Bơi nhanh, bơi mạnh, bơi vững chắc!

Người dân TPHCM lội nước trên đường sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014

Bình luận của Nguyễn Thần Dân - RFA

Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Vì bất cứ lúc nào lên mạng đọc tin là cười bò ra, cười không khép được mỏ, nửa đêm nhớ tới lại nằm cười sằng sặc. Nội tạng được xoa bóp, nếp nhăn không bao giờ xuất hiện, hạnh phúc ngập tràn trong khắp các tế bào. Cả thế giới chẳng có đất nước nào lênh láng à nhầm lai láng niềm vui như thế cả!
Ví dụ như cái tin dưới đây. Nó xuất hiện rất nhiều lần trong mùa mưa năm nay, mùa mưa năm trước, năm trước và năm trước nữa. Ở khắp các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Hà Giang, Đà Lạt, Hải Phòng…

Nó viết rằng: Triều cường đạt đỉnh, người dân TP HCM bì bõm lội nước về nhà

Và do bàn tay kỳ diệu nào đó của các đấng IT vĩ đại, trong một bản tin trên mạng, ngay dưới nó là tin: “Nghiên cứu làm đường dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…”

Ủa ủa gì zọ? Ủa gì zọ?

Ý mấy anh là làm đường dành riêng cho ghe xuồng trên các đường phố trung tâm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt… mà thằng quánh máy nó quánh lộn phải hông?

Cuộc chiến chống ngập lụt tại TP HCM diễn ra suốt nhiều chục năm nay, chính quyền thành phố cứ giật từng bước lùi, năm sau ngập nhiều hơn năm trước. Kể ra cũng mới có 50 năm sống chung với nước cống chứ mấy, đã làm gì mà căng!

Theo các đời lãnh đạo TP HCM, ngập lụt ở thành phố này do tại vì bởi các nguyên nhân như sau:

Khách quan:

-Mưa nhiều.

-Mưa đã nhiều lại còn mưa to.

-Mưa càng ngày càng nhiều hơn và càng to hơn.

-Đang mưa to tự  nhiên triều cường.

-Địa hình tự nhiên của thành phố dốc về phía Nam, nên khu vực này ngày càng càng ngập.

Chủ quan:

-Khi cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở và các công trình xây dựng khác, cơ quan quản lý không quan tâm đến cốt nền xây dựng. Công trình nào có ghi thì lại là lấy bừa cốt nền của công trình hiện hữu bên cạnh cho phải lệ. Một số chủ đầu tư công trình lớn đã tự nâng cốt nền lên hàng mét vì sợ ngập, khó cho kinh doanh. Vì vậy tạo ra thực trạng đô thị này đổ nước vào đô thị kia, các đô thị ngăn cản nhau trong việc thoát nước và “càng đầu tư càng ngập”. 

-Nền đất lún sụt do nhiều nguyên nhân tự nhiên, cũng như do con người khai thác nước ngầm, xây dựng quá tải trọng trên nền đất yếu.

(Theo TS quy hoạch Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, từng có 37 năm làm việc liên tục trong ngành xây dựng).

-Xây dựng bừa bãi không có quy hoạch. Sông ngòi, ao hồ, kênh rạch và các hồ điều tiết nước tự nhiên cũng như nhân tạo trước kia hầu như đã bị lấp hết, khiến nước không có chỗ thoát.

-Có chớ, có kế hoạch và phương án hết chớ! Xây kè ngăn triều nè, nạo vét kênh mương nè, xây hồ điều tiết nước nè. Nhưng mà kẹt quá, tụi tui không có tiền. Tụi tui cần 100.000 tỷ lận-lãnh đạo TP HCM nói.

Thiệt không có tiền hông?

“Dự án chống ngập do triều tại TP HCM được gọi là dự án cấp bách với kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều (…) cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Đồng thời, giúp TP chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước (…).

Dự án được triển khai vào năm 2016. Qua hơn năm năm, dự án đã phải tạm ngừng ba lần và đang có nguy cơ bị tạm dừng lần thứ tư do UBND TP HCM vẫn chưa thể ký phụ lục hợp đồng BT để gia hạn thời gian thực hiện. Hàng nghìn tỷ đồng thiết bị đang phơi mưa nắng, không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Tháng 6/2022, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản gửi UBND TP HCM, chủ động đề xuất các cuộc họp làm việc để xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ nhận được các phiếu chuyển văn bản từ UBND TP HCM cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó không có bước thực hiện kế tiếp. Một trong những mấu chốt khiến dự án tắc đó là sự im lặng một cách khó hiểu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.” 

Ngân hàng tài trợ vốn BIDV cũng liên tục có các văn bản đề nghị UBND TP hoàn thiện các báo cáo cho vay thanh toán để BIDV có cơ sở làm việc với Ngân hàng Nhà nước, nhưng dự án vẫn "dậm chân tại chỗ" dù tiến độ đã đạt hơn 90%. (Theo Vũ Phong, Báo Chính phủ ngày 28/7/2022).

Ủa vậy tiền không phải là vấn đề hả ta? Ngân hàng nóng ruột muốn cho vay tiền nhưng các anh thờ ơ không thèm đáp lại người ta kia mà?

Kể chuyện có tiền, còn phải nhắc tới kế hoạch nhân đạo dùng “siêu máy bơm” để bơm thoát nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) mỗi khi mưa xuống. Máy bơm do tư nhân lắp đặt, chính quyền TP HCM thuê, lắp đặt từ tháng 9/2017 và vận hành chính thức vào tháng 10 sau đó. 

Ban đầu, siêu máy bơm làm dân TP sướng tỉnh người, báo chí ca ngợi lãnh đạo thành phố không dứt. Ai mà dè chỉ mới tới tháng 7/2018, bên công ty tư nhân cho TP thuê máy bơm đã phải ra tối hậu thư nếu không trả tiền thì tui không bơm nữa. 

Lý do là sau vài trận bơm sạch nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông rồi thì lãnh đạo TP HCM bỗng thấy tiền thuê máy mắc quá. Thuê có bảy năm mà bên A đòi giá tới 171 tỷ đồng, tức là 24, 5 tỷ/năm. Trong khi đó mấy anh tư vấn gà nhà nói mình tạm ứng trước hay là cho vay không lãi thì chỉ mất mỗi năm 16 tỷ thôi. Không được, phải kiếm cách thuê rẻ hơn ngay.
Nhưng lãnh đạo TP HCM và các ban ngành họp hoài họp hoài, họp tới vẫn không đưa ra được mức giá chốt thuê. Bức tối hậu thư ra đời trong hoàn cảnh đó.

Đến gần giữa năm 2019 thì hợp đồng thuê mới được ký kết, mức giá là 14,2 tỷ đồng/năm.

Tới tháng 4 năm nay, hai bên lại cơm không lành. Bên thuê nói thôi tui xây hệ thống cống mới gần 500 tỷ, hết ngập rồi nghe cha, khỏi thuê nữa nha. Bên cho thuê nói không được, bữa giờ chưa có mưa lớn (cỡ 120 ml) trong ba tiếng nên chưa biết đá biết vàng, ông đừng tài lanh nói trước nha.  

Trong khi đó hệ thống cống thoát cũ của bên cho thuê đã bị trám bít lại nên bây giờ nếu có trận mưa lớn (như ông cho thuê) dự đoán thì cũng không thể chạy máy bơm được nữa.

Đường phố TPHCM ngập nước sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014. AFP

Tụi Tây khờ

Cách đây tròn bảy năm, tại một hội nghị tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài (rất quan trọng, rất cấp bách, rất vì dân) về chống ngập do UBND TP HCM tổ chức, sau khi nghe các kế hoạch từ phía Việt Nam như xây dựng hệ thống cống ngăn triều cũng như lời ca thán bất tận về việc không có tiền như đã nói ở trên, chuyên gia Olaf Juettner (Đan Mạch) “nhắc nhẹ” hiện nay không thiếu các giải pháp và công nghệ chống ngập hiện đại (KHÔNG PHẢI TIỀN), mà vấn đề quan trọng là quan điểm giải quyết ngập lụt ra sao. 

“Triết lý chống ngập của các nước châu Âu là chấp nhận quy luật tự nhiên và không chống lại nó. Vì vậy giải pháp thông minh là “sống chung với lũ”, tạo không gian tự nhiên cho nước; bởi lẽ nếu xây một con đập, không ai dám chắc nó sẽ an toàn mãi trước thiên tai; hệ thống đê điều, dẫn nước cũng chỉ giải quyết được một phần, trong khi vốn đầu tư lại lớn”, ông nói và đề nghị TP.HCM bên cạnh thực hiện những giải pháp kỹ thuật (kè, van ngăn triều, hồ chứa, cống thoát nước...) cần đặc biệt ưu tiên dành quỹ đất, tạo không gian cho lượng nước thẩm thấu tự nhiên”.

Stop! Cái này nghe hay lắm mà làm thì… hổng có được  bậu ơi! Xây là để cất. Bậu kêu qua bớt xây lại thì... lấy gì qua cất? Hơn nữa tấc đất Sài Gòn là tấc vàng, chữ ký phê duyệt xây dựng của qua là chữ ký kim cương. Bậu lại kêu để không đất cho sông ơi chảy đi, ha ha, đúng là tụi Tây khờ! Thiên nhiên này và cả thành phố này nữa có phải của ông nội qua để lại cho qua đâu mà qua phải giữ? Hết nhiệm kỳ này qua qua bển với bậu, hai thằng mình có nhiều thời gian nhậu chơi, thủng thẳng rồi qua nói cho bậu cái chân lý đó, nghe hông?

Người dân Hà Nội chèo thuyền về nhà trong lụt do mưa lớn năm 2018. AFP

Tới đây thì đã rõ

Như chuyên gia Olaf Juettner cảnh báo tế nhị ở phần trên, TP HCM không thiếu tiền (cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hết sức tán dương các giải pháp của chuyên gia nước ngoài. Sau đó ông không làm gì, rồi đến năm 2020, ông bị cách chức, liên quan đến sự mờ ám trong nhiều dự án bất động sản).

Theo (cái ý ngầm của) chuyên gia, cái thiếu của TP HCM trong phương pháp chống ngập là quan điểm giải quyết ngập. Nhưng cái thiếu này thì xung đột với cái đầy (trong tài khoản ngân hàng nước ngoài của các lãnh đạo) quá, như trên đã nói.

Nên đọc tới đây mời quý vị độc giả bỏ điện thoại xuống. Mưa rồi! Ai có phao dùng phao, ai có ghe dùng ghe. Ai không có phao thì dùng miếng xốp, cây chuối, hay lẹ nhất là mượn cái bụng bia của quan chức nào cũng được. Chúng ta cùng nhau bơi nhanh, bơi mạnh, bơi vững chắc lên con đường xây dựng TP HCM thành một Venice mới ở Việt Nam!

___________________

Tham khảo:

https://vnexpress.net/nuoc-cuon-cuon-tren-duong-trong-mua-lon-o-tp-hcm-4... (

https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/do-thi-xanh/giai-phap-han-che-tinh-tra...

https://baochinhphu.vn/du-an-chong-ngap-do-trieu-o-tphcm-hang-nghin-ty-d...

https://tuoitre.vn/tp-hcm-mua-toi-troi-chieu-dau-tuan-them-trieu-cuong-d...

https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-mua-xoi-xa-nhieu-tuyen-duong-ngap-sau-...

https://thanhnien.vn/lanh-dao-tphcm-nghe-chuyen-gia-nuoc-ngoai-hien-ke-c...

https://laodong.vn/xa-hoi/de-giai-quyet-ngap-tphcm-can-hon-100000-ti-don...