Sự thất vọng ngày càng tăng về chuyển giao xe tăng Đức

Von Klaus Geiger (Welt)
Nguyễn Xuân Hoài
 
Để tiếp tục phản công thành công, Ukraine yêu cầu được cung cấp thêm xe tăng. Nhưng thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: Đức chỉ chuyển giao những gì mà Hoa Kỳ cũng cung cấp. Lập luận này gây nhạc nhiên ở Washington, Hoa Kỳ trông đợi một điều gì đó hoàn toàn khác ở Berlin.

Bà Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock lâm vào tình thế khó xử. "Vâng, chúng tôi có thể đã hơi muộn", bà ta ngồi và phát biểu ở Warsaw. “Nhưng chúng tôi đã chuyển hướng đi của mình 180 độ.” Ngoại trưởng Đức đã nói trước hàng trăm chính trị gia, sỹ quan cao cấp và giới học giả, hầu hết trong số họ đến từ các nước Đông Âu, và phần lớn đều cho rằng Đức cho đến nay làm quá ít để giúp Ukraine.

Tại đây, Bộ trưởng cũng phải đối mặt với một câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều tuần nay. "Liệu Thủ tướng có từ bỏ ý kiến phản đối việc giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 không?", Người dẫn chương trình cuộc hội thảo nêu câu hỏi.

Bà Baerbock trả lời, "Thủ tướng nói rõ rằng, cũng như trước đây, chúng tôi phối hợp các bước đi của mình với các đối tác quốc tế của mình."

Đó là lý lẽ chủ đạo về việc Đức miễn cưỡng cung cấp vũ khí cho Ukraine: chúng tôi không vội vàng đi trước, chúng tôi chỉ tiến xa như Mỹ, như sự dẫn đầu của liên minh thân Ukraine, đã làm.

Chỉ khi Washington chuyển giao vũ khí hạng nặng, ông Scholz cũng mới làm như vậy. Khi Hoa Kỳ chuyển giao các bệ phóng tên lửa thì Đức cũng chuyển giao bệ phóng. Berlin luôn đề cập về những làn ranh đỏ từ Washington. Điều đó không đúng.

Trong khi đó Washington hoàn toàn không mong đợi Đức sẽ hành động giống như Hoa Kỳ. Ngược lại: ở Mỹ, người ta muốn Đức phải đóng vai trò chủ đạo, đi đầu, đặc biệt là với xe tăng chiến đấu.

Nghị viện Châu Âu gây áp lực

Nhưng sự kiên nhẫn với Berlin cũng đang giảm dần ở các nước khác. Điều này thể hiện qua một nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua hôm thứ năm, với số phiếu ủng hộ là 500 và 26 không tán thành. Nghị quyết yêu cầu các nước EU nên tăng cường viện trợ quân sự một cách ồ ạt, "đặc biệt đối với các hạng mục mà chính phủ Ukraine yêu cầu". Đức không bị chỉ đích danh mà chỉ bị liệt vào hàng ngũ "các quốc gia thành viên miễn cưỡng" được yêu cầu "tăng cường thỏa đáng sự hỗ trợ về quân sự ".

Hoa Kỳ đã đưa ra cái gọi là định dạng Ramstein về chủ đề này hồi tháng tư. Có tới 50 đồng minh của Ukraine gặp nhau ở đó thường xuyên để thảo luận về viện trợ vũ khí cho Ukraine. Đây cũng là nơi mà Mỹ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nhắc nhở các đồng minh không được ỷ vào Mỹ mà phải chủ động hành động.

Mỹ đã cho qua cuộc họp cách đây vài tuần khi mà Đức không hứa sẽ cung cấp thêm đáng kể các loại vũ khí. Tuy nhiên, trong định dạng Ramstein tiếp theo, sẽ diễn ra vào giữa tháng 10, điều này có thể thay đổi.

Cử chỉ không thân thiện đầu tiên xuất phát từ Washington giữa tháng chín. Bà đại sứ Hoa Kỳ Amy Gutmann nói trên truyền hình Đức rằng kỳ vọng của bà đối với Đức "thậm chí còn cao hơn" và Berlin cần phải đảm đương một "vai trò lãnh đạo lớn hơn".

Ít lâu sau đại sứ quán Hoa Kỳ nói rõ trong một tweet rằng Chính phủ Đức không cần phải hành động song song với Hoa Kỳ trong việc cung cấp vũ khí. "Quyết định viện trợ như thế nào, loại gì, cuối cùng do chính phủ mỗi nước thành viên quyết định".

Hai tuần trước đó, Julia Maruschewska đã có mặt với một phái đoàn quân sự Ukraine tại Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington. Nhà hoạt động Maidan trước đây và là quan chức chống tham nhũng, 33 tuổi, đã thay mặt chính phủ Kyiv vận động Mỹ trong nhiều tháng về chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

"Không có vấn đề gì với việc Đức cung cấp xe tăng chiến đấu"

Theo bà trưởng đoàn, trong chuyến thăm Washington vào tháng 9 phái đoàn đã tổ chức hơn 20 cuộc họp với Ủy ban Lực lượng Vũ trang tương ứng ở cả hai viện của Quốc hội, với các quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc và trong Bộ Ngoại giao.

Julia Maruschewska (phải) trong một cuộc gặp với các Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ

Bà Maruschewska tiết lộ „trong tất cả các cuộc tiếp xúc này, không một ai đặt vấn đề về Đức cung cấp xe tăng chiến đầu cho Ukraine“.

Điều này cũng đã được Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Chris Murphy, người chịu trách nhiệm chính về mảng chuỷên giao các hệ thống vũ khí cho Ukraine, thừa nhận. Ông này nói, Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa chuyển giao xe tăng chiến đấu Abrams, nhưng điều đó không có nghĩa là làn ranh đỏ đối với Đức.

Ông Thượng nghị sỹ này cho rằng loại xe tăng của Đức thích hợp hơn với mặt trận Ukraine, tuy nhiên ông cũng lưu ý Đức cần làm nhiều hơn nữa trong việc giúp đỡ Ukraine, không chỉ với loại xe tăng này. Ông ta nói “Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukrain nhiều hơn hẳn Đức mặc dù chúng tôi nằm ở bên kia quả địa cầu.“

Julia Maruschewska đề cập đến các cuộc thảo luận của mình ở Washington: "Người Mỹ không muốn giao Abrams, nhưng họ không phản đối xe tăng chiến đấu chủ lực". "Người Đức từ chối cung cấp xe tăng Leopard 2 điều này độc lập với Hoa Kỳ." Nhưng Leopard 2 là giải pháp tốt nhất đối với Ukraine. "Xe tăng Abrams vừa nặng nề hơn và việc đưa chúng đến châu Âu cũng phức tạp hơn nhiều."

Maruschewska cho rằng lập luận Nga có thể vin cớ việc chuyển giao xe tăng chiến đấu là một sự leo thang là vô lý. Bà nói: “Đức từ lâu đã chuyển giao xe tăng Gepard và Xe tăng Hautbitz, vậy thì thật vô lý khi chính phủ Đức chpo rằng việc chuyển giao loại xe tăng này sẽ bị coi là một bước leo thang chiến tranh. Các loại pháo tự hành và nhiều bệ phóng tên lửa do Đức chuyển giao cũng sử dụng loại đạn cỡ lớn và thậm chí có tầm bắn xa hơn đáng kể so với xe tăng chiến đấu chủ lực.

Chính phủ Đức nại cớ việc chuyển giao loại xe tăng chiến đầu này sẽ bị USA ngăn trở. Về điều này Thượng Nghị Sỹ Mỹ Murphy đã đưa ra một thông điệp hoàn toàn khác. Ông nói, nước Mỹ tự hào đứng ở hàng đầu trong việc viện trợ cho Ukraine. Nhưng „Tôi e rằng người dân Mỹ sẽ không tán thành nước Mỹ tiếp tục tung nhiều tiền của ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến tranh này, trong khi Đức và các đối tác khác không tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Ukraine .“