Nước Đức là quá khứ, thời điểm của Đông Âu đã đến

Philipp Fritz (Welt)
 
Mặc dù có cơ hội lịch sử Berlin không muốn đảm đương vai trò lãnh đạo.Thay vào đó, các quốc gia Đông Âu đang thế chân vào khoảng trống và trở thành trung tâm mới của lục địa này. Ngoài việc mất quyền lực, điều này còn để lại hậu quả cho nền kinh tế và sự thịnh vượng của nước Đức.
 
Kaja Kallas (nữ Thủ tướng Estonia - NBT) là “Tương lai của Châu Âu”. Trên mạng xã hội nhiều người bày tỏ sự tin tưởng về điều này. Người ta chia sẻ một bức ảnh của vị Thủ tướng Estonia cùng với Sanna Marin, Thủ tướng Phần Lan. Bên cạnh đó, họ đặt một bức chân dung cựu Thủ tướng Angela Merkel, phía dưới có hàng chữ: “Quá khứ của Châu Âu”.

Kể từ cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào Ukraine ngày 24 tháng 2, EU đã và đang tự tổ chức lại. Trung tâm của EU dịch chuyển xa hơn về phía đông. Điều này không chỉ thể hiện qua việc các thành viên phía đông của cộng đồng, đặc biệt là các nước Estonia, Ba Lan và Cộng hòa Séc, ủng hộ quân đội Ukraine mạnh mẽ thông qua việc chuyển giao ồ ạt vũ khí. Các nước này cũng là những nước đã tiếp nhận hầu hết trong số 7 triệu người Ukraine chạy loạn ra nước ngoài.

Thực tế là cấu trúc quyền lực của châu Âu đang thay đổi gắn liền với thay đổi về văn hóa, điều đó thể hiện qua các hình ảnh được lưu truyền trên mạng xã hội tôn vinh các chính khách như Kaja Kallas, so sánh bà với Angela Merkel, người từng được coi là nhà lãnh đạo của châu Âu trong nhiều năm qua.

Điều đó gây ấn tượng: nước Đức là quá khứ, bây giờ là thời điểm của EU ở phía Đông. Thực tế là, với cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, khu vực Đông Trung Âu đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Theo quan điểm lỗi thời của Đức, đây là những quốc gia “nằm giữa châu Âu”, tức là nằm giữa Đức, Nga và Áo, từ lâu ít được chú ý trên chính trường châu Âu. Nhưng giờ đây các nước này đã vươn lên trở thành người điều khiển nhịp độ thực hiện chính sách trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Warsaw hay Tallin luôn là những nước đầu tiên lên tiếng đòi thi hành các biện pháp cứng rắn hơn với Moscow,và sau đó nước Đức mới lên tiếng tán thành.

BA LAN LÀ MỘT NGÃ BA TRUNG TÂM

Slovakia, Romania hay Ba Lan – những quốc gia từ lâu đã cảnh báo về một nước Nga hung hăng, hiếu chiến nhưng luôn bị Brussels hoặc Berlin coi là sự hoảng loạn vô căn cứ – giờ đây là những quốc gia tiền tuyến. Ba Lan đã trở thành một đầu cầu không thể thiếu trong việc vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Ukraine. Ngoài ra, Ba Lan hơn hẳn các nước thành viên NATO trong việc tăng cường vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Các nước Baltic và Slovakia cũng sẵn sàng bảo vệ lâu dài sườn phía đông của liên minh, với quan niệm Moscow sẽ vẫn thù địch với châu Âu ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine đã lắng xuống.

Đường ranh giới của sự đối đầu giữa hai khối mới sau này sẽ chạy dọc theo biên giới Đông-Trung Âu, không còn dọc theo biên giới của Đức như đã từng diễn ra trong nhiều thập niên sau Thế chiến II.

Từ đó, theo quan điểm của Hoa Kỳ, điều này làm tăng tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Trọng lượng của các quốc gia này đối với chính sách an ninh đang tăng lên trong khi trọng lượng của Đức giảm đi.

Đối với nền chính trị Đức thì “Bước ngoặt thời đại” có thể là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, ở nước ngoài, các nhà bình luận có thiện chí cho rằng điều này quá lắm cũng chỉ là một sự điều chỉnh muộn màng để thích ứng với các tiêu chuẩn của NATO. Việc Berlin khá do dự trong việc viện trợ cho Ukraine cũng khiến vai trò lãnh đạo của Đức ở châu Âu trong con mắt người dân Trung – Đông Âu lúc này là không thể chấp nhận được.

Niềm tin vào nền chính trị Đức ở các nước đối tác đã bị tổn thương, nhưng nhiều người vẫn chưa nhìn thấy điều đó. Điều này sẽ không thể không để lại hậu quả đối với vị trí của Berlin.

Hình ảnh của nước Đức như một người lính không đáng tin cậy sẽ không dễ gì rũ bỏ, và có khả năng sẽ dẫn đến những biến động về kinh tế. Việc được coi là một đối tác đáng tin cậy, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, là lợi ích của chính nước Đức. Đối với Đức, phía đông EU là một khu vực kinh tế quan trọng hơn so với Trung Quốc. Riêng Ba Lan là đối tác thương mại quan trọng thứ tư của Đức, sau Ý, với kim ngạch thương mại hơn 122 tỷ euro vào năm 2021.

Khu vực này sẽ tiếp tục phát triển năng động. Trong những năm gần đây, một số nền kinh tế ở phía đông EU đã tăng trưởng hơn 5% mỗi năm. Khủng hoảng năng lượng và lạm phát đang dẫn đến những bất ổn ở khu vực này cũng như ở châu Âu nói chung. Tuy nhiên, một số chuyên gia xác định khu vực này vẫn là động lực tăng trưởng.

ĐÔNG TRUNG ÂU THAY THẾ CHO TRUNG QUỐC

Có nhận định cho rằng do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, các nhà đầu tư đang ngày càng quay lưng lại với Trung Quốc, và các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ thậm chí sẽ thu hẹp sự hợp tác của họ với Trung Quốc trong vài năm tới. Sau đó họ sẽ tập trung vào Trung và Đông Âu, do vị trí của nó và cũng như số lượng lớn lao động được đào tạo tốt ở đây.

Ukraine hoàn toàn không nằm ngoài toan tính này. Ngay cả khi quốc gia này không sớm trở thành thành viên của EU, thì có thể thấy trước nước này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu. Sự trao đổi này chủ yếu liên quan đến giao thông ở biên giới, cơ sở hạ tầng năng lượng, đầu tư chung vào đường sắt, đường bộ và nhiều lĩnh vực khác. Một số hiện đang được triển khai.

Chủ yếu vùng phía đông của EU sẽ được hưởng lợi từ điều này. Tại đây đang hình thành một không gian kinh tế tổng hợp với hơn 150 triệu dân. Nhà kinh tế Marcin Kedzierski ở Kraków cho rằng sẽ có “sự cạnh tranh về kinh tế và chính trị sòng phẳng với phần EU do Pháp và Đức dẫn dắt”.

Ngay cả những người không đồng ý với luận điểm của Kedzierski về sự cạnh tranh giữa Đông và Tây cũng phải thừa nhận rằng EU hiện đang có những thay đổi triệt để hơn so với những thập kỷ trước. Đức, trong vai trò một cường quốc định hình khu vực, đang có nguy cơ tụt hậu. Berlin không chỉ đánh mất niềm tin ở phía Đông.

Nếu giá năng lượng vẫn ở mức cao trong một thời gian dài, thì toàn bộ địa bàn kinh tế Đức sẽ gặp nguy hiểm. Tại sao Tesla, Google hay các tập đoàn bản địa như Volkswagen hay Bosch lại phải tạo ra việc làm ở Đức nếu điện ở đó quá đắt, trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số lại không an toàn?

Các nỗ lực để đạt được độc lập với Nga đã được thực hiện sớm hơn nhiều ở phía đông EU. Một ví dụ là đường ống dẫn khí Baltic Pipe của Ba Lan-Na Uy. Nó được khai trương bởi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen vào đúng ngày đường ống Nord Stream bị phá hoại. Biểu tượng của chính sách năng lượng thất bại này cũng cho thấy cán cân ở châu Âu đang nghiêng sang phía đông và rời xa nước Đức.

Sẽ là thái quá nếu miêu tả Đông – Trung Âu như một học sinh xuất sắc về mọi mặt. Tuy vậy, chắc chắn khu vực này sẽ trở thành trung tâm vì nó là đầu mối đàm phán mọi sự phát triển mà EU đang đối diện. Đầu tiên và quan trọng nhất là cuộc chiến ở Ukraine và hậu quả của nó, nhưng vấn đề di cư cũng đang là một vấn đề lớn.

Ngày càng có nhiều người đến EU thông qua ngả Balkan, và họ cũng đang đến Đức qua Slovakia và Cộng hòa Séc. Những người tị nạn từ Trung Đông hoặc châu Phi vẫn đang cố gắng vượt biên sang Ba Lan qua ngả Belarus. Cuộc khủng hoảng của nhà nước pháp quyền châu Âu cũng phải được quyết định ở phía đông, ở Ba Lan và Hungary. Cả hai quốc gia đều bị chỉ trích trong nhiều năm vì tái cấu trúc bộ máy tư pháp hoặc tấn công báo chí.
Vấn đề nhà nước pháp quyền cho thấy, nằm ở trung tâm sự chú ý không nhất thiết đồng nghĩa với việc là một tấm gương. Nhưng thông thường nó đi đôi với việc giành được ảnh hưởng. Giờ là lúc sẽ quyết định nơi nào là trung tâm, nơi nào là vùng ngoại vi trong tương lai châu Âu. Tiến triển này có thể mang lại thêm những bất ngờ mới./.

----
* Nguồn tiếng Đức: Philipp Fritz, “Deutschland war gestern, jetzt kommt das Europa des Ostens”, WELT, 11/10/2022. Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài