứ 3 thế giới. Về số lượng quân số và binh khí thông thường – đang chiếm ngôi số 1 thế giới.
Một trong các mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thời gian tới là hiện đại hoá lực lượng hải quân. Trung Quốc đang gấp rút đóng các tàu sân bay cỡ lớn ngang Mỹ với lượng dãn nước từ 90.000-100.000 tấn cùng các tàu ngầm hạt nhân. Mục tiêu không chối cãi là thống trị biển, trước hết là biển Đông.
2. Duy trì chính sách 1 quốc gia 2 chế độ. Đây là sách lược trấn an dân chúng sau những bạo lực đẫm máu căng thẳng ở Hongkong trong các năm gần đây.
3. Thống nhất Đài loan. Về điểm này, cần khẳng định là chưa thể xẩy ra, mà chỉ là môn võ mồm của ông Tập. Cũng giống như các lãnh đạo TQ tiền nhiệm.
4. Không cho phép thế lực nước ngoài bắt nạt. Là cách nói ngoại giao của ông Tập. Phải hiểu câu nói của ông Tập là chỉ có TQ đi bắt nạt nước khác, chứ không có nước nào có thể bắt nạt được TQ.
Để né tránh sự cô lập của thế giới đối với ĐCS TQ, ông Tập đã mượn bóng nhân dân TQ che cho chính quyền của ông Tập, rằng “Người dân TQ sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục” (http://congan.com.vn/…/dien-van-cua-ong-tap-can-binh-ky…).
Các chính khách Hoa Kỳ và châu Âu gần đây gọi đích danh ĐCSTQ thay vì TQ – để tách biệt với nhân dân TQ. Nên ông Tập khéo léo mượn bóng người dân.
II. MỘT SỐ ĐĂC TRƯNG CỦA LÃNH ĐẠO ĐCS TRUNG QUỐC SAU 100 NĂM
Không thể khắc hoạ được lãnh đạo ĐCSTQ qua vài trang. Nhưng nhân “100 năm thượng thọ” của ĐCSTQ, xin tạm nêu 3 đặc trưng nổi trội dưới đây từ chính lịch sử của ĐCSTQ:
1.Tranh giành quyền lực tàn khốc và đàn áp đẫm máu mọi phản kháng.
Các Đại hội I (1921), II (1922), III (1923), IV (1925), V (1927) của ĐCS TQ đều đậm đặc những tranh đấu với sự ra đi của TBT Trần Độc Tú vào tháng 7/1927. Sau đó là sự đổi ngôi từ Đại hội VI (1928) của Lý Lập Tam, Cù Thu Bạch, Vương Minh, Trương Văn Thiên để cuối cùng Mao Trạch Đông soán ngôi độc tôn bắt đầu từ hội nghị Tuân Nghĩa tháng 1/1935. Tháng 3/1943 tại Diên An, Mao trở thành chủ tịch ĐCS TQ cho đến cuối đời ngày 9/9/1976, trải qua các Đại hội VII (1945), VIII (1956), IX 1969), X (1974). Thời kỳ của Mao là thời kỳ tàn sát đẫm máu các đối thủ chính trị với đỉnh cao là hàng triệu sinh mạng trong Cách mạng Văn hoá cùng với cái chết của Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu và nhiều đối thủ chính trị và quân sự cao cấp.
Sau cái chết của Mao là cuộc tranh giành quyền lực giữ Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình, với phần thắng thuộc về Đặng. Giai đoạn Đại hội XI (1977), XII (1982), XII (1987) là thời kỳ cai trị của Đặng. Trong giai đoạn này, lịch sử không bao giờ quên tội ác của Đặng vào ngày 04/6/1989 khi lệnh cho 20 vạn quân với hàng trăm xe tăng tiến vào quảng trường Thiên An Môn – đang có hàng chục vạn thanh niên sinh viên ngồi biểu tình, rồi thảm sát cả hàng chục ngàn sinh mạng. Giống như vụ chính quyền Stalin thảm sát 22.000 người Ba Lan tại Katyn năm 1940, lại đổ tội cho Đức Quốc xã, nhưng cuối cùng đã phải thừa nhận sự thật (1990 Gorbachev, 2010 Putin), thì sự kiện Thiên An Môn chắc chắn sẽ bị phanh phui dù phải chờ thêm nhiều năm nữa, trong khi vẫn phải tiếp tục “cả đời nghe nói dối” từ chính quyền Bắc Kinh.
Tiếp đến là thanh trừng các TBT Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương để cuối cùng Giang Trạch Dân lên cầm quyền với sự tàn sát đẫm máu nhiều vạn nhân mạng người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công. Qua thời Hồ Cẩm Đào cho đến Tập Cận Bình, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng tiếp tục bị truy sát và giam cầm. Các chiến dịch thanh trừng nội bộ để củng cố quyền lực độc tôn thời Tập Cận Bình lên đến cao độ dưới vỏ bọc chống tham nhũng.
Lịch sử 100 năm ĐCSTQ là lịch sử của chuỗi dài các cuộc thanh trừng và đàn áp đẫm máu mà toàn bộ sự thật chỉ có thể được bạch hoá sau sự cáo chung của ĐCSTQ.
2.Mưu toan vĩnh cửu hoá tư tưởng cá nhân
Lên cầm quyền, Mao Trạch Đông đưa “Tư tưởng Mao Trạch Đông” vào Điều lệ ĐCS TQ. Đến thời Đặng thì Đặng đưa “Lý thuyết Đặng Tiểu Bình” vào Điều lệ ĐCS TQ. Đến thời Giang Trạch Dân (1992-2002) thì Giang đưa “Ba đại diện” của Giang vào Điều lệ ĐCS TQ. Đến khi Hồ Cẩm Đào lên cầm quyền (2002-2012) thì Hồ đưa “Quan điểm phát triển khoa học” của Hồ vào hệ thống lý luận của ĐCSTQ. Và đến thời Tập Cận Bình thì Tập đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” vào Điều lệ ĐCSTQ.
Tóm lại, các lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ xem Điều lệ ĐCSTQ như là cái thùng rác cá nhân của họ, để họ bỏ vào đó những điều tuỳ ý. Và họ toan “vĩnh cửu hoá” tư tưởng của họ qua Điều lệ ĐCSTQ. Dẫu tất cả họ đã biết trước, rằng đến một ngày hậu thế sẽ vứt tất cả vào thùng rác.
3.Sùng bái cá nhân và kéo dài quyền lực
Thể chế CHND Trung hoa là một biến thể của nhà nước phong kiến. Sùng bái cá nhân là thuộc tính. Kéo dài quyền lực là thuộc tính. Lịch sử thể chế CHND Trung hoa từ Mao Trạch Đông cho đến Tập Cận Bình chứng minh các khẳng định đó. Tập Cận Bình đang tìm cách phá bỏ quy định 2 nhiệm kỳ để ngồi trên ghế quyền lực cho đến lúc chết. Sùng bái cá nhân và kéo dài quyền lực là thuộc tính của dòng họ các thể chế độc tài. Nhà nước phong kiến thuộc vào dòng họ các thể chế độc tài.
III. QUÁI VẬT ĐỘI LỐT MINH CHỦ
Thảm hoạ Covid – 19 xuất phát từ Vũ Hán đang mang đến cho loài người những mất mát vô cùng to lớn. Cả thế giới bị cách ly trong suốt gần 2 năm qua kể thừ tháng 1/2020 và chưa biết đến khi nào được trở lại cuộc sống bình thường. Cho đến thời điểm hiện tại, trên toàn thế giới có hơn 185 triệu người mắc bệnh và hơn 4 triệu người chết vì Covid -19. Tổn thất kinh tế trên toàn thế giới ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ USD mà chưa có hồi kết. Đây là thảm hoạ dịch bệnh mang lại tổn thất lớn nhất về tài chính trong lịch sử nhân loại.
Các nhà khoa học thế giới đang đòi hỏi tìm rõ nguồn gốc xuất phát của Covid – 19 từ thiên nhiên hay từ phòng thí nghiệm để có biện pháp đối phó thích hợp. Đã có một số dữ liệu dẫn đến dấu hỏi nghi ngờ về khả năng dò rỉ Covid – 19 từ phòng thí nghiệm. Sự thật cuối cùng sẽ được làm sáng tỏ dù phải đợi chờ nhiều năm.
Điều trớ trêu, trong bối cảnh thảm hoạ Covid -19 chặn hết mọi đường đi của loài người, từ ngõ nhà ra ngõ xóm, cho đến mọi nẻo đường làng, xã, huyện, thị, tỉnh, thành, quốc gia, châu lục, thì hôm 06/6/2021, ông Tập Cận Bình bằng tiền bạc và ảnh hưởng mời chào cho được khoảng 500 đảng phái từ khắp các châu lục tham dự qua internet:
“Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới”.
Ông Tập Cận Bình làm như thảm hoạ Covid -19 xuất hiện từ Nam Cực hay một nơi nào đó, chứ không phải từ Vũ Hán.
TQ bằng sức mạnh tiền bạc và thực lực quân sự đã mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc được nhiều thế lực. Ông Tập tin tưởng rằng ông sẽ buộc mọi người phải im lặng mà đi theo Trung Quốc. Cũng như cả 1,4 tỷ người dân Trung Quốc từng phải im lặng trước tù tội của một triệu người Duy Ngô Nhĩ, cũng như 800 triệu người dân Trung Quốc im lặng trong sự kiện Thiên An Môn ngày 04/6/1989, hay như 600 trăm triệu người dân TQ thời Mao Trạch Đông luôn miệng hô Mao Chủ tịch muôn năm – dù người thân và gia đình bị tang thương trong Cách mạng Văn hoá, bị cơ cực đói rách trong “Đại nhảy vọt”.
ĐCS TQ đã tranh giành vị trí dẫn đầu Phong trào cộng sản thế giới với ĐCS Liên xô ngay từ sau khi Stalin chết. Sau khi ĐCS Liên xô tan rã năm 1991, lãnh đạo ĐCS TQ vẫn không ngừng mơ về vị trí dẫn đầu duy nhất. Và ở thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, khi TQ vươn lên thành quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, thì ĐCS TQ càng thêm duy ý chí vào vị trí dẫn đầu Phong trào cộng sản quốc tế.
Trừ vài quốc gia đếm không hết ngón tay trên một bàn tay, gần 500 đảng phái có đại diện họp trực tuyến hôm 06/6/2021 với lãnh đạo ĐCSTQ – hầu hết là những đảng phái thất thế ở quốc gia của họ. ĐCSTQ làm bạn với bất cứ nhóm, phái, băng đảng nào, dù chỉ vài chục người, để khoác cho họ vị trí một đảng chính trị – tập hợp dưới ngọn cờ của ĐCSTQ, miễn là có lợi cho ĐCSTQ.
Sau 100 năm, ĐCSTQ đã diễn biến xa lạ với mục đích ban đầu. Không còn “giai cấp vô sản đoàn kết lại”, không còn chung lý tưởng, không còn tình đồng chí… Như việc làm của Mao Trạch Đông: đánh nhau với Liên Xô, chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Như lời nói của Đặng Tiểu Bình: “mèo trắng hay đen, miễn là bắt được chuột”.
Lãnh đạo ĐCSTQ có một mục đích duy nhất là cai trị TQ và thống trị thế giới. Mọi hành động của lãnh đạo ĐCSTQ trong bang giao quốc tế chỉ vì mục đích thống trị thế giới trong “một vành đai, một con đường”. Không có ai có thể đồng chí hướng với lãnh đạo ĐCSTQ. Thật ngây thơ khi có ý định đi cùng đường với lãnh đạo ĐCSTQ. Vì sẽ bị con quái vật đội lốt “minh chủ” nuốt gọn.
Về con quái vật ĐCSTQ, không có cuốn sách nào viết tốt hơn cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” – một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979.
Chẳng có động vật hay tổ chức nào sống muôn năm. ĐCSTQ dù có “thượng thọ 100 năm” cũng sẽ đến ngày hết số. Bất kể diễn văn gào thét muôn năm./.