Tân Phong - Web Việt Tân|
Phần 2 của “Dấu chấm hết mô hình tăng trưởng ‘đặc sắc Trung Hoa’ sẽ tác động như thế nào đến ‘phiên bản nhái’ Việt Nam?”
Thương trường hay chính trường đều là những đấu trường máu. Nơi mọi sai lầm đều phải trả giá khốc liệt và khoảng cách từ đỉnh cao tới vực sâu thậm chí chỉ là một lời nói hớ hênh, một hành động bất cẩn. Hãy nhìn những gì đang xảy ra với Alibaba của Jack Ma, Evergrande của Hứa Gia Ấn. Những người này mới đây còn thường xuyên xuất hiện trong các buổi quốc yến, các chương trình nghị sự thế giới về định hướng phát triển thương mại điện tử, ô tô điện, năng lượng sạch, chia xẻ “thịnh vượng chung”… Họ như những siêu sao, thu hút mọi sự chú ý của truyền thông. Giới kinh doanh toàn cầu dõi theo từng bước chân của họ và hàng triệu thanh niên khao khát thành công coi họ là thần tượng sống. Bỗng chốc, họ biến mất, công ty vướng vào nợ nần, tai tiếng về trốn thuế, về gian lận… bỗng chốc trở thành tội đồ, gánh chịu mọi sự đỗ vỡ của nền kinh tế, hỗn loạn của xã hội.
Evergrande, gã khổng lồ về bất động sản của Trung Quốc đã chính thức bị hủy giao dịch trên sàn giao dịch Hong Kong hôm 4 tháng Mười, chỉ dấu cho một cuộc đổ vỡ không thể cứu vãn mặc dù trước đó chính quyền tỉnh Chiết Giang đã tuyên bố mua một lượng lớn cổ phiếu của Evergrande để giúp công ty này vượt qua khó khăn. Nhưng chừng đó chỉ như “muối bỏ bể” so với khoản nợ 300 tỷ Mỹ Kim của Evergrande.
Toàn bộ thị trường bất động sản Trung Quốc đang bị chấn động tới tận nền móng khi không chỉ có Evergrande mà một loạt các công ty bất động sản khác như Fantasia và Sinic Holdings cũng đang trong tình trạng không thể trả được những khoản lãi tới hạn cho những núi trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước đó. Khác với thời điểm hơn 10 năm trước, Bắc Kinh im lặng trước nguy cơ phá sản của những con khủng long mà người ta luôn tin rằng “Too big to fail.”
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ tập hợp nhau kéo đến các trụ sở của Evergrand mang theo băng rôn, khẩu hiệu để đòi tiền. Ở một quốc gia toàn trị như Trung Quốc, nơi mà hệ thống camera giám sát 24/7 phủ sóng khắp các đô thị lớn và luôn thường trực một lực lượng công an khổng lồ để trấn áp người dân thì việc tụ tập đông người, biểu tình là cực kỳ hi hữu. Tuy vậy, thái độ của nhà cầm quyền hiện nay là đứng bên ngoài tranh chấp giữa hàng triệu nhà đầu tư và con nợ Evergrande. Công an chỉ duy trì an ninh trật tự chung, chứ không can thiệp. Điều này lại càng khác lạ vì chỉ mới đây thôi, tất cả những cuộc tụ tập đông người để phản đối những đại công ty như Evergrande sẽ bị đàn áp ngay lập tức.
Cùng với khủng hoảng năng lượng, sự suy sụp của thị trường bất động sản đang hé lộ những rủi ro hệ thống, cách điều hành và can thiệp vào nền kinh tế của Trung Cộng. Bắc Kinh đang bước vào một giai đoạn cải tổ dưới bàn tay của Tập Cận Bình. Có lẽ, thời “Mèo trắng, mèo đen” đã hết khi yếu tố lý tưởng xã hội “thịnh vượng chung” của ông Tập được nêu cao. Nếu ông ta là một nhà phẫu thuật đại tài, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ được cơ cấu lại, thay đổi mô hình phát triển theo hướng “sạch hơn, bền vững hơn và công bình hơn.” Nhưng mọi cuộc cải tổ thì đều có xáo trộn, đánh đổi và hy sinh. Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, có rất nhiều những cuộc “đại cải tổ, đại cải cách, đại nhảy vọt” với những tham vọng ngất trời, vĩ thanh kinh thiên động địa, nhưng thường thì kết quả của những công cuộc này đều dẫn đến thảm họa. Vấn đề là cái giá phải trả là gì và ai phải trả giá?
Hệ thống kiểm duyệt thông tin khổng lồ của Trung Cộng đang mập mờ hé lộ những đoạn video đám đông hàng trăm người (các chủ đầu tư) la hét, mang băng rôn, biểu ngữ kéo đến các trụ sở của Evergrande đòi tiền. Đây là điều rất hiếm hoi ở đất nước này. Hãy để đám đông phẫn nộ, khóc lóc, một vài người nhảy lầu… Không sao cả! Khi tòa tuyên án và ông chủ họ Hứa bước lên đoạn đầu đài. Vở kịch này sẽ khép lại. Mọi chuyện sẽ “êm ngay” khi lưỡi lê của đảng được rút ra. Trong câu chuyện Evergrande, Bắc Kinh đang có những động thái ưu tiên việc hoàn thiện các dự án dở dang để bàn giao hàng trăm ngàn căn hộ cho khách hàng trong nỗ lực xì hơi bớt căng thẳng xã hội. Nhưng với cổ phiếu doanh nghiệp thì không. Hàng triệu các trái chủ chắc chắn sẽ phải chấp nhận cay đắng nhìn đống cổ phiếu và trái phiếu của mình biến thành giấy vụn.
Luôn là như vậy, ở một xã hội toàn trị, người dân sẽ là người trả những tấm hóa đơn và những khoản Nợ từ trên trời rơi xuống, bị lừa gạt và cướp bóc một cách tinh vi tới đồng xu cuối cùng. Tuy vậy, xét trên tầm vĩ mô hiện tại, với mức độ đa dạng, sức sống, tiềm lực của khối doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra một “công xưởng thế giới,” những xáo trộn này cũng sẽ ở mức độ giới hạn. Những phóng đại từ cuộc sụp đổ Evergrande hay thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc chỉ là lo lắng “Trời sập.” Chắc chắn sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ tạo ra những chấn động của nền kinh tế Trung Quốc. Nó cũng đánh dấu một kỷ nguyên phát triển theo chiều rộng phải chấm dứt, dù thị trường và hàng triệu người phải trả giá đau đớn.
Từ cuộc sụp đổ Evergrande, nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng đưa ra những khuyến cáo và phân tích dựa trên những chỉ số kinh tế “vĩ mô” về cơ cấu Nợ liên quan bất động sản của khối ngân hàng, các doanh nghiệp và sức khỏe nền kinh tế, v.v. Hầu hết những ý kiến đều cho rằng Evergrande là một bài học cho thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng bức tranh tổng thể của Việt Nam vẫn đẹp, rất “hồng,” rất tiềm năng… Những nhận định lạc quan vốn dĩ thường trực trong não trạng của những “lãnh đạo” và các kinh tế gia xứ Đông Lào. Trong bối cảnh này, họ đều đồng ý với nhau rằng “Evergrande sụp đổ nhưng mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam.” Có thật như vậy không?
Evergrande sụp đổ. Bao giờ “chuông gọi hồn …Vin”?
Một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam kể từ thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng tới nay là việc sử dụng đòn bẩy tín dụng cực lớn, đầu tư công tăng mạnh và thu hút FDI bằng mọi giá để gia tăng xuất khẩu. Hạ tầng phát triển hơn, tiến trình đô thị hóa nhanh và nguồn tín dụng dồi dào đã khiến cho thị trường bất động sản của Việt Nam bùng nổ. Với mức tăng giá trung bình khoảng 20 – 30%/năm đối với thị trường các tỉnh và tăng tới 50-70%/năm đối với hai thành phố Hà Nội – Saigon trong 2 thập kỷ vừa qua đã khiến cho mặt bằng giá bất động sản so với thu nhập đại đa số người lao động Việt Nam là một sự mỉa mai.
Xuất phát từ tâm lý cố hữu, cũng như sự nghèo nàn trong các lựa chọn đầu tư, gần như mọi nguồn lực xã hội đều tập trung vào bất động sản. Nếu như thị trường bất động sản Trung Quốc chiếm tới 40% tổng đầu tư nguồn lực của xã hội thì ở Việt Nam con số này có thể tới 80% tổng đầu tư xã hội. Bong bóng bất động sản xuất phát vừa từ nhu cầu tất yếu của xã hội nhưng ảnh hưởng của tâm lý đầu cơ lại là yếu tố khiến cho thị trường phát triển nóng tới mất kiểm soát.
Đặc thù trên của bất động sản Việt Nam rất giống với Trung Quốc và thể chế xã hội cũng vậy. Các hoạt động kinh doanh đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp đều phải gắn chặt chẽ với các quan chức chính quyền. Câu bùa chú “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do dân làm chủ. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý” đã cho phép nhà cầm quyền kết hợp với giới tư bản thân hữu tùy ý cướp bóc, thu hồi rẻ mạt đất đai và biến thành những mỏ kim cương cho các gia tộc Đỏ. Đó là mấu chốt cho quá trình phát triển kiểu Thánh gióng của các tập đoàn như Vingroup, Sungroup, FLC… Người ta có thể thấy một Evergrande thu nhỏ qua những lộ trình phát triển thần kỳ của Vingroup ở Việt Nam.
Nếu Evergrande là doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 ở Trung Quốc thì Vingroup là tập đoàn số 1 ở Việt Nam. Evergrande đầu tư ngân hàng, đầu tư xe điện thì Vingroup còn từng làm nhiều hơn thế. Từ sản xuất điện thoại thông minh, bán lẻ, tài chính – ngân hàng, hàng không, sản xuất ô tô động cơ đốt trong và bây giờ là xe hơi điện…, Phạm Nhật Vượng được coi như “ông thần đèn” của chế độ CSVN. Tức là giới chính trị chóp bu chỉ cần xoa vào cái đèn Vingroup, đọc câu thần chú và nói điều ước. Ông “thần đèn Phạm Nhật Vượng” sẽ biến một bãi sình bùn, một hoang đảo thành một thành phố xa hoa diễm lệ, sẽ biến giấc mơ ô tô, điện thoại đóng mác “Made in Vietnam” thành hiện thực để đám quan chức tha hồ ngạo nghễ “Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như hôm nay.” Những chỉ số kinh tế vĩ mô được thổi lên mây xanh, minh chứng cho tính đúng đắn của đường lối lãnh đạo và đảm bảo ghế, phiếu cho các vị trí chóp bu. Chỉ có điều, ông thần đèn Phạm Nhật Vượng không làm điều đó miễn phí.
Vingroup sở hữu quĩ đất lớn tới mức 20 năm nữa cũng không thể nào phủ kín và lớn hơn tất cả các nhà phát triển bất động sản còn lại trên thị trường cộng lại. Để xây một nhà máy sản xuất những chiếc xe Vinfast từ dây chuyền thải hồi của BMW ở Cát Hải thì gần như một nửa vùng đảo chiến lược này phải dành cho Vingroup. Để xây dựng một khu đô thị biển ở Quảng Ninh thì gần như toàn bộ vùng phên dậu trọng yếu về quốc phòng cũng như địa kinh tế chiến lược đều rơi vào bàn tay của Phạm Nhật Vượng. Tham vọng của ông thần đèn Vượng có lẽ còn lớn hơn nhiều Lý Gia Thành hay Hứa Gia Ấn cộng lại.
Vingroup cũng là một con nợ rất lớn của hệ thống ngân hàng nhưng vai trò chủ nợ và con nợ đã bị đảo ngược. Những khoản nợ hàng chục ngàn tỷ đồng khiến cho các giám đốc ngân hàng vừa phải ve vãn Vingroup mượn tiền, vừa phải “lạy Trời khấn Phật” cho các dự án của Vin được xuôi lọt. Những chỉ dấu từ hàng loạt cuộc thoái lui trong các lĩnh vực đầu tư như sản xuất điện thoại, tài chính ngân hàng, bán lẻ… không thể biện hộ được cho một chiến lược kinh doanh sai lầm và cổ phiếu của tập đoàn này cũng đang xuống dốc chóng mặt.
Thị trường bất động sản là chứng khoán Việt Nam có thể nói là thị trường đầu cơ điên rồ nhất thế giới. Hàng triệu nhà đầu tư say sưa mua đi bán lại những cổ phiếu, trái phiếu “3 Không” – không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành – với tổng giá trị hàng trăm ngàn tỷ đồng. Mức lãi suất hứa hẹn của những cổ phiếu “3 Không” của một số doanh nghiệp lên tới 18%/ năm và tốc độ tăng trưởng nợ của các doanh nghiệp bất động sản ở mức 40%/năm. Thậm chí, có những ông lớn chỉ trong vòng một năm đã tăng nợ 160% so với cùng kỳ năm trước đó.
Có một thực tế là dù Evergrande sụp đổ hay Alibaba bị quốc hữu hóa thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới Việt Nam. Đơn giản là đại gia và giới quan chức Việt Nam ưa thích bất động sản ở Mỹ, Úc, Châu Âu hơn là ở Trung Quốc và cũng không nhiều các nhà đầu tư Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán Hong Kong. Vấn đề ở đây là sự tương đồng mang tính hệ thống giữa hai nền kinh tế gắn mác “kinh tế thị trường định hướng XHCN” mà thực chất là nền kinh tế tư bản thân hữu băng đảng. Có thể nói rằng, kinh tế Việt Nam là một phiên bản nhái lặp lại tiến trình và mô hình phát triển của Trung Quốc nhưng lạc hậu và yếu kém hơn nhiều về mọi mặt. Nên những gì diễn ra ở Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra ở Việt Nam.
Cũng có thể, các tập đoàn BĐS ở Việt Nam như Vingroup sẽ trường tồn giống như câu khẩu hiệu “XHCN muôn năm, tinh thần 2/9 bất diệt.” Sự ngạo nghễ của giới chức CSVN luôn có thừa và giới tư bản thân hữu “còn đảng còn mình” cũng như vậy. Đối với đám chóp bu CSVN cũng có một xác định chính trị nhất quán rằng “Còn Vượng, còn mình.” Cho nên, kết cục của Evergrande có lẽ sẽ không xảy ra với Vingroup trong ngắn hạn. Một yếu tố nữa là độ mở của thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ. Dù vậy, gần đây tập đoàn này đã mở rộng việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu quốc tế. Rủi ro của Vin không còn nằm trong giới hạn của một doanh nghiệp khi nó đã nắm giữ quá nhiều địa kinh tế, chính trị chiến lược quốc gia.
Người viết vẫn hy vọng Vingroup nằm ngoài qui luật “Sinh Lão Bệnh Tử,” nằm ngoài tác động tàn phá của cơn ôn dịch cúm Tàu. Cũng hy vọng “ông thần đèn Phạm Nhật Vượng” là một người yêu nước theo đúng nghĩa. Được vậy, dẫu cho “Thạch nổi, Mao chìm, Đồng khô, Hồ cạn,” thì “bản dư đồ cha ông nhọc khó” vẫn còn nguyên vẹn cho mai sau. Hy vọng rằng, sau Evergrande, “chuông” không gọi hồn Vin. Hy vọng thì cứ hy vọng thế nhưng mà, thường thì “đời không như mơ!”
Tân Phong
XEM THÊM