Những thủ phạm phá hoại hành tinh

Tác giả: Tôn Thất Thông
(Phỏng theo phóng sự truyền hình Die Erdzerstörer của đài Pháp-Đức ARTE.TV)

Phần 1: Than đá, dầu lửa và hóa chất

Sự sụp đổ của dịch vụ đường sắt đô thị ở Mỹ, vốn dĩ là phương tiện giao thông công cộng rất thân thiện với môi trường, không phải là sự tiến hóa tự nhiên của thị trường, mà là kết quả của một âm mưu thâm độc của giới công nghiệp liên quan đến dầu lửa. Trong lúc loài người hít thở ngày càng nhiều khí thải CO₂, thì giới vận động hành lang tuyên truyền rằng, đó là tiến bộ, là hiện đại, là xu hướng tất yếu để phát triển phồn vinh.
***
Từ không trung nhìn xuống, chúng ta thấy quả đất với hai màu sắc tinh khiết: trắng và xanh. Đó là màu của mây, của các lục địa và đại dương mênh mông. Ở bên dưới tầng mây có vẻ như một thiên đường với không khí tỏa hương thơm ngát, thêm mùi muối biển đậm đà và những khối nước trong xanh.

Nhưng trong khoảng không gian từ 0 đến 15 Km trên mặt nước biển, ở mọi nơi trên quả đất, đó là một kho bãi khổng lồ chứa 1.400 tỉ tấn khí thải CO₂, thứ khí độc mà loài người, hay nói đúng hơn, những nước công nghiệp sớm phát triển đã thải ra kể từ lúc cuộc cách mạng công nghiệp được bắt đầu cách đây hơn 200 năm. Hàng vạn tấn khí CO₂ thải ra không ngừng, năm này qua năm khác, cô đọng lại và tích tụ ở vùng thấp của tầng khí quyển mà chúng ta phải hít thở hàng ngày.

Đó là sản phẩm phụ của công cuộc xây dựng thành quả tiến bộ mà loài người đạt được từ 200 năm nay. Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã cải thiện đáng kể chất lượng sống của chúng ta, đồng thời chúng cũng sản sinh ra Napalm, thuốc trừ sâu, chất độc hóa học, rác thải hạt nhân và những thứ khác vốn dĩ đã nâng cao nhiệt độ khí hậu. Chúng ta đã tạo ra tiến bộ, đồng thời cũng mang tai họa cho hành tinh này, mà các thế hệ về sau sẽ phải hứng chịu. Điều đó chúng ta có thể thấy rõ ở không khí, ở các lớp cặn, trên đất liền, ở hiệu ứng nhà kính khắp nơi.

***
Các nhà khoa học đã không ngừng lên tiếng báo động. Tác động của con người lên thiên nhiên đã đạt đến mức độ cao để chúng ta có thể kết luận rằng, hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mới của lịch sử loài người, một kỷ nguyên mới về địa chất. Trong thực tế, kỷ nguyên địa chất thay đổi không nhiều. Cho đến nay chúng ta vẫn sống trong kỷ nguyên địa chất Holocene vốn đã bắt đầu từ lúc chấm dứt kỷ nguyên băng hà cách đây 12 thiên niên kỷ. Và bây giờ mới đến kỷ nguyên địa chất tiếp theo. Những gì loài người chưa đạt được trong 11.700 năm đã qua, thì con người cận và hiện đại đã đạt đến đích chỉ trong vòng 200 năm, tạo nên bước ngoặt để loài người chứng kiến một kỷ nguyên địa chất mới. Kỷ nguyên mới này đã được hàng ngàn báo cáo khoa học vừa làm nhân chứng vừa thúc đẩy sự biến hóa, kỷ nguyên mà Hiệp hội Quốc tế về Khoa học Địa chất (International Union of Geological Sciences) đặt tên là kỷ nguyên của loài người (Anthropocene), kỷ nguyên của những tội đồ phá hoại hành tinh.

Nói rõ là, không phải chúng ta đang sống trong một một cuộc khủng hoảng môi trường, mà chúng ta sắp hoàn tất cuộc cách mạng địa chất do chính con người tạo ra, cuộc cách mạng đã mang lại một số điều tốt đẹp, đi kèm với nhiều điều phiền toái làm con người khó sống hơn trong tương lai. Biến cố lịch sử nào, thành quả khoa học kỹ thuật nào, quyết định chính trị và công nghiệp nào đã dẫn chúng ta đến bước ngoặt này? Tiến bộ nào trong lịch sử đã mang chúng ta đi xa như thế?

Than đá: năng lượng hóa thạch đầu tiên

Mọi chuyện bắt đầu cách đây hơn 200 năm, khi kỹ nghệ khai thác than đá phát triển vào đầu thế kỷ 19. Nó đánh dấu bước đầu của quá trình khai thác năng lượng hóa thạch, loại nguyên liệu thải khí độc CO₂ nhiều nhất, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày nay.

Cuộc phiêu lưu này không bắt đầu ở Nga, ở Đức, ở Pháp hay ở Mỹ, mà nó bắt đầu từ Vương quốc Anh. Vào cuối thế kỷ 18, giá gỗ tăng vọt trên khắp lục địa châu Âu. Rừng rậm vốn cung cấp gỗ để nấu ăn, sưởi ấm, để phục vụ nhu cầu sản xuất của xí nghiệp, nhất là xí nghiệp chế biến kim loại. Giờ đây, nguồn gỗ đó không còn nhiều, rừng chết ngày càng phổ biến. Các nhà khoa học bồn chồn lo lắng cho tương lai. Làm thế nào để đối phó với nạn thiếu gỗ ngày càng nguy cấp? Làm thế nào để chấm dứt nạn phá rừng, vốn đã là nguyên nhân sinh ra thảm họa cho con người: lỡ núi, mưa rào, lụt lội và một hiện tượng đã được định danh từ thuở đó: biến đổi khí hậu.

Trong thời kỳ đó, tư duy con người vẫn còn nặng về tâm linh và cho rằng hành tinh này là sản phẩm hoàn hảo của Đấng sáng tạo. Sự phá hủy rừng rú cũng có nghĩa là mang lại tai họa cho sản phẩm hoàn hảo đó, là xúc phạm Thượng Đế. Vì thế, việc khai thác than đá xuất hiện như một loại bằng sáng chế mới và nếu nhìn vào cảnh rừng chết ngày càng nhiều, thì bằng sáng chế ấy chính là giải pháp cải thiện hệ sinh thái. Có khó khăn gì đâu, tai hại gì đâu? Đất đai đã có sẵn, chỉ cần đào lên, chế biến tinh lọc thành than đá để làm chất đốt cho loài người mà không cần phá rừng. Điều đó chẳng phải là tuyệt vời hay sao? Xí nghiệp sẽ được vận hành tốt, lò sưởi trong nhà vẫn cho hơi ấm và rừng rú sẽ dần dần được phục hồi. Giới tinh hoa nước Anh đã nghĩ như thế cách đây 200 năm, vào những năm tháng đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp. Thuở đó, họ chưa có thắc mắc gì về khí thải CO₂.

Người Anh đã đầu tư nhiều khoản tiền khổng lồ cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp. Máy hơi nước, máy luyện thép, máy đúc, xe lửa, kỹ thuật khai thác khoáng sản, nhà máy điện chạy bằng khí đốt v.v… Vì thế giới rộng mênh mông và đầy rẫy nguyên liệu thô, họ thám hiểm, chiếm đất để khai thác vật liệu hữu cơ ở các vùng đất xa xôi. Cây tinh dầu ở châu Phi, cao su ở Amazon, Mã Lai, cây nhiệt đới, phân chim ở Chi Lê, Peru, than đá ở Việt Nam. Đặc biệt quan trọng nhất cho người Anh là cây bông gòn để phục vụ kỹ nghệ dệt, vốn là động lực mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng công nghiệp Anh. Cây bông gòn, rất nhiều cây bông gòn phải được mang về Anh, loại cây vốn dễ ươm trồng và phát triển ở cả Bắc và Nam Mỹ. Ở đó, người ta trồng loại cây sinh nhiều lợi nhuận với máu và nước mắt của cư dân bản địa và người nô lệ da đen.


Trồng trọt bông gòn ở Nam Mỹ để chuyển về Anh

Ở bản lề giữa thế kỷ 19 và 20, toàn bộ đất đai trên hành tinh là đấu trường giành giật của các đại cường châu Âu. Một nhúm nhỏ các cường quốc người Âu như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và cả Mỹ, họ đã dễ dàng chiếm ngự 85% tổng diện tích sinh sống được trên trái đất. Khổ thay, hầu hết giới tinh hoa thông thái nhất của họ, luật gia, triết gia, kinh tế gia, chính trị gia, và cả giáo sĩ cao cấp, họ đều cung cấp lý luận để biện minh cho chính sách thuộc địa trên khắp năm châu lục. Họ lý luận rằng, dân bản địa không có năng lực khai thác một cách hiệu quả và lâu dài các nguyên liệu đang chiếm hữu, cho nên các học giả da trắng dương cao ngọn cờ khai hóa, “giúp” người bản địa chế ngự thiên nhiên trên quả đất để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, cung cấp nguồn sống cho loài người.  

Lịch sử của thời đại tiến bộ là lịch sử của loài người, và tất nhiên có một bên được hưởng lợi và bên kia thua thiệt. Việc khai thác đất đai, tiến bộ công nghiệp, thực dân hóa các lục địa, nói cách khác là lịch sử thời đại tân tiến của chúng ta chỉ là phút giây rất ngắn ngủi so với đời sống địa chất của hành tinh. Nếu xem lịch sử của hành tinh chúng ta chỉ trải dài 24 giờ, thì loài người từ thời thượng cổ đến nay chỉ thực sự hiện hữu trong 5 giây cuối cùng, và thời đại cách mạng công nghiệp, tức thời đại hành tinh bị con người phá hoại chỉ kéo dài 2 phần ngàn của một giây đồng hồ. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, loài người đã gây tai họa cho hành tinh chúng ta nhiều hơn gấp bội tất cả những gì từ trước cộng lại.

Bước tiếp theo: dầu lửa

Cuộc cách mạng công nghiệp từ thế kỷ 19 đã phóng ra vô vàn khí độc làm ô nhiễm không gian sống của cư dân thành thị Tây Âu. Đến đầu thế kỷ 20, Anh đã làm chủ thế giới nhờ khai thác trữ lượng lớn than đá. Nhưng nước Mỹ cũng không chịu thua trong cuộc đua công nghiệp. Bên cạnh than đá, Mỹ dần dần khai thác một loại nguyên liệu mới chưa ai có: dầu lửa. Ngày hôm nay, khi nói về dầu lửa, chúng ta liên tưởng đến các nước Trung Đông. Nhưng trên thực tế, kể từ năm 1859, những giếng dầu đầu tiên đã xuất hiện ở Pennsylvania, và Mỹ nhanh chóng trở thành nước đầu tiên có nhiều giếng dầu nhất thế giới.

Vào cuối thế kỷ 19, người ta chứng kiến cơn sốt dầu lửa ở Mỹ với cường độ không kém cơn sốt vàng trước đó một thế kỷ. Loại vàng đen mới khám phá này đã kích thích các nhà nghiên cứu, các nhà thám hiểm và lôi cuốn các nhà kinh doanh. Hôm nay, hẳn ai cũng biết tên tuổi của đại gia vàng đen và gia tộc ông ấy, một gia tộc bao gồm chủ nhân các nhà máy lọc dầu, chủ ngân hàng, luật gia, chính trị gia. Đó là John Davison Rockefeller. Khi về hưu năm 1896, ông ta là người giàu nhất nước Mỹ và chắc chắn cũng giàu nhất hành tinh. Công ty Standard Oil do Rockefeller thành lập 30 năm trước, giờ đây kiểm soát phần lớn thị trường dầu lửa của Mỹ.

 
Từ lúc các giếng dầu được khai thác, loại nguyên liệu này đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp tiến nhanh hơn bao giờ hết. Càng ngày nó thay thế càng nhiều nguyên liệu truyền thống là than đá trong quy trình sản xuất xi măng, bê-tông, làm hắc ín, tức là những vật liệu xây dựng cần thiết để phát triển đô thị, xây dựng nhà ở, mở rộng mạng lưới giao thông. Dầu lửa còn được dùng để bào chế sơn, bột nhuộm, thuốc men và các chất xúc tác khác. Một thị trường được mở ra cho số lượng lớn các sản phẩm mới mẻ như hắc ín, nhựa làm đường, chất dẻo, mỹ phẩm, thạch lạp, pô-mát, nến v.v… Tất cả những thứ đó tạo ra một sự bùng nổ của lòng ham muốn tiêu thụ, ngay cả trước khi xe hơi được khám phá. Tâm lý tiêu thụ ngày càng dâng cao và được cổ vũ bởi hệ thống tuyên truyền của giới công nghiệp.

Ích lợi của dầu lửa đối với đời sống con người đã được Rockefeller đẩy lên một tầng cao, nhìn theo góc độ tiến bộ, cũng như góc độ kinh doanh. Dầu lửa tạo điều kiện cho giới thống trị mở rộng kinh doanh mà không cần phải lo lắng về sự phản kháng của công đoàn và các phong trào xã hội. Nó giúp cho giới doanh nghiệp qua mặt công đoàn vốn dĩ đã được thành hình trong thế kỷ 19 trên khắp lục địa châu Âu và cả Mỹ. Thuở đó, các cuộc đình công của công nhân mỏ than có thể làm tê liệt cả nền kinh tế một quốc gia. Với dầu lửa, doanh nghiệp có một loại nguyên liệu mới bằng chất lỏng được đào lên từ lòng đất. Chất lỏng này không cần phải chuyên chở bằng các phương tiện truyền thống, vốn dĩ có thể bị ngăn chặn vì một cuộc đình công của tài xế xe tải. Giờ đây, người ta có thể dùng đường ống để chuyên chở nguyên liệu chất lỏng từ nơi này đến nơi khác. Mà các đường ống thì không hề biết đình công. Phương tiện chuyên chở bằng đường ống trở nên thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, ít tốn kém hơn, mang tính quốc tế hóa cao hơn. Số lao động để thực hiện các dịch vụ này cũng ít hơn.

Dầu lửa còn tạo cơ hội cho các tập đoàn lớn từ đầu thế kỷ 20 tiến sâu vào thám hiểm, nghiên cứu các vùng đất mới. Từ Nga đến Ba Tư, những người tiền phong trong công cuộc khai thác dầu lửa đối mặt với lượng dầu được khám phá ngày càng nhiều và càng trở nên giá trị chiến lược cho các quốc gia. Dầu lửa đã đóng vai trò quan trọng nhất trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên địa chất của loài người, kỷ nguyên hành tinh bị phá hoại một cách có hệ thống.

Vào năm 1910, hải quân Anh, một thế lực mạnh nhất và hiện đại nhất lúc đó, quyết định sử dụng dầu lửa để thay cho than đá trong các hạm đội của mình. Đồng thời, nhu cầu ngày càng cao của hải quân hoàng gia khiến họ đưa ra những đòi hỏi mới cho các đối tác trong công nghiệp, buộc họ phải tái cấu trúc xí nghiệp và tìm một phương thức sản xuất mới để cung cấp sản lượng ngày càng cao. Công việc tay chân được thay thế bởi máy móc chính xác hơn, tốc độ sản xuất nhanh hơn. Từ đó, một ý niệm mới về sản xuất dần dần định hình: sản xuất hàng loạt. Với năng suất cao do đòi hỏi của hải quân hoàng gia, các ngành khác cũng hưởng lợi: sản xuất máy bay, đại pháo, đạn dược. Và châu Âu đã có nơi lý tưởng để thử nghiệm phương pháp sản xuất hàng loạt vừa được khám phá: Thế chiến thứ nhất.

Từ năm 1914 đến 1918, hàng chục triệu người đã bỏ mạng trên các tuyến phòng thủ cố định, không tiến không lùi để chứng kiến đồng đội gục ngã, hàng ngàn máy bay rơi, đạn pháo gầm rú, đạn dược trút xuống như mưa, và cả vũ khí hóa học. Nghịch lý thay, cuộc tàn sát tập thể này đã giúp cho nhiều doanh nghiệp ngày càng giàu có và quyền lực. Nhờ nhu cầu khổng lồ của các quốc gia tham chiến, doanh nghiệp khắp nơi, khắp mọi ngành đã phát triển mạnh mẽ. Ford ở Mỹ, Vauxhall ở Anh, Daimler ở Đức…Hoặc biểu tượng mới của tinh thần khám phá là xưởng sản xuất của một nhà phát minh người Pháp ở phía tây thành phố Paris, Louis Renault. Ông là người chế tạo chiếc xe hơi đầu tiên lúc tuổi đời vừa mới 21. Năm 1898, ông cùng hai người anh trai Fernand và Marcel thành lập công ty Société Renault Frères, một trong số rất ít công ty xe hơi đầu tiên trên thế giới. 16 năm sau, khi Pháp ra lệnh tổng động viên để tham gia Thế chiến I, Renault đã sở hữu một đế chế công nghiệp. Và cuộc Thế chiến I đã giúp cho Renault phát triển càng lớn hơn và nhanh hơn.
 
Trong lúc hàng triệu thanh niên trẻ tuổi bỏ mạng trên chiến trường, thì tập đoàn Renault và nhân viên của nó làm việc không ngừng nghỉ để tiếp tế phương tiện chiến tranh, cung cấp hàng ngàn xe tải, lựu đạn, động cơ máy bay và cả máy bay trinh sát. Louis Renault sản xuất chiếc xe tăng đầu tiên năm 1917, chiếc FT17 vào thời điểm đó là một vũ khí mới mẻ mang tính chất cách mạng kỹ thuật. Sau bốn năm phục vụ chiến tranh, doanh thu của Renault tăng lên gấp bốn lần, với tỉ lệ lợi nhuận còn cao hơn gấp bội. Và Renault chỉ là một trong nhiều tập đoàn phục vụ chiến tranh khác. Tất cả đều có một mẫu số chung: chiến tranh càng khốc liệt và càng kéo dài, lợi nhuận của những công ty như thế càng được nâng cao.

Thế chiến I đã tạo thêm xung lực cho các tập đoàn sản xuất xe hơi và phát triển nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Các phương tiện sản xuất hoạt động không ngừng nghỉ. Điều khiển tự động và sản xuất hàng loạt với băng chuyền trở thành thông dụng trong thế giới phương Tây và họ tiến về tương lai bằng những bước đi bảy dặm.

Dù chiến trường chỉ ở châu Âu, nhưng ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các tập đoàn Mỹ cũng hưởng lợi từ nhu cầu chiến tranh của các nước tham chiến. Thặng dư ngoại thương của Mỹ tăng trưởng bùng nổ, chỉ sau bốn năm chiến tranh, thặng dư đó tăng từ 400 triệu lên đến 3,8 tỉ đô la. Chiến tranh đã thúc đẩy vốn đầu tư trong mọi ngành, kỹ nghệ đóng tàu, sản xuất máy bay, các máy móc sử dụng động cơ nổ. Để phục vụ cho nhu cầu đó, việc khai thác than đá và dầu lửa cũng được tăng tốc và đi kèm với nó là lượng khí thải CO₂ càng nhân lên gấp bội, một thứ khí độc hại còn để lại trong tầng khí quyển của chúng ta hôm nay.

Chiến tranh và công nghiệp hóa học

Thế chiến I là một thảm họa cho nhiều số phận con người, nhưng đồng thời cũng mang thêm nhiều lợi nhuận cho công nghiệp. Trong cuộc chiến này không chỉ có xe hơi, máy bay, tàu thủy, than đá, dầu lửa mà còn có hóa chất, rất nhiều hóa chất với tai họa tiềm tàng. Thuốc súng, đạn dược, bom đạn đã tạo nên ở châu Âu và Bắc Mỹ một lượng lớn các xí nghiệp sản xuất và lớn mạnh chưa từng có trong lịch sử. Thí dụ, công ty DuPont sản xuất gần một nửa nhu cầu chất nổ cho các quốc gia đồng minh, nhờ thế chỉ sau 4 năm, DuPont đã bành trướng từ 5.000 nhân viên lên  đến 50.000 người, chưa kể đến sự bùng nổ lợi nhuận.  

Người tiền phong ngành hóa học Đức, Fritz Haber chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các phòng nghiên cứu thuộc BASF, Höchst và Bayer để phục vụ chiến tranh. Haber là nhà hóa học vĩ đại đương thời, đã khám phá phương pháp tổng hợp Amoniac, một hợp chất mà sau này đã trở thành nguyên liệu chủ đạo để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu trong suốt thế kỷ 20. Trong thời gian chiến tranh, Haber có quan tâm đặc biệt đến Chlorine với tính năng cực độc của nó. Ông hết lòng phục vụ quân đội và muốn trở thành người đầu tiên phát minh vũ khí hóa học với nguyên liệu chủ yếu là Chlorine. Song song, Anh và Pháp cũng đua nhau nghiên cứu vũ khí hóa học bằng kiến thức riêng để mang ra chiến trường. Chiến tranh từ bản chất đã là bẩn thỉu, nó ngày càng bẩn thỉu hơn với sự tham gia của nhiều khoa học gia tiếng tăm nhất của thời đại. Tất nhiên, chính phủ các nước cũng không bỏ qua mọi cơ hội để sử dụng chất xám của họ.


 Mặt nạ bảo vệ chống vũ khí hóa học

Cách xa chiến tuyến, nước Mỹ cũng tiến hành một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt và bẩn thỉu. Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến kiến thức và óc sáng tạo của các khoa học gia Đức. Ngoài ra, năng lực chế ngự các phân tử hóa học sẽ mang lại tiềm năng kinh tế không lường trước. Khi chính phủ Mỹ quyết định tham chiến vào năm 1917, Tổng thống Wilson thành lập cơ quan quản lý tài sản các xí nghiệp ngoại quốc. Trước hết, cơ quan này có nhiệm vụ tịch thu toàn bộ tài sản những công ty thuộc các quốc gia thù địch. Và điều này mang lại mối lợi không thể tưởng tượng. Tất cả bằng sáng chế của công ty Đức trên đất Mỹ bị tịch thu, trong đó có bằng sáng chế của Bayer liên quan đến một sản phẩm đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho đến tận thế kỷ 21: Aspirine. Đạo luật của Tổng thống Wilson đã giúp cho các công ty Mỹ vươn lên nhanh chóng, thí dụ Mosanto từ một công ty tầm thường đã trở thành tập đoàn hóa chất hàng đầu trên thế giới trong suốt thế kỷ 20.
Về mặt chính thức, các tài sản bị tịch thu chỉ mang tính chất tạm thời. Các bằng sáng chế có thể được trả lại cho nguyên chủ khi chiến tranh và xung đột chấm dứt. Nhưng các công ty Mỹ xem đây là cơ hội ngàn năm để sở hữu công nghệ mới. Họ hợp nhau lại để thành lập The Chemical Foundation để hội đủ tư cách pháp lý mua lại hàng ngàn bằng sáng chế của Đức đã bị tịch thu, tất nhiên với giá rẻ mạt, không khác gì một sự cướp giựt hàng loạt bằng sáng chế của Đức. Bằng cách đó, công nghiệp hóa học của Mỹ có cơ hội vươn lên và trở thành các công ty cạnh tranh với châu Âu sau khi chiến tranh chấm dứt.

Ở bên này Đại Tây Dương, các tập đoàn hóa học của Đức phải có biện pháp để bù trừ thua thiệt vì những bằng sáng chế đã mất. Năm 1925, họ hợp nhất lại với nhau để thành lập tập đoàn IG Farben, nơi sẽ biến tri thức khoa học của hóa học gia thành sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Năng lực thực sự của giới khoa học gia và kỹ sư hóa học Đức đã có đất dụng võ. IG Farben nhanh chóng trở thành tập đoàn hóa học lớn nhất thế giới, có thể cung cấp cho mọi quốc gia nhiều món hàng cao cấp chưa từng có trước đó, nylon, chất dẻo, dược phẩm, cao su nhân tạo, sơn, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, phân bón…

Trong suốt thế kỷ 20, các tập đoàn hóa học luôn luôn giữ mối quan hệ âm thầm với nhà nước để phục vụ nhu cầu chiến tranh và phá hoại “kẻ thù”. IG Farben sau sày sản xuất ra Cyclone B, một nguyên liệu cực độc sát thương dùng trong các vũ khí hóa học, có thể làm nạn nhân tắt thở trong vài giây đồng hồ. Cyclone B cũng được Quốc xã Đức sử dụng cho các phòng hơi ngạt trong các trại tập trung người Do Thái. Tập đoàn DuPont sản xuất Plutonium phục vụ cho dự án Manhattan, một dự án nghiên cứu vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ, mà kết quả thực tế đầu tiên là hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trở thành bình địa. Mosanto phối hợp với Dow Chemical để bào chế hàng loạt thuốc mà chúng ta đã quen tên: Agent Orange được dùng để khai quang rừng rậm và nhiễm độc làng mạc trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi huy động được ý chí của khoa học gia, những tên tuổi hàng đầu của thế giới để đánh thắng kẻ địch, giờ đây họ học thêm được bài học, làm thế nào để giết người hàng loạt bằng phí tổn thấp nhất. 

Âm mưu bóp nghẹt dịch vụ đường sắt đô thị

Sau 1918, Mỹ trở thành thế lực quốc tế hàng đầu, song song với sự bùng phát nhạc Jazz ào ạt xâm chiếm các câu lạc bộ giải trí ở Chicago, New York. Ở chân các tòa nhà chọc trời, người dân vốn từ lâu đã quen sử dụng phương tiện giao thông truyền thống là xe lửa đô thị. Giờ đây những chiếc xe Ford được sản xuất ở Detroit dần dần xuất hiện và thay đổi bộ mặt giao thông đường phố. Gắn liền với việc đó là hoạt động với nhịp độ ngày càng cao của các giếng dầu và những tập đoàn lọc dầu. Vàng đen phun lên từ các giếng dầu ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của tư nhân, công nghiệp và giờ đây thêm một tác nhân mới: xe hơi chạy xăng, với sức tiêu thụ năng lượng hóa thạch ở mức độ cao chưa từng có. Ngoài ra, truyền thông được trả tiền để cấy vào ý thức con người rằng, xe hơi là biểu tượng của giàu có, quyền lực xã hội và lối sống hiện đại.

Cũng cần trở lại phía trước để thấy rằng trong thời gian đầu, xe hơi mới chỉ tiếp cận đến một lớp người không nhiều trong xã hội, và đối với đám đông, xe hơi trở thành hình ảnh của sự phá hoại đời sống. Với xe hơi, giao thông công cộng trở thành một thực thể nguy hiểm cho đời sống con người. Khắp nơi ở Luân Đôn, New York, Paris hay Bá Linh, báo chí giật tít ở trang nhất về những đòi hỏi phải cấm sử dụng xe hơi trong thành phố, hoặc giới hạn tốc độ xuống còn vài cây số giờ. Người ta còn xem xe hơi là vũ khí giết người mới mẻ, một loại máy giết người gián tiếp. Sự xuất hiện của xe hơi cũng làm cho các thành phố phải ban hành những đạo luật giao thông mới, và trẻ con không còn được chơi đùa ở những nơi công cộng.
Năm 1921, 5.000 người ở Pittsburgh tổ chức tuần hành im lặng để tưởng niệm 221 trẻ em đã chết trong năm vì tai nạn xe hơi gây ra. Một năm sau, Baltimore khánh thành đài tưởng niệm trẻ em đã chết vì tai nạn do xe hơi gây ra. Sự vươn dậy của công nghiệp xe hơi được đi kèm với nước mắt và phẫn nộ. Giới vận động hành lang cho công nghiệp thì tìm cách thuyết phục người bộ hành rằng, đường công cộng không còn là vùng đất riêng của mọi công dân, mà họ phải tuân thủ luật đèn xanh đèn đỏ, luật đường ngựa vằn, đường một chiều. Các bùng binh ở ngã tư, các chỗ đậu xe bên lề đường đã thay đổi hẳn bộ mặt giao thông thành phố để tương thích với nhu cầu sử dụng xe hơi ngày càng cao.

Năm 1922, trong lúc 10.000 trẻ em tuần hành xuyên thành phố New York để cảnh báo sự nguy hiểm của xe hơi trong thành phố, thì một trong những nhân vật quyền lực nhất của giới doanh nghiệp, tổng giám đốc General Motors Alfred Pritchard Sloan thành lập một ủy ban hành động với mục tiêu là phác họa chiến lược từng bước thay thế xe lửa đô thị bằng xe buýt công cộng và xe tư nhân, vốn là những mảng kinh doanh chủ đạo của General Motors.

Trong thời gian đó, nước Mỹ có 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao thông thành phố với hơn 40.000 Km đường rầy xe lửa đô thị. Họ có 300.000 nhân viên và mỗi ngày phục vụ cho hàng triệu hành khách. Trong lúc đó, Alfred P. Sloan công khai vạch một kế hoạch lớn để từng bước kiểm soát hệ thống giao thông đô thị hòng chiếm lĩnh thị trường giao thông công cộng. Và thời cơ đã đến với Sloan. Năm 1929, nước Mỹ rơi vào tình trạng đại khủng hoảng, đại suy thoái. Thị trường chứng khoán sụp đổ, nhân công thất nghiệp, người dân rơi vào nạn đói.

Chủ doanh nghiệp và chủ ngân hàng đã quen với sự tăng trưởng lợi nhuận không ngừng, giờ đây nhận lãnh tác động trực tiếp. Những tên tuổi lớn như Merrill Lynch, GP Morgan, Goldmann Sachs nhận thức rằng, tài sản của họ đang rơi xuống vùng không đáy. Gia tộc Rockefeller chứng kiến khối tài sản bốc hơi nhanh chóng như tuyết tan dưới ánh mặt trời. Winston Churchill mất trắng nửa triệu đô la. John Maynard Keynes, kinh tế gia đại tài của thế kỷ 20, một siêu sao chứng khoán đã mất trắng toàn bộ tiền đầu tư sau khi đã lãi gấp 10 lần trong vòng một thập niên.  

Sản lượng khai thác dầu lửa, than đá và xe hơi giảm xuống một cách thảm hại. Trong vòng 3 năm, vốn hóa thị trường của General Motors chỉ còn lại 1/4 trị giá trước đây. Chủ tập đoàn và thương gia tìm cách cứu vãn những thua thiệt qua cuộc đại khủng hoảng, và Alfred P. Sloan vẫn chưa quên con mồi chiến lược: những công ty đường sắt đô thị.

Quả thật, các công ty đường sắt đô thị cũng bị tác động mạnh vì cuộc đại suy thoái, đến độ có nhiều công ty giao thông đô thị sẽ phá sản. Đến giữa thập niên 1930, Alfred P. Sloan thấy thời cơ đã chín mùi để hành động. Lịch sử phát triển công nghiệp trong những thập kỷ tiếp theo được xác định trong một bản kế hoạch dài 100 trang do Thượng viện chủ trì. Tác giả của kế hoạch đó là Bradford Snell, chuyên gia về luật chống liên minh. Và kế hoạch đó được gọi ví von là “âm mưu xe hơi đường phố” (General Motors streetcar conspiracy).

Sau khi kế hoạch nói trên ra đời, Alfred P. Sloan triệu tập vòng quen biết chung quanh General Motors, thêm hai tập đoàn khai thác và lọc dầu Standard Oil cũng như Phillips Petroleum của gia tộc Rockefeller, thêm tập đoàn sản xuất bánh xe cao su Firestones. Tất cả đều liên quan trực tiếp hoặc gián đến việc tiêu thụ xăng dầu, những tội đồ nhả khói CO₂ cho nhân loại. Với vốn liếng nhiều không ai bằng, bốn tập đoàn nói trên đổ tiền để thành lập một công ty giao thông vận tải mờ ám, có tên là National City Lines, với mục đích chủ yếu là vận động hành lang để thúc đẩy các mảng kinh doanh của bốn công ty mẹ.

Đầu tiên, công ty National City Lines tiếp nhận vai trò cố vấn việc kiểm soát giao thông, thành lập hàng loạt các chi nhánh khắp nơi trên nước Mỹ, đặc biệt ở các thành phố đông dân. Rồi họ mua luôn những công ty đường sắt đô thị đang gặp khó khăn, vốn đã hoạt động để phục vụ hành khách từ nhiều thập niên trước. Sau vài năm, tổng cộng các công ty đường sắt đô thị trong 45 thành phố lần lượt rơi vào tay National City Lines. Không chỉ là các thành phố nhỏ, mà cả những trung tâm lớn như Detroit, New York, Auckland, Philadelphia, Chicago, Los Angeles. Nơi nào có sự chống đối của chính quyền địa phương, họ bỏ tiền ra mua chính trị gia quốc hội tiểu bang cũng như các công chức cao cấp của bộ máy hành chính địa phương. Nơi nào biện pháp mua chuộc không có hiệu quả, họ giao khoán phần việc còn lại cho xã hội đen.

Nhưng National City Lines mua các công ty đó không phải để tiếp tục hoạt động giao thông đường sắt đô thị, mà chủ tâm để phá hoại nó. Trong vòng 10 năm, công ty đã hủy hoại hơn 10.000 Km đường sắt, hàng ngàn toa xe lửa đô thị để thay vào đó là những công ty xe buýt chạy bằng xăng dầu. Người có chút ít tiền thì mua xe hơi tư nhân với tín dụng ngân hàng. Một thị trường mới được mở thêm cho giới tiêu thụ xe hơi, xăng dầu và tài chính ngân hàng. Tất cả đều nằm trong kế hoạch tinh vi của Alfred P. Sloan.


 Bãi chứa các toa xe lửa đô thị hết sử dụng

Sự sụp đổ của dịch vụ đường sắt đô thị, vốn dĩ là phương tiện giao thông công cộng rất thân thiện với môi trường, không phải là sự tiến hóa tự nhiên của thị trường, mà là kết quả của một âm mưu thâm độc của giới công nghiệp xe hơi và dầu lửa. Trong lúc loài người hít thở ngày càng nhiều khí thải CO₂, thì giới vận động hành lang tuyên truyền rằng, đó là tiến bộ, là hiện đại, là xu hướng tất yếu của sự phát triển phồn vinh. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, đã phá hủy hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đã tham gia vào việc nâng cao lượng khí thải CO₂ bằng hành động bóp chết những phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Số lượng xe hơi lưu hành trên đất Mỹ hiện nay, chắc hẳn là hàng trăm triệu chiếc, là kết quả của một kế hoạch tinh vi để mở rộng thị trường xe hơi và công nghiệp xăng dầu. Giám đốc General Motors, Alfred P. Sloan là siêu sao của phi vụ vô tiền khoáng hậu này.

Khi con hổ đã được thả về rừng, làm sao bắt nó lại để thuần hóa thành loài vật có ích?./.

Tôn Thất Thông, tháng 10/2023
Viết phỏng theo nội dung Phóng sự truyền hình “Die Erdzerstörer” của đài Pháp-Đức ARTE.TV, nguyên bản tiếng Pháp, phát sóng bằng hai ngôn ngữ Pháp và Đức. Biên dịch sang tiếng Đức: Rudolf Nadler. Biên tập: Barbara Bouillon. Phát ngôn tiếng Đức: Jörg Hartmann. Viết cốt truyện: Jean-Robert Viallet. Thực hiện: Jean-Robert Viallet. Sản xuất: Alexandre Cornu và Victor Ede. Với sự hơp tác của nhiều đài truyền hình quốc tế và phỏng vấn nhiều viện nghiên cứu công nghiệp (xem thêm các thành viên tham dự ở cuối phim chiếu lại trong Mediathek, theo đường dẫn ở trên).