‘Thành trì cuối cùng’ phòng chống COVID-19 đã bị tấn công

HÀ NỘI, Việt Nam – Sáng ngày 7 Tháng Năm, Bệnh Viện K Trung Ương ở Hà Nội đã bị phong tỏa do có ca nghi mắc COVID-19. Theo đó, sẽ tiến hành tạm thời phong tỏa các đơn vị gồm nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà tại 3 cơ sở Bệnh viện K để phục vụ cho công tác chống dịch.

Bệnh Viện K – Cơ sở Tân Triều. (Hình: Soha)

Trước đó, phía Bắc Việt Nam đã có 6 bệnh viện bị phong toả:

  1. BV Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc)
  2. BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội)
  3. Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An)
  4. Bệnh viện Phổi Lạng Sơn
  5. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
  6. Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội)

Như thế, tại thời điểm này, Việt Nam đã có 7 bệnh viện bị phong tỏa, trong đó có 2 bệnh viện trực thuộc trung ương.

Điều đáng lo ngại là, theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, GĐ Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội, khi hệ thống bệnh viện – “thành trì cuối cùng” trong việc phòng chống dịch – bị suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra, như đang xảy ra tại Ấn Độ.

Và điều đáng lo sợ ấy đang xảy ra, dịch bệnh COVID-19 đã lan vào bệnh viện với nguy cơ rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế, cho rằng bệnh viện từ trước tới nay luôn được coi là môi trường nguy hiểm nhất có thể lây nhiễm Covid-19. Bệnh viện luôn có lượng người đi lại rất lớn từ bệnh nhân tới khám, điều trị và người thăm nuôi. Điều nguy hiểm nữa là nếu dịch xảy ra ở bệnh viện, “lẻn” vào các khoa, phòng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, suy thận, để doạ tính mạng các bệnh nhân đang bị bệnh nặng này.

Theo PGS Trần Đắc Phu hiện nay tình hình dịch ở Việt Nam phức tạp hơn rất nhiều do nguồn lây nhiều, tốc độ lây nhanh.

So với 3 làn sóng trước, điểm khác biệt của đợt dịch thứ 4 này ở Việt Nam là sự xuất hiện của nhiều “hình thái” lây lan cùng 1 lúc.

Thứ nhất, bệnh dịch xâm nhập từ các nguồn nhập cảnh bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường biển với các nước trong khu vực đang có dịch như Lào, Campuchia, Thái Lan…

Thứ hai, các nguồn lây trong khu cách ly (trường hợp ở Yên Bái khả năng lây trong khu cách ly rất cao).

Thứ ba, nguồn lây trong bệnh viện.

Thứ tư, lây trong quán bar, karaoke.

Thứ năm, lây trong máy bay.

Đến thời điểm này, PGS Phu cho rằng còn có thể có các mầm bệnh lẫn khuất trong cộng đồng. Đặc biệt là sau kỳ nghỉ lễ vừa qua, việc đi lại đông đúc giữa các tỉnh, thành phố là không thể kiểm soát… nên có khả năng lây lan nhanh, phát sinh ra nhiều ổ dịch ở nhiều địa phương. [SGN]

https://saigonnhonews.com/tin-viet-nam/thanh-tri-cuoi-cung-phong-chong-c...