Rất nhiều trang báo nhà nước lấy lời thầy cô giáo "đập" Trần Ngọc Thêm về việc đòi bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" với giọng lưỡi nguỵ biện trắng trợn. Chung quy có 3 nguỵ biện sau:
1) Trong tình hình học sinh vô lễ với thầy cô, bạo lực học đường ngày một gia tăng, càng phải giữ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn", xác lập lại phép tắc, "đạo đức làm người" cho trẻ em.
2) Giáo dục xuống cấp, xã hội suy đồi, càng phải giữ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" để xác lập lại quy tắc, chuẩn mực giá trị truyền thống.
3) Có giáo sư còn đưa tấm gương Trung, Nhật ra loè, rằng Trung Quốc nhờ khôi phục khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn", Nhật Bản nhờ duy trì Nho giáo mà Trung Quốc và Nhật Bản trở thành cường quốc văn minh.
Những người tham lam quyền lực (kể cả loại thầy tham ăn lễ vật, sợ bỏ lễ là mất phần), hoặc không có trí sẽ thấy bùi tai với 3 nguỵ biện trên.
Cá nhân tôi thấy đó là một sự nguỵ biện trắng trợn! Nguỵ biện của kiểu nhà Nho tân thời với mưu toan phục hưng và làm mới Nho giáo, thứ tôn giáo-chính trị đã từng làm liệt não con người. Nguỵ biện như vậy thì buộc tôi phải vạch trần cả ba nội dung trên.
1) Tôi dám khắng định với các "nhà Nho tân thời" rằng, khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" chỉ được trương lên ở nhà trường Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, 1986. Chính từ khi khoa trương khẩu hiệu này, tình hình học sinh vô lễ với thầy cô, bạo lực học đường mới ngày một gia tăng. Người ta quên rằng, cùng với khẩu hiệu này, ngày lễ 20.11 mới bắt đầu khoa trương rầm rộ. Tôi còn nhớ thời tôi đi học phổ thông, ngày 20.11 chỉ làm lễ chung ở trường để phát động tinh thần Hiến chương nhà giáo. Từ khi khoa trương khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" ngày 20.11 bị biến thái nghiêm trọng, phụ huynh, học sinh đua nhau tế thầy bằng lễ vật để quay về cái gọi là truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Đạo gì ở đây không rõ, chỉ thấy một hiện thực nhãn tiền là người thầy ngày một tham lam và bạo chúa hơn, còn người học thì cúi đầu, khom lưng quà cáp, biếu xén một cách đê tiện hơn.
Hoá ra, mấy thầy cô nói không có khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn", học sinh vô lễ hơn là nói giai đoạn 1945-1986? Và cái nghĩa "vô lễ" ở đây là thời kỳ đó người học không biết dùng lễ vật để tế sống thầy?
Chuyện trò đánh thầy hay bạo lực học đường chẳng phải diễn ra ngay dưới cái khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" đấy sao? Chẳng phải vì chữ Lễ mà thầy bạo chúa, tham lam quá mức mới bị ăn đòn đấy sao? Tôi tin những thầy thay vì đòi Lễ, đòi làm bạo chúa học đường, chỉ cần yêu thương và tôn trọng trò, chẳng thầy nào bị sỉ nhục hay bị đánh cả.
Riêng chuyện học trò đánh nhau thì thời nào cũng có, chẳng liên quan gì đến lễ hay không lễ!
2) Giáo dục xuống cấp, xã hội suy đồi cũng chẳng phải bắt đầu từ khi trương khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" hay sao? Một nền giáo dục mà triết lý giáo dục đầy mâu thuẫn, Mác không ra Mác, Mao không ra Mao, Khổng không ra Khổng thì biết tin và đi về đâu? Trong khi "lấy kim chỉ nam chủ nghĩa Mác" với lý luận đấu tranh giai cấp để giải phóng nô lệ, người ta lại dùng Mao để trấn áp những tiếng nói khác, lại lấy Lễ của Khổng ra áp đặt thành khuôn mẫu (tầm chương trích cú, học và làm theo mẫu cũng từ đây), xem người lao động như tôi tớ tuyệt đối phục tùng quyền lực, giáo dục như vậy đâu chỉ đơn giản là xuống cấp? Người làm chương trình và sách giáo khoa thì như thằng mù cầm gậy, người học chẳng còn biết chân lý ở đâu và tất loạn não. Giáo dục như vậy khác nào biến nhà trường thành nhà tù và trại tâm thần?
Nếu nói giáo dục là trồng người, thì sau 10 năm vừa khoa trương tự do bình đẳng của chủ nghĩa Mác, vừa trấn áp theo chủ nghĩa Mao, lại vừa khoa trương đạo đức tôn ti của Nho giáo, cái cây người đó đã chẳng phải phát triển thành một thứ quái vật hay sao? Một xã hội mà không ít kẻ có quyền lực leo lẻo đầu môi chót lưỡi về tự do, bình đẳng nhưng lại lộ ra sự tham lam vô độ "ăn không chừa thứ gì", từ thôn tính đất đai đến loạn xạ gái gú, miệng nói "do dân, vì dân" nhưng sẵn sàng trấn áp dân, coi dân như cỏ rác, không khác tham quan ô lại thời phong kiến, thì suy đồi là chắc chắn chứ sao đổ lỗi do thiếu "Tiên học lễ hậu học văn"?
3) Khi đặt vấn đề Trung Quốc nhờ quay lại khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn", Nhật Bản nhờ duy trì Nho giáo mà phát triển mạnh mẽ thì sao không đặt luôn cả loạt câu hỏi: 1) Cả ngàn năm trung cổ, Trung hay Nhật lấy "Tiên học lễ hậu học văn" hay Nho giáo làm "kim chỉ nam", sao không phát triển hùng mạnh thành cường quốc văn minh? 2) Âu - Mỹ không lấy "Tiên học lễ hậu học văn" hay Nho giáo làm "kim chỉ nam", người dân các nước đó đã thành vô lễ hay suy đồi một cách thảm hại?
Tôi dám khẳng định với các giáo sư sùng bái Trung hay Nhật rằng, Trung Quốc, Nhật Bản trỗi dậy hùng mạnh thành cường quốc văn minh không liên quan gì đến Nho giáo cả. Họ phát triển hoàn toàn nhờ mở cửa hội nhập với khoa học kỹ thuật phương Tây đấy! Còn việc khôi phục hay duy trì Nho giáo chẳng qua chỉ là sự tham lam của quyền lực, một nỗ lực cuối cùng để duy trì thể chế quân chủ độc tài trong điều kiện cơ tầng xã hội đã biến động và thay đổi từ sau khi các quốc gia này mở cửa. Trung Quốc là sản phẩm điển hình của con quái vật đầy dã tâm, vừa Mác, vừa Mao, vừa Tần Thuỷ Hoàng, vừa Khổng, vừa ăn cắp tư bản phương Tây với phương châm "mèo trắng mèo đen miễn bắt được chuột". Riêng Nhật thì thể chế quân chủ chỉ là cái vỏ rỗng cho mọi người còn biết tôn kính Thiên hoàng, còn cơ chế xã hội thì dân chủ bình đẳng thật sự theo nguyên tắc "tương kính". Nhật duy trì truyền thống võ sĩ đạo đặc thù Nhật chứ chẳng phải thằng Nho vừa mặc áo đỏ Mác vừa khoác Veston Tây như con quái vật Trung Hoa. Đừng bịa!
Trung Quốc, Việt Nam một thời nghèo đói, rách nát là do mô hình hợp tác xã duy ý chí và sai lầm, không liên quan gì đến "Tiên học lễ hậu học văn"!
Chu Mộng Long