Những điều người Việt Nam ít biết về Viettel: Từ báo cáo điều tra Mytel ở Myanmar

Tập đoàn trực thuộc Bộ Quốc phòng ngày càng có tầm ảnh hưởng. Chúng ta biết khá ít về họ.

ật Khoa|

Báo cáo điều tra về Mytel mới đây của tổ chức Justice for Myanmar (“Công lý cho Myanmar” hay JFM) cho thấy một khả năng trớ trêu: có thể là các nhà hoạt động nhân quyền người Myanmar còn biết rõ về tập đoàn Viettel hơn người dân Việt Nam. Thông tin trong báo cáo của họ có một phần là từ nguồn tin rò rỉ, nhưng ngay cả phần thông tin công khai thì cũng ít khi được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

Tại sao thông tin trong bài này quan trọng?

Viettel là một tập đoàn viễn thông trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tập đoàn này là một nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn với:

Viettel được xem là một trong những “quả đấm thép” với các đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước và sức mạnh quốc phòng Việt Nam, đặc biệt trong mảng sản xuất vũ khí và phát triển công nghệ quốc phòng.

Viettel đang trở thành một doanh nghiệp quốc tế có tầm ảnh hưởng đặc biệt. Họ phục vụ hơn 110 triệu khách hàng tại 11 nước. Nước mới có sự hiện diện của Viettel gần đây nhất chính là Myanmar.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm công ty Mytel trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar vào tháng 11/2019. Ảnh: ICT News.

Bức tranh toàn cảnh

Là một tập đoàn tầm cỡ, nhưng trước nay Viettel không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, cả trong nước và quốc tế. Cũng không có nhiều nguồn thông tin toàn diện và thông suốt về hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Đây là một thực tế bất chấp việc Viettel đã bắt đầu bị phát hiện có các hành vi vi phạm luật pháp trong hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Luật Khoa đã từng đưa tin về một nỗ lực đánh cắp công nghệ tên lửa bất thành do nhân viên Viettel thực hiện ở Hoa Kỳ.

Các thông tin do Viettel trực tiếp công bố hàng năm thường tập trung vào lược sử hoạt động và con số doanh thu hơn là tiết lộ một cách chi tiết về các hoạt động của tập đoàn này cả ở trong và ngoài nước.

Báo cáo điều tra liên doanh Mytel của tổ chức Justice for Myanmar cáo buộc Viettel và Mytel – một công ty công – tư hợp doanh tại Myanmar do Viettel nắm 49% cổ phần – đang tiếp tay cho các hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng của quân đội Myanmar tại nước này như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người. Hiện Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra về các cáo buộc phạm tội của quân đội Myanmar.

Báo cáo này tận dụng một nguồn thông tin đặc biệt là các tài liệu nội bộ của Viettel bị rò rỉ (data breach) ở Myanmar:

  • JFM cho biết họ lấy được các tài liệu này khi một công ty con của Viettel tại Myanmar là Viettel Construction Myanmar vô ý công bố các tài liệu đó lên mạng.
  • Các tài liệu cho thấy hoạt động xây dựng các công trình viễn thông của Viettel và Mytel bên trong một số căn cứ quân sự của Myanmar.
  • Các tài liệu này cũng tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động của Viettel tại Myanmar từ năm 2017 đến năm 2020.

Thông tin từ các tài liệu trên trong báo cáo điều tra Mytel cho người đọc thêm nhiều chi tiết ít được biết đến về cách Viettel tổ chức hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Viettel có vẻ bề ngoài là một doanh nghiệp dân sự, nhưng thực sự họ đã tận hưởng một số lợi thế chính trị lớn khi bước vào thị trường Myanmar. Các lợi thế đó chỉ dành cho một doanh nghiệp quốc phòng nhà nước.

  • Viettel bắt đầu hiện diện tại Myanmar từ năm 2010 khi Myanmar còn nằm dưới sự kiểm soát của chế độ quân sự độc tài. Đây được xem là nhờ vào các nỗ lực vận động hành lang tại cấp cao nhất của chính phủ hai bên.
  • Các thảo luận và thương lượng về việc thành lập Mytel đã bắt đầu từ năm 2011 sau khi Việt Nam và Myanmar ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương.

Các đối tác “dân sự” của Viettel trong liên doanh Mytel được hoạch định từ trước khi Mytel có giấy phép kinh doanh viễn thông chính thức tại Myanmar (từ năm 2017) và từ trước khi liên doanh Mytel chính thức hoạt động (năm 2018).

Các điều tra của JFM cho thấy các đối tác đó đều có vẻ ngoài là các công ty dân sự. Thực chất, những cá nhân sở hữu hoặc điều hành chúng là các quan chức, cựu quan chức quân đội Myanmar, và những người có quan hệ gia đình hoặc quan hệ thân cận với giới này.

Nghĩa là các đối tác được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động kinh doanh dân sự của Mytel, ngoài Viettel, chính là giới lãnh đạo quân sự Myanmar và phe cánh ăn theo (cronies) thông qua các mạng lưới sở hữu công ty phức tạp.

Các nguồn tài chính tư nhân của Viettel được đề cập đến trong báo cáo cho thấy Viettel tận dụng một nguồn tiền cho vay lớn từ các ngân hàng quốc tế và trong nước vào công việc kinh doanh.

Từ năm 2016 đến quý 1 năm 2020, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI hay Viettel Global) vay mượn tổng cộng 289,90 triệu đô-la Mỹ từ năm ngân hàng quốc tế:

  • HSBC,
  • Maybank,
  • Standard Chartered Bank,
  • Taipei Fubon Commercial Bank, và
  • Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ.

Trong nước, Viettel vay mượn từ gần như tất cả các ngân hàng lớn nhất:

  • Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank),
  • Ngân hàng Quân đội (MB Bank),
  • Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietin Bank),
  • Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV),
  • Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank),
  • Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank),
  • Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank),
  • Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank),
  • Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB),
  • Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank),
  • Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB),
  • Ngân hàng An Bình (ABBank),
  • Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).

Trong các ngân hàng trên, một số cung cấp các khoản vay trực tiếp cho Mytel, số còn lại cho Viettel Global vay. JFM cho rằng các khoản vay của Viettel Global nhiều khả năng được dùng để đầu tư vào Mytel.

JFM cho rằng các ngân hàng nói trên có thể đang vô tình, gián tiếp hỗ trợ cho các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của quân đội Myanmar.

Các công ty con của Viettel theo chân tập đoàn mẹ sang Myanmar kinh doanh một cách tích cực.

Lĩnh vực hoạt động và sản phẩm công nghệ của các công ty con này cho thấy các phương hướng đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật cao của Viettel.

Đơn vị nắm 49% cổ phần trong Mytel là Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI hay Viettel Global). Viettel Global chịu trách nhiệm kiểm soát đầu tư (investment) và mua sắm thiết bị (procurement).

Tham gia vào hoạt động kinh doanh ở Myanmar (liên quan trực tiếp đến Mytel hoặc không) là một loạt các công ty con của Viettel. Đáng chú ý nhất là các tên tuổi sau:

  • Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Technology Industry Corp – VHT), chuyên về công nghệ quân sự và công nghệ lưỡng dụng. VHT tham gia cung cấp 11 sản phẩm cho Mytel.
  • Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS), chuyên về giám sát mạng (network surveillance), khai phá dữ liệu (data mining) và lĩnh vực học máy (machine learning) – một nhánh phát triển trí tuệ nhân tạo. VCS cung cấp dịch vụ an ninh mạng cho các mạng lưới viễn thông của Viettel ở nước ngoài, tức là bao gồm cả mạng lưới Mytel.
  • Công ty TNHH Viettel-CHT (Viettel IDC), chuyên về điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ điện toán cho thành phố thông minh (smart city) và cho giám sát an ninh công cộng (public security surveillance). Từ năm 2018, giới lãnh đạo IDC đã công bố kế hoạch xuất khẩu công nghệ điện toán đám mây ra nước ngoài, bắt đầu từ Myanmar.
  • Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace Center – VTCC), chuyên về trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), khai phá dữ liệu (data mining), các dịch vụ về dữ liệu lớn (big data) và công nghệ lắng nghe xã hội (social listening) – tức là công nghệ theo dõi và khai thác thông tin từ các mạng xã hội. VTCC cung cấp một hệ thống chống cuộc gọi rác (anti-spam) được sử dụng ở Myanmar.
  • Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction), chuyên về xây dựng, vận hành và bảo trì các cơ sở hạ tầng viễn thông. Viettel Construction có một trụ sở ở Myanmar và có các hợp đồng lớn liên quan đến việc xây dựng các trạm thu phát sóng di động (base transceiver station) cho Mytel. Chính đơn vị Myanmar của Viettel Construction là cơ quan đã vô tình để lộ các tài liệu nội bộ làm cơ sở cho báo cáo điều tra của JFM.

Đáng chú ý nhất trong danh sách các công ty con này là một đơn vị chưa có website chính thức và chưa được nêu tên trong danh sách các công ty con năm 2019 của Viettel:

  • Trung tâm Phân tích Dữ liệu Lớn Viettel (Viettel Big Data Analytics Center – DAC), chuyên thu thập và lưu trữ thông tin cá nhân từ tất cả các công ty con của tập đoàn Viettel về một hồ dữ liệu lớn (data lake) để phân tích. Một hệ thống khai phá dữ liệu của DAC đã được đưa vào hoạt động tại Myanmar.

Chính sách về quyền riêng tư (privacy) của Mytel cho phép Mytel thu thập dữ liệu từ người dùng và chia sẻ các dữ liệu này với các đơn vị nắm cổ phần Mytel, tức là bao gồm các công ty con của Viettel và các công ty quân đội Myanmar.

JFM cáo buộc rằng DAC đang thu thập dữ liệu cá nhân từ người dùng mạng Mytel và khối dữ liệu này có thể bị quân đội Myanmar khai thác cho các mục đích xâm phạm quyền riêng tư.

Câu hỏi lớn cho người dùng mạng Viettel tại Việt Nam có lẽ là Trung tâm Phân tích Dữ liệu Lớn Viettel đang có thể nắm giữ các thông tin gì từ họ và đang khai thác hay chia sẻ các dữ liệu đó như thế nào.

Tìm hiểu sâu hơn:

  • Toàn văn báo cáo điều tra “Nodes of Corruption, Lines of Abuse” (“Các đầu mối tham nhũng và những trục nối tội phạm”) – tiếng Anh