Vụ ngân hàng SCB bị kiểm soát đặc biệt có thể chỉ là bước mở đầu cho cuộc sụp đổ dây chuyền của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế và nền tảng của ổn định xã hội. Người dân Việt Nam có thể không thiết tha với tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng “đồng tiền đi liền khúc ruột”, khi đồng tiền họ gửi ngân hàng bỗng dưng bốc hơi mất thì hàng vạn người có thể kéo nhau xuống đường gây hỗn loạn không kiểm soát được. Và đó là điều nhà cầm quyền hết sức lo sợ và cố tránh.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 49 ngân hàng. Căn cứ vào chủ sở hữu, có bốn ngân hàng thương mại (NHTM) của nhà nước, 31 NHTM cổ phần, 2 NH liên doanh, 9 NH nước ngoài, 2 NH chính sách và 1 NH hợp tác xã. Trong 31 NHTM cổ phần, có không ít ngân hàng là “sân sau” của các tập đoàn bất động sản.
Các ông trùm bất động sản Việt Nam ngoài thủ đoạn cấu kết với các quan chức chóp bu của guồng máy cầm quyền, hối lộ để chiếm được những lô đất đẹp nhất, giá rẻ nhất, có tiềm năng sinh lời cao nhất thì còn cấu kết với ngân hàng để thu gom tiền bạc của bá tánh làm vốn để phát triển dự án.
Tình trạng các ông bà trùm bất động sản sở hữu hoặc kiểm soát các ngân hàng thương mại cổ phần để hút dòng tiền gửi tiết kiệm vào các dự án nhà đất đã khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại vì tiềm ẩn những rủi ro khó lường khi thị trường nhà đất vỡ bong bóng. Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đến thời điểm 31 tháng Năm 2022, tiền vay của lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng (khoảng $101 tỷ), tăng 12,31% so với cuối năm ngoái.
NHNN Việt Nam có kinh nghiệm xử lý các ngân hàng “sân sau” của các đại gia bất động sản, nhất là sau đợt tái cơ cấu ngân hàng lần thứ ba (2011-2015): buộc sáp nhập, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc mua lại 0 đồng hàng loạt ngân hàng TMCP yếu kém và bơm tiền không giới hạn để hoàn trả tiền gửi tiết kiệm cho người dân.
Nhưng bơm tiền để duy trì các ngân hàng yếu kém, tránh sự sụp đổ dây chuyền theo kiểu quân cờ domino là biện pháp tốn kém và không giải quyết được gốc rễ vấn đề, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp khiến nợ xấu tăng cao, đồng tiền mất giá, lạm phát phi mã mà cuối cùng nền kinh tế và người dân phải chịu thiệt hại.
Lần này SCB (mới) là một ngân hàng TMCP lớn, theo báo cáo tài chính quý 2-2022 của NH SCB, tổng tài sản lên tới 761.177 tỷ đồng ($33 tỷ); trong đó tiền gửi của khách hàng là 594.630 tỷ đồng ($26 tỷ).
Đưa NH SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, và nếu đi xa hơn là mua lại SCB với giá 0 đồng như đã làm với các ngân hàng yếu kém trước đây, NHNN Việt Nam phải gánh một núi nợ không hề nhỏ, bằng tổng thu ngân sách của nhà nước Việt Nam trong nửa năm!
Và khủng hoảng sẽ không dừng ở SCB mà đốm lửa đã có dấu hiệu biến thành đám cháy lan sang các ngân hàng khác.
Mười ngày trước, vụ Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan nổ ra như một tia sét, nhưng tia sét đã đánh trúng điểm, làm bùng lên đám cháy ngân hàng SCB. Trên cái nền là hệ thống tài chính ngân hàng cổ lỗ, mối quan hệ chằng chịt giữa nhà băng và tập đoàn bất động sản, giữa giới kinh doanh cá mập và giới quan chức chính trị đầu sỏ, đám cháy đã bắt đầu lan rộng. Và đó là tử huyệt của chế độ cộng sản toàn trị ở Việt Nam./.
Hiếu Chân
19.10.2022