Việt Nam sẽ có 15 triệu dân thiếu đói trong năm 2022

Tân Phong - Web Việt Tân|

Giới chức và những “chiên da” kinh tế theo trường phái “Đông Tây y kết hợp với cúng” của CSVN liên tục vỗ về dư luận rằng “Đừng có lo, lạm phát chưa xảy ra ở Việt Nam” và đồng thời khuyến khích chính phủ đưa ra những các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế lớn chưa từng có. Việc nhà cầm quyền sống chết mặc dân, đảng ôm chặt túi tiền ngân sách đã khiến cho nền kinh tế tư nhân thiệt hại nặng nề.

Tổn thất không thể đo đếm khi ít nhất 1/3 số lượng doanh nghiệp trên toàn quốc đã phá sản, đóng cửa tạm thời hoặc cắt giảm phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn 29 triệu lao động thất nghiệp, nghỉ việc, bị cắt giảm giờ làm… Tăng trưởng kinh tế đã rơi thẳng đứng từ hơn 6% xuống -6%… Sau khi nhận nhiều chỉ trích giới chức Việt Nam đang loay hoay đảo ngược các chính sách chống dịch cực đoan trước đó và tìm kiếm những nguồn tài chính để bơm vào nền kinh tế.

Tuy vậy, các gói tín dụng kích thích kinh tế mới chỉ có trên tivi và được đem ra bàn thảo ở chốn nghị trường nhưng giá cả của hầu hết các ngành nghề từ lương thực, xăng dầu, sắt thép… đã tăng 60% – 90% so với cùng kỳ 2019. Với hơn 200.000 doanh nghiệp phá sản và đóng cửa trong 2 năm qua khiến cho 29 triệu lao động thất nghiệp, nghỉ tạm thời, thu nhập của người dân bị suy giảm rất lớn. Điều này tác động trực tiếp tới tổng cầu thị trường khi người dân thắt chặt chi tiêu. Chỉ số CPI có lúc xuống dưới 50 điểm khiến cho giới chức CSVN lấy đó để lòe bịp người dân là “Làm gì có lạm phát, CPI thấp thế lấy đâu ra lạm phát…”

Chỉ giới kinh doanh mới có thể cảm nhận rõ cơn lốc lạm phát đang xói mòn nguồn lực của họ ra sao. Doanh thu của hầu hết các ngành kinh doanh sản xuất (trừ ngân hàng, thương mại điện tử, chứng khoán và bất động sản) đều giảm sốc tới 40 – 90%. Các ngành nghề như du lịch, nhà hàng khách sạn, giao thông vận tải, hàng không, vui chơi giải trí và xuất khẩu lao động… là những ngành nghề bị tàn phá nặng nề nhất.

Đáng chú ý nhất là hai ngành du lịch và xuất khẩu lao động là những ngành mang lại ngoại tệ đáng kể cho CSVN. Những ngành nghề này đứng trước nguy cơ hoàn toàn sụp đổ và khả năng phục hồi ngay cả khi dịch bệnh được khống chế sẽ rất khó đoán định. Điều này, sẽ khiến cho khủng hoảng dai dẳng kéo dài. Chưa kể những biến thể virus mới liên tục được phát hiện, dấy lên những lo ngại cũng như việc thay đổi liên tục các chính sách y tế có tác động sâu rộng tới hoạt động kinh tế. Không có nguồn thu nhưng mọi chi phí đều tăng, vốn liếng cạn kiệt là một nan đề tuyệt vọng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Lạm phát không phải là lời hù dọa mà là một thực tế khốc liệt. Đa số người Việt Nam, chẳng mấy ai quan tâm xem “lạm phát” được định nghĩa như thế nào và nguyên nhân do đâu. Nhưng những bà nội trợ chắc chắn biết thời giá từng ngày, thấy được sự mất giá nhanh chóng của những đồng tiền họ cầm đi mua lương thực, chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Nếu với 200 ngàn đồng, một gia đình lao động 5 người ở Saigon có thể chi tiêu đủ cho các nhu cầu ăn uống cơ bản trong một ngày, thời điểm 2019. Còn giờ đây, với 200 ngàn Hồ tệ chỉ có thể chi trả cho một nửa nhu cầu lương thực tối thiểu trong ngày. Trong khi đó, công ăn việc làm thì không có.

Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt với nguy cơ có thể có tới 15 triệu dân thiếu đói. Thảm cảnh lũ lụt đang diễn ra ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ, cùng với diễn thế sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long bởi khô hạn và nhiễm mặn sẽ bắt đầu cho cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài, trên qui mô quốc gia.

Cần nhắc lại rằng chỉ riêng thành phố HCM trong tháng Tám, 2021, UBND thành phố đã đã phải cầu cứu trung ương 27.967 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để phục hồi kinh tế và cứu đói cho 4,7 triệu dân nghèo. Mặc dù, đã nới lỏng các lệnh phong tỏa giãn cách, xong đầu tàu kinh tế phía Nam vẫn trong trạng thái tê liệt. Với 90% doanh nghiệp có qui mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng chống chịu với tình trạng khốc liệt của trị trường kéo dài trong 2 năm qua đã không còn. Saigon vắng lặng đến không ngờ khi ít nhất 1 triệu dân nhập cư đã phải rời bỏ thành phố. Không có việc làm, nỗi lo sợ dịch bệnh và không có gì để duy trì cuộc sinh tồn, dòng người rời bỏ các đô thị lớn vẫn tiếp tục kéo dài khi thông tin về dịch bệnh đang lan rộng thêm bất chấp kết quả tiêm phòng vaccine đã khả quan hơn.

Vào tháng Mười Một, 2017, trong một bài viết so sánh về những “lợi thế so sánh” giữa Việt Nam và Venezuela, người viết khi đó còn nhiều lạc quan khi cho rằng Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu sản lượng xuất khẩu lúa gạo, café, cá tra, tiêu, điều… nông nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển tốt trong tương lai. Do đó, mặc dù có rất nhiều những đặc điểm giống nhau như “hoa hậu, dầu mỏ và chủ nghĩa xã hội” nhưng Việt Nam sẽ khó có thể xảy ra tình trạng bới rác để ăn như người anh em Venezuela. Có thể Maduro và Tô Lâm cũng như nhiều quan chức CSVN cùng chung sở thích ăn thịt bò dát vàng nhưng dân Việt vẫn dư gạo để ăn, hoa hậu và pháo hoa để ngắm. Tuy vậy, giờ đây, niềm tin ngây ngô đó đã không còn trụ vững.

Nông nghiệp Việt Nam đang phải nhập khẩu hơn 80% cho mọi nhu cầu đầu vào sản xuất. Từ hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, trang thiết bị, thức ăn gia súc, thuốc thú y và thậm chí giờ đây phụ thuộc cả nguồn nước tưới tiêu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long… Không có gì bảo đảm khi cơn bão lạm phát toàn cầu đang tràn tới. Nền nông nghiệp lạc hậu, có trình độ cơ giới hóa thấp, công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch đều lạc hậu hơn so với các nước trong khu vực (chỉ hơn Lào và Myanmar và thậm chí thua kém xa so với Cambodia) như Việt Nam không thể tự chủ đầu vào, sẽ tổn thương nghiêm trọng. Cùng với việc chuỗi cung ứng đứt gãy trên qui mô toàn cầu và giá vận chuyển tăng cao, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất 3 thập kỷ tới nay.

Sản xuất nông nghiệp trong nước đang chịu áp lực cực lớn từ việc tăng giá phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng… các loại vật tư phải nhập khẩu. Trong khi đó, những nông dân năng động ở Nam Bộ đang gặp khó khăn lớn trong tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu truyền thống chủ lực như Trung Quốc đang dần loại bỏ các hàng hóa không đủ tiêu chuẩn của Việt Nam, còn các thị trường cao cấp như Châu Âu, Nhật, Canada… thì đa số các nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam chưa đủ điều kiện xuất khẩu…

Tiêu thụ nội địa bấp bênh vì thời gian vận chuyển bị kéo dài bởi công tác kiểm soát dịch bệnh, các chi phí phát sinh tăng thêm như giá vận chuyển tăng cao… trong khi vốn dĩ đã phải chịu đựng tầng tầng lớp lớp các khoản thuế phí nặng nề. Tất cả những yếu tố này khiến cho người nông dân từ bỏ đồng ruộng và những trang trại chăn nuôi. Giá cả lương thực sẽ leo thang rất nhanh vì cả thiếu hụt do sản lượng suy giảm và cả bị “kéo theo” vì giá đầu vào tăng cao.

Lương thực và năng lượng là hai khoản chi tiêu lớn nhất trong các gia đình lao động. Thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân có mức lương bình quân khoảng 15 triệu đồng (trong trường hợp có đủ việc) thì khoảng 7 triệu đồng chi tiêu cho ăn uống và khoảng 3 triệu đồng cho xăng xe, điện nước. Đó là thời điểm trước khi cơn ôn dịch bùng phát. Nhưng hiện nay, với hơn 29 triệu lao động thất nghiệp, nghỉ việc tạm thời hoặc bị giảm giờ làm thì mức thu nhập người lao động đang bị giảm mạnh.

Trong khi giá lương thực đã tăng cao thêm trung bình 30%. Việc tăng giá lương thực, xăng dầu đang là những đòn chí mạng cho tuyệt đại đa số những “ông chủ” ở xứ thiên đường XHCN. Khác với các quốc gia “tư bản giãy chết,” nơi người dân được nhận các hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống an sinh xã hội, tuyệt đại đa số người lao động Việt Nam tới đây sẽ phải đối diện một thảm cảnh thiếu đói tồi tệ không khác mấy so với những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Vấn đề là hệ thống quan liêu, nhũng lạm CSVN không có khả năng thực thi các chính sách công ích và dân sinh hiệu quả. Nên những gói kích thích kinh tế sẽ chỉ là cơ hội tốt cho việc thao túng, xâu xé chia chác giữa các nhóm lợi ích. Hiệu quả có thể chưa thấy đâu nhưng lạm phát sẽ không thể kiềm chế được và do đó xóa bỏ mọi nỗ lực phục hồi kinh tế. Trong đó, lạm phát và việc tăng giá lương thực và năng lượng sẽ góp phần lớn tạo ra một cuộc khủng hoảng dân sinh sâu rộng tại Việt Nam. 15 triệu dân thiếu đói sẽ không phải là con số cuối cùng trong thảm cảnh nhân đạo ở Việt Nam trong 2 năm tới đây.

Tân Phong

https://viettan.org/viet-nam-se-co-15-trieu-dan-thieu-doi-trong-nam-2022/