Thủ tướng Angela Merkel đọc diễn văn tại đại học Harvard ngày 30.5.2019
Nguồn : Bergmann - Trang web của chính phủ Đức (Bundesregierung.de)
Tôn Thất Thông - diendan.org
Ngày 30.5.2019, trường đại học Harvard vinh danh Thủ tướng Angela Merkel với tước vị Tiến sĩ Danh dự về Luật, được tổ chức trong dịp lễ mãn khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2019. Trước cử tọa hơn 20.000 người, bao gồm giáo sư, nhân viên, cựu sinh viên, phụ huynh sinh viên và các sinh viên tốt nghiệp, Angela Merkel đọc một bài diễn văn đầy ấn tượng, điều được thể hiện qua 31 lần vỗ tay vang dội trong suốt bài diễn văn dài khoảng nửa giờ, có lúc cả cử tọa đứng dậy ngưỡng mộ vỗ tay lâu hơn một phút, có lúc sinh viên hô to „wow“, „bravo“ để biểu lộ cảm xúc. Chỉ nhìn vào điệu bộ của Merkel trước micro, có lẽ mọi người đều thấy cảm giác bối rối, ngạc nhiên của Merkel trước sự nồng nhiệt của cử tọa. Bà đứng trên bục ở ngoài trời và dường như có lúc không tin những điều bà thấy ở cử tọa bên dưới.
Ở Đức, Angela Merkel đang đối diện với những vấn đề chính trị quốc nội và sự thất bại trong cuộc bầu cử châu Âu vừa qua, nhưng bên kia bờ đại dương, Merkel được chào đón như một thần tượng nhạc Pop nhờ những thông điệp hết sức rõ ràng, không che giấu, vốn dĩ không phải là phong thái thường ngày của bà.
Angela Merkel chủ yếu phát biểu những gì ? Không hề đề cập đến Tổng thống Donald Trump một lần, nhưng mọi người có mặt đều hiểu rằng, Merkel muốn gởi nhiều thông điệp đến Donald Trump, như một bảng tính sổ với người đồng nghiệp trước khi Merkel rời chức vụ nay mai. Về mặt nội dung, cảm nhận đó của cử tọa hoàn toàn chính xác. Có lẽ, Angela Merkel muốn sử dụng cơ hội cuối cùng này để vẽ một lằn ranh phân biệt giữa bà và Trump, sự khác nhau như trời và đất giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng có lẽ quan trọng hơn, giữa hai con người với nhân cách khác nhau.
Angela Merkel vốn không phải là người có tài hùng biện, đôi lúc nghe bà diễn thuyết có vẻ nhàm chán, buồn ngủ. Những bài diễn văn nổi tiếng nhất của bà thường thể hiện sự hấp dẫn qua nội dung, chứ không phải qua phong thái diễn đạt. Lần này, Merkel phát biểu những gì để gởi gắm đến các sinh viên tốt nghiệp, và qua đó tính sổ với Donald Trump ?
Thông điệp chính trị
Tuy bài diễn văn được đọc cho cử tọa ở Harvard, và nội dung là nhắm tới các sinh viên tốt nghiệp. Nhưng thông điệp chính trị đằng sau các câu chữ là không thể nhầm lẫn : đó là những thông điệp để gởi đến Nhà Trắng và Donald Trump. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của cử tọa biểu lộ sự đồng tâm giữa đôi bên, Merkel và cử tọa ở Hardvard, rằng họ có chung những thông điệp chống lại chính sách của chính phủ Mỹ, và chống lại phong cách hành xử của Donald Trump.
Chính sách thương mại : Đối với chính sách bảo hộ với thuế quan, chiến tranh thương mại của Trump, Angela Merkel phát biểu không hề che giấu và nhân nhượng theo phong cách ngoại giao. Bà nói : „Chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gây nguy hiểm cho thương mại tự do trên thế giới, vốn dĩ là nền tảng cho sự thịnh vượng của chúng ta“, và không quên kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp hành động để chống lại xu hướng nguy hiểm đó.
Bảo vệ môi trường : Trump không hề xấu hổ khi từng tuyên bố là không hề có cái gọi là „biến đổi khí hậu“ hoặc „phá hủy môi trường“ và con người cũng không có tội lỗi gì với những khái niệm đó, mặc dù Mỹ là quốc gia số một với lượng khí thải nhiều nhất phun lên bầu khí quyển. Ngay từ lúc vừa nhậm chức, Trump rút lui khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, một hiệp ước được bàn cãi gần 10 năm và được 195 nước tham gia ký kết. Angela Merkel phát biểu không che giấu, không ngoại giao : „Biến đổi khí hậu đe dọa nguồn sống tự nhiên. Sự biến đổi đó với các cuộc khủng hoảng đi kèm là do con người tạo ra. Vì vậy, chúng ta có thể và phải làm mọi thứ trong khả năng của con người để thực sự có thể kiểm soát được những thách thức đối với nhân loại. Điều này vẫn còn khả thi”. Angela Merkel còn được cử tọa đứng dậy vỗ tay hoan hô, khi bà công bố một quyết định mà chính phủ Đức vừa ban hành vào tuần lễ cuối tháng 5.2019, là đến năm 2050, Đức sẽ đạt tình trạng „trung hòa thán khí“. Đây là tác phẩm để đời của Angela Merkel, cho nên chúng ta có thể chờ đợi rằng, bà sẽ thúc đẩy quyết định đó sẽ nhanh chóng trở thành luật pháp trước khi bà rời chức vụ Thủ tướng.
Chủ nghĩa ích kỷ quốc gia : Angela Merkel dành một đoạn khá dài để kể về trải nghiệm bản thân trong những ngày còn trẻ trong Đông Đức, trong một phần đất tù túng, độc tài, ích kỷ. Nhưng đó chỉ là vài câu dạo đầu để đặt một dấu chấm hết trước cử tọa ở Harvard, vốn có truyền thống tự do phóng khoáng này. Bà nói đến một thế giới mở, dân chủ, gắn kết với nhau trong một không gian hữu nghị, khoan dung, lấy nhân phẩm con người làm trung tâm điểm của mọi quyết định. Đó là những điều đối nghịch với Donald Trump và chủ nghĩa ích kỷ trên bình diện quốc gia mà Trump cứ lập đi lập lại không hề nhàm chán : „America First“, và đi kèm theo là những bài diễn văn của Trump với đầy phong cách American, tự hào, dân tộc chủ nghĩa, sức mạnh quân sự, „các bạn làm cho nước Mỹ tự hào“, „không ai có thể ngăn chặn nước Mỹ làm những chuyện chúng ta muốn“ v.v… Phong cách này làm chúng ta nhớ lại kho thuật ngữ của Joseph Goebel, bộ trưởng tuyên truyền của Quốc xã Hitler. Tai hại thế nào thì chúng ta đã biết.
Chủ nghĩa đa phương toàn cầu : Thay vì co cụm trong khuôn khổ quốc gia theo phương châm „America First“ hay tương tự, Angela Merkel muốn truyền cảm hứng cho sinh viên tốt nghiệp một lối nhìn cởi mở, quốc tế thay vì tư duy chật hẹp trong khuôn khổ biên giới quốc gia : „Đây là suy nghĩ thứ hai của tôi dành cho các bạn : Hơn bao giờ hết, chúng ta cần suy nghĩ và hành động đa phương thay vì đơn phương, toàn cầu thay vì quốc gia, thế giới mở thay vì tự cô lập. Nói tóm tắt : đi chung với nhau thay vì độc hành“. Thế giới mở là một thế giới có tương lai, mặc dù Merkel cũng thú nhận rằng „khoảnh khắc mở lòng cũng là khoảnh khắc của sự rủi ro“, nhưng „nếu chúng ta đi vào không gian rộng mở và dám bắt đầu, mọi chuyện đều khả thi“.
Hợp tác xuyên Đại Tây Dương : Angela Merkel không quên nhắc đến một nỗi tự hào của người Mỹ nói chung và của đại học Harvard nói riêng. Bà nhắc lại rằng, cách đây 72 năm, ngoại trưởng George Marshall đọc diễn văn trong buổi lễ nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại Harvard. Sau đó, kế hoạch Marshall, tức là Kế hoạch Phục hưng châu Âu (ERP) đã mang lại hòa bình, hữu nghị, phồn vinh cho châu Âu và cho cả Hoa Kỳ. Merkel kết luận : „Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với các giá trị dân chủ và nhân quyền đã cho chúng ta một thời gian hòa bình và thịnh vượng dài suốt hơn 70 năm, mà qua đó tất cả các bên đều hưởng lợi“. Mối quan hệ này bị sứt mẻ nặng nề kể từ lúc Donald Trump làm Tổng thống. Thông điệp của Merkel là lời nhắc nhở cho Donald Trump rằng, chuyện gì chống lại quan hệ đối tác chiến lược này chỉ mang lại thiệt hại cho từng quốc gia riêng lẻ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.
Thông điệp đạo đức luân lý
Sự thật và sự giả dối : Sau hai năm, chúng ta đã biết Donald Trump thường lừa dối cử tri với những thủ thuật điều khiển đám đông bằng truyền thông đại chúng, bằng cách chỉ nói một nửa sự thật, bằng thống kê không đầy đủ, thâm chí dùng cả Fake News, rồi sau đó rút lại, trước sau bất nhất. Merkel vẽ một bức tranh tương phản để làm rõ tầm quan trọng của tính chân thật, vì người lãnh đạo „không gọi điều dối trá là sự thật và gọi sự thật là chuyện gian dối“. Sau câu này, tiếng vỗ tay rầm rộ nhất và lâu nhất, đi kèm với lời hô to „bravo“ của sinh viên. Điều này cũng cho thấy tính chất phóng khoáng của cử tọa Harvard, và dường như Trump không có ảnh hưởng gì lên những sinh viên của đại học elite này.
Chân thật với chính mình : Với phong cách trước sau bất nhất của Trump trước và sau kỳ bầu cử, nhân cách của Trump cũng đã lộ rõ. Đối với Trump, chỉ cần đạt mục đích chính trị, còn lại những yếu tố khác đều là thứ yếu. Đối với các sinh viên tốt nghiệp, mà chắc hẳn sau này sẽ có nhiều người trở thành lãnh đạo cao cấp, Merkel nhắc nhở họ về những giá trị đạo đức, những „giá trị không thể dùng để mua bán“ và trong mọi quyết định, cần lấy „sự trung thực đối với người khác, và đối với cả chính mình“ làm gốc. Angela Merkel đặt cho các sinh viên một câu hỏi để họ tự trả lời: „Chúng ta đưa con người, với nhân phẩm và tất cả các khía cạnh của họ, vào trung tâm mọi suy nghĩ, hay chúng ta chỉ nhìn thấy họ là khách hàng, là nguồn dữ liệu, là đối tượng để giám sát?“
Bức tường biên giới : Trong lúc Trump dùng đủ mọi mánh khóe chính trị để có ngân sách xây tường ở biên giới Mexico, thì Merkel nói khá nhiều đến những bức tường khác và kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp „Hãy đập bỏ những bức tường của sự thờ ơ vô cảm và tư duy hẹp hòi, vì không có gì sẽ phải tồn lại như nó đang diễn ra“. Trước đó, Merkel bỏ khá nhiều thì giờ để kể về bức tường Berlin, về trải nghiệm cá nhân bà trong những ngày Đông-Tây còn chia cắt, về cuộc cách mạng hòa bình năm 1989 và kết luận là „cuối cùng, bức tường đã sụp đổ“. Và tất nhiên, mặc dù như bà nói „mọi bức tường đều bắt đầu từ trong đầu óc“, Merkel không quên gián tiếp nói đến bức tường biên giới giữa các quốc gia và nhắn nhủ các sinh viên: „Tôi ước ao rằng, chúng ta đập tan những bức tường này – những bức tường vốn dĩ ngăn chúng ta hiểu biết thế giới, trong đó chúng ta muốn sống cùng nhau“. Phong thái này làm chúng ta nhớ lại câu nói „Tear down this wall“ của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bên bức tường Berlin năm 1961 gởi Mikhail Gorbachev. Theo Angela Merkel, các bức tường sẽ ngăn cản sự chuyển hóa thế giới đến tình trạng tốt đẹp hơn, và sinh viên tốt nghiệp, những người mang trọng trách thiết kế lại bộ mặt thế giới, không thể ngồi yên cho phép chuyện đó xảy ra. Chắc hẳn Trump sẽ không hài lòng chút nào về những ý tưởng của Merkel, nhưng đấy không chỉ là một đòn tạt sườn đối với chính sách của Trump, mà nó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả thế giới.
Suy nghĩ đắn do thay vì kích động nhất thời : Không có vị nguyên thủ nào trên thế gian lại mang tính chất kích động như Donald Trump. Trong lúc Trump thường bày tỏ cảm xúc của mình qua những giòng Tweet được viết ở mọi nơi, mọi lúc, không cần suy trước tính sau, nếu cần thì rút lại không hề đắn đo, thì Angela Merkel nhắn nhủ sinh viên rằng, „[…] và dưới áp lực phải có quyết định, nếu chúng ta không tuân theo những kích động ban đầu, mà thay vào đó hãy dừng lại một chút, giữ im lặng, suy nghĩ, tạm ngừng một khắc“ và bà mong rằng, các sinh viên hãy „kiên quyết đứng vững trên các giá trị không thể mua bán được, và hành động đúng theo lẽ phải“. Nói cách khác, hãy đắn đo suy nghĩ trước khi hành động. Đó chính là chất lượng của người lãnh đạo mà Merkel muốn truyền lại cho sinh viên tốt nghiệp.
Những điều nói không rõ ở Harvard
Trong lúc ca ngợi thành tựu 70 năm của đối tác xuyên Đại Tây Dương, Merkel không bày tỏ một cảm nhận, cũng không đưa ra một phỏng đoán hoặc biểu lộ một niềm hy vọng cụ thể về 70 năm tiếp theo. Merkel không đưa ra một phỏng đoán nào về NATO vốn dĩ thường trực bị Trump công kích. Sợi chỉ hồng „không có gì phải tồn lại như nó đang diễn ra“ xuyên suốt bài diễn văn mà Angela Merkel lập lại trong phần kết luận đọc bằng tiếng Anh, có phải cũng sẽ đúng cho NATO, cho đối tác xuyên Đại Tây Dương? Đây cũng là phong cách quen thuộc của Angela Merkel, và chỉ có bà mới trả lời được.
Chuyến công du sang Harvard cũng là cơ hội cuối cùng trong cuộc đời chính trị, một mặt với tư cách cá nhân đi nhận bằng tiến sĩ danh dự, nhưng mặt khác vẫn còn trong cương vị Thủ tướng, Merkel muốn gián tiếp nhưng chính thức xin lỗi thế giới một lần nữa về tội ác mà Quốc xã Đức đã gây ra cho nhân loại. Bà nói : „Đất nước của tôi, Đức, đã mang những đau khổ không thể tưởng tượng được đến châu Âu và thế giới“. Có vị nguyên thủ nào có thể can đảm nói như thế, ngoại trừ Tổng thống Đức Richard Weizsäcker phát biểu một lần vào ngày 8.5.1985, cách đây hơn 30 năm ? Ngoài ra từ trước tới sau, chúng ta không hề nghe một lời thú tội như thế từ Nhật, từ Ý về những tội ác trong Thế chiến II, lại càng không bao giờ nghe từ một nguyên thủ nào của British Empire nói về tội ác tại các thuộc địa, cũng không nghe từ Grande Nation Pháp, không nghe từ Tây Ban Nha nói về Nam Mỹ, không nghe từ Bồ Đào Nha nói về buôn bán nô lệ ở châu Phi. Merkel xứng đáng được hưởng sự ngưỡng mộ nồng nhiệt từ cử tọa ở đại học Harvard. Có vẻ như sau bài diễn văn này, thêm nhiều người Đức có cảm tình hơn và hãnh diện hơn về vị nguyên thủ của mình.
Cử tọa ở Harvard nghĩ gì về Merkel ?
Trong lời giới thiệu và nêu lý do vinh danh Merkel với tước vị Tiến sĩ Danh dự, chủ tịch Larry Bacow phát biểu: „Một bức tường sụp đổ, và bà ấy vươn dậy, lãnh đạo quốc gia của bà bằng sức mạnh và lương tri, và hướng dẫn châu Âu vượt qua thử thách và thay đổi“. Larry Bacow đặc biệt ca ngợi chính sách nhập cư của Angela Merkel với phương châm „Wir schaffen das“ (ND: chúng ta làm được là phương châm hành động của Merkel trong cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015). Tờ báo chính thức của nhà trường, Harvard Gazette, đã từng đưa tít „Thủ tướng của thế giới tự do“ trong số đặc biệt cho buổi lễ, họ viết : „Với phương châm Wir schaffen das, bốn nhiệm kỳ của Angela Merkel đã để lại dấu ấn của quyết tâm và chủ nghĩa thực tiễn“. Cho dù chính sách nhập cư của Merkel bị chỉ trích trong nội bộ Đức, nhưng vẫn được phái tự do trên thế giới hết lòng ủng hộ, và Angela Merkel biết „phải làm những gì bà cho là đúng“. Nực cười thay, chính sách nhập cư của Merkel bị phê bình dữ dội ở Đức, trong cũng như ngoài Liên minh Cơ đốc (CDU/CSU). Phê bình đó xuất phát từ nhận thức đúng-sai, hay chỉ vì các đảng lớn mất phiếu về phe cực hữu ? Mỗi người có một cách nhìn khác nhau. Dù sao, chính sách nhập cư của Merkel được nhóm người phóng khoáng trên thế giới ngưỡng mộ, thán phục. Harvard là một thí dụ. Và không ít người Đức công khai tuyên bố rằng, họ hãnh diện về chính sách thu nhận dân nhập cư. Họ còn mong muốn rằng, nhà nước nên thu nhận nhiều hơn để cứu các nạn nhân của chiến tranh, khủng bố, đói nghèo và biến đổi khí hậu.
Khi chủ tịch hội cựu sinh viên Harvard, Margaret Wang giới thiệu rằng, Angela Merkel „thực tế là nhân vật lãnh đạo EU“, thì cử tọa vỗ tay hoan hô. Merkel chỉ mỉm cười khiêm tốn. Nhưng khi bà Wang nhắc nhở thêm rằng, chính Angela Merkel đã thu nhận hơn một triệu người nhập cư từ Bắc Phi, thì cả cử tọa đều đứng dậy vỗ tay không dứt. Thái độ đó là câu trả lời hay nhất cho cách hành xử của Donald Trump. Chính Trump, chứ không ai khác, đã bình luận quyết định của Merkel năm 2015 về nhập cư là nó „sẽ phá hủy nước Đức“.
Nhà giáo Harvard Cathryn Clüver phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngay sau buổi lễ : „Người Mỹ tìm thấy ở Angela Merkel một sự bảo đảm cho ổn định“. Ethan Hughes, sinh viên vừa tốt nghiệp Master phát biểu : “Nhiều người Mỹ hướng tầm nhìn về bà, vì ở đây (Mỹ) đang thiếu một khuôn mặt lãnh đạo chính trị có tầm cỡ“. Malek Hassan, tốt nghiệp y khoa : „Bà đã tạo niềm cảm hứng cho cả một thế hệ trẻ“.
Nữ sinh viên Đức Marcella Vutto tốt nghiệp Harvard : „Merkel có một tiếng tăm đáng kể trên bình diện quốc tế. Trong nội bộ Đức, điều đó tiếc thay không được cảm nhận thấu đáo“, và cô bạn học Sonja Krein nói thêm : „Merkel thể hiện một gương mặt rất tốt, đặc biệt trong thời gian còn Trump“. Cô tiếp theo khi được hỏi đến bài diễn văn : „Thật là cool, để có thể có mặt hôm nay với tư cách là một người Đức“.
Nikhil Kumar, sinh viên Mỹ, thì hào hứng hơn : „Merkel đã thành công trong việc truyền cảm hứng cho sinh viên tốt nghiệp, đồng thời gởi thông điệp đến Donald Trump“ và nói tiếp, dù bà không nhắc đến Trump nhưng „quá rõ ràng là các thông điệp của bà đều hướng về Trump. Merkel nhấn mạnh một cách có chủ ý về tầm quan trọng của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương“.
Tôn Thất Thông
Tài liệu tham khảo
1. Angela Merkel : Toàn văn bài diễn văn
2. DW Deutsche Welle : Worüber Merkel in Harvard nicht gesprochen hat (Những điều Merkel không nói ở Harvard):
3. DW Deutsche Welle – Gefeiert und geehrt : Merkel in Harvard (Được hoan hô và kính trọng: Merkel ở Harvard)
4. FOCUS – Weckruf an die Welt (Lời cảnh tỉnh gởi đến thế giới)
5. FOCUS – Die wichtigsten Botschaften der Merkel-Rede (Những thông điệp quan trọng nhất trong bài diễn văn của Merkel)
6. FOCUS – Merkel grenzt sich bei Harvard-Rede scharf von Trump ab (Merkel vạch lằn ranh rõ rệt với Trump qua bài diễn văn tại Harvard)
7. SPIEGEL – Merkels Abrechnung (Bảng tính sổ của Merkel)
8. SPIEGEL – Merkel kritisiert indirekt Trump (Merkel gián tiếp phê bình Trump)
9. SPIEGEL – Merkel in Harvard gewürdigt (Merkel được vinh danh tại Harvard)
10. Washington Post – Merkel tells Harvard grads to tear down „walls of ignorance“ (Merkel kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp Harvard “hãy phá bỏ bức tường vô cảm”):
11. Washington Post – Harvard celebrates Angela Merkel Liberal Hero
12. WELT – Merkels Anti-Trump-Rede mit vielen Botschaften (Bài diễn văn chống Trump với nhiều thông điệp)
13. WELT – Harvard Universität lobt explizit „Wir schaffen das“-Slogan (Đại học Hardvard ca ngợi phương châm „Chúng ta làm được“):
Toàn văn bài diễn văn
của Thủ tướng Angela Merkel
Tôn Thất Thông dịch
(Đoạn đầu và đoạn cuối, bà Merkel phát biểu bằng tiếng Anh như một thủ tục ngoại giao. Đoạn chính thì phát biểu bằng tiếng Đức có thông dịch sang tiếng Anh)
(Đoạn này tiếng Anh)
Thưa Chủ tịch Bacow,
Các nghiên cứu sinh của trường,
Thành viên của Hội đồng Giám thị,
Thành viên của Hội cựu sinh viên,
Thành viên của Khoa,
Quí vị phụ huynh và sinh viên tốt nghiệp!
Hôm nay là một ngày vui sướng. Đó ngày của các bạn. Xin gởi đến các bạn nhiều lời chúc mừng ! Tôi rất sung sướng được có mặt hôm nay và muốn kể cho các bạn nghe một số trải nghiệm của riêng tôi. Buổi lễ này đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn đầy nỗ lực và có lẽ cũng đầy khó khăn trong cuộc sống của các bạn. Bây giờ, cánh cửa đang mở ra để đón chào cuộc sống mới. Điều đó thật hứng thú và đầy cảm hứng.
Nhà văn Đức Hermann Hesse có một số từ ngữ tuyệt vời cho một tình huống như vậy trong cuộc sống. Tôi muốn trích dẫn ông ấy và sau đó xin tiếp tục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Hermann Hesse đã viết: "Mỗi bước khởi đầu đều hàm chứa một điều thần diệu, nó bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta sống."
(Đoạn này tiếng Đức) Những lời này của Hermann Hesse đã truyền cảm hứng cho tôi khi tôi tốt nghiệp khoa vật lý lúc vừa 24 tuổi. Đó là năm 1978. Thế giới bị chia đôi thành Đông và Tây. Đó là thời đại của chiến tranh lạnh. Tôi lớn lên ở Đông Đức, Cộng Hòa Dân Chủ Đức, lúc đó còn là phần đất chưa có tự do trên quê hương tôi, trong một chế độ độc tài. Con người bị đàn áp và bị kiểm soát. Đối thủ chính trị thì bị theo dõi. Chính phủ của CHDC Đức sợ rằng người dân sẽ chạy trốn để đi tìm tự do. Đó là lý do tại sao họ đã xây bức tường Berlin. Nó được làm bằng bê tông và thép. Bất cứ ai bị phát hiện có ý định vượt rào, sẽ bị bắt giữ hoặc bị bắn chết. Bức tường ngay ở giữa Berlin này đã chia rẽ một dân tộc - và nó chia cắt nhiều gia đình. Gia đình tôi cũng bị phân cách như thế.
Chỗ làm đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp là Học viện Khoa học ở Đông Berlin, tôi làm việc với tư cách một nhà vật lý. Tôi sống gần bức tường Berlin. Trên đường từ học viện về nhà, tôi đã đi về hướng đó mỗi ngày. Đằng sau bức tường là Tây Berlin, vùng đất tự do. Và mỗi ngày, khi tôi đến rất gần bức tường, tôi phải rẽ ngang đường khác vào phút cuối – để đến căn hộ của tôi. Mỗi ngày tôi phải rẽ tránh con đường dẫn đến tự do. Đã bao lần tôi nghĩ, tôi khó có thể chịu đựng được điều đó. Nó thật sự rất cay đắng.
Tôi không phải là người ly khai vì bất đồng chính kiến. Tôi không chạy đến bức tường, nhưng tôi không thể phủ nhận sự tồn tại của nó, vì tôi không muốn nói dối bản thân mình. Bức tường Berlin đã hạn chế khả năng của tôi. Rõ ràng nó cản đường của tôi. Nhưng có một điều mà bức tường này không làm được trong suốt những năm đó: nó không thể qui định cho tôi một giới hạn nội tâm. Nhân cách của tôi, trí tưởng tượng của tôi, lòng khao khát của tôi - tất cả những điều này không thể bị hạn chế bởi sự cấm đoán và ép buộc.
Rồi năm 1989 đã đến. Khắp châu Âu, ý chí chung về tự do đã tạo nên sức mạnh không thể tin được. Hàng trăm ngàn người đã dũng cảm xuống đường ở Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc và cả CHDC Đức. Người ta đi biểu tình và bức tường sụp đổ. Điều mà nhiều người – ngay cả tôi – nghĩ là không thể xảy ra đã trở thành hiện thực. Nơi từng là một bức tường tối tăm, đột nhiên mở ra một cánh cửa. Đối với tôi, khoảnh khắc đã đến để bước qua. Tôi không còn phải rẽ ngang đường khác để tránh tự do. Tôi có thể vượt qua nó và đi vào không gian mở.
Trong những tháng này, 30 năm trước, cá nhân tôi đã trải nghiệm rằng không có một điều gì phải được giữ nguyên như nó đã có trong quá khứ. Các bạn sinh viên tốt nghiệp thân mến, tôi muốn truyền lại cho các bạn kinh nghiệm này như là luồng suy nghĩ đầu tiên của tôi: những gì có vẻ cố định và bất khả biến, tự nó cũng có thể thay đổi.
Và dù điều đó lớn hay nhỏ: mọi thay đổi đều khởi đi từ trong đầu. Thế hệ cha mẹ tôi đã phải học điều này rất đau đớn. Cha và mẹ tôi sinh năm 1926 và 1928. Khi họ đã lớn như hầu hết các bạn ở đây ngày hôm nay, sự sụp đổ của văn minh với việc tàn sát người Do Thái và Thế chiến thứ hai cũng vừa kết thúc. Đất nước của tôi, Đức, đã mang những đau khổ không thể tưởng tượng được đến châu Âu và thế giới. Làm sao có thể tưởng tượng được rằng, những người chiến thắng và kẻ chiến bại sẽ tiếp tục đối đầu nhau bất khả hòa giải trong một thời gian dài? Nhưng may mắn thay, châu Âu đã vượt qua những cuộc xung đột dài hàng thế kỷ. Một trật tự hòa bình được thành lập, được xây dựng trên mẫu số chung thay vì trên sức mạnh của quốc gia. Cho dù bao cuộc tranh luận và thoái bộ tạm thời, tôi có một niềm tin chắc chắn: Chúng tôi, phụ nữ và nam giới ở châu Âu, đang thống nhất để tiến đến hạnh phúc.
Mối quan hệ giữa người Đức và người Mỹ cũng cho thấy, làm thế nào mà các đối thủ cũ của cuộc chiến đã trở thành bạn hữu. Đóng góp rất quyết định cho chuyện đó là kế hoạch của George Marshall, mà ông đã tuyên bố tại đây vào năm 1947 trong bài phát biểu khai mạc. Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với các giá trị dân chủ và nhân quyền đã cho chúng ta một thời gian hòa bình và thịnh vượng dài suốt hơn 70 năm, mà qua đó tất cả các bên đều hưởng lợi.
Còn hôm nay? Sẽ không lâu nữa, các chính trị gia thuộc thế hệ của tôi không còn là đối tượng của khóa học "Làm công tác lãnh đạo", mà cùng lắm là "Lãnh đạo trong lịch sử".
Các bạn tốt nghiệp Harvard năm 2019 thân mến, trong những thập kỷ tới, thế hệ của các bạn sẽ đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21. Các bạn nằm trong số những người sẽ dẫn chúng tôi đến tương lai.
Chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gây nguy hiểm cho thương mại tự do trên thế giới, vốn dĩ là nền tảng cho sự thịnh vượng của chúng ta. Công nghệ số hóa phủ bóng lên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Chiến tranh và khủng bố dẫn đến di tản và trục xuất. Biến đổi khí hậu đe dọa nguồn sống tự nhiên. Sự biến đổi đó với các cuộc khủng hoảng đi kèm là do con người tạo ra. Vì vậy, chúng ta có thể và phải làm mọi thứ trong khả năng của con người để thực sự có thể kiểm soát được những thách thức đối với nhân loại. Điều này vẫn còn khả thi. Nhưng mọi người phải góp phần của mình vào - tôi nói điều đó với tinh thần tự phê bình – và trở nên tốt hơn. Do đó, tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng Đức, đất nước tôi, sẽ đạt được mục tiêu: trung hòa thán khí vào năm 2050.
Thay đổi để tốt hơn là điều có thể làm được, nếu chúng ta cùng nhau giải quyết. Làm một mình đơn độc sẽ không dẫn đến thành công. Và đây là suy nghĩ thứ hai của tôi dành cho các bạn: Hơn bao giờ hết, chúng ta cần suy nghĩ và hành động đa phương thay vì đơn phương, toàn cầu thay vì quốc gia, thế giới mở thay vì tự cô lập. Nói tóm tắt: đi chung với nhau thay vì độc hành.
Các sinh viên tốt nghiệp thân mến, trong tương lai các bạn sẽ có rất nhiều cơ hội khác hẳn so với thế hệ của tôi. Có lẽ, chiếc điện thoại thông minh của các bạn có công suất tính toán mạnh hơn nhiều so với chiếc máy tính lớn của IBM được Liên Xô sao chép, phương tiện mà tôi đã sử dụng vào năm 1986 để hoàn tất luận án tiến sĩ của mình tại CHDC Đức.
Ngày nay, chúng ta sử dụng trí thông minh nhân tạo để quét hàng triệu hình ảnh về các triệu chứng của bệnh tật, ví dụ, để chẩn đoán ung thư tốt hơn. Trong tương lai, robot có tính đồng cảm có thể giúp các bác sĩ và y tá tập trung vào nhu cầu cá nhân của từng bệnh nhân. Chúng ta không thể nói trước, những ứng dụng nào có thể sử dụng được. Nhưng những cơ hội đi kèm với nó thật sự rất ngoạn mục có thể làm ta đứng tim.
Các sinh viên tốt nghiệp thân mến, về cơ bản, mọi chuyện đều nằm trong tay các bạn, là làm thế nào để chúng ta tận dụng những cơ hội này. Chính bạn chứ không ai khác, sẽ là người tham gia quyết định việc phát triển tiếp tục về phương cách chúng ta làm việc, giao tiếp, di chuyển và, đúng vậy, toàn bộ phong cách chúng ta sống.
Là Thủ tướng, tôi thường phải tự hỏi: mình có đang làm đúng hay không? Tôi đang làm một cái gì đó bởi vì nó hợp lẽ phải, hay đơn giản chỉ vì nó khả thi? Các bạn cũng nên tự hỏi điều đó nhiều lần - và đó là suy nghĩ thứ ba của tôi gởi đến các bạn ngày hôm nay. Chúng ta đặt ra các quy tắc cho công nghệ hay công nghệ quyết định cuộc sống chung giữa chúng ta? Chúng ta đưa con người, với nhân phẩm và tất cả các khía cạnh của họ, vào trung tâm mọi suy nghĩ, hay chúng ta chỉ nhìn thấy họ là khách hàng, nguồn dữ liệu, đối tượng để giám sát?
Đây là những câu hỏi khó. Tôi đã học được rằng, câu trả lời cho các câu hỏi khó có thể được tìm thấy, nếu chúng ta luôn nhìn thế giới cũng qua con mắt của người khác; nếu chúng ta biết tôn trọng lịch sử, truyền thống, tôn giáo và bản sắc của người khác; nếu chúng ta kiên quyết đứng vững trên các giá trị không thể mua bán được, và hành động đúng theo lẽ phải đó; và dưới áp lực phải có quyết định, nếu chúng ta không luôn tuân theo những kích động ban đầu, mà thay vào đó hãy dừng lại một chút, giữ im lặng, suy nghĩ, tạm ngừng một khắc.
Tất nhiên, điều đó cần rất nhiều can đảm. Trên hết, nó cần phải trung thực với người khác và - có lẽ là quan trọng nhất – trung thực với chính mình. Có nơi nào tốt hơn để bắt đầu với nó hơn chính ở chỗ này, nơi có rất nhiều người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau học hỏi theo phương châm của chân lý, cùng nghiên cứu và thảo luận các vấn đề của thời đại chúng ta? Điều này hàm chứa ý nghĩa rằng, chúng tôi không gọi điều dối trá là sự thật và gọi sự thật là chuyện gian dối. Điều đó cũng có ý nghĩa rằng, chúng ta không chấp nhận sự sai trái là chuyện bình thường của chúng ta.
Các sinh viên tốt nghiệp thân mến, nhưng những gì có thể cản trở các bạn, cản trở chúng ta? Một lần nữa, đó là những bức tường: những bức tường trong đầu óc – vì sự thờ ơ vô cảm và đầu óc hẹp hòi. Các bức tường giữa các thành viên của một gia đình, cũng như giữa các nhóm người trong xã hội, các màu da, các dân tộc, các tôn giáo. Tôi ước ao rằng, chúng ta đập tan những bức tường này - những bức tường vốn dĩ ngăn chúng ta hiểu biết thế giới, trong đó chúng ta muốn sống cùng nhau.
Có thành công hay không, điều đó tùy thuộc vào chúng ta. Do đó, các sinh viên tốt nghiệp thân mến, suy nghĩ thứ tư của tôi là, hãy xem lại: không có gì là hiển nhiên. Tự do cá nhân của chúng ta không là hiển nhiên, dân chủ không hiển nhiên, hòa bình cũng không và thịnh vượng cũng không tự nhiên đạt được.
Nhưng nếu chúng ta phá bỏ những bức tường kìm hãm chúng ta, nếu chúng ta đi vào không gian rộng mở và dám bắt đầu, mọi chuyện đều khả thi. Tường có thể sụp đổ. Chế độ độc tài có thể biến mất. Chúng ta có thể ngăn chận sự nóng lên của quả đất. Chúng ta có thể thắng nạn đói. Chúng ta có thể diệt trừ bệnh tật. Chúng ta có thể tạo ra cho cho mọi người, đặc biệt là các cô gái, khả năng tiếp cận với giáo dục. Chúng ta có thể chống lại các nguyên nhân của di tản và trục xuất. Chúng ta có thể làm tất cả điều đó.
Vì vậy, trước tiên đừng hỏi những gì không làm được, hoặc những gì đã luôn luôn hiện hữu. Mà trước tiên, chúng ta hãy hỏi những gì làm được và tìm kiếm những điều chưa từng được thực hiện trước đây. Chính những lời này tôi đã phát biểu vào năm 2005 trong tuyên bố chính phủ đầu tiên, với tư cách là Thủ tướng Liên bang mới được bầu của Cộng hòa Liên bang Đức, với tư cách là người phụ nữ đầu tiên trong chức vụ này, tại Deutscher Bundestag, Quốc hội Đức.
Và với những lời này tôi cũng muốn nói với các bạn suy nghĩ thứ năm của tôi: Hãy tự làm cho mình ngạc nhiên với những gì khả thi - hãy tự làm mình ngạc nhiên với những gì chúng ta có thể làm được!
Trong cuộc đời của tôi, sự sụp đổ của bức tường Berlin gần 30 năm trước đã cho phép tôi đi vào không gian mở. Lúc đó, tôi đã bỏ lại công việc của một nhà khoa học và đi vào con đường chính trị. Đó là điều thật xúc động và đầy ma lực, giống như cuộc sống của các bạn cũng sẽ thú vị và đầy sự thần diệu. Nhưng tôi cũng có những giây phút hoang mang và lo lắng. Hồi đó, tất cả chúng tôi đều biết những gì ở phía sau chúng tôi, nhưng không biết những gì sẽ nằm ở phía trước. Có lẽ, với tất cả niềm vui của ngày hôm nay, các bạn cũng ít nhiều mang tâm trạng như thế.
Do đó, tôi cũng có thể nói với các bạn trải nghiệm thứ sáu của tôi: khoảnh khắc mở lòng cũng là một khoảnh khắc của sự rủi ro. Việc buông bỏ cái cũ là thành tố của một khởi đầu mới. Không có sự bắt đầu nào mà không có kết thúc, không có ngày nào mà không có đêm, không có sự sống nào mà không có cái chết. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta bao gồm sự khác biệt, khác biệt giữa bắt đầu và kết thúc. Những gì ở giữa, chúng ta gọi là cuộc sống và trải nghiệm.
Tôi tin rằng, chúng ta lại phải luôn sẵn sàng hoàn thành mọi thứ, để cảm nhận sự kỳ diệu của bước khởi đầu và có thể thực sự nắm lấy cơ hội. Đó là kinh nghiệm của tôi trong nghiên cứu, trong khoa học - và đó cũng là kinh nghiệm trong chính trị. Và có ai biết được, những gì sẽ đến với tôi sau cuộc đời chính trị gia? Nó hoàn toàn để ngỏ. Chỉ có một điều rõ ràng: nó sẽ là một cái gì khác và mới mẻ.
(Đoạn này tiếng Anh) Đó là lý do tại sao tôi muốn gởi cho các bạn điều ước này: Hãy đập bỏ những bức tường của sự thờ ơ vô cảm và tư duy hẹp hòi, vì không có gì phải tồn lại như nó đang diễn ra. Hãy cùng nhau hành động - vì lợi ích của một thế giới toàn cầu đa phương. Các bạn hãy tiếp tục tự hỏi: Tôi đang làm một cái gì đó vì nó đúng hay đơn giản chỉ vì nó khả thi? Đừng quên rằng, tự do không bao giờ là điều có thể có được do người khác ban phát. Hãy làm cho chính mình tự ngạc nhiên về những điều gì khả thi. Hãy nhớ rằng, sự cởi lòng luôn luôn liên quan đến sự rủi ro. Buông bỏ cái cũ là một phần của sự khởi đầu mới. Và trên hết: Không có gì có thể được coi là hiển nhiên, mọi thứ đều khả thi.
Xin cám ơn quí vị !
Nguyên bản tiếng Đức: https://www.bundesregierung.de/breg-de/aktuelles/rede-von-bundeskanzleri...