Bí mật hệ thống địa đạo Gaza

Phải nói là gần như không có nơi nào trên thế giới có hệ thống đường hầm qui mô và phức tạp như ở Gaza…
 
Mỹ Anh (SGN)
 
Mê cung dưới lòng đất

Hoạt động chính của hệ thống đường hầm Gaza là buôn lậu, từ súng ống, đạn dược đến thực phẩm và thậm chí động vật! “Thị trường” buôn lậu trong các đường hầm Gaza “náo nhiệt” đến mức nó đang giúp nhiều người làm giàu. Mỹ và Israel lâu nay đã yêu cầu Ai Cập tăng cường tìm kiếm và bịt hệ thống đường hầm. Tháng Sáu 2014, cảnh sát Ai Cập phát hiện một hệ thống gồm 20 đường hầm dẫn từ lòng Gaza và đâm thẳng vào biên giới họ. Bốn người đang hì hục đào một đường hầm và lắp đặt một ống dẫn nhiên liệu dài 800m đã bị bắt.

Tuy nhiên, kỹ thuật đào đường hầm của Palestine đã đến “trình độ” thượng thừa và hoạt động buôn lậu vẫn nhộn nhịp ngày đêm. Trong phóng sự trên Der Spiegel, tác giả Juliane von Mittelstaedt đã cho thấy vài nét trong bức tranh mê cung trong lòng Gaza…
Ông vua đào đường hầm Gaza, Abu Ibrahim, đang tổ chức một bữa tiệc linh đình, với hoa hồng mua từ Ai Cập và cuộc vui nhảy múa kéo dài đến tận sáng. Không phải vài trăm mà có đến hàng ngàn người đã đến nâng cốc mừng cho đám cưới cậu ấm nhà Abu, lập gia thất với một cô gái nhí 15 tuổi. Đích thân Abu đã chọn cô dâu và bên nhà gái mừng như bắt được vàng. Chẳng ai có thể khước từ điều gì từ Abu cả. Là người giàu nhất Rafah, Abu Ibrahim vừa xây xong một tòa nhà thương mại cao tầng.
 
Có một vợ và 10 con, ông cũng vừa “tậu” được cô vợ hai. 38 tuổi, Abu Ibrahim thậm chí được Hamas nể nang ít nhiều. Những gì Hamas có được hôm nay một phần nhờ đóng góp Abu Ibrahim, đặc biệt hệ thống đường hầm mà đương sự xây dựng. Cách đây ¼ thế kỷ, Abu Ibrahim đào đường hầm đầu tiên ngay dưới biên giới Ai Cập. Lúc đó, Abu chỉ 13 tuổi. Đầu tiên, Abu buôn lậu vàng, phó mát và thuốc lá. Sau vụ intifada (nổi dậy) năm 2000, Abu bắt đầu “chơi” vũ khí. Chính Abu chứ không ai khác đã cung cấp súng ống và nhờ đó Hamas chiếm được quyền lực vào Tháng Sáu 2007.

Theo tình báo Israel, hàng trăm tấn thuốc nổ đã được vận chuyển từ các nước láng giềng vào địa phận Gaza kể từ Tháng Sáu 2007, cùng hàng chục triệu băng đạn, hàng chục ngàn súng máy, lựu đạn, mìn, hỏa tiễn vác vai… Từ khi Israel khóa biên giới với Gaza, 95% hoạt động kinh doanh ở Gaza đã bị đóng cửa và 70.000 công nhân cùng khoảng 40.000 nông dân bắt đầu thất nghiệp. Điều này càng khiến hệ thống đường hầm Gaza trở thành “mạch sống” cho 1,5 triệu cư dân Gaza.

Từ quần áo, Coca-Cola, xi măng, đến cả tân dược Viagra… đều có mặt tại Gaza thông qua hệ thống đường hầm. Theo Der Spiegel, có khoảng 5.000 người làm việc trong thành phố ngầm với ít nhất  khoảng 150 đường hầm, so với vỏn vẹn 15 cách đây một năm. Một bài viết khác của Diaa Hadid trên AP cho biết thêm, thậm chí khỉ, sư tử cũng được đánh thuốc mê để được vận chuyển từ biên giới Ai Cập vào Gaza nhằm cung cấp cho một vườn thú (sư tử con được mua với giá $3.000/con)…

Bí mật hệ thống đường hầm

Theo The Times of London, hệ thống đường ngầm Gaza tỏa ra như nan quạt từ Rafah. Nhiều nhánh xuyên thẳng vào địa phận Ai Cập. Theo những gì chứng kiến tận mắt một đường hầm bị lộ, phóng viên The Times cho biết nó được trang bị cả điện thoại, ván đỡ chống sụp, môtơ tời và đường ray để vận chuyển hàng hóa, vũ khí hoặc người qua cái lỗ cửa khoảng 70 x 70 cm. Đường hầm sâu 20-30 m và có hệ thống thông gió mỗi 200 m. Mỗi ngày, thợ đào có thể khoét được 15 m đất, chia thành ba ca, dùng la bàn để định hướng. Theo một viên chức Bộ quốc phòng Israel, độ dài đường ngầm tùy thuộc tính chất đất.

Càng ra gần biển, đất càng xốp xộp và đường ngầm dễ sụp; càng đi về phía Đông, nơi toàn đất bùn nhão nhoẹt, độ an toàn cho đường ngầm càng thấp. Việc đào đường ngầm liều lĩnh chẳng kém ôm bom cảm tử bởi có thể bị sụp đất chết ngạt bất cứ lúc nào. Theo DEBKAfile, khoảng 400 đường hầm nối liền bán đảo Sinai tại Ai Cập với Gaza đã bị phát hiện và phá hủy.

Tuy nhiên, bịt đường ngầm này, người ta lại đào ngả khác. Hệ thống đường ngầm không chỉ dùng tấn công đối phương, vận chuyển súng ống và thuốc men mà còn sử dụng như đường thoát hiểm cho các thủ lĩnh khủng bố Palestine. Nhiều thủ lĩnh khi bị bắn trọng thương và bị rượt đuổi nhưng vẫn thoát chết khi mò được vào đường hầm.

Hệ thống đường hầm bên dưới Gaza có nơi sâu tới 30 m (100 ft) và có lối vào nằm ở tầng dưới cùng của các ngôi nhà, nhà thờ Hồi giáo, trường học và các tòa nhà công cộng. Nhiều lối ra vào đường ngầm được đặt tại ngay trong nhà dân, bên dưới tủ quần áo, gầm giường hoặc thậm chí trong nhà tắm. Israel chi trung bình 44 tỉ shekel (khoảng $9.8 tỉ) cho ngân sách quốc phòng hàng năm để phát triển vệ tinh do thám và đủ thứ vũ khí siêu hạng nhưng vẫn chưa thể tiêu diệt được hoàn toàn hệ thống đường ngầm Gaza.

Dò tìm đường hầm Gaza, với Israel, chẳng khác gì trò mèo dí chuột. Ít người hình dung rằng kỹ thuật đào đường hầm tại Gaza có thể hiện đại như vậy. Dùng ảnh vệ tinh từ Google Earth, người ta lắp hệ thống cáp điện, ống oxy và kết nối bộ đàm khi chuẩn bị đào một đường hầm. Cần khoảng sáu tháng với chi phí $40.000 để đào một đường hầm như vậy…

“Con mắt” đường hầm là một cái lỗ vuông nhỏ được giấu dưới viên gạch nhà bếp trong một tòa nhà bỏ hoang tại Gaza. Để xuống dưới, chỉ có cách dùng dây thừng. Cách mặt đất khoảng 7,5 m là một lối đi hẹp với bề ngang chưa đến 1 m; kéo dài hơn 500 m đến biên giới Ai Cập.

Luôn trong tâm trạng sợ đường hầm có thể bị phát hiện và bị bắn tỉa chết, Abu Mutassem cùng bốn đồng bọn gần như bò liên tục trong đường hầm, với đèn pin trong tay. Đất cát bê bết cả mặt mũi họ. Cuối cùng, họ cũng trồi lên được từ một lỗ thoát, nằm sát biên giới Ai Cập. Chuyến mua hàng kết thúc cực nhanh và họ bắt đầu quẳng từng bao tải xuống lỗ hầm rồi khuân trở về Gaza.

Chỉ khi leo ngược lên “mắt hầm”, Abu Mutassem mới kiểm hàng: 70 khẩu AK quấn kín trong bao nylon để không bị cát hầm làm hỏng. Mỗi khẩu có thể bán được $1.200 tại Gaza trong khi vốn mua chưa đến $200… Theo Abu Mohammed, một trong những ông vua buôn lậu nổi tiếng nhất Gaza (từng làm ăn từ thập niên 1980), Ai Cập chẳng dại gì bít cửa hoàn toàn hệ thống đường hầm. Lý do: “Một nửa dân số Rafah (thị trấn lớn nhất nằm ở biên giới Gaza-Ai Cập) hiện kiếm sống nhờ buôn lậu” – Abu Mohammed nói – “Nếu đột nhiên bị tước mất nguồn thu nhập này, hàng ngàn người trong số họ sẽ tràn qua lãnh thổ Ai Cập”. Abu Mohammed cho biết thêm, hoạt động buôn lậu còn “nuôi” được không ít cảnh sát Ai Cập tham nhũng…

Còn nữa, hoạt động buôn lậu còn được ủng hộ công khai từ Hamas. Các đường dây buôn lậu, ngoài việc cung cấp vũ khí, còn có thể đem lại nguồn thu từ thuế. Lâu nay, Hamas vẫn đánh thuế thuốc lá buôn lậu tại Gaza (một thùng 500 gói thuốc lá mua ở Ai Cập với giá $700 được bán tại Gaza đến $2.000). Hamas thu được khoảng $10.000/ngày từ dân buôn lậu.

Hamas cũng kiểm soát nguồn phân phối nhiên liệu. Bất kỳ ai muốn mua khí đốt, đầu tiên, phải mua “chính sách bảo hiểm” từ Hamas với giá $264 để có một coupon cho phép mua 20 lít nhiên liệu hai tuần một lần. Với dân buôn lậu, cuộc chiến giành quyền lực giữa Fatah và Hamas càng kéo dài càng tốt. Giai đoạn đỉnh điểm của cuộc phong tỏa Gaza, giá sinh hoạt đã tăng gấp bốn. Có lúc, xi măng tại Gaza đắt gấp 10 lần tại Ai Cập.

Tháng Mười 2013, theo Al-Monitor, một trong những đường hầm qui mô nhất đã được phát hiện tại phía Đông Abasan thuộc Nam Gaza, dẫn đến khu Ein Hashlosha ở Israel. Đường hầm sâu 20 m, dài 2,5 km, được xây kiên cố bằng 800 tấn bê tông với chi phí ước tính $10 triệu! Khoảng 100 công nhân đã xây hệ thống đường hầm này trong hơn hai năm. Điều đáng chú ý là nó được trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc, điện và kho lưu trữ thực phẩm. Cũng năm 2013, IDF phát hiện một đường hầm dài 1,6km, sâu 18m với mái bê tông và tường kiên cố, chạy dài từ Gaza sang gần một kibbutz của Israel. Nó chỉ bị phát hiện khi người dân nghe thấy những âm thanh lạ.

Đường hầm được sử dụng để bắt cóc lính Israel cũng như thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng bằng phi pháo. Năm 2006, Hamas đã dùng đường hầm để lẻn qua đất Israel và giết hai binh sĩ Israel đồng thời bắt cóc người lính Gilad Shalit. Năm năm sau, Gilad Shalit được thả, trong cuộc trao đổi tù binh với hơn 1.000 tay súng Palestine.

Một trong những tù binh Palestine được trao trả lần đó là Yahya Sinwar, hiện là thủ lĩnh Hamas ở Gaza.

Tướng Israel Shlomo “Sami” Turgeman, tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Israel, khẳng định rằng chỉ Hamas mới đủ khả năng tài chính xây hệ thống đường hầm này. Trong cuộc oanh kích ngày 6 Tháng Bảy 2014, bom Israel đã phá được một đường hầm tại sân bay quốc tế Palestine, làm chết sáu tay súng Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam (cánh quân sự của Hamas).

BBC ngày 13 Tháng Mười 2023 cho biết thêm, sau cuộc xung đột vào năm 2021, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã phá hủy hơn 100 km đường hầm trong các cuộc không kích. Trong khi đó, Hamas tuyên bố hệ thống đường hầm của họ trải dài 500km và chỉ 5% bị trúng đạn. Để dễ hình dung, hệ thống tàu điện ngầm Luân Đôn dài 400 km và hệ thống metro của Washington DC chỉ vỏn vẹn 128 dặm (khoảng 205 km).

Vào thời kỳ nhộn nhịp nhất của hệ thống địa đạo Gaza, có đến gần 2.500 đường hầm chạy bên dưới biên giới Ai Cập được Hamas và các nhóm chiến binh khác sử dụng để buôn lậu hàng hóa thương mại, nhiên liệu và vũ khí. Có thể một đường hầm xuyên biên giới đã được Hamas sử dụng trong chiến dịch tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười 2023.

Có báo cáo về một lối ra đường hầm được phát hiện gần kibbutz Kfar Aza, nơi hàng chục thường dân bị thảm sát ngày 7 Tháng Mười. Nếu điều đó chính xác, đường hầm hẳn đã được xây bên dưới hàng rào bê tông trang bị cảm biến tinh vi được thiết kế để phát hiện hoạt động đường hầm mà Israel đã lắp đặt vào cuối năm 2021 với chi phí lên đến $1,1 tỉ!