Nước Mỹ có vỡ nợ? Thực chất và hệ luỵ?

Nếu như Mỹ vỡ nợ, hàng loạt hệ luỵ sẽ ra đời và không biết thế giới sẽ phản ứng ra sao.

Lê Quốc Quân

Mỹ đang là quốc gia có tổng tài sản quốc dân lớn nhất thế giới nhưng cũng nợ nhiều nhất thế giới trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất.

Theo Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, ngày 1/6 này có thể xảy ra một điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, đó là ngày mà chính quyền sẽ không có đủ tiền trả các “hoá đơn đến hạn phải thanh toán”.

Điều này sẽ tác động rất lớn tới toàn bộ nền tài chính toàn cầu nhưng sự khủng khiếp của nó và mức độ ảnh hưởng đến đâu thì chưa ai có thể biết được. Vậy tại sao một quốc gia số một trên hành tinh này lại có thể vỡ nợ và bản chất của nó ra sao?

Trần nợ công là gì?

Trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền tối đa mà chính phủ được phép vay để thanh toán các khoản nợ và chi tiêu. Khi vay đến một ngưỡng nào đó đã được quy định mà không có thể được vay tiếp thì sẽ bị coi là “chạm trần”.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra mức trần nợ công bằng một tỷ lệ phần trăm so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nghĩa là việc vay nợ thường gắn với quy mô nền kinh tế, GDP càng cao thì càng được phép vay nhiều.

Nếu tính ra tỷ lệ vay nợ so với GDP thì nước Mỹ đang vay ở mức 123% với số tiền gần chạm trần con số 31.46 ngàn tỷ USD. Hầu hết các quốc gia thì nợ công đều dưới mức 100% so với GDP tuy nhiên cũng có nhiều nước vay nợ nhiều như Nhât Bản hiện ở mức 226%, Singapore 167%, Ý 144% và Pháp 113% (1).

Trong các nước kinh tế phát triển, chỉ có Mỹ và Đan Mạch thì trần nợ được đưa ra là một con số nguyên tuyệt đối, nhưng trường hợp của Đan Mạch hoàn toàn mang tính tượng trưng vì nó quá cao và còn lâu mới có thể vay đạt đến ngưỡng đó (2). Cụ thể số tiền mà chính phủ Đan Mạch hiện nay có thể vay là lên đến hai ngàn tỷ Krone Đan Mạch trong khi họ thực sự đang vay 323 tỷ Krone (3). Gần đây Đan Mạch lại đang có thặng dư ngân sách nên mức vay ngày càng ít, và có ý kiến cho rằng chính phủ đang đau vì nhiều tiền mà chưa biết làm gì.

Trong khi đó ở Mỹ nợ công sau 100 năm, từ 408 tỷ USD vào năm 1922 đã lên đến 30,9 ngàn tỷ vào năm 2022 (4). Các nhà lập pháp liên tục đặt ra các mức để giới hạn chính phủ cẩn thận trong chi tiêu và sau đó lại nới trần để được phép vay tiếp. Lần này mức đặt ra là chỉ được chạm đến ngưỡng: 31.46 ngàn tỷ USD mà cho đến nay thì đã sắp đến.

Do lo sợ sắp đáo hạn mà không có tiền để trả nợ cho nên Quốc hội gần đây đang làm việc quyết liệt để giải quyết nó. Thực tế thì Quốc hội Hoa Kỳ thường xuyên phải làm việc này. Họ đã phải hành động đến 78 lần kể từ năm 1960 để bàn thảo và quyết định nâng trần nợ công, giúp cho chính phủ tiếp tục vay tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn (5).

Nhưng lần này có thể khó khăn hơn và, trong một kịch bản tệ nhất, nước Mỹ có thể bị vỡ nợ một cách kỹ thuật, xô đẩy chính nó và hàng loạt quốc gia trên thế giới vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Việt Nam sửa luôn cách tính GDP để vay thêm

Nợ công Việt Nam cũng là mối ưu tư lớn của những người quan tâm đến vận mệnh đất nước và báo chí lề phải đã lên tiếng về việc này (6). Với GDP vào năm 2021 ở mức 368 tỷ USD, và mức nợ công là 43% trên GDP thì con số tuyệt đối là khoảng 158 tỷ USD, chia cho khoảng 98 triệu người, mỗi người Việt hiện nay ngay khi sinh ra đã phải mang nợ 37 triệu đồng.

Điều nguy hiểm là nhiều người ở Việt Nam đang quên vụ nợ công vì chính phủ gần đây quảng bá nợ công đang giảm xuống còn 42% so với mức cao nhất là 61,4% vào năm 2017. Hồi đó chính nó đã vượt trần Quốc hội cho phép là 60% GDP. Như vậy, xét về mặt kỹ thuật, thì Việt Nam đã từng vỡ nợ. Tuy nhiên, thay vì tăng thu và giảm chi để kéo mức nợ công xuống, chính phủ Việt Nam vào năm 2020 hoàn tất phương pháp tính lại GDP, nghĩa là thay luôn cả thước đo, tăng mẫu số để giá trị phân số nhỏ đi (7).

Vi diệu là ở chỗ đó. Ai chê mình thấp thì thay luôn cả thước để cho cao hơn.

Thật vậy, vào năm 2017, tổng cục thống kê ban đầu công bố GDP của Việt Nam là 220 tỷ Đô la và sau đó điều chỉnh lại, cộng thêm 55 tỷ thành GDP 275 tỷ, với lý do là cách tính trước đây đã bỏ quên 79 ngàn doanh nghiệp. Rồi lần lượt các năm sau đó Tổng cục Thống kê cứ nhân với tỷ lệ tăng trưởng được công bố và cho đến năm 2020 thì hoàn toàn tính theo cách mới và công bố gần đây nhất là năm 2021 thì tổng GDP của Việt Nam là 366 tỷ USD.

Khi tăng GDP thì một loạt chỉ số tính toán dựa theo GPD như nợ công, nợ nước ngoài, thâm thụt ngân sách sẽ đương nhiên giảm xuống. Nhìn con số sẽ đẹp hơn rất nhiều và chính phủ lại có điều kiện đi vay tiếp, nghĩa là lại tiếp tục bỏ thêm gánh nặng lên lưng thế hệ mai sau mà không ai còn làm toáng lên như ở Hoa Kỳ.

Nước Mỹ lạ lùng mà cần thiết

Tôi nghĩ chỉ có nước Mỹ là thực sự tự do và quyết liệt trong việc bàn bạc những vấn đề của tương lai, cả kinh tế và xã hội, bất luận đôi lúc có vẻ như được “vũ khí hoá” cao độ.

Gần đây trên khắp các phương tiện truyền thông người ta đều nói về trần nợ (debt ceiling). Các thị trường chứng khoán toàn cầu phập phồng lên xuống theo từng động thái đầy kịch tính của các nghị sĩ tại Washington DC.

Lần này có vẻ hai bên đang “nghiêm túc” chuyện trần nợ công và mức độ quyết liệt có vẻ cao hơn vì những lo lắng cho chuyện chi tiêu của đất nước, tránh để lại di sản nặng nề cho con em, nhưng cũng có thể là sự thể hiện của những chia rẽ vẫn âm thầm còn đó kể từ cuộc bầu cử năm 2020.

Vào năm 2011, nếu như Tổng thống Obama không đồng ý cắt giảm chi tiêu khi chỉ còn 72 giờ đồng hồ nữa là chính phủ liên bang thực sự vỡ nợ thì không biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào? Nhưng qua sự việc đó ta thấy các nhà lập pháp đã từng được thử nghiệm một lần và có vẻ như lần này đã sẵn sàng cho một cuộc vỡ nợ thật sự.

Lần này, với khả năng “gây sự” cao hơn, và các đảng viên Cộng hoà không nhượng bộ mà vẫn đòi thắt chặt chi tiêu, không cho nâng trần nợ công lên còn tổng thống kiên quyết không nhượng bộ và vẫn theo lộ trình chi tiêu của mình thì rất có thể một điều gì đó sẽ xảy ra.

Cá nhân tôi thì tin rằng chắc chắn cuối cùng hai đảng cũng sẽ tìm được tiếng nói chung và trần phải được nới lên nhưng họ sẽ giằng co nhau cho đến phút cuối. Mỗi một phút trôi qua, là mỗi phút thế giới hồi hộp nhìn theo nước Mỹ, nín lặng lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc nhích về phía chạm trần.

Tổng thống Biden vẫn còn một “vũ khí” quan trọng nằm ở câu sau trong Tu chính án số 14: “the validity of the public debt of the United States, authorized by law … shall not be questioned.” để có thể đơn phương hành động mà nâng trần nợ công lên. Câu tiếng Anh này có thể tạm dịch là “tính hợp lệ của khoản nợ công của Hoa Kỳ, được pháp luật cho phép… sẽ không bị nghi ngờ.” Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, giữa 3 dấu chấm trong câu trên đó vẫn còn một đoạn và các luật gia và các nhà chú giải Hiến pháp vẫn còn hiểu về nó rất khác nhau, mà bài viết nhỏ này không thể đi sâu hơn.

Tôi cũng tin rằng Tổng thống Biden sẽ không liều lĩnh sử dụng “vũ khí” quan trọng đã được thông qua hơn 150 năm trước hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau để rồi lại phải đối mặt với những cáo buộc pháp lý đi kèm và biết đâu lại phải ra toà án vì một hành động cũng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.

nh hưởng của việc vỡ nợ

Mỹ đang là quốc gia có tổng tài sản quốc dân lớn nhất thế giới nhưng cũng nợ nhiều nhất thế giới trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất.

Nếu như Mỹ vỡ nợ, hàng loạt hệ luỵ sẽ ra đời và không biết thế giới sẽ phản ứng ra sao. Hàng loạt khuyến cáo về sư hỗn loạn và thảm hoạ kinh tế đã được các chuyên gia đưa ra và chậm trễ ngày nào uy tín kinh tế của Hoa Kỳ càng giảm trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và chủ nợ cho vay thì đang như ngồi trên đống lửa.

Chúng ta đang sống thực sự trong một thế giới đầy bất định. Loài người đã phát minh ra tiền tệ và cả hệ thống tài chính tín dụng khổng lồ để hành động trong đó. Giống như một không gian đang phình ra ngày một to lớn, phong phú và đa dạng đến mức gây bất ngờ cho cả những người giỏi nhất thì sớm hay muộn có một điều gì đó cũng xảy ra ngoài nhận thức thông thường của chúng ta.

Cha đẻ của AI đã lên tiếng khuyến cáo về sự nguy hiểm của nó và cảnh báo đến lúc nó có thể vượt con người. Tương tự như vậy, những hệ thống thông tin tài chính kinh tế đã được loài người sáng tạo ra với vô vàn khái niệm và phát triển hàng ngàn năm nay, cuối cùng cũng có thể bị sụp đổ hoặc biến đổi sang một kiểu gì đó.

Cá nhân tôi cho rằng, trần nợ công nói riêng, các chỉ số về hệ thống kinh tế nói chung cũng chỉ là những hình thức “pháp lý” do loài người xây dựng nên, còn chiếc xe thì vẫn chạy, động cơ trong nhà máy vẫn quay và con gà trên bàn ăn vẫn còn đó.

Tôi cũng nhìn thấy sức lao động chăm chỉ và bền bỉ ở những người Mỹ, đặc biệt là những người nhâp cư đang vô cùng hăng say làm việc để tạo ra của cải vật chất, tôi tin nó vẫn còn có sức sống và tiếp tục dẫn dắt thế giới đi lên dù có vỡ nợ hay không.

Nước Mỹ to là ở chỗ đó

(1) https://www.ceicdata.com/en/indicator/united-states/government-debt--of-....

(2) https://www.bbc.com/news/world-us-canada-64878254

(3) https://www.nationalbanken.dk/en/publications/Documents/2023/02/REPORT_No%201_Central%20government%20borrowing%20and%20debt%202022.pdf

(4) https://fiscaldata.treasury.gov/americas-finance-guide/national-debt/#:~:text=Over%20the%20past%20100%20years,to%20pay%20down%20its%20debt.

(5) https://home.treasury.gov/policy-issues/financial-markets-financial-institutions-and-fiscal-service/debt-limit#:~:text=Congress%20has%20always%20acted%20when,29%20times%20under%20Democratic%20presidents..

(6) https://vietnamnet.vn/moi-nguoi-viet-ganh-35-trieu-no-cong-chac-ai-do-ph...

(7) https://vnexpress.net/tinh-lai-gdp-3983605.html

Blog Lê Quốc Quân