Tạm biệt nước Nga và Học thuyết Sinatra

 
Putin đã đưa đất nước của mình trở lại với chủ nghĩa đế quốc, chế độ chuyên chế, và sự cô lập của thời kỳ Xô-viết.
 

Gideon Rachman, Financial Times, 20/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng 

“Xin chúc mừng/chia buồn, cậu đã nằm trong danh sách trừng phạt của Nga,” một đồng nghiệp đã gửi tin nhắn như vậy. Và đó là cách tôi phát hiện ra rằng mình đã có tên trong danh sách kẻ thù của Điện Kremlin, những người bị cấm nhập cảnh vào Nga.

Nhận thức rằng tôi có lẽ sẽ không còn có thể đến thăm đất nước này khiến tôi hồi tưởng lại chuyến đi đầu tiên của mình tới đó vào năm 1987. Cảm giác như nước Nga đã quay lại quá khứ của mình – trở về với chế độ chuyên chế, với cuộc xâm lược và sự cô lập đã định hình nên thời kỳ Xô-viết.

Năm 1987, Liên bang Xô-viết đã bước vào những ngày hấp hối – dù lúc đó chẳng ai nhận ra điều này. Khi ấy, tôi đến Moscow để đưa tin về các cuộc đàm phán vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô. Câu chuyện lớn đối với cánh phóng viên địa phương là việc những nhà hàng tư nhân đầu tiên đã bắt đầu mở cửa. Mọi thứ đang thay đổi, và điều đó được phản ánh trong phong cách ‘tưởng như đùa’ của Gennadi Gerasimov, phát ngôn viên của Liên Xô lúc bấy giờ.

Đó chính là tính cách nổi bật của Gerasimov, và sau này ông cũng đã sử dụng một câu nói đùa để tuyên bố về sự kết thúc của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết. Học thuyết Brezhnev là tên gọi của quyền xâm lược các nước láng giềng mà Moscow tự ban cho mình, để đảm bảo rằng các nước này luôn nằm trong quỹ đạo của Điện Kremlin. Khi được hỏi vào năm 1989, liệu rằng học thuyết ấy có còn được áp dụng hay không, Gerasimov đáp: nó đã được thay thế bằng “Học thuyết Sinatra” – từ lúc này trở đi, ai cũng có thể làm theo ý mình.

Bước phát triển ấy đã khiến chàng trai trẻ Vladimir Putin, người khi đó là một điệp viên KGB đóng tại Đông Đức, phải kinh hoàng. Sau này, ông cay đắng nhớ lại rằng khi chứng kiến chế độ cộng sản Đông Đức sụp đổ, ông đã yêu cầu hỗ trợ quân sự, nhưng chỉ được trả lời rằng “Moscow im lặng rồi.”

Giai đoạn tôi bắt đầu đến Nga thường xuyên hơn – từ khoảng năm 2004 trở đi – cũng là lúc Putin chính thức lên nắm quyền. Nhìn bề ngoài, nước Nga đã thay đổi đến mức không thể nhận ra. Khách sạn Quốc gia, nằm gần Điện Kremlin – một ‘bãi rác kiểu Liên Xô’ khi tôi ở đó vào năm 1987 – giờ đã trở nên quá hào nhoáng và xa hoa. Bức tượng của Felix Dzerzhinsky, người sáng lập lực lượng mật vụ Liên Xô, đã được dời khỏi trung tâm Moscow và chuyển đến một công viên tưởng niệm xập xệ.

Sự chuyển đổi từ chế độ chuyên chế sang chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa được biểu trưng bằng sự thay đổi trong vận mệnh của gia đình Solzhenitsyn. Aleksandr Solzhenitsyn từng đoạt giải Nobel cho cuốn tiểu thuyết viết về những trại cải tạo của Liên Xô, và sau đó đã bị buộc phải sống lưu vong. Con trai của ông, Yermolai, hiện là một nhà tư vấn của Tập đoàn McKinsey, đặt trụ sở tại Moscow.

Nhưng chính việc có quá nhiều thay đổi so với thời kỳ cộng sản đã khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những điều vẫn được giữ nguyên. Ẩn đằng sau bề ngoài theo kiểu chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây, chế độ chuyên chế, bạo lực, và chủ nghĩa đế quốc vẫn là những nền tảng trong đường lối cai trị của Putin.

Các đối thủ chính trị của chế độ vẫn bị đàn áp và đôi khi còn bị sát hại. Boris Nemtsov, một nhà tự do hàng đầu mà tôi từng gặp ở cả Moscow và London, đã bị sát hại cách Điện Kremlin chỉ vài mét vào năm 2015. Nga xâm lược nước láng giềng Gruzia vào năm 2008, tấn công Ukraine vào năm 2014, rồi sáp nhập Crimea. Những hành động đó đã thể hiện rõ ràng: Putin và các cộng sự của ông chưa bao giờ thực sự chấp nhận sự độc lập của các quốc gia từng là một phần của Liên bang Xô-viết. Các quốc gia như Ba Lan, từng thuộc khối Liên Xô rộng lớn, lo ngại rằng bản năng đế quốc Nga vẫn còn tồn tại trong họ.

Fyodor Lukyanov, một học giả thân cận với nhà lãnh đạo Nga, từng nói với tôi rằng trên hết, Putin bị thúc đẩy bởi nỗi sợ rằng nước Nga, lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, có thể mất đi vị thế cường quốc. Với nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới (tính theo tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa), quyền lực còn sót lại của Điện Kremlin là dựa trên sức mạnh quân sự và vũ khí hạt nhân của đất nước.

Tôi đã được chứng kiến sự yêu thích của giới tinh hoa Nga đối với chiến tranh vào năm 2014, trong một cuộc trò chuyện tại Quốc hội Nga với Vyacheslav Nikonov, một thành viên của Duma và là cháu trai của Vyacheslav Molotov, người từng là Ngoại trưởng của Stalin. Khi chúng tôi thảo luận về mối quan hệ của Nga với các nước thuộc khối BRIC, trong đó có Brazil, Nikonov nói với tôi rằng có một vấn đề lớn với Brazil trong tư cách là đồng minh: “Họ không hiểu chiến tranh. Họ chỉ có duy nhất một cuộc chiến trong lịch sử của mình.” “Và đó là với Paraguay,” ông nói với vẻ khinh thường. Theo Nikonov, việc Putin sáp nhập Crimea vẫn là hành động có chừng mực, còn “Molotov sẽ xâm lược Ukraine và chiếm lấy nó chỉ trong một tuần.”

Thực tế thì Putin cũng chia sẻ sự kiêu ngạo và hiếu chiến đối với Ukraine. Nó đã khiến ông đánh giá thấp một cách nguy hiểm sự phản kháng mà lính Nga sẽ gặp phải khi họ tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện trong năm 2022 này.

Trong thời đại Putin, cũng như thời Liên Xô, chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài đi đôi với áp bức trong nước. Thật ra, suốt nhiều năm, nước Nga dưới thời Putin đã có nhiều không gian cho bất đồng chính kiến hơn thời Liên Xô. Tôi đã chứng kiến các cuộc biểu tình lớn chống Putin trên đường phố Moscow vào năm 2012 và 2019. Nhưng cuối cùng thì Putin vẫn sử dụng vỏ bọc chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ở Ukraine để hủy hoại bất kỳ phe đối lập chính trị nào trong nước. Hàng nghìn người đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phản chiến và phong trào đối lập, dẫn đầu bởi Alexei Navalny mà nay đã bị bỏ tù, đang bị tiêu diệt.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng đã đẩy đất nước này trở lại tình trạng bị cô lập quốc tế còn mạnh hơn cả những gì Liên Xô từng trải qua. Tôi đã bay từ London đến Moscow trên một chuyến bay thẳng vào năm 1987. Ngày nay, những chuyến bay đó đã không còn nữa. Và tôi không lạc quan rằng mình sẽ thấy chúng sớm được khôi phục trở lại.

Nguồn: Gideon Rachman, “Farewell to Russia and to the Sinatra doctrine,” Financial Times, 20/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng