Danh Hoạ VŨ HỐI vừa qua đời

 

Danh Hoạ VŨ HỐI vừa ra đi lúc 5:15 PM ( giờ Washinton DC ) hôm nay ngày 19 tháng 8 năm 2022 tại Maryland Hoa Kỳ hưởng thọ 91 tuổi Đây là một mất mát lớn cho cộng đồng người Việt hải ngoại nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Vô Cùng Thương Tiếc !

Danh họa Vũ Hối, bút hiệu Hồng Khôi là một họa sĩ, một thi sĩ và nhà nhiếp ảnh, nổi tiếng về hội họa của Việt Nam và quốc tế. Ông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1932 tại làng Dương Ðàn, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, vùng đất có năm ngọn núi tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ kết thành Ngũ Hành Sơn, nổi tiếng là vùng “Ðịa linh nhân kiệt,” nơi sản sinh nhiều nhân tài của đất nước.

Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, nhưng chẳng may thân phụ và 11 người trong gia đình ông đã bị cộng sản tàn sát dã man vì là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Ông còn có bào huynh là Giáo Sư Vũ Ký, cũng nổi tiếng với cuốn biên khảo “Cương Lĩnh Văn Hóa.” Là một danh tài, một nghệ sĩ tích cực chống cộng của Miền Nam nên sau ngày 30 tháng 4, 1975 ông bị cộng sản bắt giam chung với nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Ðức Quỳnh mà chúng ghép tội là “văn nghệ sĩ chống cộng – văn nghệ sĩ ngụy.” Trong suốt thời gian bị giam, ông luôn luôn tỏ ra là con người Quốc Gia đầy sĩ khí, nhất định không khai danh tánh của những người đồng chí hướng với ông nên bị chúng tra tấn tàn bạo đến mù con mắt bên phải và chúng cùm ông cho đến liệt chân phải.Họa sĩ Vũ Hối tốt nghiệp kỹ sư ngành họa và trang trí ở Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh, đã từng là giáo sư hội họa tại Trường Trung Học Thủ Ðô-Hậu Giang, hội viên của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam và hội viên Nhà Văn Việt Nam… Hiện ông là thành viên của Trung Tâm Văn Học Cỏ Thơm ở Hoa Thịnh Ðốn, có tên trong Ban Biên Tập của Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm.Cái gì làm cho đời phong phú, thi vị lên là cái ấy đẹp, vật chất cũng như tinh thần. Tình yêu nam nữ làm cho đời thi vị thêm nên tình yêu là cái đẹp, một chiếc áo dài làm cho người phụ nữ Việt Nam uyển chuyển, thướt tha ấy là cái đẹp của văn hóa ta hay một bầu trời lấp lánh những vì sao, một cánh đồng thơm tho mùi lúa chín, một định lý khoa học làm cho đời sống nhân loại tiện nghi hơn, một bài thơ hay, một nốt nhạc tuyệt diệu, một bức tranh tuyệt tác, một công việc từ thiện, một hành động bác ái, một lời nói từ bi… đều là những cái đẹp cả. Hiểu như vậy thì cái Ðẹp mới bao trùm được Chân-Thiện-Mỹ.Nghệ thuật có mục đích ghi cũng như thực hiện những cái Ðẹp trong vũ trụ mà văn chương, âm nhạc, hội họa là những nghệ thuật phổ cập hơn hết và Vũ Hối đã chọn hội họa cùng văn chương để gởi gấm con tim, khối óc, lý tưởng của mình vào đó hầu làm cho đời đẹp hơn lên. Muốn nói đến thi-họa-sĩ Vũ Hối, quý vị cũng như chúng tôi phải cần đến một pho sách dày mới nói hết về những đóng góp cho văn học và nghệ thuật trong hơn nửa thế kỷ cầm cọ, cầm bút của ông…

Chúng ta được biết những thành tích của Vũ Hối qua:

– Ðã từng du học ở Hoa Kỳ tại các tiểu bang South Carolina và Georgia vào năm 1960

– Tên tuổi của Vũ Hối cũng đã đi vào Bách Khoa Tự Ðiển Larousse, bộ tự điển nổi danh nhất của Pháp và thế giới.

– Ðược mời vẽ chân dung Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy.

– Ðược mời vẽ chân dung Ðại Tướng Creighton W. Abrams, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam.

– Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ.

– Có tên trong Văn Học Tự Ðiển thời Việt Nam Cộng Hòa.

– Sáng lập trường phái Luân Vũ Họa (Paintings In Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting).

– Ðược ghi danh trong Tuyển Tập L’ art de l’ ecriture, Paris 1993.

– Nghệ sĩ Á Châu duy nhất được vinh danh về Sáng Tạo Nghệ Thuật cho thế giới, tại Atlanta-Hoa Kỳ ngày 5 tháng 11, 1994.

– Ðược Tổng Thống Tiệp Khắc Vaclav Havel tiếp kiến và nhận tranh “The Dream of Peace” tại dinh thổng thống Praha ngày 5 tháng 9, 1995.

– Có tên trong “Vẻ Vang Dân Việt II” (The Pride of The Vietnamese Edition II) trong Tự Ðiển Danh Nhân Thế Giới, ấn hành tại Anh Quốc năm 1998 (Dictionary of international Biography 1998 – Cambridge – England).

– Tên tuổi Vũ Hối được ghi trong “5000 Persionalities of The World,” do American Biographical Institute ấn hành năm 2000.

– Có tên trong “Tự Ðiển Một Phần Tư Thế Kỷ Việt Nam Hải Ngoại” do Hội Văn Hóa Pháp-Việt (France-Vietnam Culture), ấn hành năm 2003-Paris.

– Nhà Thư Họa Việt Nam duy nhất được ghi tên trong “Tuyển Tập Thư Họa Bậc Thầy Ðông Phương,” ấn hành tại Tokyo – Nhật Bản năm 2006 (Volume 6 International Editonal-Tokyo-Japan)

– Ðược Nghị Viện Hoa Kỳ vinh danh là Chiến Sĩ Văn Hóa và Chiến Sĩ Nhân Quyền tích cực đấu tranh cho Tự Do-Dân Chủ-Nhân Quyền do nghị định số 322 tại Hoa Kỳ.

Ngoài danh tài về họa, Vũ Hối còn là một nhà văn, nhà thơ. Văn ông trong sáng, súc tích còn thơ ông nhẹ nhàng, truyền cảm và ông đã xuất bản:

– Mùa Giao Cảm (Thơ) 1958.

– Vần Thơ Màu Trắng (Thơ) – La Poésie de Couleur Blanche, được phiên dịch ra Anh và Pháp ngữ năm 1959 tại Sài Gòn.

– Những Dấu Chân Ði (Truyện Ngắn), xuất bản năm 1960.

– Hợp Tấu Thi Tuyển cùng 26 nhà văn hiện đại – Nhân Loại xuất bản năm 1969.

– Chiêm Bao Trở Giấc (Thơ), xuất bản năm 1997.

– Nghìn Thương Ðất Mẹ (Thơ và Thư Họa), năm 1999.

– CD Vũ Hối và Thơ Nhạc Trong Tranh do Nhật Trường Production thực hiện năm 2000.

– CD Thơ Chiêm Bao Trở Giấc do nghệ sĩ Bích Ty- Hà Phương phát hành.

– Thư Họa Trích Kiều, xuất bản năm 2003.

– Thơ Vũ Hối (CD ngâm thơ).

– Tuyển Tập Mây Ngàn (Thơ – Thư Họa Vũ Hối), ấn hành tại Norway năm 2004.

– Nghệ Thuật Thư Họa, năm 2007.

sẽ xuất bản:

– Tác Phẩm và Tác Giả.

Nói đến họa sĩ Vũ Hối, trước ngày 30 tháng 4, 1975, ở Việt Nam và sau ngày 30 tháng 4, 1975, ở hải ngoại, ai cũng biết tài vẽ tranh, nhất là Thư Họa của ông. Vũ Hối đã từng vác Chuông Việt Nam đi đánh xứ người nhiều lần và những tiếng chuông ông đánh ở xứ người kêu rất to, rất thanh vang rền trong cộng đồng văn hóa thế giới làm vẻ vang giống nòi. Ông đã nhiều lần tham dự triển lãm hội họa quốc tế tại Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Ðức, Anh, Ðại Hàn, Phi Luật Tân… Tranh của ông trong các cuộc triển lãm nói trên không những thể hiện qua những ánh mắt khâm phục của giới thưởng lãm mà còn gặt hái sự khen tặng của nhiều nhà nghệ thuật danh tiếng trên thế giới. Qua 50 năm đóng góp cho văn học và nghệ thuật nước nhà cũng như văn học, nghệ thuật quốc tế, những lời thán phục, những câu khen tặng đã là “triệu khẩu truyền” dành cho ông. Thành ngữ có câu “vạn khẩu truyền” nhưng ở đây, thiết nghĩ nên dùng “triệu khẩu truyền” vì “vạn khẩu truyền” e rằng chưa đủ cho danh họa Vũ Hối.

Một họa phẩm đẹp, hấp dẫn phải diễn đạt được sự vật một cách linh động, gói ghém một lý tưởng hay gởi gấm một triết lý nhân sinh thoát ra từ con tim của người nghệ sĩ. Tư tưởng, triết lý nghệ thuật đó đã được Vũ Hối diễn đạt qua bức tranh “Mộng Hòa Bình” với một thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài trắng và ba con chim bồ câu bạch đã chiếm Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế tại Hoa Kỳ năm 1963, trong đó có 32 quốc gia tham dự. Nhìn người phụ nữ trong tà áo dài là lòng ta rung động, buồn man mác mà nhớ về quê Mẹ. Còn nhìn ba con chim bồ câu trắng vỗ cánh tung bay mang thông điệp hòa bình khiến tâm hồn ta lâng lâng như nghe văng vẳng tiếng chuông chùa từ bi hay những hồi chuông bác ái từ thánh đường, nói lên tính hiếu hòa của dân tộc ta.

Với Giải Khôi Nguyên, Vũ Hối đã làm rạng rỡ màu cờ dân tộc (cờ vàng ba sọc đỏ), còn hồn bút ông đã đem lại danh dự cho quê hương. Dưới bức tranh “Mộng Hòa Bình,” ông có đề hai câu thơ viết bằng lối Thư Họa và dùng điểu tự, nét bút như chín tầng chim bay cao:

Xa quê mãi nhớ cố hương

Miệt mài nghiên bút linh hồn Việt Nam

Mộng hòa bình

Vũ Hối cũng đã sáng lập trường phái Luân Vũ Họa hay Hội Họa Sinh Ðộng (Paintings In Motion). Về trường phái nầy, ông có vẽ bức tranh “Tứ Mã,” nét bút phơn phớt, mờ mờ ảo ảo “Một họa sĩ tài ba không bao giờ vẽ nguyên con rồng,” ở đây, nét vẽ của ông cũng hư ảo, kín đáo để người thưởng lãm phải suy nghĩ thêm, tưởng tượng thêm. Cảnh vật mờ mờ ảo ảo dưới ánh trăng, một mỹ nhân lấp ló, ẩn hiện sau cành lá hay một thiếu nữ ngồi hong tóc bên song cửa sổ làm cho ta ưa nhìn hơn một cảnh rực rỡ dưới ánh mặt trời hoặc những đường nét đẹp trên thân hình của người phụ nữ lồ lộ dưới ánh đèn điện sáng choang. Khi tả nàng Kiều tắm, cụ Nguyễn Du không tả chi tiết mà chỉ tả phơn phớt: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà. Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” để gợi sự tưởng tượng của người đọc thế mới hay mà người đọc càng tưởng tượng càng thấy hay. Tóm lại, mục đích của nghệ thuật chính là “gợi,” trong hội họa hay văn chương cũng vậy. Thêm nữa, muốn thưởng thức những nét đẹp của một bức tranh, ta phải dùng óc thẩm mỹ, dùng mỹ cảm, phải dùng trái tim của ta trước rồi mới dùng lý trí và phải hòa con tim của ta với trái tim của người nghệ sĩ. Trong bức tranh “Tứ Mã,” ông có đề hai câu thơ viết theo lối Thư Họa, với tự thể “Tốc” để diễn đạt vó ngựa đang phi nhanh. Nhìn bức họa ta tưởng tượng và có cảm tưởng như bị chóng mặt vì quả đất đang quay mà vó ngựa phi nhanh muôn chiều:

Tứ Mã

Nghĩ rằng quả đất đang quay

Nên tôi đã vẽ ngựa xoay muôn chiều

Sau cùng, tột đỉnh thành công của Vũ Hối là Thư Họa và khi nói đến Vũ Hối phải nói đến Thư Họa Việt Ngữ (viết chữ Việt như vẽ tranh), ông đã có công sáng tạo để đưa cái đẹp của Chữ Quốc Ngữ lên đỉnh cao của nghệ thuật. Khi viết Thư Họa Chữ Quốc Ngữ, với một thư pháp độc đáo, ông đã gói trọn hồn nước và tình tự dân tộc theo nét cọ của mình. Với tài hoa đặc biệt nầy, báo chí đã tặng cho Vũ Hối danh hiệu rất đẹp là “Vua Thư Họa.” Chúng ta rất hãnh diện về Chữ Việt qua nét Thư Họa có một không hai của ông.

Trước Vũ Hối, có vài người cũng đem thư pháp vào Chữ Quốc Ngữ như Ðông Hồ, Trụ Vũ… nhưng phải đợi đến Vũ Hối sáng lập trường phái Thư Họa mới lột hết cái tinh hoa của Thư Họa Việt Ngữ. Vũ Hối dã sáng tạo ra trường phái Thư Họa Chữ Quốc Ngữ với bản sắc dân tộc, không lai căng nét bút của Tàu, không vay mượn nét chữ của Nhật hay bất cứ của một nước nào. Lối viết của ông đơn giản, dễ đọc, không cầu kỳ nhưng đường nét lả lướt, bay bướm như “rồng bay phượng múa,” đường cọ đậm nhạt huyền ảo truyền đạt ý tưởng, tâm tư qua sự rung động, xúc cảm của con tim mình. Ngoài ra, Vũ Hối cũng là người đầu tiên vẽ Thư Họa trên đồ sứ và tranh sơn mài mà nghệ thuật hội họa thế giới chưa thấy họa sĩ nào thực hiện được.

TranhVũ Hối

Trong Thư Họa, với sự uyển chuyển của ngòi bút lông phối hợp với con mắt và trái tim của một nghệ sĩ, thư họa gia Vũ Hối đã sáng tạo ra nhiều tự thể như Thủy Tự, Hỏa Tự, Nguyệt Tự, Vân Tự, Trúc Tự, Ðiểu Tự… Và qua nét bút linh động của ông, ta sẽ bắt gặp những hình thái trong luật thư pháp như nét “Dương”đá lên không khác nào đường gươm dũng mãnh, hiên ngang, ngang tàng của một hiệp sĩ La Mã thời Trung Cổ hay nét “Ức” là nét nhấn xuống, sắc như nhát gươm thọc vào hạ bộ của địch thủ, rồi nét “Tốc” nhanh như chúa sơn lâm đang vồ mồi. Hoặc nét “Trọng” là nét dùng cho dấu nặng, nặng như quả tạ ngàn cân.. Còn nét “Trì” là nét chậm rãi, thư thái và nét “Khinh” là nét nhẹ nhàng, khoan thai ở cuối chữ.

Thư Họa là nghệ thuật dùng bút lông viết chữ mà như vẽ, thường để viết những câu thơ, câu đối, câu ca dao, câu tục ngữ, ngạn ngữ, danh ngôn hay những câu nói về lịch sử. Khi viết Thư Họa, ông dựa theo nội dung của câu thơ hay câu văn mà dùng tự thể để viết, như câu:

Thuyền ra giữa bến thuyền dừng

Ai đi thương nước nửa chừng lại thôi

(Thơ Vũ Hối)

thì ông sẽ dùng Thủy Tự, nét bút lững lờ như con thuyền giữa dòng nước.

Hoặc viết câu:

Lửa đấu tranh hừng hực chống bạo quyền

hay:

Ngàn năm hừng hực lửa da vàng

thì sẽ được dùng Hỏa Tự với nét bút biểu hiện khí thế bốc lửa hừng hực của câu văn.

Còn nếu viết câu Kiều:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

sẽ được dùng Nguyệt Tự, nét chữ như vầng trăng.

Hay viết hai câu Cung Oán:

Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương

ông sẽ dùng Vân Tự, nét cọ như mây vờn trăng sao.

Hoặc hai câu:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

(Ca dao)

sẽ được dùng Trúc Tự, nét chữ la đà, lao xao như những lá trúc đong đưa trước gió.

Và viết hai câu:

Chim ơi lạc xứ năm châu

Tình nguyên chung thủy sắc màu Việt Nam

(Thơ Vũ Hối)

thì ông sẽ dùng Ðiểu Tự, nét cọ như cánh chim chín tầng bay cao.

Thư Họa Vũ Hối

Xin hãy nghe Vũ Hối diễn tả các tự thể qua những vần thơ của ông. Những vần thơ và nét cọ của ông luôn luôn hướng về ngõ đoạn trường của dân tộc:

Thư họa nét dọc, nét ngang

Nét thiên, nét địa mênh mang đất trời

Nét nào hư ảo chơi vơi

Nét “vân tự” đó mây vời trăng sao

“Trúc tự” lá trúc lao xao

Lững lờ “thủy tự” nghiêng chao giữa dòng

“Hỏa tự” hừng hực cháy bừng

Cánh chim “điểu tự” chín từng bay cao

Gió vờn “phong tự” lao xao

Trở trăn Thư họa nao nao nỗi buồn

Tha hương nhớ cội nhớ nguồn

Lệ vương cuối nét mưa tuôn từng dòng

Tha hương nét cũng long đong

Sầu nghiêng hiu hắt đèn chong đêm dài

Nét nào nuôi hận đọa đày

Lệch vầng nhật nguyệt nửa ngày nửa đêm

Nét như rún rẩy bên thềm

Nhớ về Non Nước triền miên thăng trầm

Ngũ Hành Tự, nét khóc thầm

Nét thương, nét nhớ bâng khuâng xuân về

Xuân sang nét cũng tái tê

Nét như quặn thắt thương quê bão bùng…

Là một danh tài, là một tên tuổi lớn của nền văn học nghệ thuật nước nhà và quốc tế nhưng họa sĩ Vũ Hối có nhiều đức tính dễ thương, dễ mến. Nếu ai đã từng là bạn hoặc có dịp tiếp xúc với ông đều nhận thấy ông là một người khiêm nhường, điềm đạm, ôn tồn, từ tốn. Ông luôn luôn tâm niệm câu “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài – Nguyễn Du.” Chơi với bạn thì chơi rất thật tình và rất quý trọng bạn bè cũng như rất quý mến các anh chị em văn nghệ sĩ.