Phạm Nhật Bình -Việt Tân
Điều âu lo lớn nhất của chế độ toàn trị tại Việt Nam là làm sao giữ đựợc quyền lực của đảng và tiếp tục bịt miệng người dân để kiểm soát toàn xã hội, ít nhất là ở bề nổi. Tuy nhiên giữ được quyền lực trong bối cảnh xã hội thay đổi từng ngày và sự biến chất của hầu hết cán bộ đảng viên đã trở thành nỗi ám ảnh của một sự sụp đổ được báo trước.
Vì thế gần như hàng năm, vấn đề chỉnh đốn và làm trong sạch đảng lại được nêu lên như một tiếng kêu tuyệt vọng trong mong muốn thức tỉnh hàng triệu đảng viên đang đắm mình trong sự “suy đồi đạo đức cách mạng.”
Hôm Thứ Năm ngày 9 tháng Mười Hai vừa qua, “Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng” được tổ chức tại Hà Nội. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự và cảnh báo trước hội nghị cái mà ông gọi là “nguy cơ suy thoái trong hàng ngũ cán bộ đảng viên” và kêu gọi “phê và tự phê” một khẩu hiệu cũ rích từ hàng chục năm qua. Xem ra đây cũng chỉ là một hội nghị nhàm chán và tuyệt vọng.
Theo báo điện tử của đảng CSVN từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, CSVN đã ban hành tổng cộng 12 văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Với một số lượng văn bản chính trị phải ban hành quá nhiều như thế, rõ ràng nói lên một thực tế kết quả của sự thi hành không bao nhiêu vì sự phớt lờ của đa số đảng viên. Vì sao xây dựng đảng trong sạch vững mạnh và chỉnh đốn đảng không mang đến kết quả suốt một thời gian dài?
Thứ nhất, quan điểm duy ý chí của giai cấp cầm quyền tuy chỉ là thiểu số nhưng chưa bao giờ thừa nhận sai lầm trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Sau năm 1975, đảng CSVN rơi vào tình trạng phân tranh nội bộ trầm trọng nhưng đồng thời cũng có một thời kỳ hòa bình kéo dài để thực hiện chuyên chính vô sản trên toàn quốc.
Từ đó với thanh gươm không đối thoại này, đảng CSVN huy động các thành phần vô sản lưu manh mới nổi, tiến hành công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trong ánh hào quang của cuộc chiến tranh vừa chấm dứt. Nhưng thực tế xã hội ngày càng đói nghèo đã làm tàn tạ mọi chiến thắng hào nhoáng và dạy cho những người cộng sản một bài học đắng cay.
Thứ hai, vẫn với thanh gươm ấy, đảng phải bước vào thời kỳ đổi mới hay là chết, bám lấy kinh tế thị trường như cái phao cứu sinh. Núp bóng những bài học sơ đẳng của chủ nghĩa tư bản, cán bộ đảng viên bắt đầu bén mùi đồng dollar và đua nhau lao vào cơn lốc của sự sa đọa. Vấn nạn tham nhũng khởi đầu từ đó với sự giúp sức công khai của chế độ toàn trị ẩn nấp dưới vỏ bọc chuyên chính vô sản ngày càng càng tinh vi. Pháp luật không đủ răn đe hay chỉ sử dụng để răn đe người phê phán chính quyền.Và sự trong sạch của đảng trong văn bản chính trị trở thành một thử thách không thể vói tới nhưng ngày càng trở nên lố bịch.
Chỉnh đốn đảng đem lại kết quả khá bất ngờ: Thói đạo đức giả trở thành nếp sống của cán bộ đảng viên và hành trình tham nhũng mở rộng từ trung ương xuống tận xã ấp. Từ năm 2006, để cứu vãn tình thế, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương được thành lập, tập trung quyền hạn trong tay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một kẻ tạo ra hệ thống tham nhũng chặt chẽ nhất trong chính phủ. Khi cuộc đấu tranh quyền lực nghiêng về tổng bí thư, ủy ban chỉ đạo lọt vào tay Nguyễn Phú Trọng báo hiệu những màn đấu đá về sau.
Qua công cụ này, ông Trọng tìm cách loại trừ phe nhóm của Nguyễn Tấn Dũng với chiến dịch đột lò, với hai tham vọng vừa diệt trừ phe cánh đối nghịch đồng thời răn đe và hạn chế những bàn tay nhúng chàm. Mặc dù ông đã từng khoe khoang và tổng kết thành tích có hàng chục, hàng trăm cán bộ vào lò, kể cả ủy viên bộ chính trị hay uỷ viên trung ương đảng nhưng thành tích ấy không làm tham nhũng chấm dứt mà trái lại danh sách quan tham ngày càng kéo dài.
Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng giờ đây hiện thân là một sự thất bại và việc chống tham nhũng bằng ủy ban chỉ đạo là một sự sai lầm. Vì tham nhũng ngày nay là bản chất của cán bộ cầm quyền ở mọi cấp cai trị, xuất phát từ giai cấp đặc quyền của đảng CSVN. Chỉ khi nào giai cấp đặc quyền này biến mất, chỉ khi nào chuyên chính vô sản và độc quyền chính trị không còn, Việt Nam mới có cơ may bảo tồn được tài nguyên, vật lực dành cho xây dựng đất nước.
Do vậy hội nghị cán bộ toàn quốc vừa qua chỉ là dịp để tổng bí thư đăng đàn phô diễn một vài ngón nghề văn chương thi phú và răn đe bộ trưởng công an “miếng ăn là miếng tồi tàn,” ngoài ra chẳng có gì hơn.
Đề tài chỉnh đốn đảng và làm trong sạch đảng sẽ còn được đề cập hàng năm nhưng là một đề tài của con đường đi nhưng không bao giờ đến.
Phạm Nhật Bình
https://viettan.org/chinh-don-dang-chung-nao-thanh-cong/