BÀI HỌC CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA BẦY KIẾN LỬA

Giáo sư sinh vật học Bert Hölldobler chuyên nghiên cứu về kiến và tác phẩm nổi tiếng của ông là Kiến (Ants).

Danh ngôn của Bert Hölldobler hay được trích dẫn cũng về kiến. Ông nhân cách hóa kiến và áp dụng vào chính sách đối ngoại:

“Mục tiêu trong chính sách đối ngoại của kiến có thể được tóm tắt như sau: xâm lược không ngừng nghỉ, chinh phục lãnh thổ, tận diệt chủng tộc của các thuộc địa láng giềng bất cứ khi nào có thể. Nếu kiến có vũ khí nguyên tử, có lẽ chúng sẽ xóa bỏ thế giới trong vòng một tuần lễ.”

Nhà sinh vật học người Đức này có thể không ám chỉ Trung Cộng. Tuy nhiên, người Việt nào có quan tâm cho tương lai đất nước sẽ nghĩ ngay đến Trung Cộng.

Bầy kiến lửa trên một tỉ đang tập trung bên kia biên giới phía Bắc chờ có lịnh sẽ tràn sang Việt Nam và thực hiện đúng chủ trương xâm lược, chinh phục lãnh thổ, tận diệt nòi giống Việt đúng như cách Bert Hölldobler nhân cách hóa.

Bầy kiến lửa Trung Cộng không thể không tràn.

Bởi vì, bành trướng là một đặc điểm có tính bản chất của mọi đế quốc. Dù Mông Cổ hay Mughal ở Á Châu, Ottoman hay Liên Sô ở Âu Châu đều tồn tại trên cơ sở bành trướng.

Khi một đế quốc không bành trướng được nữa đế quốc đó sẽ sụp đổ. Đế quốc Anh là một trường hợp dễ thấy nhất vì mới diễn ra vào cuối thập niên 1960 khi tất cả thuộc địa của Anh, ngoại trừ Hong Kong, giành lại độc lập hay được trao trả độc lập.

Tầng lớp cai trị ở Trung Nam Hải dĩ nhiên đã học từ lịch sử các hậu quả đầy tai họa của chính sách bành trướng. Nhưng hiểu là một chuyện dừng lại được hay không là chuyện khác. Trung Cộng không thể dừng lại. Trung Cộng phải bành trướng bằng mọi cách dù là bóc lột sức lao động của người dân nghèo khổ ở Phi Châu hay ăn cắp trí tuệ của các nước tiên tiến tây phương.

Về đối ngoại, Trung Cộng chỉ có thể áp dụng các chính sách một cách linh động, uyển chuyển, thỏa hiệp khi cần để sự bành trướng không dẫn tới các xung đột quốc tế có khả năng làm sụp đổ chế độ.

Về đối nội, Trung Cộng thay đổi các phương pháp tuyên truyền để kiểm soát và hướng dẫn nhận thức của người dân phù hợp với đường lối và mục tiêu bành trướng của đảng.

Sau biến cố Thiên An Môn, bộ máy tuyên truyền Trung Cộng chuyển hướng từ “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” sang “yêu nước là yêu đảng CSTQ” và đảng CS là một chọn lựa tự nhiên, không có chọn lựa nào tốt đẹp hơn. Một triều đại phong kiến đỏ đang được hình thành tại Trung Cộng. Không ngạc nhiên khi Khổng Tử, một hình tượng bị đạp đổ trong “Cách Mạng Văn Hóa”, đã sống lại và trở thành một đảng viên CS.

Trong vị trí của Việt Nam thoát khỏi ổ kiến lửa Trung Cộng là một thách thức vô cùng khó khăn.

Nhưng nhiều quốc gia đã thoát được khỏi cac cường quốc láng giềng có mục tiêu bành trướng tương tự. Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan đã thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của bành trướng Liên Sô và mới đây các quốc gia vùng Baltic cũng thoát ra được khỏi chính sách bành trướng của Nga dù dân số nước họ chỉ bằng một phần trăm của Nga.

Dư luận thế giới thường để ý đến các nhân vật tên tuổi nhưng cách mạng dân chủ không phải bao giờ cũng được dẫn đầu bằng những người tên tuổi. Những người bước lên chuyến xe lịch sử mở đường cho hành trình phục hưng dân tộc thường khác nhau về gốc gác, nghề nghiệp, thế hệ, trình độ hiểu biết chính trị và cả mục đích cuối cùng của đời họ, tuy nhiên họ có định hướng rõ ràng trong từng giai đoạn nhất định.

Boris Yeltsin, một cựu ủy viên bộ chính trị và Andrei Sakharov, một cựu tù nhân lương tâm. Họ khác nhau gần như trong mọi so sánh, nhưng trong năm 1988 họ chỉ có chung một mục tiêu thôi, đó là giới hạn đảng CS khỏi vị trí cầm quyền. Họ đã thành công.

Việt Nam không phải thiếu những người không đồng ý với đảng CS, chê bai đảng CS, khinh bỉ đảng CS, chống đảng CS, căm thù đảng CS nhưng câu hỏi đặt ra những người không đồng ý, ghét, khinh, chống, thù CS đó họ có một định hướng chung chưa, câu trả lời có thể là chưa.

Ngày nào những người Việt quan tâm chưa gác qua bên được những khác biệt nhỏ để định hướng cho một mục đích lớn, ngày đó lại phải chấp nhận để đảng CS dắt đi vòng vòng trong ngõ cụt tối tăm như đã đi suốt 43 năm qua và có thể còn dài nữa.

Trần Trung Đạo