Đến hôm nay Elon Musk (EM) đã chính thức mua lại Twitter với giá 44 tỷ, đặt bước chân đầu tiên vào thị trường truyền thông Mỹ - một thứ quyền lực thứ 4 có thể thay đổi cả ngôi vị Tổng Thống.
EM là con người với bộ óc của siêu nhân. Ông luôn có những ý tưởng vượt tầm thời đại, và làm nên những chuyện phi thường, tạo nên đế chế xe điện, xe không người lái Tesla mà cách đây hơn 20 năm ai cũng cho là điều viễn vông. Đó là chưa kể công ty Space X thành lập năm 2002 nhằm giảm chi phí di chuyển trong không gian, với mục đích tối hậu là nghiên cứu việc di dời con người lên sao Hỏa (colonization of Mars).
Hôm nay, EM chính thức bước vào lĩnh vực truyền thông, và hứa hẹn nhiều thay đổi lớn bởi bộ óc siêu phàm này.
Lý do mua Twitter được ông đưa ra là ủng hộ tự do ngôn luận mà thời gian qua nạn kiểm duyệt theo cảm tính, phe phái ngày càng lộ liễu.
Vấn nạn cốt lõi nằm ở section 230 của bộ luật về truyền thông được thông qua năm 1996. Luật này bảo vệ các công ty cung cấp dịch vụ về internet, nhất là các mạng xã hội, không phải chịu trách nhiệm pháp lý về các nội dung đưa lên bởi người sử dụng. Dĩ nhiên là không tính đến các ngoại lệ như nạn bản quyền, các tin xấu có tính bạo lực, hay nạn lạm dụng tình dục. Từ đó các công ty này mạnh tay kiểm duyệt mà không sợ bị thưa kiện.
Cũng từ đây có nạn lạm quyền. Họ sử dụng tiêu chuẩn kiểm duyệt riêng của mình cho mục đích thương ghét cá nhân, mang đậm sắc màu chính trị.
Section 230 lại có phần mâu thuẩn với Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ. TCA số 1 nghiêm cấm chính phủ giới hạn mọi hình thức của tự do ngôn luận (chứ không phải điều 331 kết tội lợi dụng tự do dân chủ ở xứ Vệ đâu nha). Luật này cũng cho là mọi hình thức kiểm duyệt các quan điểm chính trị từ các công ty là vi hiến.
Thời gian qua, nhất là mùa bầu cử, các bạn từng chứng kiến, hoặc chính mình là nạn nhân của sự lộng quyền của các big techs. Facebook là đứng đầu. Họ muốn cho hiển thị bất cứ điều gì họ muốn, và trừng phạt các tài khoản đăng tin không theo quan điểm chính trị của mình. Mặt khác họ lại thỏa hiệp với các chính phủ độc tài để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến.
Kế đến là youtube của google. Các clip của các chính trị gia, hay thể hiện quan điểm chính trị khác biệt đều bị gỡ bỏ. Google search dùng thuật toán ẩn các thông tin đối lập. Cuối cùng là twitter, tên này nhỏ thôi, nhưng cũng hổ báo cáo chồn, xóa tài khoản của cả tổng thống Trump, của báo New York Post vì đã đưa thông tin về những bê bối của hoàng tử Hunter Biden, vu cáo cho họ là đưa thông tin bịa đặt từ sự giúp sức của Nga. Hơn 1 năm sau, khi mọi thứ đã xong, sự thật phơi bày, thì họ cũng chả có cả một lời xin lỗi người sử dụng.
***
Chính vì sự lạm quyền đó mà người hùng Elon Musk cảm thấy bực mình. Ông đã ra tay, và twitter đã không còn lựa chọn nào khác.
EM hôm nay chính thức là chủ nhân của twitter, có triệu người vui cũng có triệu người buồn.
Dù sao Jack Dorsey với khoảng 2.25% cổ phần cũng trở thành tỷ phú. Hắn ta là kẻ chiến thắng. Người lo âu nhất chính là 2 công ty facebook và google. Từ đây đã có 1 đối thủ rất là khó chịu. EM tuyên bố ủng hộ hoàn toàn tự do ngôn luận, dẹp bỏ tất cả các kiểm duyệt bằng tay hay bằng các thuật toán, kể cả những phê bình tấn công bản thân ông, và sẽ cho công khai các thuật toán.
Nhân vật có thể bị ảnh hưởng kế tiếp là cựu tổng thống Trump, người đang đầu tư rất nhiều cho mạng xã hội Truth Social cũng ra đời bởi nạn kiểm duyệt của big techs. Tuy là ông đã phát biểu Truth Social cùng song hành với Twitter trên bước đường ủng hộ tự do ngôn luận, nhưng với cách điều hành cũ của twitter có lẽ Truth Social của ông dễ thắng hơn là một đối thủ thông minh tuyệt đỉnh như EM, và là một gương mặt của công chúng vô cùng thu hút với 86.6 triệu người theo dõi, so với 21.5 triệu của Biden.
Mặt khác, chưa gì mà một vài tờ báo cánh tả, trong đó có cả kẻ đang xuống dốc CNN, đưa lời cảnh báo, thể hiện thái độ không vui của mình. Điều này cho thấy họ không mấy thích sự công bằng, và nuối tiếc twitter cũ của Jack, khi liên tục bịt miệng các đối thủ chính trị cánh hữu.
Khi nào EM và Truth Social áp dụng luật kiểm duyệt, không cho phép các quan điểm đối lập thì lúc đó mới phải lên tiếng. Còn bây giờ họ tuyên bố luật chơi công bằng, ai cũng có quyền nêu chính kiến của mình thì việc gì phải xoắn?
Dù sao thì điều cần làm nhất là điều chỉnh section 230 cho phù hợp. Quyền lợi phải đi với trách nhiệm, tránh việc lạm quyền vừa qua. EM cũng là con người, cũng có thể có lỗi lầm, hoặc trở thành kẻ xấu, có thể sẽ lạm dụng điều 230 như bọn big techs vừa qua thì rốt cuộc mèo vẫn hoàn mèo.
Elon Musk là người giàu nhất hành tinh, cũng là người từng chọc quê Bill Gates khi ông này đánh xuống giá cổ phiếu của xe điện Tesla trong khi lại là người tuyên bố ủng hộ năng lượng sạch.
EM thông minh và khó đoán. Tuy nhiên, trước mắt việc sở hữu twitter là một tin tốt, là lời cảnh báo đến facebook và google. Nạn lợi dụng điều 230, kiểm duyệt các tiếng nói đối lập cần chấm dứt càng sớm càng tốt, trả lại sự công bằng cho tất cả.
Bạn theo quan điểm chính trị nào cũng được. Nhưng ghét nhất là nạn bất công, tiêu chuẩn kép. Luật chơi thế nào cũng được, nhưng phải công bằng cho cả 2 phía. Phải fair game, nếu không thì game over.
29.04.2022