Nhạt, nhàm, cũ, nhảm! Đừng trách họ, điều ấy là tất yếu!

Đoàn Bảo Châu

Vài năm trở lại đây, việc nhận xét chương trình kịch 30 Tết luôn lặp lại một điệp khúc với những từ nhạt, nhàm, cũ, nhảm, chán, mất thời gian… Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?

Giả sử có một thằng lính đang hầu ông bà quan đang dùng bữa. Quan bà bỗng đánh rắm. Quan ông hỏi thằng lính: Mày thấy thế nào?

Tính quan ông vốn độc tài, kẻ nào nói trái ý mình là lột truồng nó ra rồi đánh nát mông, đối tượng có số má hơn là bỏ tù. Vậy nếu bạn là thằng lính, bạn sẽ ứng xử ra sao? Bạn không nói khi quan ông hỏi thì không được, nhận xét đúng thì chết. Do vậy, thằng lính sẽ phải ậm ừ:

– Bẩm quan, dạ dạ dạ, bẩm quan… con thấy cái tiếng ấy của quan bà phát ra nghe lúc này không đúng chỗ lắm ạ!

– Không đúng là sao? Quan ông quắc mắt, quát.

– Dạ, thực ra là rất hợp tự nhiên, hợp với quy luật trời đất, có vào thì phải có ra, rất tốt cho sức khỏe, rất tốt cho tiêu hoá, rất tốt cho điều hoà kinh mạch kinh lạc, việc ấy là đúng lắm ạ, rất hợp nhưng…

– Nhưng sao?

– Tức là nếu không phải lúc đang ăn uống thì sẽ tốt hơn ạ! Nhưng thật ra thì mọi chuyện đều rất tốt ạ, rất hay ạ, dạ dạ, bẩm quan ạ.

Bạn thấy chưa? Đấy là thân phận thằng lính dưới một thằng quan độc tài. Nó sẽ ấp úng loanh quanh như một thằng ngớ ngẩn. Mà thằng này còn có phần tử tế chứ vào thằng khác là nó khen thơm, thơm lắm, thơm ngất ngây và nghe như “tiếng đàn tiếng sáo” ngay.

Văn nghệ dưới sự lãnh đạo cứng nhắc, độc tài thì sẽ rất khó để phát triển rực rỡ. Nó sẽ tạo ra một chương trình gọi là có, không dám nói thẳng, nói thật, nói phải uốn éo chán chê và chỉ dám động hoen hoen bề ngoài sự việc. Đố dám đi vào bản chất.

Một chương trình quan trọng bậc nhất của một quốc gia mà nhạt thếch. Trong khi ấy thì năm vừa qua có biết bao điều nổi cộm cần phản ánh. Nhạt, nhảm rồi bọc ngoài mấy triết lý hời hợt mà mấy đứa trẻ cấp hai cũng biết. Chán lắm!

Câu hỏi đó nếu đưa ra cho mạng xã hội, mọi người sẽ nhăn mặt bảo: Thối, vô duyên, bất lịch sự, thô thiển, vô ý… Đơn giản là họ phản ánh trung thực sự việc. Thối bảo là thối, thơm bảo là thơm.

Điều này rất rõ nhưng để những người lãnh đạo nhìn ra là điều rất khó. Văn học nghệ thuật mà phải đeo một cái gông chính trị thì rất khó có thể phát triển, khó có thể tạo ra những giá trị nghệ thuật được thế giới công nhận. Sản phẩm vì thế sẽ chỉ là những thứ hàng chợ, rẻ tiền. Nhạt, nhảm, chán là đương nhiên.

Năm vừa qua có một hội nghị về văn hoá. Đấy là một việc tốt nhưng bàn về văn hoá mà không hiểu rằng văn hoá cần tự do về tư tưởng, tự do về sáng tạo thì mới có thể phát triển rực rỡ được thì điều ấy sẽ thành tầm phào, tổ chức chỉ tốn tiền thuế dân đóng mà thôi.

Nghệ thuật là một mảng quan trọng của văn hoá, nghệ thuật lại đặc biệt cần tự do về tư tưởng để nẩy mầm, đơm hoa kết quả. Tự do tư tưởng chính là ánh sáng để cây nghệ thuật phát triển.

Tôi tự hỏi các vị lãnh đạo cao cấp có nhìn thấy vấn đề quan trọng này không? Hãy nhìn xa, nhìn sâu, nhìn vào tương lai của đất nước, của con cháu chúng ta. Sự trói buộc về tư tưởng sẽ khiến những giá trị tinh thần của đất nước bị tụt hậu, nhạt nhoà so với mặt bằng nhân loại.

Hãy cởi trói cho văn học nghệ thuật.