Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (Bài 2)

Âu Dương Thệ

Thư gởi Bộ chính trị của Võ Văn Kiệt 9. 8. 1995 và sự phản công của phe Đỗ Mười
 
Nhưng hi vọng giữ được ổn định ở ngay trong cấp cao nhất không kéo dài, mặc dầu phe giáo điều do Đỗ Mười-Lê Đức Anh chỉ huy đã được tăng cường thêm trở thành áp đảo về số lượng trong BCT từ HNTU 6 giữa tháng 1.1994, như đã trình bày. Ngay cả trong tứ trụ khi đó, Võ Văn Kiệt đã phải một mình chống chọi lại Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Nông Đức Mạnh.

Nếu theo dõi hoạt động chính trị của Võ Văn Kiệt từ thời ông còn ở trong bưng tại miền Nam tới khi làm Bí thư thành ủy Sài gòn và sau này ra HN (Hà nội) giữ các chức vụ quan trọng khác, cho thấy ông là người có cá tính riêng mạnh và phóng khoáng so với nhiều nhà lãnh đạo đồng thời với ông. Trong thời gian làm Bí thư thành ủy Sài gòn, nhờ uy tín và ảnh hưởng, nên ông Kiệt đã dám mời một số nhân vật cũ Miền Nam như cựu Phó TT Giáo sư TS kinh tế Nguyễn Xuân Oánh và Giáo sư TS Kinh tế Nguyễn Văn Hảo, từng là Phó TT phụ trách phát triển kinh tế của Việt Nam Cộng hòa.(1) Cá tính mạnh của Võ Văn Kiệt còn biểu lộ trong hai quyết định quan trọng trong thời gian làm TT, tiến hành thực hiện đường dây tải điện Bắc-Nam mặc dầu nhiều người chống, và vào trại giam thăm cựu bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải để tỏ thái độ trọng nhân tài và đồng thời chống bảo thủ.

Nhưng tư duy độc lập và cá tính mạnh trong thời gian làm TT phải nói tới Thư của ông gởi BCT ngày 9.8.1995. Thời điểm này nằm cận ĐH 8 chỉ gần một năm sau đó và thành phần nhân sự mới ở các cấp cao nhất từ TBT tới TT, hầu như đã được cơ cấu xong theo mong muốn của phe bảo thủ. Về Thư gởi BCT của Võ Văn Kiệt có nhiều câu hỏi được nêu ra nhưng vẫn chưa có trả lời, trong đó có hai câu hỏi quan trọng. Tại sao Võ Văn Kiệt gởi Thư này cho BCT vào hè 1995 không lâu trước ĐH 8 và ông chờ đợi gì ở các đồng liêu trong BCT?  Vì sao Lá thư này lại bị tiết lộ ra bên ngoài ? Ai chủ mưu và có dụng ý gì? Có lợi hay bất lợi cho Võ Văn Kiệt?

Thư gởi BCT 9.8.1995 gồm trên 10.000 chữ được soạn thảo sau khi ông Kiệt đã có trong tay bản Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội (ĐH) 8.(2) Vì thế có thể nói Thư này chính là một phản biện lại nội dung Dự Thảo này và một số Nghị quyết (NQ) của Hội nghị Đại biểu toàn quốc 1994. Nội dung Thư này có thể hiểu như một DỰ ÁN CHÍNH TRỊ cho ĐCSVN về mục tiêu và phương thức đổi mới sau khi Liên xô sụp đổ. Thư này nêu ra những điểm chính: 1. Xu hướng và tương quan lực lượng trên thế giới và chính sách đối ngoại của VN sau khi Liên xô sụp đổ. 2. Chính sách kinh tế: Làm thế nào để dân giầu nước mạnh? Chệch hướng hay không chệch hướng? 3. Khả năng quản trị Nhà nước (chính phủ, quốc hội và các đoàn thể ngoại vi) của Đảng. 4. Đảng phải thay đổi cách tổ chức và điều hành như thế nào nếu muốn tiếp tục lãnh đạo đất nước?

Về bối cảnh thế giới sau khi Liên xô sụp đổ ông Kiệt cho rằng, „trong thế giới ngày nay không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc“ là chính, mà mâu thuẫn giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế trở thành quan trọng. Nhưng các mâu thuẫn này vừa là thách đố, đồng thời cũng là cơ hội cho các nước. Như vậy Võ Văn Kiệt đã phủ nhận chủ thuyết về „mâu thuẫn đối kháng“ -có anh thì không thể có tôi- giữa chủ nghĩa CS và chủ nghĩa tư bản; đồng thời còn cho rằng, các mâu thuẫn này không nhất thiết chỉ phải giải quyết bằng bạo lực như Lenin và Đệ tam Quốc tế đã từng khẳng định và cuối cùng CS sẽ tiêu diệt tư bản. Trái lại theo ông, sau khi Liên xô sụp đổ thế giới có thể giải quyết các mâu thuẫn không nhất thiết phải kinh qua bạo lực. Ông còn nhấn mạnh, từ nay quan hệ giữa 4 nước CS còn sót lại là VN, TQ, Bắc hàn và Cuba chứa nội dung là „tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa.“ Nghĩa là ông Kiệt không còn tin vào thế giới đại đồng giữa các nước CS, quyền lợi quốc gia là quyết định. Riêng với Trung quốc (TQ), ông Kiệt còn nhận định hai nước VN và TQ đang có những tranh chấp mới rất nóng, nhất là ở biển Đông. 

Từ các phân tích về tương quan quốc tế mới sau khi Liên xô tan rã, trái với quan điểm lo ngại và bi quan của cánh bảo thủ về tương lai của chế độ, ông Kiệt lại lạc quan thấy đây là một cơ hội tốt cho VN:

„Với đánh giá tình hình theo cách nhìn mới, có thể nói, sau một nửa thế kỷ phấn đấu đầy hy sinh gian khổ kể từ Cách mạng tháng Tám, bây giờ chúng ta mới cùng một lúc có được điều kiện bên trong tốt nhất và bối cảnh quốc tế bên ngoài thuận lợi nhất cho phép đặt ra được và thực hiện được dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, đáp ứng được đòi hỏi phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, để lấy lại thời gian đã mất và đuổi kịp các nước chung quanh. Có thể nói, đất nước đang đứng trước cơ hội chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta !“

Như vậy, ngay trong phần đầu Thư 9.8.95 gởi BCT, Võ Văn Kiệt đã dám đặt lại và phủ nhận những định đề căn bản của chủ nghĩa Marx-Lenin về mâu thuẫn đối kháng giữa CS và Tư bản, cũng như phải dùng bạo lực để thanh toán Tư bản (ý thức hệ và phương pháp đấu tranh). Không những thế Võ Văn Kiệt còn chống lại chủ thuyết của Đỗ Mười-Lê Đức Anh xin cầu hòa với Bắc kinh (BK) và mong BK bao che cho HN từ sau Hội nghị bí mật ở Thành đô (9.1990), vì tin rằng những người cầm đầu BK vẫn đặt trọng mục tiêu XHCN trên quyền lợi ích kỉ của quốc gia. Cho thấy ông không còn tin vào chủ thuyết „Thế giới đại đồng“ và cũng rất nghi ngờ chủ tâm của BK!: 

„Nói riêng về quan hệ Việt Nam – Trung quốc, Việt Nam – Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên thì tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa trong những mối quan hệ giữa những nước này. Thậm chí trong quan hệ Việt Nam – Trung quốc tồn tại không ít điểm nóng. Thuần tuý nói về chủ nghĩa xã hội thì cả 4 nước Xã hội chủ nghĩa còn lại đều nói, còn đang phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi con đường riêng phù hợp của từng nước.“

Chủ đề quan trọng thứ hai trong Thư gởi BCT là chính sách phát triển kinh tế. Ở đây Võ Văn Kiệt cũng đi thẳng vào vấn đề trung tâm là nên giữ vững và củng cố Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay nên để kinh tế tư nhân phát triển? Câu trả lời khá dứt khoát của ông là chống lại chủ trương kể từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc (1994) tìm cách củng cố trở lại để DNNN giữ vai trò chủ đạo trong kinh tế, chứ không thể để kinh tế tư nhân tự do phát triển, có như vậy mới không „chệch hướng“ ra khỏi quĩ đạo XHCN. Ông đã dẫn chứng tình hình phát triển kinh tế nhanh trong nhiều lãnh vực từ sau ĐH 6 với việc bãi bỏ lệnh „ngăn sông cấm chợ“, giải thể hệ thống hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp và để cho tư nhân được tự do làm ăn để phản biện lại quan điểm của phe giáo điều bảo thủ đang tìm cách trở lại con đường mòn của mô hình XHCN vì họ sợ „chệch hướng“:

„Những năm trước khi thực hiện đổi mới, chúng ta đã có kinh nghiệm, nếu không có sự phát triển này thì kinh tế tiêu điều và ách tắc như thế nào ! Nếu coi sự phát triển này là chệch hướng, có nghĩa là chúng ta phải đem kinh tế quốc doanh ra đối lập lại với sự phát triển này, đối lập với tất cả những người lao động đang bỏ của và công sức để tạo ra sự phát triển như hiện nay.“

Ông còn phê bình gay gắt cách làm ăn thua lỗ của hệ thống quốc doanh trở thành gánh nặng cho kinh tế, và chính hệ thống này lại đang là những nơi nuôi dưỡng những tệ trạng xã hội:

„Trong những năm của cơ chế kinh tế cũ, quốc doanh đã hầu như nắm toàn bộ các lãnh vực này và chúng ta đã biết kết quả. Ngày nay không ít xí nghiệp, đơn vị quốc doanh làm ăn trái với pháp luật, số lượng phương tiện giao thông vận tải của quốc doanh – trong đó có xe của đơn vị quân đội – tham gia buôn lậu khá lớn…“

„Song nguy cơ chệch hướng đang ẩn náu trong nhiều hiện tượng kinh tế xã hội khác cần được chú ý xử lý thỏa đáng. Đó là tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang trở thành “quốc nạn”, bao gồm cả những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, tính vô chính phủ, cát cứ, tiêu xài lãng phí và ăn cắp của công…“ 

Tình trạng làm ăn thua lỗ lớn và sự tham nhũng cùng cực của cán bộ trong toàn bộ hệ thống kinh tế Nhà nước về các năm sau này chứng minh, Võ Văn Kiệt đã dự đoán đúng hậu quả của việc cố ý duy trì doanh nghiệp quốc doanh (DNQD) về mặt kinh tế lẫn chính trị và pháp luật dẫn tới tha hóa đạo đức và kỉ cương xã hội. Theo ông, nếu trở lại với mô hình phát triển theo XHCN như trước thời đổi mới thì mới là „Chệch hướng và diễn biến hoà bình sẽ có thêm mảnh đất màu mỡ để bung ra.“ 

Tóm lại, quan điểm về vai trò của DNNN giữa Võ Văn Kiệt và nhóm bảo thủ trong BCT hoàn toàn đối chọi nhau. Có thể nói gọn là, Võ Văn Kiệt muốn những gì tư nhân không làm được thì mới để quốc doanh làm; còn phe bảo thủ lại chủ trương, những gì quốc doanh không làm được mới để cho tư nhân! Những phản biện của Võ Văn Kiệt về „chệch hướng“ và „diễn biến hòa bình“ nêu ra trong Thư gởi BCT cũng hoàn toàn ngược lại quan điểm của phe bảo thủ đã quyết định trong Hội nghị Đại biểu toàn quốc và được giải thích rõ trong sách „Văn hóa và Đổi mới“ của Phạm Văn Đồng đang là nền tảng cho đường lối của ĐH 8 sắp tới, như đã trình bầy.

Chủ đề thứ ba trong Thư gởi BCT ngày 9.8.1995 của Võ Văn Kiệt là sự quản trị và điều hành bộ máy Nhà nước của ĐCS. Với tư cách là TT, trong nhiều năm ông Kiệt đã phải nhìn nhận bộ máy Nhà nước (chính phủ, quốc hội, các tổ chức ngoại vi) do ĐCS chỉ huy đang bất cập trong luật pháp và bất lực trong việc tuyển chọn cán bộ và điều hành bộ máy nhà nước. Tình hình này dẫn tới những hậu quả vô cùng xấu tới mức báo động trong nhiều lãnh vực của xã hội: 

„Tình trạng bất cập của bộ máy nhà nước và những vấn đề nóng bỏng trong đời sống kinh tế xã hội đã ở mức báo động…“. „Sống và làm việc theo pháp luật trở thành đòi hỏi ngày càng bức thiết của cuộc sống và sự nghiệp phát triển đất nước ta…“ „Sự phát triển luật pháp và năng lực thi hành luật pháp chưa theo kịp đà phát triển của đất nước và xã hội ta hiện nay. Mặt khác, tình trạng sống và làm ăn trái phép với pháp luật chưa có xu thế giảm….“

„Hãy thử mổ xẻ tình trạng tham nhũng, tình trạng buôn lậu, trốn thuế, tình trạng móc ngoặc ở trong nước, hoặc với nước ngoài trong kinh tế, tình trạng chồng chéo ách tắc trong điều hành và quản lý đất nước, rừng núi tài nguyên bị tàn phá trong thời bình, môi trường tự nhiên đang bị xâm phạm nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng nhiều nơi không được gìn giữ, tình trạng dân kêu oan khiếu nại…, chúng ta sẽ có được những thước đo khá chính xác về mức độ báo động này. Một trong những nguyên nhân chính là những yếu kém trong nhiệm vụ quản lý nhà nước….“

Sau khi nêu rõ sự bất lực của bộ máy Nhà nước dẫn tới sự bùng nổ của các tệ trạng xã hội, trong thư gởi BCT ông Kiệt đã nói thẳng tới nguyên nhân của nó. Theo ông, đó là vẫn áp dụng phương pháp quản lí đất nước thời chiến vào thời bình, tuyển chọn nhân viên Nhà nước theo nhu cầu của Đảng chứ không căn cứ trên khả năng và đức độ. Nói tóm lại, theo ông nguyên nhân chính của của sự bất lực của bộ máy Nhà nước và sư sa đọa của cán bộ là vì Đảng vẫn đứng trên và làm thay Nhà nước, trong khi đó lại không chịu trách nhiệm:

„Chúng ta cần sớm khắc phục những ảnh hưởng còn lại của phương thức điều hành đất nước trong thời chiến với những đặc điểm như : cơ chế chính uỷ, quyền lực quyết định tại chỗ, tính chất địa phương, cơ cấu bộ máy sắp xếp cán bộ theo yêu cầu chính trị, bộ máy của Đảng song trùng và trên thực tế là có những việc đứng trên hoặc làm thay bộ máy chính quyền, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng và sự yếu kém về nghiệp vụ do vận dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách v.v“. 

Các phê bình thẳng thắn trên đây của Võ Văn Kiệt cũng được  bộ trưởng Kế hoạch & đầu tư Bùi Quang Vinh thời Nguyễn Tấn Dũng 11 năm sau chia xẻ, khi ông phát biểu công khai ngay tại ĐH 12 (xem Chương tám, IV).
Chủ đề quan trọng cuối cùng trong Thư gởi BCT, ông Kiệt đã tập trung phân tích về tình hình ĐCS. Cách tổ chức và điều hành hiện nay của Đảng có thích hợp không và cần phải được cải tổ như thế nào?

Nhận định đầu tiên của ông là, cán bộ đảng viên trong thời bình đang suy thoái về đạo đức và lối sống làm mất tính tiên phong:

„Chúng ta đang đứng trước thực tế là, tính tiên phong chiến đấu của đảng viên và của các tổ chức cơ sở của Đảng có nhiều mặt giảm sút, thậm chí yếu kém. Nhiều đảng viên không còn vai trò gương mẫu, nhiều tổ chức cơ sở Đảng chỉ hoạt động hình thức, hoặc tê liệt, thoái hoá. Quan hệ giữa Đảng và dân ngày càng có nhiều vấn đề. Chỗ nào cũng có đảng viên, song tình trạng bê bối, tiêu cực ở các ngành, các địa phương khá phổ biến.“

Vì vậy theo ông, nếu muốn Đảng tiếp tục cầm quyền thì ưu tiên hàng đầu là phải „cần đặc biệt phát huy dân chủ trong Đảng“. Để có thể thực hiện được việc này Võ Văn Kiệt không ngại ngùng đề nghị phải từ bỏ nguyên tắc tổ chức „tập trung dân chủ“ vẫn được áp dụng và được coi là nguyên tắc tổ chức của các ĐCS, nhưng chính nó đang dẫn tới tinh thần vô trách nhiệm và dân chủ hình thức:

„Chúng ta thảo luận nhiều về nguyên tắc “ dân chủ tập trung ”, hoặc “ tập trung dân chủ ”. Tôi đề nghị bỏ cách suy nghĩ rất công thức như vậy. Nên chăng khẳng định lại một cách không thể hiểu lầm như sau: Để huy động trí tuệ của toàn Đảng và bảo vệ sự trong sáng trong Đảng, cần phải triệt để dân chủ, đồng thời để bảo đảm sức chiến đấu của Đảng, mọi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo điều lệ và phục tùng các nghị quyết của Đảng.“

***
Tóm lại, trong Thư gởi BCT ngày 9.8.1995 TT Võ Văn Kiệt đã dám đặt lại một số vấn đề từ trước tới nay vẫn được coi là cấm kị (Tabu), ai cũng phải thừa nhận và không được đụng tới. Đó là nguyên tắc tổ chức nội bộ trong đảng theo „tập trung dân chủ“ và „mâu thuẫn đối kháng“ giữa chủ nghĩa CS và TB với thế tất thắng của Thế giới CS. Ngoài ra, Võ Văn Kiệt còn đòi mổ xẻ lại những nhiều lãnh vực căn bản của chế độ cũng như các chính sách quan trọng. Như vai trò của Đảng trong việc điều hành nhà nước. Trong đó ông chống lại chủ trương từ trước tới nay theo lối lãnh đạo độc quyền của Đảng từ chính sách, tổ chức tới quyết định nhân sự. Ông muốn Chính phủ có quyền rộng rãi hơn. Võ Văn Kiệt cũng yêu cầu xét lại chính sách kinh tế lấy DNNN làm chủ đạo, ông chủ trương các hoạt động kinh tế theo cơ cấu tổ chức KTTT, trong đó DNNN chỉ làm những gì kinh tế tư nhân không làm được. Khác biệt quan điểm lớn khác giữa Võ Văn Kiệt với nhóm bảo thủ trong BCT còn nằm cả trong lãnh vực đối ngoại. Ông không tin chính sách cầu hòa với BK của Đỗ Mười và Lê Đức Anh vừa được bắt đầu từ đầu thập niên 90 và cho rằng, BK chỉ đặt quyền lợi của TQ trên hết chứ không phải vì lợi ích giữa hai ĐCS và ông còn cảnh cáo về những nguy cơ xung đột sẽ gia tăng trên biển Đông do chủ trương bành trướng của BK.

Dĩ nhiên trong tư cách là một đương kim TT, nên khi trình bày các quan điểm trên Võ Văn Kiệt đã dùng những ngôn từ thích hợp với các đồng liêu. Nhiều đoạn trong Thư nói về những khác biệt quan trọng với phe bảo thủ, nhưng Võ Văn Kiệt đã tránh dùng ngôn ngữ mạnh, đi thẳng vào sự việc, mà ông lại phải trình bày vòng vèo và tránh phê bình quá đáng…Tuy nhiên, trong Thư gởi các đồng liêu trong BCT Võ Văn Kiệt đã dám đặt lại những vấn đề căn bản về ý thức hệ CS tới các chủ trương và chính sách quan trọng.(3)
 
Việc ra đời của Thư này, những tranh cãi và ảnh hưởng của nó đã tạo ra nhiều câu hỏi không chỉ trong nội bộ ĐCS mà cả bên ngoài. Tại sao Thư này đã được viết vào thời điểm đó, nhắm mục tiêu gì? Sự tranh cãi trong nội bộ trung ương về thư này như thế nào, cánh nào trong Đảng đã tham dự và đứng về phía nào? Tại sao Thư này lại lọt ra bên ngoài, Võ Văn Kiệt hay cánh bảo thủ bị bất lợi? Võ Văn Kiệt có đạt được mục tiêu không?

Căn cứ vào sự trình bày của Võ Văn Kiệt trong Thư gởi BCT 9.8.1995 thì vào thời điểm đó các Dự thảo Báo cáo Chính trị và Dự thảo Kinh tế cho ĐH 8 đã xong, những luận cứ phản biện của ông đã căn cứ phần lớn vào các văn kiện dự thảo của ĐH 8 sẽ diễn ra gần một năm sau.(4)  Ngoài ra vào thời điểm đó có lẽ đề án nhân sự ở cấp cao nhất cũng đã được chuẩn bị ít nhất là trong phe bảo thủ. Như vậy rõ ràng mục tiêu của Thư gởi BCT 9.8.1995 là muốn nhắm tới ĐH 8 về các mặt đường lối, chính sách kinh tế, chính trị và ngoại giao, đồng thời cả trong đề án nhân sự. Gởi cho các đồng liêu trong BCT vào thời điểm gần một năm trước ĐH 8 Võ Văn Kiệt hi vọng là có thể tạo ra những cuộc tranh luận trong nội bộ Đảng ở những lãnh vực quan trọng theo chiều hướng có thể thay đổi để cởi mở hơn cả trong đường lối, chính sách lẫn nhân sự.(5) Nhưng có lẽ địa chỉ gửi Thư này ông Kiệt không chỉ nhắm riêng BCT mà cả trong Trung ương đảng (TUĐ). Chỉ có như vậy thì mới có thể tạo ra tranh luận có tầm vóc đủ mạnh và rộng, từ đó có thể dẫn tới tranh luận ngay trong Đảng chống lại phe giáo điều ngay trước ĐH 8 không còn xa.

Võ Văn Kiệt là người tự tin, ông nghĩ rằng, những thành quả tốt đẹp trong kinh tế, tài chánh và ngoại giao trong gần 4 năm làm TT, trong đó phải kể tới: Không những giải quyết tốt được nạn đói mà còn đưa VN trở thành nước xuất cảng gạo, nạn lạm phát phi mã đã được chấm dứt, thiết lập quan hệ ngoại giao với cựu thù Mĩ, gia nhập Asean, lập quan hệ tốt với EU, khuyến khích đầu tư của ngoại quốc vào VN (FDI) và tiếp nhận  nhiều tỉ Mĩ kim theo chương trình ODA của các cơ quan tài trợ quốc tế lớn như WB, ADB và IMF…Dĩ nhiên đây không phải là công trình riêng của Võ Văn Kiệt, nhưng trong tư cách là TT ông là người rất năng động, cởi mở và hoạt bát trong ngoại giao và rất quyết đoán, nên ông đã đóng góp phần không nhỏ trong các thành công trên. Nhờ vậy ông được lòng nhân dân, tạo được uy tín quốc tế lớn, đặc biệt với Mĩ, EU, Nhật và Asean. Ông còn tạo một tin cậy cao trong thành phần cấp tiến trong Đảng, nhất là các cán bộ ở phía Nam và được lòng nhiều giới kinh tế và chuyên viên ở trong nước. 

Như trên đã trình bày, ông Kiệt gửi Thư cho BCT vào thời điểm bản Dự thảo Báo cáo Chính trị (BCCT) đã hoàn thành dưới ảnh hưởng lấn át của phe bảo thủ, đứng đầu là Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình và Nguyễn Hà Phan và đang chuẩn bị đưa ra HNTU 9 (11.95) để làm thủ tục thông qua cho hợp lệ. Vậy thì mục tiêu muốn đạt tới qua Thư này của Võ Văn Kiệt là gì? Muốn thay đổi nội dung một số điểm quan trọng trong Dự thảo Báo cáo Chính trị? Muốn đặt lại dự án nhân sự cấp cao của ĐH 8? Hay chỉ muốn tạo một tiếng vang trước khi về hưu?

Khi ấy ông Kiệt cũng đã 73 tuổi, Đỗ Mười 78 và Lê Đức Anh cũng đã 75. Tức là tới tuổi về hưu từ lâu. Có nguồn tin cho biết, sức khỏe của Lê Đức Anh khi ấy đã rất yếu. Riêng Đỗ Mười đã tính sẽ rút lui. Cặp bài trùng đang lên vào thời điểm từ sau Hội nghị Đại biểu toàn quốc (1.1994) là Đào Duy Tùng (sinh 1924) và Nguyễn Hà Phan (1933), một người phụ trách công tác đảng, người kia lo lãnh vực kinh tế (xem phần sau). Đây không phải là tình cờ mà là có sự chuẩn bị của phe bảo thủ dưới bàn tay đạo diễn của Đỗ Mười. Trong dự án nhân sự đó không có tên của Võ Văn Kiệt, mặc dù có nguồn tin nói là ông Kiệt vẫn muốn ở lại.(6)

***
Có một điều rất rõ ràng là, sau khi Thư gởi BCT bị lộ ra bên ngoài từ đầu tháng 12. 1995 thì một số nhân vật ở cấp 2-3 trong Trung ương (TU) và thuộc thành phần cực kì bảo thủ đã mở các cuộc tấn công trực diện Võ Văn Kiệt một cách công khai trên các cơ quan báo chí chính của chế độ là Tạp chí cộng sản (TCCS), Nhân dân (ND) và Quân đội nhan dân (QĐND). Tân Ủy viên BCT, Ban bí thư trung ương (BTTU), Phó Bí thư Đảng ủy Quân ủy Trung ương (QUTU) kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu đã khai hỏa mở đầu cuộc tấn công này. Trên tạp chí Quốc phòng toàn dân (QPTD) -thuộc bộ Quốc phòng và dưới quyền trực tiếp của Tổng cục Chính trị- số tháng 12. 95 dù không nêu đích danh ông Kiệt, nhưng tướng Phiêu đã lên án rất gay gắt những đòi hỏi bỏ chủ trương „tập trung dân chủ“ và dân chủ hóa nội bộ đảng trong Thư gởi BCT của ông Kiệt là „các thế lực thù địch“ và „hữu khuynh“:

„Các thế lực thù địch và các khuynh hướng cơ hội hữu khuynh đang tìm cách thâm độc hòng thay đổi đường lối chính trị, đường lối tổ chức và làm biến chất Đảng theo kiểu một đảng xã hội dân chủ“(7)

Theo Nguyễn Hộ, từng là bạn chiến đấu thân thiết của Võ Văn Kiệt nhưng sau này hai người thù địch nhau, xác nhận Thư gởi BCT của Võ Văn Kiệt đã như „quả bom“. Ít ngày sau, tân Ủy viên trung ương (UVTU) và tân Tổng biên tập TCCS Nguyễn Phú Trọng đã tấn công ông Kiệt mạnh hơn nữa về việc ông Kiệt đề nghị bỏ nguyên tắc tổ chức „tập trung dân chủ“ trong sinh hoạt đảng trong Thư 9.8.1995. Trong TCCS số 2, tháng 1.1996 (khi ấy ra 2 số một tháng) ông Trọng đã hằn học phê phán:

„Trong lúc có khuynh hướng muốn hạ thấp ý nghĩa hoặc xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã khẳng định dứt khoát giữ vững và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ…Đảng ta cho rằng, thực hiện tập trung dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc của một đảng mác-xít, là một tiêu chí quan trọng để xem đảng có phải là đảng Mác-Lê-nin chân chính hay không. Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất; xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc“(8)

Việc công khai kết án rất gay gắt gián tiếp TT Võ Văn Kiệt về các đòi hỏi trong Thư 9.8.1995 ngay trên tờ tạp chí lí luận của TUĐ là „phủ nhận Đảng từ bản chất“ và „phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc“ như thế, trong tư thế mới được vào TUĐ, chắc chắn tự bản thân Nguyễn Phú Trọng không dám, phải có sự chỉ thị từ cấp cao hơn trong BCT. 

Khi ấy Nguyễn Đức Bình có chân cả trong BCT lẫn BBT và phụ trách công tác tư tưởng nên có ảnh hưởng rất lớn, thuộc cánh bảo thủ và đã từng đi giám sát Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt thăm Âu châu. Vài năm sau khi phe giáo điều nắm lại thế chủ động trong BCT, ông Bình đã thuật lại khá rõ các giai đoan hai phe bảo thủ và cấp tiến trong BCT chống phá nhau kịch liệt như thế nào: 

„Nó rộ lên vào những năm 1987-88 khi mà thế Goóc-ba-chốp còn lên. Nó bị đập mạnh một cú năm 1989 trong HNTU 7 rồi Trung ương 8 (khóa VI)  [ám chỉ các cuộc chống đối của Trần Xuân Bách và Trung tướng Trần Độ khi ấy?] …
Thật ra họ không thay đổi quan điểm cơ bản. Có kẻ còn trở nên „kiên định“ hơn. Họ mưu tìm chiến thuật mới, chờ kết quả thay đổi nhân sự qua ĐH VIII và sau ĐH. Cách tốt nhất theo họ -là êm dịu chuyển hóa từ bên trong và từ bên trên; là lùi một bước để tiến hai bước, là thừa nhận để từng bước phủ nhận, là phủ nhận từ từ từng phần đến toàn bộ, đối với Đảng cũng vậy, đối với chủ nghĩa cũng vậy, đối với con đừơng XHCN cũng vậy. Họ chủ trương đề bạt kiến nghị, trao đổi, gặp gỡ, đối thoại, ra vẻ „hành động trong tổ chức“, nhưng lại cố ý công khai hóa ra bên ngòai để tạo áp lực, gây thanh thế, tập hợp lực lượng, đòi hỏi Đảng nhân nhượng, tiến tới „hội thảo chính trị lớn“ kiểu „bàn tròn“, kiểu „Tiểu Diên hồng“.“(9) [Ám chỉ rằng, Võ Văn Kiệt cố tình để lộ thư ngày 9.8.95 gởi BCT và cuộc vận động của Hoàng Minh Chính khi ấy?]

Cuộc phản kích của cánh bảo thủ chung quanh Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Đào Duy Tùng chống Võ Văn Kiệt tiếp tục rộ lên vào thời điểm trước ĐH 8 không còn xa. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, UVTU kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị -dưới quyền của Lê Khả Phiêu- đã còn thẳng thừng hơn nữa trong việc kết án Võ Văn Kiệt, khi ấy Thư gởi BCT đã lọt ra bên ngoài không chỉ ở VN mà còn cả ở nước ngoài. Trong tạp chí QPTD số 1.96, dù tướng Khánh không nêu tên ông Kiệt, nhưng các điểm kết án gay gắt lại chính là những điểm trong Thư gởi BCT của Võ Văn Kiệt, gọi đó là „trùng hợp với luận điểm  của bọn phản bội và thủ đoạn chống phá ta của đế quốc Mĩ“ :
„Xu hướng cơ hội hữu khuynh trước đây chỉ xuất hiện trên từng mặt, từng vấn đề; nay đã hình thành một hệ thống quan điểm, tư tưởng, được in ấn và tán phát nhiều nơi, có nhiều điểm trùng hợp với luận điểm  của bọn phản bội và thủ đoạn chống phá ta của đế quốc Mĩ và các thế lực thù địch.

Sau đây xin vạch ra mấy điểm chủ yếu của những quan điểm đó:

  • Phủ nhận các mâu thuẫn vốn có của thời đại, xóa nhòa ranh giới giữa CNXH và Chủ nghĩa Tư bản (CNTB), giữa chủ nghĩa đế quốc  và các dân tộc bị áp bức, giữa bóc lột và bị bóc lột.
  • Nhận thức mơ hồ về „dân chủ đa nguyên“; hiểu nhà nước pháp quyền thoát li quan điểm giai cấp, ca ngợi nền „dân chủ đa đảng“, „chế độ tự do dân chủ phương Tây“.
  • Phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.“(10) 

Dường như biết là phe bảo thủ đang tấn công mình vào thời điểm quyết định mô hình nhân sự của ĐH 8, nhưng Võ Văn Kiệt vẫn không dừng lại với Thư gởi BCT mà còn tìm cách ảnh hưởng lên Quốc hội (QH). Nên ngày 12.3. 96 Võ Văn Kiệt lại nói tại kì họp thứ 9 QH khóa 9.  Trong nhiều đoạn của diễn văn dài ông đã khéo léo nhắc lại một số quan điểm của ông trong Thư gởi BCT liên quan tới khuyến khích kinh tế tư nhân và chống lại kinh tế quốc doanh (KTQD):

„Tôi xin đề nghị QH suy nghĩ, góp ý kiến với chính phủ những biện pháp xử lí tích cực  nhất! Tôi nghĩ rằng, một mặt cần tìm cách nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng những nguồn chi ngân sách, đồng thời phải huy động mọi nguồn lực trong dân thực hiện tốt hơn nữa chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm. Chúng ta cho phép người nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT thì lại càng phải khuyến khích nhân dân và những nhà đầu tư trong nước làm việc này…“ (11)

Chỉ hai ngày sau diễn văn trước QH của Võ Văn Kiệt, tại Đại hội đảng bộ Học viện chính trị-quân sự -nơi huấn luyện chính trị và tư tưởng cho các cấp sĩ quan trung và cao cấp- chuẩn bị cho ĐH 8, Lê Khả Phiêu đã phản công lần thứ 2 một cách có hệ thống toàn bộ những vấn đề mà Võ Văn Kiệt đã nêu ra trong Thư gởi BCT 9.8.95. Trong một diễn văn dài nửa trang báo ND, sau khi chỉ trích cuộc vận động đang rộ lên trong đảng khi ấy của một số trí thức tiến bộ đã khuyên đảng nên cải tổ theo khuynh hướng các đảng dân chủ xã hội như nhiều nước Bắc- và Tây Âu, ông Phiêu kết án đó là „cải lương“, „xét lại“ và „từ bỏ đấu tranh cách mạng“; tiếp đó ông đánh thẳng vào nhân vật chính muốn nhắm tới. Tuy không nêu tên Võ Văn Kiệt, nhưng các phần kết án của ông Phiêu đã hầu như đi vào từng điểm chính trong Thư gởi BCT của Võ Văn Kiệt. Ở phần mở đầu Thư ông Kiệt đã đặt lại vấn đề tình hình thế giới và tương quan lực lượng thế giới sau khi Liên xô sụp đổ và tới phần cuối Thư ông yêu cầu phải dân chủ hóa nội bộ đảng.  Lê Khả Phiêu đã tấn công Võ Văn Kiệt:

„Không phải không có người muốn muốn „giã từ hệ tư tưởng“ mà thực chất là giã từ hệ tư tưởng Mác-Lê-nin để rơi vào hệ tư tưởng khác; muốn „phi tư tưởng hóa“, coi việc phân chia ra ranh giới giữa hai chế độ tư bản và XHCN là một cái gì xơ cứng, giáo điều, gây trở ngại cho việc nước ta hòa nhập vào thế giới và giầu lên cùng với thế giới đó…Người ta cho rằng, đất nước ta hiện nay chỉ cần „độc lập và dân chủ“, chỉ cần „độc lập và phát triển“ chứ chẳng cần định hướng phát triển nào, nhất là định hướng XHCN.“

Nếu đối chiếu lời kế án trên của Lê Khả Phiêu thì rõ ràng là ám chỉ Võ Văn Kiệt. Như đã trình bày ở phần trên, trong Thư gởi BCT Võ Văn Kiệt đã cho rằng, sau khi Liên xô sụp đổ tình hình thế giới đã thay đổi toàn diện nên ông mạnh bạo chống lại quan điểm bảo thủ vẫn bênh vực về quan điểm giai cấp đấu tranh và tính đối kháng giữa CS và Tư bản:

„Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa CNXH và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính chất đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi bật nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia trên thế giới.“

Thế rồi Lê Khả Phiêu còn nêu việc ông Kiệt đòi từ bỏ nguyên tắc tổ chức „tập trung dân chủ“ vì nó phản dân chủ và kết án rất gay gắt:

„Cần phải chỉ ra rằng, bên cạnh những cuộc tiến công vào hệ tư tưởng, vào đường lối chính trị của Đảng ta, cuộc tiến công vào tổ chức của Đảng ta: Tiến công vào nguyên tắc tổ chức, cơ cấu tổ chức và cơ chế lãnh đạo của Đảng ta là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sinh mệnh của Đảng ta với tính chất là đội tiên phong, bộ tham mưu của giai cấp và dân tộc trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và CNXH. Có người đang đòi hỏi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng, tập trung sẽ dẫn tới quan liêu, độc đoán, chỉ cần dân chủ là được!” (12)

Câu hỏi ở đây là, khi nói „có người đang đòi hỏi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ“ Lê Khả Phiêu đã muốn ám chỉ ai? Rõ ràng là chính TT Võ Văn Kiệt đã nêu việc này trong Thư gởi BCT và đúng vào thời điểm này dư luận về thư này đang dội lên rất mạnh cả trong đảng, nhiều giới ở trong nước và cả quốc tế! Mặc dầu bài diễn văn quan trọng này của Lê Khả Phiêu mãi tới gần hai tuần sau mới được phổ biến trên tờ Nhân Dân. Việc này cho thấy cánh bảo thủ đã cân nhắc và quyết định tung ra vào giữa lúc vấn đề nhân sự ở cao của ĐH 8 đang vào giai đoạn quyết liệt.

Song song với việc tấn công trực diện Võ văn Kiệt trên các cơ quan ngôn luận chính của Đảng để ngăn ngừa những bất trắc có thể xẩy ra trong giai đoạn chuẩn bị ĐH 8, trong thời gian này họ còn dựng lên vụ án „chiếm đoạt bí mật Nhà nước“ để giam giữ ba nhà đấu tranh dân chủ có uy tín ở trong và ngoài nước là các ông Hồng Hà, Nguyễn Kiên Giang và Hà Sĩ Phu vào dịp cuối năm 1995 để khủng bố và đe dọa các cuộc vận động dân chủ ở trong đảng và ngoài xã hội.  Ba người này đã bị kết án là đã giữ các bản sao Thư gởi BCT ngày 9.8.1995 của TT Võ Văn Kiệt. Riêng với Hà Sĩ Phu họ còn để công an dàn dựng ra tai nạn xe ở HN để cướp giật cái túi của Hà Sĩ Phu với một số tài liệu. Mãi tới sau khi ĐH 8  ba Nhà Dân chủ mới bị đưa ra Tòa án Nhân dân xử kín với các bản án từ Lê Hồng Hà 2 năm tù giam, Hà Sĩ Phu 12 tháng tù giam và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù cho hưởng án treo với lí do “đã có hành vi chiếm đoạt bí mật nhà nước”.(13)
______________
Chú thích:
1. Tác giả đã có cuộc phỏng vấn GS Nguyễn Văn Hảo tại Paris đầu thập niên 80
2. Theo cựu Đại sứ Nguyễn Trung, trợ lí của TT Võ Văn Kiệt, ông là một người chính soạn thảo Thư này; Nguyễn Trung, Tôi làm “chính trị”- Những kỉ niệm và trăn trở, http://www.viet-    studies.net/kinhte/kinhte.htm , Hồi kí, 2018, tr. 67 t.th . Các đoạn trích trên đây trong Thư gởi BCT của Võ Văn  Kiệt từ:  https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-048/thu-vo-van-kiet-1995
3. Các ý kiến liên quan tới Thư của Võ Văn Kiệt: https://www.google.de/search dcr=0&source=hp&ei=i0pLWsjCNdLxkwXmm5HQDg&q=nguy%E1%BB%85n+trung+20+n%C4%83m+Th%C6%B0+g%E1%BB%ADi+B%E1%BB%99+ch%C3%ADnh+tr%E1%BB%8B&oq=nguy%E1%BB%85n+trung+20+n%C4%83m+Th%C6%B0+g%E1%BB%ADi+B%E1%BB%99+ch%C3%ADnh+tr%E1%BB%8B&gs_l=psy-ab.12…2014.71077.0.77344.76.57.6.3.3.0.316.7428.6j36j6j1.49.0….0…1c.1.64.psy-ab..18.51.6595…0j0i131k1j0i3k1j0i10k1j0i10i30k1j0i22i30k1j33i160k1j33i22i29i30k1j33i21k1.0.2zQMi8OFpeo
4. Thư của Võ Văn Kiệt bị lộ ra ngoài vào cuối năm 1995.
5. Nguyễn Trung, „Vì sao có thư của ông Võ Văn Kiệt?“, BBC 10. 8. 2015
6. Huy Đức, Chương XIX: Đại hội VIII, mục Vụ án Nguyễn Hà Phan
7. QPTD, số 12.95, tr.9
8. TCCS số 2, tháng 1. 96, tr.26
9. Nguyễn Đức Bình, „Xây dựng đảng về tư tửơng chính trị“,TCCS số 5, 3.99, tr. 9; Trần Thế Dương, tư duy của lãnh đạo đã đổi mới? Dân chủ & Phát triển (DC&PT) số 27,12.03, tr.8-13
10. QPTD số 1.96, tr.7
11. ND 13.3.96
12. Lê Khả Phiêu, ND 25.3.96
13. Đơn khiếu nại của bà Đặng thị Thanh Biên (vợ Hà Sĩ Phu) ngày 30 tháng 9 năm 1996;Hoàng Tiến, về việc ông Hà sĩ Phu bị bắt 6.11.96: http://www.hasiphu.com/