Những ngày vừa qua, vị Đệ Nhất Phu Nhân VNCH Nguyễn Thị Mai Anh qua đời ở tuổi 90, đã được báo chí ngoài nước và dư luận xã hội nói đến rất nhiều, nhưng báo trong nước không có lấy một dòng.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh cắt băng khánh thành bệnh viện Vì Dân.
Cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và bà Mai Anh
Người ta nói đến Bà không chỉ vì Bà là vị Đệ Nhất Phu Nhân duy nhất của VNCH, vợ của cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Mà vì Bà còn là nhà hoạt động xã hội. Vì di sản của Bà để lại cho đời là bệnh viện Vì Dân.
Trả lời báo chí về vai trò Đệ Nhất Phu Nhân của mình, Bà nói: “Sự quan tâm của chồng tôi là làm chính trị. Còn sự quan tâm của tôi là phúc lợi xã hội, và tôi có thể giúp chồng tôi theo cách này”.
Sau khi trở thành Đệ Nhất Phu Nhân, qua những hoạt động nhân đạo , Bà cảm thông với sự thiếu thốn các cơ sở điều trị của dân chúng khi đau ốm, nhất khi thấy tầng lớp nghèo khó không có tiền chữa bệnh, nên Bà có ý tưởng, khởi xướng thành lập một bệnh viện phục vụ người dân ngay tại thủ đô Sài Gòn của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm 1971, Bệnh viện Vì Dân ra đời trong nỗi lo toan của vị Đệ Nhất Phu Nhân, và mặc dù đó là bệnh viện tư, nhưng được điều hành như bịnh viện công, người dân vào đây được khám chữa hoàn toàn miễn phí. Nguồn kinh phí xây dựng do bà Mai Anh vận động quyên tiền đóng góp của nhiều người, bao gồm thân hào nhân sĩ, thương gia, kỹ nghệ gia… xây dựng nên.
Đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi.
Ngày nay muốn biết thông tin về bệnh viện Thống Nhất, hãy vào google, gõ mấy chữ Bệnh viện Thống Nhất do ai xây dựng, thì chỉ trong 0,71 giây, đã cho 33.900.000 kết quả.
Ngay những dòng đầu tiên của Wikipedia, khi viết về bệnh viện Thống Nhất, đã viết: “Bệnh viện Thống Nhất là một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, với tên gọi ban đầu là Bệnh viện Vì Dân. Bệnh viện Vì Dân được xây dựng do bà Nguyễn Thị Mai Anh (phu nhân tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu) vận động quyên tiền đóng góp của nhiều người bao gồm thân hào nhân sĩ, thương gia, kỹ nghệ gia….”
Sau năm 1975, người ta mới đổi tên thành bệnh viện Thống Nhất, nhằm khám và điều trị cho cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước. Hai chữ Vì Dân đã bị chôn vùi vào dĩ vãng.
Điều này người dân Sài Gòn tuổi trung niên trở lên ai cũng biết.
Mà họ đổi tên cũng phải, vì ngày nay nói đến bệnh viện là nói đến tiền. Câu Lương y như từ mẫu không còn có chỗ trong thời buổi kinh tế thị trường.
Vậy mà hiện nay, trên trang Web của bệnh viện Thống Nhất, bài Lịch sử hình thành và phát triển viết:
“Tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất là Bệnh viện K71 Quân Giải phóng Miền Nam…Đơn vị K71 - tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất - rất xứng đáng được tặng Huân chương Quân công hạng nhì với rất nhiều kỳ tích - có thể nói là anh hùng - mà đơn vị đã lập được trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Báo tuổi trẻ ra ngày 30/10/2020 có bài:“Bệnh viện Thống Nhất kỉ niệm 45 năm ngày thành lập”, cũng một giọng điệu phủ nhận việc bệnh viện Thống Nhất trước năm 1975 do bà Mai Anh xây và đặt tên là Vì Dân. Nhưng có lẽ thấy xấu hổ vì sự đổi trắng thay đen trơ trẽn này, nên sau đó bài đã bị xóa.
Từ năm 1975 đến nay mới chỉ 46 năm, chỉ là giấc ngủ trưa đối với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Một sự việc rõ ràng như ban ngày, chưa đến nửa thế kỳ mà đã đổi trắng thay đen như thế. Vậy thì trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt, những trang sử nào chiến thắng vinh quang, nào là lịch sử vẻ vang, chỉ toàn thấy ta thắng địch thua, rất vinh quang và ngạo nghễ, được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh, thì đâu là sự thật?
Và những trang hồi ký vẻ vang của ông nọ bà kia, toàn là đạo đức sáng ngời, toàn là những hành động vì dân vì nước.v.v.thì có bao nhiêu % là sự thật?
Như chuyện phi công Nguyễn Văn Bày “bị máy bay Mỹ bắn thủng kính buồng lái, vết thủng khoảng trên 30cm. Đặc biệt, ngay vị trí kính trước vị trí tam tinh của tao, có một vết bằng cái đít ly uống trà nhưng tao không bị gì. Tao dùng tay bịt lại và hạ cánh an toàn,”khi máy bay có tộc độ 700km/h mà không bị sự chênh lệch áp suất không khí sẽ xé toác buồng lái và lôi ông ra ngoài?(báo Công an Nhân dân ngày 29/4/2015).
Như “Phùng Quang Thanh đang bị thương vẫn đeo 17 quả lựu đạn quanh người, dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, diệt gọn một đại đội địch”(báo Dân Trí ngày 11/9/2021).
Như “Bế Văn Đàn hiến trọn tuổi đôi mươi/Thân trai trẻ vì nhân dân làm giá súng/Phan Đình Giót như một hòn núi lớn/Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai/La Văn Cầu, rất quý những bàn tay/Đã chặt đứt cánh tay mình, xông tới…”Trong bài thơ Vinh quang thay thế hệ HCM của tác giả lưu Trùng Dương, được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học.
Những tấm gương dũng cảm như thế có bao nhiêu là sự thật?
Việc che đậy sự thật, xuyên tạc lịch sử để tô vẽ cho chế độ là hành động ngu dốt của kẻ vô học, làm xói mòn lòng tin của người dân với chế độ mà thôi.
Đừng biến những sự thật lịch sử thành những trang ngụy sử để nhồi sọ và đầu độc con người, sẽ có ngày bị phơi bày ra ánh sáng.
Bởi vì cái kim trong bọc có ngày lòi mũi ra.
tn 23/10
23.10.2021
Thảo Ngọc