Ngoại giao văn hóa 5.0 và "cú đấm" BTS của Hàn Quốc

Nguyen Huy Vu

Cựu đại sứ Hoàng Anh Tuấn có một phân tích rất thú vị về cách làm thương hiệu của Hàn Quốc nhân chuyện ban nhạc BTS của Hàn Quốc đến biểu diễn ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Người ta có thể không biết đến Hàn Quốc là ai nhưng thông qua văn hoá, mà cụ thể ở đây là ban nhạc nổi tiếng BTS, người ta biết đến Hàn Quốc. Sau khi biết đến Hàn Quốc rồi thì người ta sẽ tìm hiểu các sản phẩm của Hàn Quốc để mua, từ điện thoại, ti vi, cho đến kim chi. Và ngược lại, sau khi dùng thử các sản phẩm cứng của Hàn Quốc, như xe hơi, đồ điện tử, nếu thấy vừa lòng, thì họ sẽ tìm hiểu đến các sản phẩm “mềm” của Hàn Quốc như âm nhạc, ẩm thực, văn hoá, du lịch.

Nói người rồi nghĩ đến mình. Trong bao năm ở nước ngoài, đi bao nhiêu nước, điểm đầu tiên người ta nhắc đến Việt Nam, đối với những người chưa bao giờ trải nghiệm ở Việt Nam, đó là câu hỏi: nước mày vẫn còn ở chế độ cộng sản hả? Lúc đó tôi chỉ biết trả lời rằng, ừ nước tao là một trong những nước cộng sản của thế giới còn sót lại. Còn những người đã từng đến Việt Nam, họ đều khen đẹp, thức ăn ngon. Cái cảm nghĩ của những người đã đến Việt Nam đó là tại sao nước mày có nhiều tài nguyên, con người lanh lợi thông minh vậy mà lại chịu chấp nhận sự lãnh đạo của một đảng Cộng sản độc tài như một cô gái đẹp suốt ngày bị hãm hiếp bởi một kẻ thất phu, để rồi cô gái đó mỗi ngày thêm thân tàn ma dại. Nhận xét đó nó không quá lời đâu. Bạn hãy nhìn những công trình xấu xí một cách đầy đau đớn mọc lên ở khắp Việt Nam, các thành phố ngày mỗi ô nhiễm, chật chội, các cánh rừng chặt trụi, các đỉnh núi bị cạo, và các chính sách chống dịch chỉ làm tan hoang đất nước.

Nhiều bạn cũng sẽ hỏi, ủa Trung Quốc cũng có đảng Cộng sản, rồi Triều Tiên, Cuba cũng có đảng Cộng sản thì sao? Câu trả lời là trong cả bốn nước cộng sản thì dân Trung Quốc được người ta coi trọng hơn cả. Coi trọng bởi vì Trung Quốc mạnh, chứ họ không nể. Thế giới đã qua rồi kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, nhưng ám ảnh của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn. Chừng nào một quốc gia thoát khỏi chủ nghĩa độc tài, gia nhập với thế giới tự do văn minh, thì văn hoá mới được người ở xứ văn minh tôn trọng, ngưỡng mộ, và lan toả.

Người ta ăn KFC hay McDonald không chỉ vì nó dễ ăn, ở vị trí thuận tiện, sạch sẽ, mà còn bởi vì thấy thoải mái với hình ảnh của thương hiệu Mỹ, một xứ sở của tự do. Hãy thử thay bằng một thương hiệu của Triều Tiên ở cùng vị trí thử xem coi có bao nhiêu người muốn vào ăn?

Cho nên nói đi cũng phải nói lại, cái chế độ chính trị là công cụ rất quan trọng để quảng bá một quốc gia. Trong kỷ nguyên dân chủ, không có chổ đứng cho một vị trí của một chế độ độc tài. Sớm hay muộn, các chế độ độc tài phải bị quét đi, như thông điệp mà Mỹ đang thể hiện ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc: Mỹ đang dẫn đầu liên minh để chống lại các lực lượng phản dân chủ.
——————
[Ngoại giao văn hóa 5.0 và "cú đấm" BTS của Hàn Quốc]
Tác giả: Cựu đại sứ Hoàng Anh Tuấn

1. Đại hội đồng LHQ họp vào tháng 9 hàng năm, bắt đầu từ ngày Thứ ba của tuần thứ ba.

Đây là nơi các nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia trên thế giới tề tựu, bàn chuyện bang giao, tế thế như chống con Covid-19, phân phối vaccine, khôi phục kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu, chiến tranh lạnh mới... Tóm lại là toàn các vấn đề to đùng.

2. "Tự dưng" năm nay anh Hàn Quốc chơi "khác người".

Đoàn Hàn Quốc do Tổng thống Moon Jae-in dẫn đầu, và không có ý định có bài diễn văn đao to, búa lớn.

Tuy nhiên, Tổng thống Moon lại đem theo "Át chủ bài" là ban nhạc nổi tiếng BTS.
Muốn biết BTS là ai thì đề nghị tra thêm Google.

Đại để:
- Đây là ban nhạc toàn nam Boy Band gồm 7 ông tóc vàng, ăn mặc sành điệu: Jin, Suga, J-Hope, RM, Jimin, V, và Jungkook.

- Boy Band này ra đời cách đây khoảng 10 năm (2010), nhưng từ năm 2015 đã trở thành ban nhạc số 1 Hàn Quốc và thuộc sở hữu của công ty Big Hit Entertainment.

- Trong vài năm gần đây, tiếng tăm của BTS vượt ra ngoài biên giới Hàn Quốc và vươn tới tầm toàn cầu. Nhiều bài hát và tên tuổi của BTS chiếm lĩnh vị trí số 1 trong bảng xếp hạng âm nhạc của các cường quốc nhạc pop như Mỹ, Anh, Australia, Canada...

- Boy Band này tạo ra doanh thu có tổng giá trị 4,5 tỷ USD, tức 0,3% GDP của Hàn Quốc.

- Tài khoản Twitter của BTS có tới 39,3 triệu người theo dõi. Đối với thanh niên nhiều nước, họ có thể không biết Tổng thống Moon Jae-in là ai, nhưng nhắc đến BTS thì có thể kể ra danh sách các bài hát ruột, cũng như phong cách hát và ăn mặc của họ!

3. Tại sao lại là BTS và tại sao là Liên hợp quốc?

Câu trả lời khá đơn giản: người Hàn Quốc ngày nay rất thực dụng. Họ là một cường quốc kinh tế và cường quốc công nghệ. Cách tốt nhất và nhanh nhất để mọi người biết đến thương hiệu Hàn Quốc, để xuất khẩu được nhiều hơn TV màn hình phẳng, Smartphone, đồ gia dụng... đi khắp thế giới là thông qua con đường ngoại giao văn hóa.

Và về tính đại diện thì ở thời điểm hiện nay không "sản phẩm" nào có thể qua mặt được BTS.

Hơn nữa, các thông điệp của BTS luôn nhắm vào giới trẻ, nói về các trải nghiệm tâm sinh lý, những khó khăn để vượt qua các rào cản của gia đình và xã hội - những vấn đề mà chính các chàng trai BTS đã trải qua và mong muốn chia sẻ.

Bài hát "Permission to Dance" (Xin phép để khiêu vũ) cùng thông điệp đọc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc của BTS với sự có mặt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là thông điệp khá mạnh. BTS không chỉ nói lên tiếng nói của thanh niên Hàn Quốc, mà của cả thanh niên thế giới nói chung, về 2 năm khó khăn vừa qua khi phải sống chung với dịch bệnh Covid-19, và giờ là lúc họ hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, làm những điều có ích, đặc biệt là thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Và sự chuẩn bị công phu của Hàn Quốc đã được đền đáp xứng đáng. Ngay ngày khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc, đồng loạt các tờ báo và hãng tin lớn của Mỹ và thế giới đưa tin về BTS, bài hát "Permission to Dance" của họ và màn nhảy múa tưng bừng của hàng trăm nam thanh nữ tú Hàn Quốc ngay giữa New York.

Vậy thì đây đúng là "quả" PR ngoại giao văn hóa 5.0 đỉnh của đỉnh rồi còn gì!