Đừng để con trẻ đơn độc ngay trong nỗi đau của chúng!

Đề nghị của Luật sư Lê Công Định

"Đừng để con trẻ phải đơn độc ngay trong chính nỗi đau của chúng, vì cái giá phải trả nó lớn hơn rất nhiều bởi đó là một nỗi đau mang tên thế hệ!"

Hoàng Nguyên Vũ

 
Một đứa trẻ chịu câm nín cả năm trời với đ.ỏn roi, rủa xả của một người đàn bà xa lạ cặp kè với cha mình, trước sự thờ ơ lẫn đồng loã của người cha, bé đã không biết gọi ai, trong vụ án chấn động vừa rồi.
 
Xung quanh, hàng xóm chỉ nghe ầm ầm, nghe quát tháo rồi báo bảo vệ. Bảo vệ thì bảo đó là chuyện riêng, người ta dạy con người ta...

Bé không được tiếp xúc với người mẹ để kể về những gì mình chịu đựng; bị đe doạ nếu gặp người mẹ sẽ thế này thế nọ. Bé sợ.
 
Nhưng ông bà nội và cô chú của bé, đâu có bị đe doạ gì? Họ đã không đến, không hỏi và cũng không biết cháu mình ra sao...
 
Thực tế nếu nhìn kỹ, bé An không chỉ bị tước đoạt mạng sống chỉ vì cô tiểu tam ác độc hay người cha đồng loã; mà còn cả sự thờ ơ bỏ mặc bé trong những vây hãm bạo lực và môi trường sống thiếu an toàn. Không ai đủ tâm đủ tình để mở cái cánh cửa của cái thế giới im ắng và nghiệt ngã kia đang bao vây chính bé.
 
********
Câu chuyện không đơn thuần chỉ là của pháp luật, mà là câu chuyện của xã hội, là câu chuyện nhức nhối trong việc bảo vệ con trẻ.
Còn biết bao bé An khác đang sống trong cái thế giới nghiệt ngã đó? Tôi nghĩ là còn không ít.
 
Dù là kín mít trong căn hộ chung cư, chen chúc trong nhà phố hay thưa thớt trong những căn nhà vùng nông thôn, miền núi, vẫn còn những tiếng khóc lặng thầm, ẩn ức của con trẻ.
 
Đòn roi, bạo lực và những áp chế tinh thần, mà con trẻ không đủ sức và đủ trí để chống đỡ, bởi đơn thuần con trẻ là con trẻ. Thế mới cần gióng lên cái hồi chuông báo động về việc bảo vệ chúng. Vâng, bảo vệ, trước khi để những hậu quả đau lòng diễn ra để rồi phải đi đòi công bằng.
 
Xưa nay những vụ việc diễn ra chỉ nhờ đến một người dưng nước lã nào đó vô tình thấy bất bằng thì lên tiếng; những cái camera nào đó vô tình bị lộ; hay vài lần là ống kính phóng viên; hoặc đau lòng hơn là để thấy những vết bầm, vết thương trên cơ thể, thì những người thân khác ngoài gia đình mới phát hiện và cảnh báo...
 
Trẻ con ở ta bấy nay chưa thể là người tự đứng ra lên tiếng báo với người khác vì các con bị bạo hành. Chưa thấy điều kiện nào được tạo ra cho các con rằng, các con cần lên tiếng để bảo vệ chính mình trước đòn roi và áp chế. Chưa, thực sự chưa.
 
Vậy, cách nào đây để các con chủ động lên tiếng bảo vệ chính các con chứ không phải may mắn chờ ông Bụt nào đó xuất hiện, thưa những người lớn, thưa những cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ con trẻ, và thưa chúng ta?
Không phải tự nhiên mà câu hỏi đặt ra trong đầu tôi là các cơ quan bảo vệ trẻ em ở đâu, và sinh ra để làm gì?
 
Vâng, hãy trả lời câu hỏi đi, thay vì cảm thấy bị chạm tự ái rồi nhảy đổng lên bảo tôi đụng chạm, xúc phạm hay thông tin sai sự thật như cái cơ quan gì gì tự vơ vào mình rồi chơi trò d.oạ dẫm như vừa rồi. Các vị muốn tôi im lặng và dừng cái việc bảo vệ con trẻ lại ư? Đừng hòng!
 
Tôi không quan tâm các cơ quan này lấy kinh phí từ đâu ra, nhưng khi đã dán cái nhãn mác bảo vệ thì hãy để cái nhãn mác đó có giá trị như tên gọi. Hãy làm tròn chức phận của mình đi, và bất cứ người dân nào cũng có quyền đặt câu hỏi về phía các cơ quan này, khi có bất kỳ sự việc nào xảy đến.
 
Đừng nghĩ rằng đưa cái trò doạ dẫm p.hạt hay xử lý này nọ ra mà loè thiên hạ.
 
Mà tự hỏi xem, mình đã làm gì để bảo vệ những đứa trẻ. Đơn giản vậy.
 
********
 
Còn trong gia đình, hãy làm ơn dẹp triệt để cái trò dùng đòn roi vì không thiếu gì cách để dạy dỗ một con người từ tấm bé.
 
Hãy thôi ngay cái trò doạ dẫm con cái rằng nói ra chuyện này chuyện nọ sẽ bị nọ bị kia. Đơn giản là một ngày nào đó chúng sẽ lớn và chúng sẽ không quên những trò doạ dẫm này. Lúc đó, những người lớn, các người sẽ thế nào, chứ chưa nói đến luật pháp hay bất cứ cái gì khác?
 
Nhưng trên hết, đòn roi hay doạ dẫm, sẽ không cho một đứa trẻ phát triển tự nhiên được. Dạy đứa trẻ biết sợ và cách vượt qua nỗi sợ là nên nhưng ép đứa trẻ phải sợ mọi thứ xung quanh để thụ động trước tất cả, kể cả với chính người thân của mình, là một việc làm vô cùng tội lỗi.
 
Đừng để con trẻ phải đơn độc ngay trong chính nỗi đau của chúng, vì cái giá phải trả nó lớn hơn rất nhiều bởi đó là một nỗi đau mang tên thế hệ!